Nhạc sĩ Lê Trung Tín: Phố chợ. một tiếng vĩ cầm...

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:00
Mái tóc ông xõa dài. Sợi tóc đã nhuộm mấy mùa gió sương, xao xác trắng. Nhìn ông, người ta nghĩ đến một lão nghệ sĩ lãng đãng, uống rượu với gió, hát lời cùng trăng. Người ta - hay ít ra là tôi - cũng nghĩ ngay đến một mảnh xanh nho nhỏ, góc nào bụi bụi mà ông gọi là nhà để dìu "nàng" vĩ cầm, viết nên những nhạc phẩm chếnh choáng lòng người. Có ai ngờ chốn lãng mạn của ông lại là cái sạp hàng chật hẹp, ngổn ngang đủ loại hàng hóa, tạp phẩm chìm khuất trong khu chợ chen chúc, ồn ã người xe...

Lão nhạc sĩ giữa chợ Bàn Cờ

Lọt thỏm trong sạp hàng tạp hóa, cây vĩ cầm bạc màu càng nhỏ bé, nép mình bên những kệ hàng ken đặc, nằm la liệt, chỉ chừa lối đi bé xíu có chú chó tên Lu án ngữ. Ông đang loay hoay ký âm ca khúc mới. Ôm vĩ cầm, ông gẩy đàn xem giai điệu đã ưng ý chưa, rồi nghêu ngao hát thử. Chú chó Lu nghểnh đầu vểnh tai, dụi dụi cái mũi ướt vào chân chủ. Dăm phút lại có tiếng gọi: "Chú ơi, bán cho cháu hộp kem đánh răng", "Có bánh bỏng ngô lát tròn không bác?", "Chai dầu ăn này bao nhiêu hả anh?"… Ngoài đường, ầm ĩ đủ tiếng người mua kẻ bán, tiếng gà vịt oang oác, tiếng xe cộ làm kẹt lối vào chợ…

Trả lại tiền thừa cho khách, ông lại ôm vĩ cầm, nhấp ngụm trà rồi sửa tiếp nốt nhạc. "Thường các nhạc sĩ sáng tác phải thật tĩnh lặng, khung cảnh nên thơ mới có cảm hứng. Ở đây bất tiện vậy…?". Ông cười ngon ơ: "Tôi quen rồi. Mà cũng hay cô ạ, tự dưng bị người ta ngắt quãng, cảm hứng cũ bị đứt mạch thật nhưng nhờ đó mà mình có cảm hứng mới, nhiều khi còn hay hơn". Vợ trông cửa hàng vải đối diện, ông thì trông cái cửa hàng tạp hóa này nên cả ngày chẳng đi đâu được.

Nhiều người sẽ thấy lạ khi lên các trang nghe nhạc trực tuyến, xem truyền hình hoặc mua CD, họ đã bắt gặp tên ông bên cạnh những bài ca sâu lắng như "Chỉ vị tình", "Khúc lặng", "Mắt dương cầm", "Tháng Bảy về"…, hay như mới đây là "Tiễn đưa" - tâm khúc viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khách đi chợ chẳng mấy ai biết ông già bán hàng ấy là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ TP HCM. Anh em nghệ sĩ vẫn gọi đùa Lê Trung Tín là nhạc sĩ ẩn dật trong cái chợ nhỏ (sạp tạp hóa -PV) nằm giữa cái chợ lớn. Ông kệ, bảo mình đã ngoài hoa giáp rồi, phô phang tên tuổi làm gì, chỉ muốn lặng lẽ mà sáng tác. Sông càng sâu, đáy nước càng tĩnh lặng.

Nhạc sĩ Lê Trung Tín tranh thủ sáng tác lúc vãn khách mua hàng.

Ở chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM, người ta đã quá quen thuộc với tiếng vĩ cầm cất lên mỗi chiều. Nghe tiếng đàn, Huy, anh chàng luật sư nhà bên ló đầu vào: "Bác, hôm nay có khách hả?".  Huy thường lân la cùng ông uống trà thưởng nhạc những chiều rỗi rãi, rồi mê nhạc của "bác Tín" lúc nào không hay. Nhiều bài thơ hay anh sưu tầm được, trong đó có thơ của thầy giáo Bùi Minh Châu, Huy nhờ nhạc sĩ Lê Trung Tín phổ nhạc.

