Nhân lễ hội Đền Hùng 2014: Về nghe xoan ghẹo ở làng

Thứ Ba, 15/04/2014, 08:00
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình). Từ thuở xưa, người Văn Lang đã tổ chức hát Xoan vào mùa Xuân để đón chào năm mới. Trong các dịp lễ hội, các điệu hát thờ cúng các Vua Hùng, thờ cúng thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa, cầu may mắn sức khỏe, hát giao duyên nam nữ… đã được một số nơi bảo tồn gìn giữ và không ngừng đổi mới, phát triển cho phù hợp từng giai đoạn lịch sử...

Càng đến gần ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), không khí ở hầu khắp các làng quê của tỉnh Phú Thọ càng trở nên nhộn nhịp. Nhà nhà, người người háo hức mong được đi hội, được thành tâm thắp nén nhang tưởng nhớ công đức các Vua Hùng. Năm nay người dân Phú Thọ càng vui hơn, khi hát xoan và nghi lễ thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Công việc bảo tồn, phát triển và truyền bá di sản trong cộng đồng được tỉnh xác định là trách nhiệm của mọi người dân. Vì thế không khí tập luyện trình diễn hát Xoan, hát Ghẹo của nông dân các làng xã đang thành phong trào, rất sôi nổi.

Dịp Tết vừa rồi tôi về quê, chiều mồng 2 mẹ tôi bảo: "Tối nay câu lạc bộ văn nghệ của thôn biểu diễn mừng Xuân, họ mời, anh lên một tí. Nhớ mang tiền đóng góp, nhiều ít thì tùy".

Tôi nghe hơi bất ngờ, hàng chục năm nay ở xã có đội văn nghệ nào đâu, mà giờ được mời đi xem biểu diễn? Nhớ cách đây khoảng bốn chục năm, quê tôi phong trào văn nghệ rôm rả lắm. Xã có đội kịch diễn hẳn hoi, mà diễn rất hay. Tôi còn nhớ như in những đêm văn nghệ diễn ở sân kho hợp tác, đông chật kín người xem, những vở diễn "Tấm Cám", "Quan âm Thị Kính", "Tống Trân - Cúc Hoa", "Lưu Bình - Dương Lễ"… Đến những vở chèo mới tự biên, tự diễn ca ngợi quê hương vừa sản xuất, vừa đánh giặc, đã tạo nên một không khí, tinh thần lạc quan cho người dân, mặc dù thực tại đời sống lúc đó còn vô vàn khó khăn. Những diễn viên như anh Phiệt, anh Tích, chị Đìn, chị Chắc, anh Hiền… hát  hay múa giỏi, lại mẩy trò, đã in vào ký ức bao lớp người ở quê tôi hồi đó. Về sau đội văn nghệ bỗng dưng giải tán, có người theo nghiệp bằng cách đi học, rồi ra hoạt động ở các đoàn nghệ thuật. Bây giờ sau mấy chục năm, những diễn viên ngày ấy giờ chỉ còn lại vài ba người, còn hầu hết đã ra người thiên cổ rồi.

Mấy anh em tôi lên nhà văn hóa khu. Mới bảy giờ tối mà đã chật kín người, phải nói người dân quê tôi rất mê văn nghệ. Ở phòng phía trong các diễn viên đang lo trang điểm, nhộn nhịp cứ ngỡ như một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Các em, các cháu diễn viên ở làng vốn đều là nông dân thuần túy, quanh năm đánh vật với cánh đồng chiêm, với đồi gò sỏi đá, giờ đây có dịp trang điểm son phấn, trông ai cũng xinh đẹp, khác hẳn. Ông Trùm Lê Văn Chê cứ chạy đi chạy lại sốt sắng chỉ đạo.

Tiết mục hát Xoan của CLB dân ca xóm Chùa, xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ.

Anh Chê cho biết, câu lạc bộ có tất cả 38 người, cao tuổi nhất là 78, nhỏ nhất là 25. Cả tháng trước Tết rét đậm, rét hại, gặp thời tiết ấm lên nhà nào cũng phải lo cấy cho kịp thời vụ, nên anh chị em chưa tập được tiết mục mới. Hôm nay, diễn lại các tiết mục sẽ đem dự liên hoan ở Lễ hội Hùng Vương 2014. Đây là các tiết mục hát Xoan, hát Ghẹo, hầu hết là cổ mới được sưu tầm và dàn dựng, cách thức biểu diễn đều theo lối cổ.

