Nhân Triển lãm logo lần đầu tiên ở Việt Nam: LOGO kể chuyện

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:55
Lần đầu tiên ở Hà Nội đã diễn ra cuộc triển lãm logo Việt Nam 2018 quy mô lớn. 60 họa sĩ thiết kế logo chuyên nghiệp trong cả nước đã hội tụ với hơn 500 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm logo đã đồng hành cùng doanh nghiệp trên dưới 30 năm.


Đây cũng là lần đầu tiên, công chúng có dịp được gặp gỡ và trao đổi với các tác giả của những logo nổi tiếng, những người đã thiết kế nhận diện những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như logo: Petrolimex, Việt Nam Airlines, Đường sắt Việt Nam, Bộ Y tế, Thanh tra Việt Nam, Du lịch Việt Nam 2011-2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec... để cùng hiểu rõ hơn về nền mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam.

Câu chuyện của logo là một câu chuyện vô cùng thú vị thuộc về mỹ thuật ứng dụng. Hội họa thị trường có thể hẹp nhưng với mỹ thuật ứng dụng gắn với đời sống hiện đại nó có biên độ rộng hơn rất nhiều và có ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là xã hội hiện đại. Logo đóng góp vai trò quan trọng trong nhận diện thương hiệu.

Trong xã hội hiện đại, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với hàng trăm biểu tượng, logo, nhãn hiệu... có xuất xứ từ khắp mọi miền đất nước và trên toàn thế giới. Có thể nói, đây là những tác phẩm đồ họa đặc sắc, tham gia tích cực vào đời sống sinh hoạt và văn hóa của nhân loại.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nền kinh tế càng phát triển thì thiết kế logo càng trở thành một nghề "hot", một công việc thú vị, hấp dẫn và thách thức sự sáng tạo đối với các họa sĩ trong quy trình xây dựng thương hiệu cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp. Hiện nay, các họa sĩ trong nước đã sáng tác hàng trăm nghìn logo, nhãn hiệu cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, tạo nên những thành quả đáng quý đóng góp cho xã hội và trở thành một phần không nhỏ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Tại triển lãm logo vừa diễn ra, lần đầu tiên khán giả được tận mắt khám phá và chiêm ngưỡng hơn 500 tác phẩm logo tiêu biểu, trong đó có những logo đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế, đã đồng hành với nhãn hiệu của đơn vị trên dưới 30 năm. Các tác phẩm logo "sống cùng năm tháng" tại triển lãm đã thể hiện diện mạo của một loại hình đồ họa nằm trong bức tranh tổng thể của nền mỹ thuật Việt Nam.

Tại đây, bên cạnh việc chiêm ngưỡng tác phẩm, điều thú vị nữa khi đến với triển lãm, khán giả cũng sẽ được ngắm những logo nổi tiếng và biết tên, gặp gỡ những nhà thiết kế thầm lặng đã sáng tạo nên nó cùng rất nhiều câu chuyên thú vị xoay quanh quá trình thai nghén ý tưởng cho tới khi một chiếc logo thương hiệu được hình thành hoàn chỉnh.

Khán giả còn được giao lưu, trò chuyện thú vị với các họa sĩ là tác giả của những logo nổi tiếng đi cùng năm tháng như họa sĩ Nguyễn Duy Lẫm với logo bao bì xuất khẩu, họa sĩ Vũ Hiền với logo Petrolimex; họa sĩ Nguyễn Văn Thân với logo Vietnam Airline; họa sĩ Nguyễn Thủy Liên với logo Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, họa sĩ Lê Huy Văn với logo Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Phụ nữ, họa sĩ Lê Tiến Vượng với logo Thanh tra Việt Nam…

Ngoài việc thưởng lãm các tác phẩm logo đi cùng năm tháng, ban tổ chức đã tổ chức một buổi tọa đàm về logo, giúp công chúng hiểu rõ hơn về việc thiết kế logo và các vấn đề mà họa sĩ phải đối diện trong thời đại toàn cầu hóa.

Tại đây, khán giả cũng có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn diện mạo của ngành mỹ thuật ứng dụng, cụ thể là thiết kế logo, nhận diện thương hiệu. Dưới góc nhìn của tín hiệu học, logo là tín hiệu thị giác đại diện cho chủ thể như địa phương, tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ. Dưới góc độ mỹ thuật, logo thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật đồ họa với ngôn ngữ tối giản về đường nét, hình, màu sắc sao cho vừa hài hòa, dễ nhận biết. Một logo được coi là đẹp cần bảo đảm tính đại diện, tính thẩm mỹ và tính nhận biết.

 Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện nhanh với các họa sĩ và ban tổ chức của cuộc triển lãm logo 2018 độc đáo này:

Ông Hồ Trọng Minh, thành viên BTC triển lãm:

 Logo là những tác phẩm đồ họa đặc sắc tham gia tích cực vào đời sống sinh hoạt và văn hoá của nhân loại. Điều đó cho thấy đây là một triển lãm đáng để công chúng đến xem và "nghe các logo kể chuyện".

Việc khó nhất trong triển lãm logo là số lượng các tác giả chuyên thiết kế logo không nhiều. Tất cả các logo trong triển lãm đều có tác giả là người Việt Nam, hầu hết các mẫu đều cho Việt Nam, tuy nhiên có những mẫu thiết kế có yếu tố quốc tế (nhất là các doanh nghiệp hoặc các dự án từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). So với quốc tế, việc thiết kế logo của Việt Nam mới chỉ ở mức độ trung bình về mặt hình tượng. Về tạo hình và phong cách đồ họa thì còn khá rườm rà. Đây cũng là xu hướng thẩm mỹ của Việt Nam, không chịu được cái gì đó quá rành mạch, quá đơn giản hoặc quá trực tiếp.

