Nhạc sĩ Lê Mây: Biển đã cho tôi phép màu

Thứ Tư, 28/05/2014, 08:00

Những ngày qua, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã dấy lên sự phản ứng quyết liệt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Đây cũng là lúc nhiều ca khúc về biển đảo đã xúc động vang lên ở khắp nơi. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Mây - người từng lập kỷ lục sáng tác tới 7 ca khúc được nhiều người yêu thích trong một chuyến đi thăm Trường Sa năm 2009.

- Thưa nhạc sĩ Lê Mây, hẳn ông cũng rất quan tâm đến tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày trong những ngày qua?

+ Tôi quan tâm, sốt ruột và tức giận nữa. Tôi cảm thấy mình may mắn khi có được chuyến đi Trường Sa vào tháng 4/2009. Chuyến đi ấy mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc mà trên hết là sự xúc động khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân dân trên đảo, đặc biệt là với các chiến sĩ ở nhà giàn. Nhờ có chuyến đi ấy, mà giờ đây khi chứng kiến những hành động ngang ngược từ phía Trung Quốc, tôi thấu hiểu tâm tình của những người lính đang ngày đêm sống và chiến đấu trên biển đảo và muốn chia sẻ thật nhiều với họ, muốn mọi người hát nhiều về họ hơn nữa.

- Ông có dự định tiếp tục dòng cảm xúc mãnh liệt khi viết về Trường Sa như mấy năm trước?

+ Là nghệ sĩ, tôi chỉ biết gửi nỗi niềm của mình vào những nốt nhạc. Từ khi đi Trường Sa về đến nay, tôi vẫn ấp ủ những giai điệu hướng về biển đảo. Nhưng gần đây, trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, tôi trăn trở nhiều hơn nhưng vẫn chưa "nhặt" được cái tứ nào mới lạ, đặc biệt hơn nên tôi vẫn đang đợi khoảnh khắc ấy đến. Tôi luôn tin nó sẽ bất chợt đến với tôi trong một khoảnh khắc nào đó.

- Nghe nói, chuyến đi Trường Sa có 12 ngày, mất 4 ngày vừa đi vừa về rồi, chỉ còn lại 8 ngày trên đảo mà ông đã cho ra đời 1 chùm 7 ca khúc và các ca khúc này đã được hát luôn trên các đảo. Chuyện này thực hư thế nào thưa nhạc sĩ?

+ Chuyến đi Trường Sa năm ấy là đi theo đoàn đại biểu gồm 50 người của Thành ủy Hà Nội. Tôi là một trong những người cao tuổi nhất trong đoàn. Đặt bước chân đầu tiên lên đảo Trường Sa, một cảm giác xúc động khiến tôi nghẹn giọng. Nhìn cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, nhìn ngôi nhà các chiến sĩ Hải quân ở, nhìn cái cây các chiến sĩ trồng, nâng niu, chăm sóc từng ngày từng giờ mà ứa nước mắt.

Với người nghệ sĩ, những rung cảm như thế đều vô cùng quan trọng trong quá trình sáng tác. Giai điệu, ca từ đều đến với tôi rất nhanh, mỗi bài tôi viết chỉ mất chừng 30 phút thôi, nên nói là 8 ngày sáng tác 7 bài thì vẫn là… quá dài so với thực tế ấy chứ. Các ca khúc "Sóng gió Trường Sa", "Chuyện tình Trường Sa", "Đảo chìm", "Tôi hát đảo Phan Vinh", "Con tàu Titan", "Cây xanh trên đảo" mới vừa ráo mực đã được biểu diễn ngay trên các đảo, nhà giàn. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các chiến sĩ, những người đi cùng đoàn cũng trở thành ngọn lửa đặc biệt thôi thúc tôi có thêm những sáng tác về Trường Sa.

- Trong quá trình sáng tác những ca khúc này, có bài hát nào gắn với kỷ niệm hay ấn tượng đặc biệt nhất đối với ông?

+ Mỗi bài hát của tôi đều có một "nguyên cớ" nào đó đẩy đưa để nảy ra nét nhạc, ca từ. Nhưng có lẽ xúc động nhất, ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi là nguyên cớ để ra đời bài hát "Chuyện tình Trường Sa". Hôm đó, tôi và đoàn bước lên nhà giàn DK1. Từ trên cao nhìn xuống biển, nhìn ra xung quanh trời nước mênh mông một màu xanh thẳm, sự xúc động khiến không một ai từ đất liền ra không rơm rớm nước mắt. Chúng tôi ôm lấy các chiến sĩ mà nước mắt cứ tuôn trào không kìm nén được.

Trong đoàn có một cô gái đã rút từ ngón áp út của mình chiếc nhẫn cưới tặng một chiến sĩ trẻ. Một cử chỉ quá đẹp đẽ, quá nhân văn và đầy chất thơ đã cho tôi cái tứ để tôi sáng tác bài "Chuyện tình Trường Sa" và ca khúc ấy đã được hát ngay trên nhà giàn trong sự cổ vũ và những ánh mắt trìu mến của mọi người: "Chiếc nhẫn cưới mẹ cho em/ Chiếc nhẫn giờ em trao anh/ Chiếc nhẫn nói lời yêu thương/ Chiếc nhẫn nói lời quê hương. Người ơi…".

Với tôi, đó là món quà lớn lao trong cuộc đời làm nghệ thuật mà tôi không bao giờ quên được. Tôi rất vui vì đến nay bài hát này đã được nhiều ca sĩ thể hiện, được nhiều người biết tới, thậm chí là hơn cả bài "Đảo chìm" từng đoạt giải nhì trong một cuộc thi không có giải nhất.