Chợt nghĩ, làng tôi nằm bên hữu ngạn sông Thao giữa một vùng đất cổ, phía trên có Đền Mẫu Âu Cơ, phía Đông là khu di tích Đền Hùng chỉ cách hai chục cây số đường chim bay, làng mạc cư dân ở đây được xem là tồn tại từ rất lâu đời. Những phong tục tập quán, giá trị văn hóa miền đất Tổ được hình thành từ lúc khởi nguồn, qua năm tháng thăng trầm cùng lịch sử đã mai một dần, giờ còn lưu lại rõ nhất là các hoạt động lễ hội ở các địa phương để tưởng nhớ công lao các vị thành hoàng làng, vốn đều là các lạc hầu lạc tướng của các Vua Hùng, mà tâm điểm là Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng. Trong các lễ hội khi xưa thì hát Xoan, hát Ghẹo là một nội dung không thể thiếu.

Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình). Từ thuở xưa, người Văn Lang đã tổ chức hát Xoan vào mùa Xuân để đón chào năm mới. Trong các dịp lễ hội, các điệu hát thờ cúng các Vua Hùng, thờ cúng thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa, cầu may mắn sức khỏe, hát giao duyên nam nữ… đã được một số nơi bảo tồn gìn giữ và không ngừng đổi mới, phát triển cho phù hợp từng giai đoạn lịch sử.

Dù chưa xem đội văn nghệ làng diễn buổi nào, nhưng có anh Trùm Chê đứng ra lo thì tôi tin, vì tôi biết anh vốn là dân hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, từng tốt nghiệp đạo diễn sân khấu từ rất sớm. Do có năng khiếu nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lê Văn Chê được tuyển đi học làm diễn viên, sau đó về Đoàn Chèo tỉnh Vĩnh Phú (cũ) biểu diễn nhiều năm. Tôi cũng đã được xem anh biểu diễn nhiều lần. Rồi thời gian anh về Hà Nội học đạo diễn sân khấu, anh em cũng thường gặp nhau. Những năm ấy còn nhiều khó khăn, chỉ có lòng đam mê với nghề đã khiến anh vượt qua tất cả, để có được một vốn liếng tri thức, kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật phục vụ sau này. Cũng do năng lực đạo diễn, tổ chức mà anh được phân công làm Giám đốc Nhà trung tâm văn hóa của tỉnh, chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa cho đến khi nghỉ hưu về quê nhà.

Anh bảo: "Năm năm về hưu cũng là năm năm nằm im, xa rời hẳn nghệ thuật, tưởng không bao giờ làm nữa, giờ lại có yêu cầu, mình không thể chối được". Thì ra, sau khi di sản hát Xoan và nghi lễ thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản thế giới, tỉnh Phú Thọ đã có cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát triển. Tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai yêu cầu tất cả các địa phương phải tổ chức các hoạt động sưu tầm, dàn dựng nhằm phục hồi lại lối diễn, lối hát truyền thống của ông bà ta xưa, vừa nhằm bảo tồn, vừa để tuyên truyền lan tỏa ra cộng đồng. Đây là việc làm khó. Khó vì không có người có chuyên môn, kinh nghiệm thì không thể làm được, khó thứ nữa là phải có kinh phí, ít ra phải có tiền để may trang phục, và cuối cùng là phải có diễn viên có năng khiếu hát múa được, mà số người này vốn toàn là dân nông thôn, làm nông nghiệp, không dễ gì lựa chọn, tập hợp. Thế mà ông Trùm Chê đã làm được. Bí quyết ở chỗ anh biết động viên, biết truyền niềm đam mê vào dàn diễn viên mà anh tin tưởng, rồi từ đó miệt mài hướng dẫn, truyền nghề cho họ.

