Nhà văn và những chuyện vui khi tham gia giao thông

Thứ Tư, 19/05/2010, 11:29
Để hưởng ứng Nghị định 34 của Chính phủ, chúng tôi xin được góp  vài ba mẩu chuyện liên quan đến việc tham gia giao thông của một số nhà văn. Chuyện có thể vui, có thể chưa vui, song biết đâu lại giúp cho bạn đọc một chút "kinh nghiệm" nào đó?

Chúng ta đều biết, tình hình an toàn giao thông ở nước ta hiện đang có những diễn biến phức tạp. Số người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Sự ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đã trở thành vấn đề nan giải. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2010/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (với mức phạt tăng nặng ở một số trường hợp, một số khu vực, địa bàn) và Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 tới.

Kỹ tính khi sang đường

Nhà văn Tô Hoài, trong một bài tùy bút có tên gọi "Loăng quăng" đã kể lại cái "mẹo" sang đường của nhà thơ Trần Lê Văn (mà ở tuổi Tô Hoài, ông cho là "khoa học"): Trần Lê Văn dắt xe đạp ra phố. Nhưng ông chỉ lên xe khi nào đường vắng. Còn đến chỗ đông người, chiếc xe đạp kềnh càng trở thành chiếc... lá chắn. Nó "làm hiệu cho người ta biết có xe có người đương dắt đây", buộc người điều khiển ôtô, xe máy phải lưu ý, nhường đường cho ông. Về hiệu quả của việc làm này, Tô Hoài kết luận: "Rõ ràng có cái xe đạp, dắt đi quả có vững tâm hơn".

Cách thức "tránh" tai nạn giao thông của nhà thơ Trần Lê Văn cũng là cách thức mà nhà thơ trào phúng cự phách Tú Mỡ những năm cuối đời vẫn thường áp dụng. Một phóng viên trẻ từng kể: Có lần, anh trông thấy cụ Tú dắt xe đạp đi về phía cổng cơ quan anh. Anh lấy làm ngạc nhiên: "Sao cụ không lên xe mà đạp, lại dắt đi như vậy". Cụ Tú chậm rãi trả lời: "Dắt xe mà đi dễ hơn đi không, mà lại an toàn". Hình như, đến một tuổi nào, con người ta có tâm lý giống nhau?

Mặc dù được tiếng là người đi đứng xông xáo, song về việc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, nhà văn Nguyên Hồng có tác phong đáng để anh em viết văn trẻ học tập. Chuyện kể rằng, một lần, tại ngã tư Bà Triệu - Hàm Long (Hà Nội) trong khi đang chăm chắm giơ tay xin đường thì chợt Nguyên Hồng nghe có tiếng gọi. Ông nhận ra đó là một cây bút trẻ. Ngay lập tức, lão nhà văn vẫn tay ra hiệu: "Vào đây, vào đây bác bảo cái này".

Mừng quýnh trước thái độ cởi mở của nhà văn lớn, cây bút trẻ nọ vội dừng xe bên lề đường, định cứ thế đứng nói chuyện, nhưng vì nhà văn già cứ lui dần vào tít sâu trong hè, anh đành phải dắt xe theo.

Khi hai bác cháu đã đứng đối diện nhau, bấy giờ Nguyên Hồng mới khẽ khàng nói: "Đứng đây! Đứng đây! Không được đứng dưới lòng đường mà nói chuyện làm cản trở đi lại của người khác cháu ạ. Bác nhắc thế thôi, thôi, cháu đi cho kịp công việc". Cây bút trẻ nọ nghe vậy thì chưng hửng, không ngờ cuộc gặp nhà văn kỳ cựu chỉ là để ông nhắc nhở về việc thực hiện luật giao thông. Dẫu vậy, anh vẫn cung kính đáp chào: "Cháu xin nghe lời bác".

CSGT làm nhiệm vụ tại một chốt giao thông.

Như người đời đã đúc kết, nhiều khi đi trên những tuyến phố nhỏ hẹp, đông người  lại an toàn mà đi trên đường thênh thang cao tốc thì dễ bị tử nạn. ấy là bởi, tai nạn thường ập đến vào lúc con người chủ quan nhất. Có lẽ vì ý thức điều ấy, nên dù có dong xe trên đường vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu, nhà văn Phan tứ cũng quyết thực hiện đầy đủ các thao tác đảm bảo an toàn. Nhiều nhà văn ở Hà Nội kể lại rằng, có những tối Phan Tứ đi thăm bạn bè trở về, mặc dù đã là 12 giờ đêm, song khi đạp xe trên phố vòng qua các ngã tư ông vẫn không quên giơ tay... xin đường, bất kể đường phố bấy giờ vắng tanh và chỉ còn đồng chí công an ngồi một mình trong trạm gác.

Và lúc không may... phạm lỗi

Trên Chuyên đề Văn nghệ Công an số 125, tác giả Lê Anh Khoa đã kể câu chuyện vui về một nhạc sĩ từng được các chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) "bỏ qua" cho lỗi lơ đãng vượt đèn đỏ tại một ngã tư vì sau khi kiểm tra giấy tờ, họ biết ông chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả ca khúc "Từ một ngã tư đường phố" (một ca khúc hiện vẫn được xem là hay nhất viết về các chiến sĩ Cảnh sát giao thông). Nói đằng thẳng ra thì việc tha lỗi như thế là chưa đúng luật, song chúng ta là con người chứ không phải máy móc, bởi vậy, trong những tình huống cụ thể, ta vẫn có thể có cách xử lý sự việc một cách mềm mại, uyển chuyển, vừa cho có tình vừa để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nhân đây, tôi cũng xin cung cấp thêm cho bạn đọc một vài mẩu chuyện liên quan đến chuyện một số nhà văn của chúng ta phải đối mặt với CSGT vì lỗi đi sai làn đường hoặc lơ đãng vượt đèn đỏ..., để thấy họ đã nhận thức về việc này như thế nào, và các chiến sĩ CSGT cũng thấu tình trong việc xử lý những lỗi này như thế nào.

