Nhạc sĩ Minh Quang: Có những điều không được phép lãng quên

Thứ Năm, 11/08/2011, 08:10
Đối với Minh Quang, khi âm nhạc vang lên, đó là lời giới thiệu chính xác nhất về tác giả. Mới đây, Minh Quang đã được nhận giải A giải thưởng 5 năm của Quân chủng Hải Quân với ca khúc "Khát vọng biển khơi". Anh nguyên là Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị, hiện là biên tập viên âm nhạc Tạp chí Văn nghệ quân đội...

Minh Quang vốn kiệm lời. Anh không thích xuất hiện trong đám đông, và thường ngại ngần khi nói về chính mình. Bởi vậy, xem chừng cái tên Minh Quang không phải là thân thuộc lắm trong tâm trí của nhiều người nghe nhạc. Nhưng khi kể tên các ca khúc của anh thì không ít người ngạc nhiên vì từ lâu đã nằm trong trí nhớ, trong tình yêu của họ. Ví như các bài: "Cây đàn ghi ta một dây", "Sông Lô chiều cuối năm", "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara", "Hoa sim biên giới", "Hoa ban", "Chiếc lá nhỏ", "Bài ca biển" ,"Kỷ niệm đầu tiên"... Trong đời sống âm nhạc, có không ít người nổi tiếng bởi cái tên chứ không phải bằng tác phẩm. Còn Minh Quang thì ngược lại. Đối với anh, khi âm nhạc vang lên, đó là lời giới thiệu chính xác nhất về tác giả. Mới đây, Minh Quang đã được nhận giải A giải thưởng 5 năm của Quân chủng Hải Quân với ca khúc "Khát vọng biển khơi". Anh nguyên là Phó trưởng Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị, hiện là biên tập viên âm nhạc Tạp chí Văn nghệ quân đội.

- Thưa nhạc sĩ Minh Quang, dường như mỗi người lính ở đảo xa đều thuộc nằm lòng bài hát "Cây đàn ghi ta một dây" của anh. Anh đã viết bài hát này trong hoàn cảnh nào?

+ Bài hát "Cây đàn ghi ta một dây" của tôi ra đời rất tình cờ trong một chuyến đi ra đảo Trường Sa. Tôi đến đảo khi trời sẩm tối và không khí bắt đầu se lạnh. Những người lính đảo đốt lửa và ngồi hát. Từ xa tôi nghe những âm thanh bập bùng rất lạ. Lại gần thì ra cánh lính tráng nhà ta đang ngồi hát với nhạc cụ gồm "nồi, niêu, xoong, chảo" và một cây đàn ghi ta chỉ còn duy nhất một dây. Thế là ngay lập tức những giai điệu của bài hát vang lên trong tôi. "Chỉ lính đảo xa mới có/ Đàn ghi ta một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát/ Đàn ghi ta một dây/ Hát cho hoàng hôn xuống/ Hát cho mặt trời lên". Ca khúc được viết rất nhanh, sau đó được phổ cập rộng rãi và được những người lính, đặc biệt là lính ở đảo rất thích.

- Biển đảo là một chủ đề lớn trong các sáng tác của anh. Anh cũng là người đã đi hầu khắp các vùng biển đảo của Tổ quốc, "ba cùng" với những người lính đang canh giữ biển trời nơi đây... Ấn tượng của anh về những chuyến đi ấy như thế nào?

+ Phải nói rằng, những chuyến đi đó để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm, chính là chất liệu quý để tôi sáng tác ca khúc. Ở đâu tôi cũng gặp những người đồng đội ân tình. Sự hy sinh của họ nơi đầu sóng ngọn gió đã là nguồn xúc cảm âm nhạc mạnh mẽ trong tôi. Đến nay tôi đã có khoảng 10 ca khúc về biển đảo. Tôi đã đi hết các đảo ở Trường Sa... Mỗi lần con tàu đưa tôi đến một hòn đảo nào đó, đón tôi là nụ cười rạng rỡ của những người lính dạn dày sương gió. Còn mỗi lần tôi chào tạm biệt họ để trở về đất liền, thì chỉ có sự im lặng và những ánh mắt lưu luyến dành cho tôi. Những người lính trên đảo xa luôn khao khát tình cảm của hậu phương. Là nghệ sĩ tôi hiểu rằng, mình phải viết về những tình cảm cao đẹp ấy của những người lính biển, những người lúc nào cũng sẵn sàng tay súng, chấp nhận mọi hy sinh, bởi vì "sau lưng họ là Tổ quốc".

-Trong các ca khúc viết về những người lính đảo của mình, điều gì là quan trọng nhất anh muốn gửi gắm đến công chúng?

+ Nếu bạn là người đã quen với những chuyến đi, với biển khơi và những con tàu thì chỉ cần nghe tiếng còi rúc lên trong buổi chiều trên bến cảng, lòng bạn đã ngập tràn cô đơn rồi. Vì con tàu sẽ mang ta ra khơi. Càng đi nó càng cắt ngắn sợi dây liên lạc của ta với đất liền, chỉ còn lại ta đối diện với biển trời. Và cảm giác nhớ nhà bắt đầu ùa đến. Nhưng chính trong phút giây đối diện với mênh mông ấy ta cảm thấy vô cùng tự hào về Tổ quốc. Tôi đã từng theo tàu của Quân chủng Hải quân ra với những nhà dàn trên nhiều vùng biển đảo. Những nhà dàn lênh đênh ấy có những lúc đã trở lên nhỏ bé vô cùng trước những con sóng khổng lồ. Trước một cơn bão biển cuồng nộ, có những người lính ở nhà dàn trên đảo chìm đã ôm lá cờ trước ngực và nói lời chào tạm biệt Tổ quốc. Sự hy sinh thầm lặng ấy, nếu không thực sự đặt chân đến biển đảo, ta khó mà hình dung.