Anh nói với tôi: "Mình không nhận lời thì thôi, đã nhận phải làm có kết quả chất lượng, vì danh dự của mình nữa". Quả thực do các tiết mục biểu diển có nhiều sáng tạo, có tính chuyên nghiệp cao, mà Câu lạc bộ này đã được tham gia liên hoan các câu lạc bộ Xoan ghẹo của tỉnh Phú Thọ chào mừng Lễ hội Hùng Vương năm 2014.

Từ xa xưa, những người hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Câu lạc bộ này giờ thành lập theo đúng cách ngày xưa, cũng chỉ gồm những người ở Khu xóm Chùa, xã Đồng Lương do ông Trùm Lê Văn Chê đứng đầu. Y phục nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Mở đầu là các tiết mục theo thứ tự nhất định, có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng… Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi, theo thứ tự: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách, gọi là hát quả cách. Chương trình biểu diễn của câu lạc bộ gồm 16 điệu hát, không chỉ có lời ca cổ mà xen cả lời mới như: "Trồng nhiều chuối ngọt, chè thơm", các tiết mục nói về đề tài thương binh, liệt sĩ; người phụ nữ Việt Nam, về chống bạo lực gia đình… Mỗi tiết mục đều gắn với một đội múa, đã thực sự khiến người xem xúc động. Sự xúc động lan tỏa từ tâm thế, tâm trạng của người hát, người múa, hồn nhiên không một chút mầu mè, thậm chí đôi khi các động tác còn chưa thuần thục, còn ngượng nghịu, ấy vậy mà vẫn đi vào lòng người.

Ví như tiết mục "Bắt ốc" gồm một người diễn xướng cùng đội nam nữ đeo giỏ múa hát theo: "Là cái giỏ lắc lư/ Em lên rừng bứt quả Bứa chua/ Em lội xuống khe bắt con ốc lặn/ Bắt con ốc lội/ Em cho vào giỏ/ Em đem về nhà nhóm lửa nấu sôi/ Em múc lên loa/ Em xới lên bát/ Em hát chí cha là cha chí chút". Lời hát  cùng với điệu múa bắt ốc gần gũi với công việc hàng ngày của người dân vùng đồng chiêm trũng. Hoặc bài hát "Se chỉ vá may" do anh Minh, chị Hòa trình bày với ca từ cổ đi vào lòng người "Chỉ là chỉ se/ ố rằng í i se chỉ/ Ta bớ ru hời/ Rằng ta í i ru hời/ Qua nọ chỉ se… Chỉ là chỉ se/ Em thêu con chim phượng/ rằng bớ ru hời…". Qua đó vừa thấy được sự đảm đang của người phụ nữ, họ gửi gắm những tình cảm, tâm sự thầm kín của mình trong mỗi công việc. Còn tình tứ và sâu sắc nhất có lẽ là tiết mục "Đố hoa" thể hiện tình yêu nam nữ bắt nguồn từ lao động sản xuất. Đây là màn hát đối giữa nam và nữ, cùng tốp múa phụ họa.

Bên nam hát: "Anh đố em biết huê gì nở trên rừng bạc bội ?/ Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?/ Anh đố em biết huê gì nở bảy tám lần chông?/ Anh đố em biết huê gì nở mùa đông vàng trắng vàng?. Bên nữ đáp: "Anh đã đố thời em sẽ giảng/ Anh chẳng biết thời em giảng cho anh nghe: Huê sim, huê mua nở trên rừng bạc bội/ Nhược bằng huê lúa nở nội đồng không/ Nhược bằng huê dứa nở bảy tám lần chông/ Nhược bằng huê cải nở mùa đông vàng trắng vàng…".

Khi mỗi mùa Xuân về trên quê hương đất tổ của các Vua Hùng, những điệu hát Xoan, Ghẹo lại cất lên nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên, và để các thế hệ hôm nay thêm tự hào về giá trị văn hóa miền đất cội nguồn. "Ai có về Phú Thọ/ Nhớ về tháng Xuân viếng cùng mộ Tổ/ Câu Ghẹo, câu Xoan vẫn thúc gọi mời". Cùng với nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, chắc chắn Phú Thọ sẽ mãi là mảnh đất thiêng, hấp dẫn, để con dân nước Việt và du khách năm châu tìm về

H.V.T.
.
.