Nhạc sĩ Xuân Phương: Đứng ngoài sự ồn ào của showbiz

Thứ Năm, 25/09/2014, 08:00
Đẹp trai, tài hoa và lãng tử là những gì người ta nhắc tới nhạc sĩ Xuân Phương, tác giả những ca khúc nổi tiếng như "Mong ước kỷ niệm xưa", "Nếu phải xa nhau", "Lời ru cho con", "Anh", "Cảm ơn cuộc đời"...

Nhưng, trái ngược với những ca khúc "nổi đình, nổi đám", nhạc sĩ Xuân Phương là người khá "im hơi lặng tiếng" trên truyền thông. Mang trong mình sự "miễn dịch" với hấp lực nổi tiếng, sự hào nhoáng của showbiz, Xuân Phương lặng thầm với những công việc yêu thích của mình như giảng dạy, viết nhạc cho phim, hòa âm, phối khí... để rồi, mỗi lần xuất hiện, âm nhạc của anh lại ít nhiều gây ấn tượng với khán thính giả...

1. Xuân Phương đến nơi hẹn với quần bò, áo phông, kính đen, trẻ trung như một vài lần khán giả thoáng nhìn thấy anh trên truyền hình. Sự im ắng của anh trong giới truyền thông bấy nay, khiến không ít người mặc định rằng Xuân Phương "chảnh", "kiêu". Nhưng, sự tự nhiên, cởi mở và gần gũi của anh khiến ít nhiều cái cảm giác chúng tôi mang trước đó tan biến. Xuân Phương chia sẻ, mọi người cũng hay thắc mắc tại sao anh ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông? Với anh, là giảng viên, anh chỉ đơn giản muốn dành cho học sinh những buổi tập ý nghĩa; là nhạc sĩ, anh muốn khán giả biết tới những ca khúc, bản nhạc của mình hơn là "đánh bóng" mình trên các phương tiện truyền thông hay tuyên ngôn, bình phẩm, nhận xét trong một cuộc thi nào đó...

Khi chúng tôi hỏi rằng, khán giả yêu mến những ca khúc của nhạc sĩ Xuân Phương gần đây có phần sốt ruột vì sau sự nổi tiếng của ca khúc "Cám ơn cuộc đời" (ca khúc trong phim "Cầu vồng tình yêu"), từng giành giải "Bài hát yêu thích nhất tháng" trong chương trình "Bài hát yêu thích" và vang lên trên mọi sân khấu lớn nhỏ thì lâu nay chưa thấy ca khúc nào của anh ra mắt, nhạc sĩ Xuân Phương chia sẻ, ngoài việc bắt đầu năm học mới tại trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, chuẩn bị cho chương trình "Kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", anh đang dốc sức cho dự án phim dài 36 tập "Tuổi thanh xuân". Đây là dự án phim hợp tác giữa Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) và tập đoàn truyền thông lớn của Hàn Quốc là CJE&M, trong đó Xuân Phương hoàn toàn đảm nhiệm phần ca khúc và nhạc phim.

Anh hào hứng kể, tham gia vào dự án phim "Tuổi thanh xuân", anh được trải nghiệm quy trình làm việc mới lạ của công nghệ làm phim truyền hình hiện đại của Hàn Quốc. Nó trái ngược hẳn với quy trình làm nhạc phim lâu nay tại Việt Nam. Từ trước đến nay, các đạo diễn Việt Nam thường chỉ đưa kịch bản cho nhạc sĩ rồi "áp đặt" nhạc sĩ sáng tác ca khúc theo chủ đề, ý tưởng của phim. Phim quay xong sẽ chuyển cho nhạc sĩ làm nhạc nền… Còn lần này, ngay từ khi kịch bản được duyệt, các đạo diễn đưa ngay kịch bản cho nhạc sĩ để nhạc sĩ tự do cảm nhận nội dung, tính cách nhân vật. Sau đó chủ động sáng tác ca khúc và nhạc phim. Nhạc phim được thông qua mới bắt đầu những cảnh quay đầu tiên. Và ngay trong từng cảnh quay, các diễn viên đã diễn cùng với nhạc nền ấy.

