Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Thứ Sáu, 04/12/2009, 15:30
Quả thực là tôi khá hồi hộp khi chuẩn bị tới gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bởi nghe nói ông rất... kỹ tính khi gặp gỡ báo chí. Nhưng tâm lý ấy của tôi đã phần nào được giải tỏa khi qua điện thoại, bằng giọng miền Trung pha Bắc trầm ấm, ông tận tình chỉ cho tôi đường tới nhà, rồi xuống tận cầu thang tươi cười đón khách...

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người luôn khiến người đối thoại ngưỡng mộ bởi lối tư duy mạch lạc, khúc triết và sự hiểu biết một cách tường tận, sâu sắc của ông về nhiều lĩnh vực. Nhưng trong các cuộc trò chuyện, ông luôn là người biết cách lắng nghe, khuyến khích để người đối thoại tự tin đưa ra chính kiến của mình.

Có lẽ vì thế mà cuộc trò chuyện của chúng tôi với tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", "Xa khơi", "Mơ quê"... diễn ra cởi mở trong căn phòng làm việc ngập tràn không khí âm nhạc của ông.

-Thưa nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, đã tròn 45 năm kể từ khi ca khúc "Xa khơi" ra đời, nhưng trong nhiều cuộc thi về âm nhạc thính phòng và tại cuộc thi "Sao Mai - Tiếng hát truyền hình toàn quốc 2009" đang diễn ra thì "Xa khơi" vẫn là sự lựa chọn của không ít thí sinh. Nhạc sĩ có thể chia sẻ với độc giả về hoàn cảnh ra đời của ca khúc được đánh giá là đỉnh cao của dòng nhạc thính phòng này?

+ Năm 1956 - 1957, khi tôi đang là diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thì được các văn nghệ sĩ cùng đoàn do nhà thơ Lưu Trọng Lư (khi ấy là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật) dẫn đầu đi thực tế tại khu vực cầu Hiền Lương và Cửa Tùng. Chúng tôi đã sống ở bên này sông Bến Hải hàng tháng trời.

Khi ấy, đất nước còn đang bị chia cắt và ở đó lại càng thấy rõ bi kịch của hoàn cảnh này. Nhiều gia đình có người thân ở bên kia sông họ không gặp được nhau, chỉ chiều chiều ra bờ sông ngóng trông cho bớt nhớ mong. Không đêm nào chúng tôi ngủ yên bởi tiếng trống gõ từ bờ bên kia. Trong khi đó, hàng ngày, nhìn ra biển, tôi lại thấy con nục, con măng bơi lội tung tăng từng đàn.

Tôi cứ vơ vẩn nghĩ rằng tại sao những con cá thì được tự do bơi lội gặp gỡ nhau trong khi con người lại chịu cảnh biệt ly. Và tại sao bước chân của chúng ta lại phải dừng lại dù bên kia sông cũng là đất nước, quê hương mình, dân tộc mình. Tôi cứ ấp ủ mãi suy nghĩ ấy cho đến năm 1962, Bộ Văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Thống nhất Trung ương và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác "Hưởng ứng tiếng trống Đồng khởi miền Nam".

Mục đích của cuộc thi là phải có tiếng nói của hậu phương lớn để tiền tuyến yên lòng đánh giặc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giao cho nhạc sĩ Văn Cao, Trần Kiết Tường và tôi phải vào cuộc. Tôi đã sáng tác "Xa khơi" với khát vọng cháy bỏng đất nước được đoàn tụ, thống nhất.

 - Nhưng tôi được biết rằng, khi mới ra đời, "Xa khơi" đã không được đón nhận hào hứng và ca khúc có một số phận khá long đong?

 + Bài hát ra đời, tôi hát cho bạn bè nghe, ai cũng bảo bài hát hay, lạ thế. Nhưng Ban giám khảo cuộc thi cho rằng bài hát không có tính chiến đấu, chỉ toàn yêu thương, nhớ nhung, điều này dễ làm nhụt chí các chiến sĩ ngoài mặt trận... Tôi bảo: "Tôi nghĩ, chiến tranh rồi sẽ qua đi, tiếng súng rồi sẽ yên, chỉ còn tình thương yêu là ở lại. Tham vọng của tôi là viết một cái gì đó thật lâu dài".