Theo tác giả Hoàng An kể lại (trong cuốn "Vui vui... chuyện làng văn", NXB Công an nhân dân, 2007) thì một lần, vì lơ đãng không để ý tới biển báo, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào đường một chiều. Ngay lập tức, tiếng còi lệnh vang lên. Một chiến sĩ CSGT bước tới: "Yêu cầu bác dừng xe, cho xem giấy tờ". Trong khi nhà văn đưa giấy tờ cho người chiến sĩ trẻ, đồng thời rút ví soạn tiền chờ nộp phạt thì chợt có tiếng hỏi: "Bác là Ma Văn Kháng?". "Vâng". Nhà văn vừa dứt lời đã thấy chiến sĩ CSGT nọ đứng nghiêm, đưa tay lên mũ chào, dõng dạc: "Kính chào nhà văn Cây bút Vàng".

Thì ra, do thường xuyên đọc báo chí Công an, chiến sĩ CSGT nọ được biết nhà văn Ma Văn Kháng là người đã đoạt giải thưởng Cây bút Vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an), bởi vậy mà anh đã quyết định bỏ qua lỗi đi ngược đường của nhà văn. Kính cẩn đưa lại nhà văn giấy tờ, khi Ma Văn Kháng cho xe nổ máy, người chiến sĩ trẻ còn dặn với theo: "Lần sau, bố đi phải xem biển báo cẩn thận đấy nhé". 

Tôi có anh bạn từng làm phát thanh viên của một Đài Truyền hình. Một lần, mải suy nghĩ, anh đã vô tình vượt đèn đỏ tại một ngã tư nhiều người qua lại. Và anh giật mình phát hiện ra một chiến sĩ CSGT đứng ở mé đường bên kia đang mau lẹ tiến về phía mình. Rất nhanh trí, anh giơ tay làm một động tác như chào và cất tiếng hỏi to: "Hôm nay đến phiên trực à?". Trong khi người chiến sĩ trẻ chùng bước, ngơ ngác cố nhớ xem đó là ai thì xe của anh đã... khuất lẫn vào dòng người cuồn cuộn. Câu chuyện khiến tôi nhớ đến việc nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, do mắc lỗi đi ngược chiều, bị CSGT yêu cầu dừng xe, đã nhanh trí nhớ ra hôm ấy là mùng 5 tết nên đã làm một động tác rất "đáng yêu" là lấy từ túi ra chiếc phong bì dành để lì xì người thân mừng tuổi cho chiến sĩ nói trên. Người chiến sĩ trẻ thoạt đầu cương quyết từ chối, song vì nhà thơ nói khéo quá, có tình có lý quá, rằng: "Cậu là người đầu tiên  xuất hành tớ gặp trong năm mới, theo phong tục dân tộc tớ mừng tuổi cậu...", rằng: "Đây là tiền mừng tuổi của tớ chứ có phải là tiền đút lót cậu đâu", rằng "Cậu không nhận là tớ dông cả năm đấy", nên đành chiều theo ý nhà thơ. Xong xuôi, Nguyễn Trọng Tạo đặt vấn đề nộp phạt. Nhưng thử hỏi, đến nước này thì còn ai nỡ thu tiền của nhà thơ nữa?

Vừa rồi, tôi có đọc trên báo An ninh Thủ đô bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong đó anh có nhắc tới việc một đôi lần anh bị CSGT tuýt còi vì lỗi vượt đèn đỏ, hoặc không đội mũ bảo hiểm. Có lần anh được anh em CSGT "tha" cho khi họ biết anh là nhà thơ. Thậm chí, có người sau khi "cho qua" còn dặn thêm khiến anh rất xúc động: "Đi cẩn thận nhé, nhà thơ mà sao thì chết". Cũng có lần anh kiên quyết chịu nộp phạt mà không phải kêu cầu đến người quen. Anh kể: "Lần đấy là ở Hà Tây, phạt tiền hẳn hoi. Những cảnh sát trẻ đã giữ tôi lại vì xe tôi không có đèn và tôi không đội mũ bảo hiểm. Con tôi có nói rằng, bố gọi cho bác Thường (Giám đốc Công an tỉnh Hà Tây trước đây) vì anh Tô Thường vừa gọi điện cho tôi trước đó. Nhưng tôi nói với con rằng: "Không, việc này bố con mình sai". Anh Tô Thường về Công an tỉnh Hà Tây đã làm rất nghiêm và thay đổi được nhiều chuyện. Sau khi bị phạt tôi nói với anh Tô Thường rằng tôi nhận phạt trước hết là để ủng hộ bạn mình".

Như vậy, qua những câu chuyện trên, ta có thể thấy: Không hiếm chiến sĩ CSGT trong xử sự cũng rất "biết người biết của". Và cũng không ít nhà văn biết ủng hộ những người ngày đêm vất vả thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Phạm Tuấn Đạt
.
.