Nhớ người ở "miền cỏ phơi"

Thứ Sáu, 23/10/2009, 08:45

(Nhân đọc "Tuyển tập tác phẩm" của Trần Hòa Bình - NXB Hội Nhà văn, 2009)
Nhắc tới Trần Hòa Bình, dường như ai cũng có thể thuộc một vài câu thơ nào đó. Có thể là: "Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu/ Thêm một tiếng chim gù/ Thành ban mai tinh khiết" trong bài "Thêm một"; có thể là: "Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng quên/ Những đoá hoa sen ta hái về chậm trễ/ Ta yêu em mà không sao thưa được/ Sen ngủ trong bình em thức trong ta" trong "Bài hát ru hoa sen".

Riêng tôi, nhắc tới Trần Hòa Bình, tôi nhớ tới bài "Miền cỏ phơi" với những câu thơ ám ảnh: "Băng qua miền cỏ phơi/ Thấy mình là một ngôi sao lạc/ Có thể cháy lên, có thể chẳng là gì...".

Những ngày đầu tháng 9 này, gia đình và bạn bè đã có buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày Trần Hòa Bình mãi mãi đi xa. Nhiều kỷ niệm được gợi nhắc, và cuốn sách "Tuyển tập tác phẩm" của Trần Hòa Bình cũng chính thức được ra mắt.

1. Cuốn sách không gây "dư chấn" nào trong thị trường sách, nhưng nhiều người yêu văn chương khi nghe tin đã có cuốn "Tuyển tập tác phẩm" của Trần Hòa Bình đều muốn có được cuốn sách trên tay. Nhưng tôi phải nói ngay rằng, rất khó có thể tìm được cuốn sách này ở ngoài hiệu sách. Trên mạng, có độc giả đã viết: "Tôi đã lục tung cả phố Đinh Lễ mà không tìm thấy quyển sách này".

Đúng là không thể tìm thấy ngoài hiệu sách, không thể "mua" được cuốn sách, vì gia đình Trần Hòa Bình và những người bạn của anh đã làm cuốn sách này không phải để bán, mà như một cách nhớ về Trần Hòa Bình, nhân ngày giỗ đầu của anh. Cuốn sách dày 880 trang, khổ 16x24cm, được gia đình và bạn bè anh gấp rút tuyển chọn, biên tập, trình bày trong vòng 2 tháng. Gia đình quyết định chỉ in 400 cuốn, không đề giá bìa, để tặng cho bạn bè, đồng nghiệp của Trần Hòa Bình - những người lúc sinh thời, Trần Hòa Bình vẫn gặp gỡ chuyện trò mà chưa một lần ký tặng sách.

Nhắc tới Trần Hòa Bình, ai cũng nhớ đến bài thơ "Thêm một". Bài thơ ấy được viết năm 1985, khi Trần Hòa Bình còn đang dạy học ở Trường đại học Sư phạm 2 ở Xuân Hòa. Khởi nguồn bởi chiếc lá xà cừ vàng rơi xuống chạm đúng vào đầu, mà trái tim thi sĩ đã rung lên, với 2 câu thơ đầu tiên: "Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu…".

Bài thơ đã hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vài chục phút và sau đó ít lâu, bài thơ đã được nhiều người chép trong sổ tay, xuất hiện trong các tập thơ tình. Tôi nhớ, trong những lần gặp gỡ và trò chuyện với Trần Hòa Bình, anh bảo rằng nhiều bài thơ anh viết vô cùng vất vả. Có bài như là món quà trời tặng. "Thêm một" là một món quà như thế.

Và anh cũng không lý giải được vì sao, nhiều người thích và thuộc làu bài thơ ấy hơn những bài thơ khác của anh. Năm 2004, khi trực tiếp làm cuốn "Cõi yêu 99 nẻo vào" tuyển lại những tâm sự "Gỡ rối tơ lòng" cho độc giả báo Tiền Phong, Trần Hòa Bình đã chọn 9 bài thơ tình mà anh cảm thấy tâm đắc nhất.