Một đồng chí trong Ban giám khảo đưa ra ý kiến là phát bài hát lên Đài Tiếng nói Việt Nam để xem ý kiến thính giả cả nước thế nào. Sau khi bài hát phát sóng, nhiều khán giả viết thư về Đài khen ngợi. Có thính giả còn yêu cầu được dạy hát ca khúc ấy. Cuối cùng "Xa khơi" đã được giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi đó. Nhưng phải sau năm 1975, ca khúc mới được phổ biến rộng rãi.

 - Tân Nhân là nghệ sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc "Xa khơi". Và từ đó đến nay, dù có nhiều ca sĩ khác hát khá hay ca khúc này nhưng khi nhắc tới "Xa khơi", thính giả vẫn nhớ tới giọng hát tuyệt vời của Tân Nhân. Vậy, "cuộc gặp gỡ định mệnh" giữa "Xa khơi" và nghệ sĩ Tân Nhân diễn ra thế nào, thưa nhạc sĩ?

 - Khi tôi về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thì gặp chị Tân Nhân ở đó. Tân Nhân khi ấy đã là một giọng ca nổi tiếng, tài sắc vẹn toàn. Chị hơn tuổi tôi nhưng hai chúng tôi đều là cựu học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng (ở Liên Khu IV) nên khi bài hát ra đời, tôi đưa cho Tân Nhân hát ngay. Tân Nhân hát lần đầu tiên không đạt vì chưa có tình cảm. Tôi bảo ngay: "Hát gì buồn cười thế chị ơi".

Tân Nhân cự lại tôi: "Tau hát có sai nốt nào đâu". Nhưng rồi chị vẫn chịu khó tập lại. Mấy lần sau, tôi thấy vẫn chưa ổn vì thiêu thiếu cái tình trong đó. Tôi vẫn bắt tập đi tập lại, Tân Nhân kêu: "Mi làm chi mà cực thân vậy". Tôi vẫn kiên quyết cùng chị tập lại từng nốt luyến láy, sau 3 tuần thì thành công.

Tân Nhân hát hay hơn sau khi đồng cảm được những điều tôi muốn gửi gắm vào ca khúc bởi chị quê ở Gio Linh - Quảng Trị, là nữ sinh Đồng Khánh, sau đó tham gia kháng chiến, cũng chịu cảnh chia lìa người thân. Bên cạnh đó, trong cuộc sống riêng tư, chị cũng gặp không ít nỗi buồn. Cái chung, cái riêng, những day dứt, đau khổ đã khiến Tân Nhân thể hiện tuyệt vời ca khúc của tôi.--PageBreak--

- Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng đánh giá "Phát triển dân ca trong sáng tác ca khúc nhiều người làm nhưng cao nhất, hiệu quả nhất, thoát nhất chỉ có Nguyên Tài Tuệ". Tôi thì thấy, không chỉ "Xa khơi" mà các sáng tác khác của ông như "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó","Mơ quê", "Xôn xao bến nước", "Bài ca gửi Noọng"… đều thấm đẫm các làn điệu dân ca. Ông có bí quyết gì để đưa thành công các làn điệu dân ca vào ca khúc của mình?

 + Bản thân tôi rất yêu các làn điệu dân ca nên ngay từ khi quyết định đi vào con đường sáng tác âm nhạc, tôi đã ý thức là cần phải đưa dân ca vào âm nhạc. Tôi may mắn được sinh ra ở vùng đất Thanh Chương, Nghệ An, quê hương của những câu hò ví dặm mê đắm lòng người. Mẹ tôi dù không được học nhiều chữ nhưng yêu ví dặm và thuộc làu "Truyện Kiều" cũng như ca dao, tục ngữ.