Những tác phẩm của Lê Trung Tín đậm màu sắc của dòng nhạc thính phòng cổ điển Tây phương, pha chút lãng mạn, trữ tình. Chất nhạc mà nhà thơ Trương Nam Hương phải xuýt xoa: "Nhạc Lê Trung Tín sang trọng, man mác những dư vị đẹp, buồn". Lê Trung Tín sáng tác theo dòng antonal, tức là không theo điệu thức, giai điệu hoặc thang âm nào nhất định mà viết theo cảm xúc tùy hứng. Dòng nhạc rất kén người sáng tác lẫn người thể hiện. Ca sĩ mà Lê Trung Tín tin tưởng gửi gắm đứa con tinh thần là Quang Minh, Duy Linh và Diệu Hiền - những giọng trung, trầm nhẹ hợp với điệu buồn phảng phất, ảo mờ trong nhạc của ông.

Hơn 200 bài hát thì trong đó khoảng 80 phần trăm là bài phổ thơ của các tác giả nổi tiếng như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Nam Hương, Phạm Khải, Lê Thị Kim, Nguyễn Thụy Kha, Cao Quảng Văn, Tôn Nữ Hỷ Khương, Huệ Triệu… Lê Trung Tín chọn phổ thơ khi ông tìm thấy ở đó sự giao thoa với cái tôi nghệ sĩ của mình: một cái tôi tự sự run rẩy trước hoài niệm; một cái tôi yếu mềm, mê mẩn trước cái đẹp mang màu ký ức; một cái tôi chiêm nghiệm với triết lý nhân sinh; một cái tôi "chỉ vị tình". Bài "Tụng ca cỏ" của Trương Nam Hương khiến ông ấn tượng mạnh bởi triết lý thâm sâu: "…Lịch sử bước chân qua, những vương triều vong thịnh/ Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính/ Cỏ công bằng nhân ái/ Thản nhiên xanh/ Cao hơn mọi khổ đau/ Cao hơn nhiều hạnh phúc/ Cỏ biếc như niềm vui/ Cỏ xanh như nước mắt/ Vẫn nhận mình thấp bé/ Thản nhiên xanh…". 

Lê Trung Tín cũng từng sáng tác nhạc nhẹ, những bài ngành ca, tỉnh ca… dù rằng ít ỏi. Ông kể: "Hồi tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" do Công an TP HCM tổ chức, tôi không am hiểu nhiều, lại sợ sai quan điểm nên cứ lấy nguyên những điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân để phỏng theo đặt lời. Mấy anh trong ngành nghe xong, ai nấy đều lắc đầu bảo viết thế thì khô khan quá. Được góp ý, tôi mừng lắm, vậy là tha hồ viết bằng xúc cảm nghệ sĩ của mình đối với hình tượng người chiến sĩ Công an. Đó là sự hy sinh, gian khổ trong đấu tranh giữ bình yên cho nhân dân, là hậu phương người chiến sĩ. Cuối cùng bài hát "Là người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam" mang giai điệu trữ tình đầy xúc động, tự hào đoạt giải khuyến khích". Về chủ đề biển đảo, bài "Trường Sa - Tổ quốc giữa trùng khơi" (phổ thơ Trương Nam Hương) của ông cũng đoạt giải C cuộc thi sáng tác về biển đảo quê hương của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Góc nhớ Hà Nội trong tiếng vĩ cầm…

Tuổi thơ Lê Trung Tín là những ngày đánh đáo, bắn bi, trốn tìm dưới hàng cây góc phố Bà Triệu, Hà Nội. 5 tuổi, cậu bé thò lò mũi xanh đã được bố cho đi học nhạc. Ông dắt Tín đến cửa hiệu đàn violin (vĩ cầm). Mắt cậu bé sáng rỡ. Cậu bé được ông bố cho thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) học chuyên khoa violin. Cả tuổi thiếu thời, Lê Trung Tín gắn bó với "nữ hoàng của các nhạc cụ" và đắm chìm trong thế giới âm nhạc của Beethoven, Mozart, Bach... Cho nên sau này, thay vì sáng tác trên guitar hay keyboard như bao người, Lê Trung Tín lại sáng tác trên vĩ cầm. Các bài hát của ông thoảng chất vĩ cầm và mang âm hưởng thính phòng là vì vậy.