Đó là: "Nhớ", "Người tình", "Dã quỳ tận thấy", "Thơ chiều", "Miền cỏ phơi", "Khúc mưa", "Chiếc kẹo", "Thêm một", "Phone". Là người biên tập cuốn sách này, tôi đã hỏi, đâu là bài thơ anh thích nhất trong 9 bài đó? Trần Hòa Bình tâm sự: "Hẳn là nhiều người sẽ nghĩ mình chọn bài "Thêm một", nhưng thực ra đó không phải bài thơ mình tâm đắc nhất trong số những bài đã viết. Tùy theo tâm trạng, mình sẽ chọn "Chiếc kẹo", "Miền cỏ phơi", hay "Bài hát ru hoa sen".

Nhưng Trần Hòa Bình đâu chỉ có "Thêm một", đâu chỉ có "Bài hát ru hoa sen". Anh là tác giả của ít nhất 150 bài thơ, như trong cuốn tuyển tập này đã giới thiệu. Khởi đầu với bài thơ "Hương lúa" được viết năm 1970, Trần Hòa Bình đã khép lại cuộc đời ngắn ngủi mà tài hoa của mình bằng bài thơ "Khâu Vai" viết năm 2007.

2. Đến ngày ra đi ở tuổi 53 (2008), Trần Hòa Bình chưa làm cho mình một tập thơ riêng. Đó là điều khác biệt giữa anh với hầu hết các bạn thơ cùng thế hệ. Khi có dịp ngồi cà phê hay uống rượu ở quán Xưa với anh, tôi (cũng như nhiều bạn bè anh) thường hối thúc anh ra tập thơ "đầu tay".

Lần nào cũng thấy Trần Hòa Bình cười cười bảo: "Thôi, ngại lắm. Chọn được một tập thơ cho thật ra thơ mất thời gian lắm. Nhưng rồi in xong, lại đi tặng cho hết, còn… mất thời gian hơn". Anh còn tiết lộ, anh e ngại cách ra thơ ào ào của các nhà thơ, anh không thích cách "đối xử" với thơ của nhiều người.

In thơ thì dễ, nhưng anh sợ làm phiền tới những người bị bắt phải đọc, anh sợ những tập thơ sẽ nằm phủ bụi trong một góc khuất nào đó. Vậy nên, người yêu thích thơ anh chỉ có thể gặp "Trần Hòa Bình thơ" trên những tập sách nhiều tác giả, qua mấy trang báo văn nghệ, có khi ở một tờ báo đồng rừng xa hút.--PageBreak--

Thực ra, tôi biết, Trần Hòa Bình không phải là người cực đoan đến mức khắc nghiệt như vậy. Con người thi sĩ đôi khi cũng trỗi dậy một ham muốn cầm trên tay một tập sách của riêng mình để tặng những bạn bè thân thiết, để ký tặng những độc giả yêu thơ một cách không vụ lợi. Và vì thế, anh từng nói với tôi, nếu đã in mình sẽ in thật đẹp, và chỉ chọn những bài thực sự ưng ý. Không cần dày, nhưng chắc chắn phải được thiết kế thật độc đáo.

Trần Hòa Bình là người duy mỹ, anh đặc biệt thích con số 9. Theo anh, con số 9 là biểu hiện sự sắp sửa tròn đầy, viên mãn. Trong công việc, anh là người cầu toàn. Khi làm cuốn sách "Cõi yêu 99 nẻo vào", Trần Hòa Bình đã rất chăm chút cho cuốn sách ấy. Nếu là người ham sở hữu những cuốn sách dày, thì hẳn với nhiều năm phụ trách chuyên mục "100 câu hỏi thường ngày" trên báo Tiền Phong (với bút danh Tầm Thư), hẳn anh sẽ tập hợp được thành cuốn sách dày ngàn trang có lẻ.