Đêm đêm, bà  sàng gạo thì tôi ngâm Kiều cho bà nghe. Cha tôi là nhà Nho lại mê nghe hát phường vải trên sông Lam nên dân ca đã ngấm vào tôi như máu thịt. Nhưng đưa dân ca vào ca khúc để thành công là điều không dễ. Bản thân tôi đã từng thất bại khi sáng tác "Xa khơi". Viết lần đầu tiên,  tôi đã đưa dân ca vào nhưng khi nghe lại, tôi thấy không ổn vì "gần" quá. Phải "thoát" ra khỏi dân ca để dân ca ngấm vào ca khúc một cách tự nhiên.

 - Ông nổi tiếng trong giới nhạc sĩ là người khó tính với... chính tác phẩm của mình, cũng như thường xuyên nói "không" với ca khúc đặt hàng. ông có thể nói rõ thêm về điều này?

 + Đúng như vậy. Tôi luôn cho rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, năng khiếu chỉ chiếm 1%, còn 99 % sự cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ rèn luyện. Để hoàn thiện một tác phẩm, tôi mất rất nhiều thời gian để chau chuốt từng nốt nhạc, từng con chữ. Mười năm nay, tôi đã không viết ca khúc đặt hàng bởi chỉ cái nào tôi tin mình sẽ viết hay thì tôi mới nhận lời, còn nếu chỉ vì tiền, dứt khoát tôi từ chối.

 - Có phải vì thế mà trong khi các nhạc sĩ khác có tới hàng trăm ca khúc thì ông lại thường xuyên nói rằng, sự nghiệp âm nhạc của mình chỉ có khoảng 15 ca khúc và một số hợp xướng thính phòng, giao hưởng?

 + Quan điểm của tôi trong nghệ thuật là "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". Tôi từng nói rằng, trong Hội Nhạc sĩ, mỗi nhạc sĩ chỉ cần có một bài nổi tiếng là đã tuyệt vời lắm rồi. Âm nhạc lại càng không thể chạy theo số lượng. Với lại, có thể là do tôi khó tính. Tôi chưa bao giờ ngừng trăn trở về mỗi tác phẩm cho dù nó đã ra đời lâu hay mới đây, dù có thể người nghe nói: "Được rồi".

Nếu tôi thấy cần phải chỉnh để tác phẩm hay hơn thì tôi không nể nang, không thương tiếc và... không nghe ai. Ca khúc "Mơ quê", tôi đã mất 12 năm để hoàn thiện nó. Gần đây nhất, tôi vẫn sửa một từ trong ca khúc "Xa khơi" từ "lướt sóng lượn đôi bờ tung tăng" thành "lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng" và chuyển từ nhịp 4/4 thành nhịp 3/4. Có lần tôi viết xong một hợp xướng nhưng chưa ưng ý, tôi sẵn sàng bỏ đi một nửa để viết lại.

 - Những trăn trở với tác phẩm ấy có phải là điều khiến ông - dù đã ngoài 70 tuổi rồi - ngày nào cũng ngồi vào bàn làm việc?

 + Tôi rèn cho mình một thói quen là sáng nào tôi cũng ngồi vào bàn làm việc cho dù có hứng hay không. Tôi nghe nhạc, xem lại các sáng tác trước... cho tới khi cảm hứng đến. Thói quen ấy giúp tôi có được sức khỏe dẻo dai và đầu óc minh mẫn. ở tuổi này, tôi vẫn đi tàu xe bình thường. Tôi vừa có  chuyến đi Lào Cai về và đang dự định sẽ làm một chuyến đi về quê Nghệ An - Hà Tĩnh bằng... xe máy.

 - Không chỉ có những ca khúc bất hủ, âm nhạc còn mang tới cho ông một người vợ hiền, một gia đình hạnh phúc, êm ấm...

 + Tôi vẫn cho rằng, món quà lớn nhất mà cuộc đời đem lại cho tôi là bà xã. Bà là cháu ruột của họa sĩ Bùi Xuân Phái, học rất giỏi nhưng đã tình nguyện hy sinh sự nghiệp để tôi có được thành công ngày hôm nay. Dù chúng tôi không cùng nghề nhưng sự thực là âm nhạc đã cho chúng tôi được gặp nhau khi tôi đi du học tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Tới nay chúng tôi đã có một đại gia đình theo âm nhạc.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc ông luôn mạnh khỏe để có thêm nhiều sáng tác hay!

Thảo Duyên
.
.