Xuân Phương cho rằng, đây là một cách làm hay không chỉ khuyến khích được khả năng sáng tạo của nhạc sĩ mà còn thực sự tôn trọng, đề cao vai trò của âm nhạc trong phim. Và người nhạc sĩ thực sự là một đồng chủ thể sáng tạo, góp phần không nhỏ vào sự thành công của bộ phim. Khác với lâu nay, vì nhiều lý do nên có những bộ phim âm nhạc chỉ góp mặt theo kiểu làm cho có. Dẫn đến tình trạng nội dung phim một nơi, nhạc một nẻo, không ăn nhập.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ là nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Bích thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cha là nghệ sĩ phong cầm, giảng viên Xuân Tứ; chị gái từng theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky... nên chuyện Xuân Phương đi theo sự thánh thót của những giai điệu cũng là điều dễ hiểu. Ngay từ khi 6 tuổi, Xuân Phương được cha mẹ cho theo học tại Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Đẹp trai, tài năng, ngay từ khi là sinh viên nhạc viện, Xuân Phương đã tham gia trong Ban nhạc "Chìa khóa vàng" nổi tiếng (thuộc Nhà hát ca múa nhạc Trung ương) cùng với các ca sĩ  như Mỹ Linh, Bằng Kiều, Ngọc Anh…

Được đi đây đi đó biểu diễn, thỏa chí tang bồng, nhưng Xuân Phương lại khiến mọi người bất ngờ khi quyết định khoác áo lính, trở thành giảng viên của Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Lối rẽ này ban đầu là anh thuận theo ý cha, nhưng giờ đây, sau hơn 15 năm gắn bó, Xuân Phương luôn tự hào khi mình đứng trong hàng ngũ những nghệ sĩ - chiến sĩ của Quân đội. Anh tự nhận, mình thích nghi nhanh với môi trường quân đội. Sự chỉn chu của nghề sư phạm, kỷ luật "sắt" của quân đội đã giúp con người nghệ sĩ trong anh có được sự khoa học, cẩn thận trong cách làm việc.

2. Nhắc tới nhạc sĩ Xuân Phương là nhắc tới những ca khúc đã làm nên tên tuổi anh như "Mong ước kỷ niệm xưa" , "Lời ru cho con", "Anh", "Nếu phải xa nhau"… Có một điều đặc biệt là hầu hết những ca khúc này, ban đầu đều là ca khúc của phim nhưng sau khi ra đời, chúng đều có một chỗ đứng độc lập trên sân khấu ca nhạc và trong lòng khán thính giả. Một trong những ca khúc anh tâm đắc nhất và đến nay vẫn đứng trong danh sách 10 nhạc phim được khán giả yêu thích nhất là "Mong ước kỷ niệm xưa" (ca khúc trong phim "Xin hãy tin em").

Nhắc lại ca khúc này, Xuân Phương chia sẻ, anh cùng đạo diễn Đỗ Thanh Hải chơi với nhau khá thân ngay từ khi còn đi học. Hai người cứ “hứa hẹn” rằng, nhất định sau này khi Thanh Hải làm phim sẽ bảo Xuân Phương làm nhạc. Và khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải bắt tay vào làm bộ phim đầu tay của sự nghiệp đã gửi gắm phần nhạc cho cậu bạn thân.