Trần Hoài Đức - họa sĩ thiết kế đồ họa

Dưới góc nhìn của ký hiệu học, logo là tín hiệu thị giác tạo nên Thế giới Văn hóa của nhân loại (trong phạm trù văn hóa, chúng ta có thể hiểu rộng ra logo là những hình ảnh, biểu tượng như: Nhà thờ, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay… hay như một nhân vật siêu nhân cho đến những logo thương mại chúng ta gặp hàng ngày). Logo là một hình ảnh mà ở đó có tích hợp được những giá trị tinh thần của con người. Do vậy, để hiểu logo quả thật là một vấn đề không dễ dàng gì.

Logo là tín hiệu thị giác cô đọng và tối giản nhất, nó cần nén trong mình một lượng thông tin đủ mạnh, một hình thức đủ khác biệt, một vẻ ngoài thân thiện để vượt qua một môi trường thông tin đang bão hòa để đến và ở lại với tâm trí của người nhìn. Do vậy tiêu chí đặt ra hàng đầu của logo là phải đơn giản và designer phải nỗ lực rất nhiều với chính mình và khách hàng để đưa ra một giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Là họa sĩ thiết kế cần phải biết rằng, cũng giống như sự phát triển của ngôn ngữ, logo cần có sự kế thừa hình ảnh, kế thừa các quy ước ngầm về ý nghĩa hình thành trong quá trình giao tiếp bằng hình ảnh của con người trong những vùng văn hóa cụ thể.

Họa sĩ thiết kế logo được hiểu nôm na là người dịch từ VĂN VIẾT sang VĂN HÌNH. Do bản chất của logo là một thực thể thị giác được tiếp nhận thông qua sự LIÊN TƯỞNG, cho nên logo có thể được hiểu thêm ý nghĩa ở những cấp độ khác nhau tùy thuộc vào phông văn hóa của người tiếp nhận. Hay nói cách khác, người tiếp nhận đã tương tác, đóng góp cho logo những giá trị nhất định. Nhưng ở đây designer cần giữ vai trò chủ động trong việc sáng tạo ra những tín hiệu thị giác mang tính gợi mở, khai phá và tạo cảm xúc cho người tiếp nhận, hướng người nhìn đến những giá trị tích cực, tránh hiểu lầm, sai lạc…

Họa sĩ thiết kế logo phải là người bắt được hơi thở của thời đại, hiểu được cội nguồn và hành trình của văn hóa để đưa ra được những giải pháp sáng tạo tốt nhất, mang tính thẩm mỹ cao cũng như những thông điệp và thông tin giá trị cho hình ảnh logo của mình.

Bằng chuyên môn sâu của mình, quá trình làm việc của một designer là quá trình tranh đấu, sáng tạo đồng thời cũng là quá trình cải thiện trình độ thẩm mỹ của khách hàng (thậm chí là giáo dục thẩm mỹ cho khách hàng) nhằm mục đích đưa ra xã hội những sản phẩm tốt nhất đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và đóng góp những giá trị thẩm mỹ cho môi trường thị giác.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng

Chỉ có mấy năm gần đây khi mà các tỉnh, thành, thị xã, quận, huyện… đua nhau mở cửa kêu gọi đầu tư các khu công nghiệp, du lịch… thì họ mới quan tâm xây dựng logo và hệ thống nhận diện riêng, và nhiều cuộc thi đã được tổ chức nhằm tìm ra tác phẩm đúng, đẹp nhất để làm nhận diện…

Và vấn đề tiếp sau là cái giá cho mỗi logo được chọn thì vẫn quá rẻ, chỉ loanh quanh 2 hay 3 chục triệu, hiếm lắm mới được 50 triệu, chỉ tương đương ca sĩ có danh hát 2 bài. Đã có chương trình ra mắt logo của một thị xã chi trả cho phần tổ chức và văn nghệ là 80 triệu mà logo đoạt giải có 30 triệu… nếu so với các cuộc thi ầm ĩ khác như thi  "tài năng và sắc đẹp" thì các cuộc thi logo có vẻ chỉ như "ném đá ao bèo"… logo có thể nói là nhân tố quan trọng, đầu tiên để làm chiến lược thương hiệu truyền thông nhưng ngay cả nhiều cơ quan truyền thông cũng lơ mơ và không ý thức được về chuyện này, nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng không có logo và cũng không có bộ nhận diện đúng nghĩa…

Cũng vì điều đó mà Triển lãm logo Việt Nam 2018 là nơi hội tụ các anh tài, là nơi hội ngộ của 3 miền trong một sân chơi "kết nối và liên kết" cùng nhau nắm tay, cùng nhau xây dựng chiến lược "truyền thông" cho chính mình thông qua cuộc hội thảo lần đầu được lắng nghe từ nhiều phía. Triển lãm lần này cũng muốn nghe kinh nghiệm từ các nhà thiết kế trao đổi với đại diện nhiều đơn vị sử dụng logo cách giữ gìn, hoàn thiện nhận diện hình ảnh và hiểu rõ hơn giá trị to lớn mà các logo, các thương hiệu có được, khi được chuyên nghiệp hóa…

Trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0, nơi mà truyền thông đóng vai trò then chốt, nơi mà để thành công phải khác biệt thông minh và táo bạo, nơi mà giữa hàng triệu cái tên, hàng triệu dáng hình và màu sắc khác nhau để nhận ra mình là ai, các họa sĩ thiết kế logo và thương hiệu cần chuẩn bị cho mình nhiều năng lượng mới, cách nhìn mới, phải con mắt sắc sảo, cái đầu tỉnh táo và trái tim yêu thương để có thể sát cánh cùng các thương hiệu thành công (vì họ có thành công thì mình mới thành danh được).
Khánh thy
.
.