Nhìn lại và tri ân

Thứ Sáu, 24/12/2010, 10:19
Đọc chuyên luận "Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của Lê Thị Bích Hồng - NXB Hội Nhà văn, 2010.

Dĩ nhiên một chuyên luận nghiên cứu được thoát thai từ một luận án tiến sĩ theo yêu cầu của khoa học học đường không thể đủ điều kiện ôm chứa toàn bộ nền thơ ca Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Cho nên, như một sự lựa chọn có chủ ý ngay từ đầu, người viết chuyên luận đã tự giới hạn mấy điểm: 1) Về tính chất: Loại thơ góp phần thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ; 2) Về không gian: Chủ yếu là thơ của các nhà thơ miền Bắc; nếu ở miền Nam thì đó là thơ của các nhà thơ cách mạng hoặc yêu nước; 3) Về thời gian: Từ 1964 đến 1975 (kéo dài âm hưởng sau 1975 ít năm, trước khi bước vào Đổi mới 1986). Sự lựa chọn này cho phép người viết chuyên luận có điều kiện chuyên tâm vào một khu vực thơ ca có tính chủ đạo, cơ bản giai đoạn này: Nền thơ ca chống Mỹ. Cách lựa chọn như vậy thật mạch lạc và rõ ràng về mặt đối tượng nghiên cứu.

Vì thế, chuyên luận đã tạm trừu xuất một số hiện tượng thơ ca được xem là "ngoài luồng" ở miền Bắc và bộ phận thơ ca đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Nói như vậy, để tránh một đòi hỏi không thích hợp nếu ai đó lại yêu cầu chuyên luận đề cập tới cả các hiện tượng trên. Công việc nghiên cứu cho phép người nghiên cứu có quyền trừu xuất để khu biệt với một yêu cầu không quên toàn cảnh, nơi mà nó cộng sinh với các bộ phận, hiện tượng thơ ca khác.

Trên một tinh thần như vậy, chuyên luận của Lê Thị Bích Hồng đã rất có ý thức đặt nền thơ ca kháng chiến chống Mỹ trong cái nhìn lịch sử. Từ đó, chuyên luận khẳng định thơ chống Mỹ vừa "kế tục và phát triển dòng thơ yêu nước trong dạng thức trữ tình sử thi" lại vừa nằm trong "tiến trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc". Điều đáng ghi nhận ở đây, tác giả công trình đã chứng minh một cách thuyết phục rằng tuy nó kế thừa những thành tựu thơ ca trước đó (thơ trước 1945, thơ ca chống Pháp), nhưng thế hệ các nhà thơ chống Mỹ đã làm nên một hệ thống thi pháp thơ của riêng mình. Hệ thống thi pháp này được biểu hiện ra ở một số phương diện cơ bản thuộc về nội dung và hình thức nghệ thuật. Tác giả đã nhận diện những dạng thức chính của cái tôi trữ tình (cái tôi sử thi, cái tôi thống nhất riêng chung, cái tôi thế hệ, cái tôi phi sử thi), từ đó nêu lên một số hình tượng tiêu biểu và một số khuynh hướng chính xét theo loại cảm hứng. Ở những vấn đề vừa nêu trên, tác giả rất có ý thức bao quát toàn cảnh diện mạo thơ ca lúc bấy giờ trong khu vực thơ chống Mỹ. Như chúng ta biết, bên cạnh âm hưởng sử thi hào hùng được xem như dòng chủ lưu, còn có những vần thơ nói theo cách nói hôm nay là "ngoại biên", "phi trung tâm" được gọi là những chi lưu. Nếu vì một định kiến nào đó, người viết rất có thể dễ rơi vào tình trạng "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Nhờ một thái độ khoa học điềm đạm, tác giả đã không chỉ biết đến dòng thuận chiều mà bỏ qua những âm hưởng "nghịch chiều" lúc bấy giờ. Để chứng minh cho điều này, tác giả đã tiếp xúc với những di cảo của nhà thơ Lưu Quang Vũ (sau này đã được công bố khá nhiều) và phân tích nó một cách thỏa đáng. Dĩ nhiên, bộ phận "nghịch âm" còn nhiều hơn thế nữa. Thí dụ, ở miền Bắc lúc bấy giờ, có lẽ không nên quên những hiện tượng thơ chứa nhiều u uẩn và trăn trở cũng thuộc loại "đồng bệnh" với Lưu Quang Vũ như Phùng Khắc Bắc… chẳng hạn.

Khi khẳng định rằng nền thơ chống Mỹ đã có một hệ thi pháp của riêng mình, nghĩa là không thể không nói đến phương diện hình thức nghệ thuật. Bởi điểm đến cuối cùng của thi pháp tức là phải đưa ra một hình thức nghệ thuật mới. Người nghiên cứu đã thấm nhuần tinh thần ấy, nên trong chuyên luận đã dành hẳn một chương bàn về "Xu hướng tự do hóa hình thức và sự đa dạng trong giọng điệu thơ". Điểm nhấn của chuyên luận ở phần này là khảo vào thơ tự do và trường ca. Thơ tự do thời này đã khác nhiều so với thơ tự do thời chống Pháp, mà tiêu biểu là thơ của Phạm Tiến Duật. Theo tôi nghĩ, chỉ một mình "thơ Trường Sơn" của Phạm Tiến Duật cũng đã đủ hiện lên một thứ thi pháp mới độc đáo chưa từng có.

Giá như người viết nhấn mạnh thêm và tự tin khẳng định vấn đề này thì chuyên luận có trọng lượng hơn. Thể loại trường ca cũng phát triển nở rộ, nhất là những năm ngay sau hòa bình 1975 với hàng loạt tên tuổi như Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo… và ngày càng mang tinh thần "đa thanh", hiện đại.

Về nền thơ ca chống Mỹ cũng đã có không ít các công trình, tiểu luận lớn nhỏ nghiên cứu về nó, với những ý kiến không phải lúc nào cũng thuận chiều, nên rất cần được tiếp tục nghiên cứu. Vả lại, nếu đặt bộ phận thơ chống Mỹ-đối tượng nghiên cứu của chuyên luận trong toàn bộ nền thơ ra đời trong giai đoạn chống Mỹ thì còn rất nhiều chuyện cần nghĩ tiếp. Tuy nhiên, những gì mà công trình đạt được đã giúp người đọc hình dung khá rõ nét diện mạo cũng như tầm vóc của một nền thơ chống Mỹ vạm vỡ, có khuôn dạng riêng, có đóng góp thực sự vào tiến trình thơ ca dân tộc.

Tác giả Lê Thị Bích Hồng có một người cha đã hy sinh trong chiến trường những năm chống Mỹ. Thì ra, trong con đường học vấn của mình, tác giả vẫn đau đáu một "món nợ lòng" thăm thẳm đối với người cha của mình, rộng ra là đối với những người con của dân tộc đã hy sinh máu xương cho Tổ quốc. Công trình của chị hiện lên không phải là một thứ khoa học lạnh lùng, mà ẩn trong bề sâu là những nghĩa tình nồng đượm

Văn Giá
.
.