Ngoài 20 tuổi, mới ra trường, đầy ắp những cảm xúc, suy tư về lứa tuổi học trò, Xuân Phương viết "Mong ước kỷ niệm xưa" chỉ trong một thời gian rất ngắn. Những giai điệu, ca từ cứ tự nhiên bật ra như sẵn ở trong lòng:  "Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỷ niệm/ Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô/ Bạn bè mến thương ơi vẫn còn nhớ lúc giận hờn/ Để rồi mai chia xa lòng chợt mong nhớ thiết tha/ Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa"… Với giai điệu nhẹ nhàng, da diết, ca từ trong trẻo, giản dị, "Mong ước kỷ niệm xưa" đã ngay lập tức đi vào lòng các cô cậu học sinh và cũng đánh dấu cái tên Xuân Phương trong lòng công chúng yêu nhạc. Sau này, cặp đôi tài năng "đạo diễn - nhạc sĩ" ấy còn tiếp tục cùng nhau ghi dấu ấn sáng tạo ở những bộ phim tiếp theo như "Của để dành" với ca khúc "Lời ru cho con", "Phía trước là bầu trời" với ca khúc "Lời chưa nói"... Nhưng, như Xuân Phương chia sẻ, thực ra, ca khúc đầu tiên anh viết cho phim lại là "Nếu phải xa nhau" trong phim "Sóng ngầm" (đạo diễn Vũ Hồng Sơn, năm 1993). Tuy nhiên, phải đến 6 - 7 năm sau, ca sĩ Minh Quân ra mắt VM về ca khúc này thì ngay lập tức là một bản "hit", góp phần đưa tên tuổi Minh Quân đến với khán giả. Sau này, những ca khúc như "Anh", "Cảm ơn cuộc đời"... cũng đều có xuất phát điểm từ một bộ phim nhưng sau khi phim phát sóng, mỗi ca khúc lại có một đời sống riêng.

Không chỉ có vậy, gần đây, ca khúc "Anh" của Xuân Phương thường xuyên được các ca sĩ trẻ sử dụng trong các cuộc thi ca nhạc. Ngoài việc giúp thí sinh có thể “khoe” được kỹ thuật thanh nhạc tốt thì ca khúc còn chứa đựng yếu tố may mắn bởi truyền thống... "cứ hát là nhất". Xuân Phương tâm niệm: "Nói gì thì nói, nhắc tới âm nhạc, đầu tiên phải kể tới giai điệu. Ca khúc muốn được khán giả yêu thích phải có giai điệu đẹp, sau đó đến ca từ. Khi sáng tác ca khúc cho phim, tôi luôn chú trọng tới sự gắn bó chặt chẽ với chủ đề của phim. Còn việc ca khúc ấy có được đất sống riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi ngoài sự tưởng tượng của chính tác giả".

Kỹ tính, cẩn thận và thẳng thắn trong công việc, Xuân Phương sẵn sàng từ chối những phim không hợp "tạng" của mình hay thù lao không xứng đáng. Nhưng, anh cũng sẵn sàng làm giúp những bạn trẻ mới bước vào nghề. Dù cát xê nhiều hay ít, đã nhận lời là hết mình với từng giai điệu, lời ca. Tài năng, hoạt bát cùng lợi thế về ngoại hình nhưng Xuân Phương là một trong số rất ít nhạc sĩ nói "không" với sự xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế - điều mà hiện nay một số nghệ sĩ tận dụng như một cách phủ sóng tên tuổi của mình.

Xuân Phương bảo, làm việc trong giới showbiz nên anh hiểu rõ những hào nhoáng, thị phi, những mặt trái của nó. Anh cảm thấy mình không phù hợp với những chiêu trò ngoài âm nhạc ấy. Bởi đôi khi, chấp nhận cuộc chơi là anh phải chấp nhận theo sự điều khiển của nhà sản xuất, nói những điều nhà sản xuất muốn. "Tôi thích lặng lẽ làm công việc của mình để có thêm nhiều tác phẩm hay cho công chúng. Âm nhạc đang cho tôi một cuộc sống rất tốt, không có lý gì tôi không hết lòng phục vụ khán giả yêu nhạc".

Trò chuyện với nhạc sĩ Xuân Phương, một điều nhận thấy ở người nhạc sĩ trẻ tài hoa này là thái độ lạc quan. Anh cho rằng, không quá lo lắng, hoang mang trước sự xuất hiện của những ca khúc thuộc dòng "thảm họa" bởi đó là kết quả của nhu cầu muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi giá. Tuy nhiên, thời gian, công chúng vẫn luôn là thước đo chính xác nhất cho những tác phẩm nghệ thuật đích thực

Thảo Duyên
.
.