Nhìn thẳng vào nỗi đau

Chủ Nhật, 22/10/2017, 08:21
Sau cơn lở đất kinh hoàng tại xóm Khánh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hoà Bình) mới đây, người ta đã tìm ra thi thể một người mẹ đang ôm một đứa con nhỏ 3 tháng tuổi trong vòng tay của mình. Một chiến sĩ trong tổ tìm kiếm kể lại: "Khi phát hiện ra, nhìn thấy cảnh tượng mẹ cháu vẫn đang cắp nách đứa con trai mà chúng tôi không kìm được xúc động. Ai cũng chảy nước mắt".


Thiên nhiên tàn bạo quá. Vụ sạt lở đất xảy ra đột ngột. Nó xảy ra vào lúc 1 giờ sáng, khi 4 hộ gia đình cùng hàng chục nhân khẩu của xóm Khánh đang chìm sâu vào giấc ngủ. Trong hoàn cảnh như vậy thì đúng là không có bất cứ một cơ may thoát nạn nào. 

Mười tám nạn nhân đã vĩnh viễn nằm sâu trong lớp đất dày mà sau đó người ta đã phải dùng tới 4 máy xúc, 1 máy khoan cắt đá mới tìm ra được những thi thể. Và trong những thi thể ấy có một người mẹ, một đứa con thơ. Người mẹ trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình vẫn ôm chặt đứa con thơ. Và đứa bé ấy, bằng vô thức của một sinh linh bé bỏng có lẽ cũng quắp chặt vào cơ thể ấm nóng của mẹ mình. 

Ai trong chúng ta cũng đều là con của một bà mẹ. Và phần lớn chúng ta cũng đều trở thành bố/mẹ của những đứa con. Chúng ta hiểu, chúng ta đau đớn khi chứng kiến thiên nhiên đã cướp đi những người mẹ và những đứa con theo cách ấy: đột ngột, dữ dội, khủng khiếp, hung tàn.

Tôi cố nhìn vào bức hình chụp thi thể người mẹ đang ôm chặt đứa con theo lời khuyên của nhà thơ Bình Nguyên Trang, và tôi chợt nhớ đến một bộ phim đã từng lấy đi rất nhiều nước mắt của mình. Bộ phim ấy - "Đường Sơn đại địa chấn" kể về vụ động đất khủng khiếp ở Đường Sơn (Trung Quốc) năm 1976 - một trong 10 trận động đất lớn nhất trong lịch sử loài người. Bộ phim đặt ra một tình huống thật kinh khủng: Khi vụ động đất trôi qua, một người mẹ phải chứng kiến cảnh một tấm bê tông lớn đang đè lên cả đứa con gái đầu lòng lẫn đứa con trai thứ hai của mình. Mỗi đứa ở một đầu bê tông. Và thế là những người cứu hộ hét vào tai bà mẹ:

- Chị phải chọn lựa nhanh lên, cứu đứa con trai hay con gái?

- Tôi muốn cứu cả hai đứa!

- Không thể cứu cùng lúc hai đứa được. Chỉ có thể bênh một đầu bê tông lên để cứu một đứa, và đầu bê tông còn lại sẽ đè chết đứa kia. Chị phải chọn nhanh lên, không thì một đứa cũng không kịp.

Lúc ấy, bà mẹ gào lên trong cơn điên loạn:

- Cứu đứa con trai!

Kết quả: Cậu con trai được cứu. Nhưng sau đó, khi tất cả mọi người rời bỏ hiện trường thì một phép mầu đã xảy ra: Đứa con gái cũng thoát khỏi tấm bê tông. Thoát nạn, cô gái ấy đi như mộng du trong cơn mưa, trong nỗi căm hận bà mẹ tột cùng. Bà mẹ vẫn không hề biết cô thoát nạn, nên ngày ngày vừa cố gắng nuôi đứa con trai khôn lớn, vừa không quên thắp hương lên bàn thờ - nơi có di ảnh con gái mình.

Cô con gái được nhận làm con nuôi trong một gia đình khác. Cô lớn lên trong sự lầm lỳ tội nghiệp. Và cô lớn lên trong nỗi căm hận giấu kín về người mẹ đẻ của mình ngày xưa. Nỗi căm hận ấy tưởng như vĩnh viễn không bao giờ nguôi ngoai được. Cho đến một ngày nọ, khi cô tham gia một đội cứu hộ tình nguyện cũng sau một cơn động đất ở Đường Sơn, và tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ như tan nát lòng của một bà mẹ mất con thì cô mới chạnh nhớ đến người mẹ ngày xưa của mình...

Tìm gặp lại người mẹ ấy, cô chợt phát hiện ra một sự thật: Hàng chục năm đã qua, dù tin rằng con gái mình đã chết thì mỗi năm, cùng với việc mua những bộ sách giáo khoa cho cậu con trai, người mẹ cũng đồng thời mua những bộ sách giáo khoa cho cô con gái. Bà vẫn mua những bộ sách giáo khoa cho một đứa con mà hằng ngày bà vẫn thắp hương tưởng niệm. Đấy là một chi tiết cực đắt, nói với chúng ta tất cả những đau đớn, những hy sinh, những mất mát, những hy vọng của một tấm lòng người mẹ. Tôi nhớ là khi bộ phim kết thúc thì toàn bộ những người xem phim đã khóc - họ khóc cho một thứ tình mẫu tử mà để có một cái kết trọn vẹn thì rốt cuộc cũng đã phải trải qua cả một vực thẳm gian truân.

Còn  trong bức hình gửi về từ xóm Khánh (Hoà Bình) mà tôi nhìn thấy, người mẹ trẻ và đứa con 3 tháng đều đã không còn nữa. Chúng ta biết phải nói gì về một tình mẫu tử thiêng liêng nhưng đau đớn trong hoàn cảnh này đây?

Không! Ngôn ngữ của chúng ta bất lực trong những hoàn cảnh này! Nhưng chúng ta có quyền đặt ra những câu hỏi: Những đợt sụt lở đất kinh hoàng đến từ đâu? Có cách nào để hạn chế đến mức tối thiểu không?

Đã đành mọi thiên tai đều đến từ ông trời, nhưng nếu chúng ta không phá rừng bừa bãi, nếu một bộ phận nào đó những người có trách nhiệm trông coi, bảo vệ rừng, nhất là những khu rừng đầu nguồn không nhắm mắt với hành động của những tên lâm tặc có tổ chức thì ông trời có nổi giận nhiều và khủng khiếp như thế này không?

Quả thực, nhìn bức ảnh hai mẹ con đã trở thành hai con người ở bên kia cõi sống, lòng chúng ta đau quặn lại! 

Phan Đăng
.
.