- Trong mấy năm gần đây, đã có nhiều cuộc vận động sáng tác ca khúc về chủ đề biển đảo khá thành công, có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ có tên tuổi với sự ra đời của hàng loạt ca khúc mới. Thế nhưng có một thực tế là các ca khúc về chủ đề này vẫn chưa có được một đời sống sôi động như nó cần có. Là người sáng tác âm nhạc có những dấu ấn và quan tâm đáng kể đến chủ đề này, ông có đề xuất gì?

+ Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc quan tâm đầu tư cho sáng tác, Nhà nước nên quan tâm tới việc làm sao để những ca khúc về biển đảo có một đời sống sinh động hơn, đúng tầm quan trọng của nó. Hiện nay, theo quan sát của tôi, vào các khung "giờ vàng" trên VTV chẳng hạn, luôn chỉ có những chương trình, những Game show phổ biến là hát các ca khúc thị trường vì nó hút được nhiều quảng cáo, còn những bài hát thuộc dòng "nhạc đỏ" như chúng ta quen gọi lại bị đẩy vào các khung giờ có ít người xem. Âm nhạc luôn tiềm tàng một sức mạnh đặc biệt mà trong thời chiến hay thời bình chúng ta cũng không nên xem nhẹ.

Trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta đẩy mạnh việc quảng bá, phổ biến các ca khúc hát về biển đảo cũng là cách góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết của cộng đồng đối với vấn đề biển đảo. Cách đây vài năm, việc 1.000 người cùng đồng ca bài hát "Nơi đảo xa" của nhạc sĩ Thế Song từng gây xúc động mạnh trong lòng công chúng là một minh chứng rất cụ thể

- Nghe nói, chuyến đi Trường Sa đã có những tác động không nhỏ tới cuộc sống, suy nghĩ của ông. Thực tế, nó đã tác động tới ông như thế nào?

+ Tôi cho rằng, thực sự biển đảo Trường Sa đã cho tôi phép màu. Trước biển, mọi thứ đều trở nên nhỏ bé, nhưng hình ảnh những người lính bé nhỏ, da đen tóc cháy ngày đêm bồng súng canh giữ từng tấc đất, từng phiến đá ngầm trở nên đẹp đẽ, vĩ đại biết bao nhiêu. Đứng trước biển ở nơi ấy, con người ta trở nên vị tha hơn, trong sáng hơn và khi ấy tôi mới cảm nhận rõ những bon chen, những tị hiềm, ganh đua, đố kỵ vốn như những con sóng ngầm trong cuộc đời kia mới trở nên tẻ nhạt, tầm thường làm sao. Tôi đã gửi gắm điều này trong bài hát cho thiếu nhi "Cây xanh trên đảo": "Ở nhà con thỏ có lúc to bằng con trâu/ Ra biển không lâu bé bằng con kiến/ Cứ đi ra biển thế nào cũng gặp cô tiên/ Cứ đi ra đảo thế nào cũng gặp ông tiên…". Tôi đã thay đổi rất nhiều từ sau chuyến đi ấy. Tôi đã quyết định bán nhà ở phố, về quê đào ao thả cá, chăn gà và… sáng tác âm nhạc. Tôi đã làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn, thú vị hơn.

- Tâm trạng ấy của ông hình như được gửi gắm cả trong bài "Võng đay trưa hè"? Nhưng hình như quê ông ở Hưng Yên cơ mà, đâu có phải là Trạm Trôi nơi ông đang "đóng đô"?

+ Đúng đấy! Tôi viết: "Bôn ba bốn phương trời, bỗng một ngày đầu xanh giắt muối, bỗng một ngày chùn chân mỏi gối, về làng thôi, về quê thôi, dừng cuộc chơi phố xá... dừng cuộc chơi thị thành. Về thôi, về với ông bà về với mẹ cha, gặp bạn cũ thời cắt cỏ chăn trâu, gặp bạn cũ thời sách đèn bên nhau, bãi mía nương dâu bờ tre gốc lúa, về thôi…", nhưng đó không chỉ là tâm trạng của tôi mà là tâm trạng của bạn bè tôi, của nhiều người mà tôi biết.

Tuổi 70, chân đã chồn, gối đã mỏi. Cuộc sống đô thị cũng khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi quá rồi. Dẫu không phải là quê hương bản quán, nhưng ở lâu rồi cũng thành quê. Bây giờ bạn cứ về đến Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội - PV), hỏi thăm vào nhà nhạc sĩ Lê Mây thì nhiều người chỉ vào tận nhà. Những người láng giềng của tôi đã coi tôi là "người làng" của họ rồi.

- Có người nói rằng, đến khi về hưu rồi ông mới "nở rộ" những ca khúc mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân được nhiều người biết tới như "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", "Võng đay trưa hè", "Hóa vàng"… Ông có thấy rằng, "độ chín" của ông có vẻ hơi muộn so với các nhạc sĩ khác?

+ Với nghệ thuật thì không bao giờ là muộn cả. Thực ra tôi không học sáng tác ngày nào mà học trung cấp biểu diễn nhạc cụ dân tộc rồi xung phong lên công tác ở Đoàn Văn công Nghĩa Lộ. Tôi đến với sáng tác hoàn toàn là do tự mày mò học, nhưng cũng bắt đầu từ những năm 1970 cơ. Sau này về hưu, có thời gian hơn, nhiều đúc kết, trải nghiệm với biết bao thăng trầm, những sáng tác mang âm hưởng dân gian của tôi được nhiều người đón nhận hơn thôi…

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Mây!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.