Nhạc trong phim Việt: Khi nào sẽ thăng hoa?

Thứ Năm, 22/05/2008, 15:00
Đã từng có một thời phim truyền hình gây sốt trên màn ảnh nhỏ không chỉ bởi nội dung phim hay mà còn vì âm nhạc dễ đi vào lòng người. Nhiều ca khúc viết cho phim đã thăng hoa, vượt ra ngoài câu chuyện phim và đứng vững trong đời sống âm nhạc nước nhà...

Đó là các ca khúc: "Bài ca không quên", "Hoa sữa", "Mong ước kỷ niệm xưa", "Giã từ dĩ vãng", "Thiên đường mong manh", "Dòng sông không trở lại"… Rồi đến "Chị tôi", "Đường Đời", "Đất và người", "Mùa lá rụng trong vườn" (những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trọng Đài). Có thể nói những ca khúc đó đã thực sự "thoát ly" ra khỏi tác phẩm điện ảnh và trở thành những ca khúc độc lập được yêu thích.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc sáng tác những ca khúc cũng như làm nhạc nền thành công cho phim truyền hình, nhạc sĩ Trọng Đài cho biết: "Đối với những nước phát triển và có nền công nghiệp điện ảnh phát triển thì nhạc phim là một phần tất yếu của bộ phim, nếu không muốn nói là có vai trò rất lớn trong sự thành bại của một bộ phim. Chính vì thế mà khâu này rất được các nhà làm phim chú trọng.

Chẳng hạn như phim “Titanic”. Mỗi khi người ta nhắc đến “Titanic” thì không thể không nhắc tới ca khúc "My heart will go on". Bài hát này cũng thành công không kém gì sự bội thu của “Titanic”. Còn đối với nền điện ảnh nước nhà thì không phải đến bây giờ chúng ta mới quan tâm đến âm nhạc trong phim. Tuy nhiên sự quan tâm đó vẫn chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định vì nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Đối với mỗi bộ phim, kinh phí để đầu tư cho phim đã ít thì làm sao có thể đầu tư công phu cho âm nhạc. Chẳng ở đâu mức thù lao cho nhạc sĩ làm nhạc lại thấp như ở Việt Nam. Trung bình chỉ từ 1 triệu đến một triệu rưỡi/ 1 tập phim dài 45 phút. Như vậy đủ để biết người nhạc sĩ không thể toàn tâm toàn ý cho tác phẩm âm nhạc của mình được mà họ phải cực kỳ khéo léo "chế biến" món ăn tinh thần này sao cho được lòng cả đôi bên.

Phim truyền hình ngày càng tăng về số lượng cả trên màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ nhưng để tìm được một ca khúc hay trong phim thì chẳng khác nào "đãi cát tìm vàng". Một số phim được coi là khá thành công trong thời gian gần đây như: "Blue trắng", "Dốc tình", "Nữ bác sĩ", "Hướng nghiệp"… nhưng dường như chẳng ai trong chúng ta có thể nhớ được giai điệu cũng như ca từ của các ca khúc trong những bộ phim đó. Vì sao vậy?

Lý giải về điều này nhạc sĩ Nguyễn Đức Chung - người đã từng có khá nhiều ca khúc hay cho phim truyền hình cho biết: "Hiện nay, phim thì nhiều nhưng kịch bản phim thì na ná nhau, rất khó để tìm được một kịch bản thật sự ấn tượng vì thế nên người nhạc sĩ cũng rất khó có cảm xúc sâu sắc. Hơn nữa giờ đây dòng nhạc thị trường tấn công đời sống âm nhạc quá mạnh nên người nghe cũng bị bão hòa. Nếu ca khúc trong phim không thực sự nổi bật thì chẳng thể nào đọng lại được dấu ấn gì trong lòng khán giả".

Bên cạnh việc đầu tư cho ca khúc trong phim thì các nhà làm phim cũng nên chăm chút và chú trọng hơn tới phần nhạc nền của phim. Bởi đây là thứ âm nhạc đảm trách việc chuyển tải những thông điệp tâm trạng và có sức lan tỏa cảm xúc của nhân vật mạnh nhất.

Thế nhưng có một thực trạng không vui là nếu để ý ta sẽ thấy rất nhiều phim cứ nhét một đoạn nhạc bất kỳ nào đó vào một bối cảnh của phim mà không cần biết giữa âm nhạc và hình ảnh có hài hòa hay không, có phù hợp với tâm trạng, cảm xúc của nhân vật hay không? Điều này chẳng những không nâng tầm giá trị tác phẩm điện ảnh mà còn kéo tụt nó xuống một cách thê thảm, khiến người nghe rất phản cảm.

Chuyện ca khúc có "thoát ly" ra khỏi bộ phim để sống độc lập trong đời sống âm nhạc hay chết tức tưởi ngay sau khi bộ phim được công chiếu điều đó phụ thuộc không chỉ vào nhạc sĩ mà còn do nhiều yếu tố khác nữa. Chỉ mong vào một ngày không xa nhạc phim sẽ trở thành một phần không thể thiếu của phim Việt Nam!

Ngọc Anh
.
.