Cũng trong các chuyến đi đến những vùng biển đảo trong lãnh hải của Tổ quốc, tôi mới thấm thía vô cùng mồ hôi, xương máu của cha ông ta hàng ngàn năm trước. Bằng con thuyền độc mộc, vượt qua sóng gió trùng khơi, cha ông ta đã đến đây bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, xây những ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu bè qua lại. Chúng ta phải giữ gìn bảo vệ những di sản quý giá ấy. Không được phép lãng quên. Đó là tất cả những gì tôi muốn gửi gắm trong những ca khúc viết về chủ đề người lính và biển đảo của mình..

- Không chỉ sáng tác ca khúc, anh còn là nghệ sĩ đã đi biểu diễn phục vụ đồng bào và bộ đội ở nhiều vùng biên giới. Những bài hát nổi tiếng của anh như "Hoa sim biên giới", "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara" chắc hẳn ra đời trong những chuyến đi biểu diễn ấy?

+ Năm 1980, trong chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện ở Campuchia, tôi đã viết bài hát "Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara", giống như kể một câu chuyện đẹp về tình đoàn kết của hai dân tộc đã kề vai sát cánh chống lại bọn diệt chủng Pôn Pốt. Thời kỳ chiến tranh biên giới, mỗi chuyến đi biểu diễn của tôi và các đồng nghiệp phục vụ bộ đội thường kéo dài 3-4 tháng. Tôi đã hát trên những chốt cao của trận địa. Trong gian khổ, cận kề cái chết, tôi càng hiểu sâu sắc tâm hồn và tình cảm của những người lính Cụ Hồ.

Thấy đoàn văn công chúng tôi biểu diễn trên chiếc xe cà tàng, thỉnh thoảng lại chết máy giữa đường, có đồng chí đã quyết tâm "bắn kẻ thù phát nào trúng phát đấy, tiết kiệm đạn, đề nghị chỉ huy lấy tiền mua cho các nghệ sĩ một chiếc xe mới". Tôi viết bài hát "Hoa sim biên giới" từ kỷ niệm về những chuyến đi ấy. Màu hoa tím vùng biên cương xa xôi chính là biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ quê nhà trong trái tim của những người lính đang đối mặt với bom đạn. Nó giản dị như bức thư của một người lính trẻ gửi cho người yêu ở hậu phương: "Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa/ hoa sim giữa đồi nắng gió/ tím như ai chờ mong". Một bài hát khác, bài "Chiếc lá nhỏ" tôi viết trong chuyến đi biểu diễn ở Trường Sơn. Rất nhiều ca khúc khác nữa cũng được tôi hoàn thành trong những chuyến đi biểu diễn như vậy.

- Được biết, ban đầu anh là một diễn viên kịch nói, là học trò của đạo diễn Đào Mộng Long. Ngả rẽ sang con đường âm nhạc và trở thành người nghệ sĩ mặc áo lính của anh bắt đầu từ đâu?

+ Gia đình tôi không phải là gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nhưng tôi có một người anh mê văn chương và sau này trở thành nhà văn, là nhà văn Đặng Ái. Còn tôi thì mê kịch. Ban đầu tôi là diễn viên đoàn kịch Thanh Hóa và cũng có những thành công nhất định. Nhưng đạo diễn Đào Mộng Long sau khi xem một số vai diễn của tôi thì thẳng thừng nhận xét: "Cậu diễn được đấy, nhưng có lẽ đi xa thì hơi khó". Tôi rất sốc khi nghe điều đó. Nhưng một người thầy lớn về nghề đã nói như vậy thì tôi phải suy nghĩ. Tôi quyết định chuyển hướng cuộc đời mình, vì nếu ở lại đoàn kịch, suốt đời tôi sẽ mặc cảm vì câu nói đó của thầy. Tôi xin về Đoàn Nghệ thuật Tổng cục Chính trị, rồi chuyển về Đoàn Nghệ thuật Quân chủng Hải quân và sau đó là đi học tại Trường Nghệ thuật Quân đội. Tại đây, các thầy giáo đã nhìn ra giọng hát của tôi. Năm 1973, tôi là nghệ sĩ được đi theo Phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên biểu diễn tại đại sứ quán của 4 nước tại Tp HCM. Sau đó một tờ báo ở Paris đã bình luận: "Việt Cộng không chỉ chiến đấu giỏi mà còn hát rất hay". Ngoài biểu diễn, tôi nhận thấy mình có nhu cầu được viết ra những xúc cảm về cuộc sống, về bộ đội, về nhân dân và cách mạng. Bài hát "Hoa sim biên giới" chính là một trong những bài hát thành công đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi.

Việc trở thành một người lính có lẽ là một lựa chọn hết sức tự nhiên của rất nhiều người cầm bút thế hệ chúng tôi. Chiến tranh là một thực tế lớn. Tôi đã gặp những người lính từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tôi đã viết về tất cả các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng như: Hải quân, pháo binh, bộ binh, đặc công, tăng thiết giáp, hậu cần…Và tôi sẽ còn tiếp tục viết về những người lính, bởi trong tôi luôn day dứt một điều rằng: Họ là những con người đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, cho nhân dân mà không hề đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Chúng ta phải nâng niu, trân trọng những "di sản tinh thần ấy" để nó trở thành những giá trị hữu ích trong xây dựng đất nước hôm nay. Như lời bài hát "Chiếc lá nhỏ" tôi đã viết: "Người đời sau có nhớ/ người đời sau có hát/ bài hát về Trường Sơn?".

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Minh Quang

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.