Nhưng không. Trần Hòa Bình đã chọn cách làm khác. Anh chia cuốn sách ra thành 5 phần, mỗi phần chỉ chọn 9 bài tiêu biểu nhất. Anh không muốn độc giả phải đọc một cuốn sách quá dày, với quá nhiều tâm sự theo kiểu "dạy khôn". Anh muốn độc giả cảm thấy nhẹ nhõm khi đọc cuốn sách của mình. Ngay cả khổ sách, anh cũng đề nghị tôi chọn khổ nhỏ, 11x19cm.

3. Nhưng Trần Hòa Bình không chỉ có thơ. Những di sản tinh thần mà anh để lại còn có những trang văn cho thiếu nhi, có phê bình tiểu luận, có nghiên cứu báo chí, có "gỡ rối tơ lòng", có những bức tranh minh họa đầy chất thơ, thậm chí anh còn vẽ cả tranh biếm họa. Cuốn "Tuyển tập tác phẩm" sắp xếp khá khoa học trong 6 phần riêng biệt đã giới thiệu được khá đầy đủ chân dung tinh thần của nhà thi sĩ tài hoa xứ Đoài.

Và bởi thế, cầm cuốn sách trên tay, người đọc có thể cảm nhận sức lao động miệt mài, nghiêm túc của một thầy giáo, nhà thơ, và hơn hết là một người đàn ông "một mình gà trống nuôi con". Cái sự tài hoa ấy, sinh thời anh vẫn đùa, bảo còn "thiếu" mấy bài hát nữa là "đủ bộ".

Điều tiếc nhất khi tôi cầm cuốn sách trên tay, có lẽ cũng trùng với thoáng tiếc nuối của Trần Ngũ Châu, em trai Trần Hòa Bình: Cuốn sách chưa thật sự đẹp. Cũng có thể do ít thời gian, có thể bởi một lý do nào đó, nên các bài thơ, truyện thơ đã cứ nối tiếp nhau, hết trang ở đâu ngắt dòng ở đấy.

Một số bài viết về Trần Hòa Bình của bạn bè, hay học trò anh chưa được lựa chọn kỹ. Nhiều bức ảnh kỷ niệm chưa phải là đặc sắc vẫn được in 4 màu trong sách. Và còn rất nhiều bức tranh do Trần Hòa Bình vẽ, đẹp hơn những tác phẩm đã in trong sách không được sưu tầm lại. Trần Ngũ Châu cũng đã tâm sự với tôi dự định bất thành với anh trai mình: làm một "album thơ" của Trần Hòa Bình.

Trong đó, chính Trần Hòa Bình sẽ chọn ra khoảng chục bài thơ ưng ý nhất, và với nghề nghiệp hiện nay của mình là làm ở một công ty truyền thông chuyên làm phim, Châu sẽ làm thành những video clip sinh động. Ở đó, Trần Hòa Bình là nhân vật, anh xuất hiện trong những khung cảnh  sương khói làng quê ở Bắc Giang, với chợ Âm phủ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, và tất nhiên, với rất nhiều hoa sen - loài hoa Trần Hòa Bình mê đắm nhất…

Và những bài thơ của Trần Hòa Bình sẽ vang lên trong không gian đó. Nhưng dự định đó đang được triển khai với rất nhiều ưng ý của Trần Hòa Bình thì anh đã đột ngột ra đi.

Bây giờ, có thể Trần Ngũ Châu sẽ sửa chữa, hiệu chỉnh cuốn "Tuyển tập tác phẩm" này để in lại và lúc đó, cuốn sách mới chính thức xuất hiện trên thị trường sách. Đồng thời Trần Ngũ Châu cũng muốn làm "tặng" anh trai mình một cuốn thơ khác, với tựa đề tạm đặt: "Trần Hòa Bình - 99 bài thơ tình".

Tôi ủng hộ ý tưởng ấy của Trần Ngũ Châu, bởi dường như nó phù hợp với tính cách Trần Hòa Bình hơn. Và có thể, đó cũng trùng khít với ý nguyện thẳm sâu của Trần Hòa Bình

Nguyễn Thanh Bình
.
.