Chiến tranh, binh lửa nên dù chỉ cần một năm nữa để cầm lấy mảnh bằng tốt nghiệp, Lê Trung Tín cũng sẵn sàng bỏ hết để khoác ba lô lên vai trở thành anh lính lái xe tăng. Biết Lê Trung Tín là một tay vĩ cầm có hạng nên đoàn văn công của Bộ Tư lệnh Xe tăng Thiết giáp do nhà thơ Hữu Thỉnh làm trưởng đoàn đã cử ông đi học lớp sáng tác ca khúc do Tổng cục Chính trị mở. Tại đây, ông bắt đầu tập tành sáng tác.

Năm 1975, Lê Trung Tín phục viên rồi từ giã Hà Nội vào TP HCM sinh sống. Ông cùng vợ mở quầy tạp hóa để làm ăn, nuôi con. Kinh tế khốn khó, cây vĩ cầm và cả gia tài âm nhạc ông để lại ở Hà Nội, chẳng mơ màng chuyện sáng tác. Thỉnh thoảng, khi những ngày cũ dội về, cầm lòng không được, ông lại cầm bút mà viết vội những thanh âm tuôn trào. Đến năm 2007, khi việc làm ăn ổn định, con cái đã lớn, ông mới "xin phép" vợ con cho mình được trở lại cái đam mê  thời trai trẻ.

Ở phương Nam xa xôi, ông không thôi nguôi nhớ về Hà Nội: nhớ tuổi nhỏ, tán hoa sữa, nhớ mùa thu vàng lá, nhớ Hồ Tây sương sớm, nhớ chùm sấu non chua thanh đầu lưỡi… Cuộc sống tất bật, ông chỉ có điều kiện về thăm Thủ đô hai, ba lần, nên nỗi nhớ càng khảm sâu, lặng lẽ gửi trong câu hát. Album "Góc nhớ Hà Nội" của ông tập hợp những ca khúc phổ thơ gợi về thủ đô yêu dấu. Đó là: "Quán nhớ", "Sông 17 tuổi", "Mùa thu quên", "Góc nhớ Hà Nội", "Hà Nội một thời" (thơ Trương Nam Hương); "Sang thu", "Hỏi" (thơ Hữu Thỉnh); "Chiều thu Hà Nội" (Cao Quảng Văn); "Heo may, nắng vàng" (Huệ Triệu)… Lang thang trong miền hoài niệm, Lê Trung Tín luôn bắt gặp hình ảnh thời bé dại với những rung động đầu đời. Ông tìm trong thơ người tháng năm tuổi cũ để mà thương một Hà Nội riêng mình: "Em đi bên anh chiều thu Hà Nội/ Đường thênh thang mây trắng rủ nhau về/ Buồn cuộn chảy sông Hồng ra biển lớn/ Để câu hò bát ngát dạo bờ đê/ Xanh mấy tầng thu, xanh mấy tầng thu Hà Nội/ Chiều im nghe nắng gọi Ba Đình/ Trên vai phố phường lá hoa khúc khích/ Áo lụa Hà Đông, hồng đôi má em xinh…" ("Chiều thu Hà Nội", thơ Cao Quảng Văn). "Tóc dài lắm màn đêm buông xõa/ Xoa dịu dần khoảng sáng âu lo/ Cảm ơn nhé chuồn chuồn bay thấp thoáng/ Đã cõng em qua tuổi học trò…" ("Mười bảy tuổi", thơ Phạm Khải). 

Hà Nội và dòng nhạc antonal như hòa quyện lấy nhau bởi xúc cảm của người nghệ sĩ, làm nên phong cách riêng của nhạc sĩ Lê Trung Tín: buồn, tiếc nuối, tự hào, đầy lãng mạn. Dòng nhạc ông chọn là một lối hẹp, khó đi và chẳng thể dễ dãi. Nhưng tôi tin từ sạp tạp hóa bề bộn này, dòng nhạc ông theo đuổi sẽ làm nên những nhạc phẩm đẹp. Lời ca cất lên trên dây vĩ cầm tuy cô độc, nhưng vô cùng kiêu hãnh giữa chợ đời ồn ã, ngược xuôi…

Mai Quỳnh Nga
.
.