Nhà văn và hoạ sĩ: Ai lấn sân ai?

Thứ Bảy, 24/11/2007, 14:20
Người viết văn bỗng một hôm chuyển sang vẽ, còn người đang vẽ bỗng một lúc nào đấy lại chuyển sang viết văn. Dường như không còn lằn ranh nào giữa văn chương và hội họa. Xem những tác phẩm của họ mới thấy vẫn con người ấy, vẫn sự thăng hoa ấy, chỉ có cách thể hiện là khác đi mà thôi.

Khi nhà văn... vẽ

Đã từng có những cuộc gắn kết ngoạn mục giữa văn chương và hội họa, song hành và tôn vinh lẫn nhau khi "Truyện Kiều" được thể hiện qua 13 bản khắc gỗ của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, hay Triển lãm "Bản thảo" trưng bày những độc bản duy nhất quá trình sáng tạo của nhà văn dưới dạng một tác phẩm hội họa, hay đa dạng hơn nữa là ý tưởng sáng tác tranh về tác giả và nhân vật văn học...

Nhưng có lẽ sự gắn kết ngoạn mục hơn cả là chính họ, những họa sĩ, những văn sĩ trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo của nhau, tạo nên một khoảng đan xen kỳ diệu giữa văn chương và hội họa.

Đóng góp nhiều cho dòng chảy này phải kể đến nhà thơ Trần Nhương với hơn mười năm cầm cọ. Anh thường sử dụng chất liệu bột màu và sơn dầu để dẫn người xem đến với những tình cảm nhẹ nhàng, chân quê như "Gió bát ngát đồng rừng", "Gió quê", "Bài thơ tình của lính"...

Anh vẽ nhiều và bán cũng nhiều, đã hai lần triển lãm cá nhân và nhiều triển lãm nhóm, nhưng nó có lẽ cũng chỉ là cuộc dạo chơi của một Trần Nhương nhà thơ với những phút thư giãn giữa hai bài thơ và là một thứ duyên làm cho đời sống thêm phong phú.

Khác hẳn với sự "hiền lành" của nhà thơ Trần Nhương là những mảng màu đối nhau gay gắt của "họa sĩ trẻ" Nguyễn Quang Thiều. Đó là một nỗi buồn, một khát vọng, một giấc mơ hay một ký ức nào đó mà chính anh nói: "Tôi vẽ những câu thơ hay nhất của mình, vẽ những nhân vật trong thơ trong truyện của tôi. Tôi muốn nhìn lại họ một lần nữa bằng hình ảnh và màu sắc".

Hoàn toàn không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng người xem đã phải ngạc nhiên với "Con bò mùa thu", "Cá thần", "Hoa thảo mưa", "Những người lính chùa", "Ban mai", "Vũ hội cá"... Một phong cách hiện đại, sử dụng những gam màu nóng đầy ngẫu hứng và đối chọi, bố cục chặt, anh được đánh giá là rất "có nghề" trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Tuy nhiên, với anh vẽ cũng chỉ là cách để duy trì nguồn năng lượng bản thân.

Những văn sĩ như Hoàng Minh Tường, Đoàn Lê, Đỗ Minh Tuấn... cũng  từ lâu nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa. Mỗi người một vẻ khi họ lấy cảm hứng trực tiếp từ các tác phẩm văn học để bộc lộ cái tôi khác hẳn trong văn chương...

Với họ vẽ trước tiên là cảm hứng, là cách để giải tỏa bản thân và thể hiện cái tôi riêng qua từng bức tranh. Hội họa như một cứu cánh, một hình thức giao lưu mới khi mà người viết cảm thấy cô đơn, bất lực trước những trang giấy.

Và họa sĩ... viết

Không một cuộc trưng bày hay công bố tác phẩm như các các văn sĩ, giới hội họa tham gia vào sáng tác văn chương một cách lặng lẽ và đầy chất riêng tư. Đáng chú ý là cô gái tài danh trong văn học và hội họa Nguyễn Thị Châu Giang. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhưng với chị, viết văn, vẽ và làm thơ đều là sáng tác cả, chúng hỗ trợ nhau.

Thỉnh thoảng chị mới viết, nhưng tác giả của tập truyện ngắn nổi tiếng "Trở về tình yêu" luôn coi viết văn như nơi nương náu và lưu giữ những cảm xúc lâu dài cho tranh của mình.--PageBreak--

Họa sĩ Ly Hoàng Ly cũng lấn sân sang văn học với hai tập thơ "Cỏ trắng" và "Lô Lô". Học chuyên ngành sơn dầu nhưng chị lại chuyển sang nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn với quan niệm làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình. Ám ảnh sắp đặt đã được Ly Hoàng Ly dùng trong cách sắp xếp các chữ in, nó mang âm hưởng của cuộc thử nghiệm trò chơi nghệ thuật đương đại mà chị đang theo đuổi.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng, người từng du học tại Mỹ thì gây chú ý bởi việc cho ra liền một lúc 3 tập thơ đầu tay "Thời hôm nay", "Khoái cảm" và "Điên rồ hợp lý". Tác phẩm gây nên những phản ứng trái chiều. Với chị hội họa và văn chương hòa hợp trong cùng cơ thể, nó hỗ trợ và tương ứng cho nhau một cách tự nhiên.

Còn nhiều nhiều nữa những Đỗ Đức, Lê Trí Dũng, Đỗ Phấn, Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Hồng Hưng... đang âm thầm nuôi dưỡng những trang viết của mình. Đôi khi chỉ là những mẩu tùy bút, những bài phê bình trên báo hay một cuốn sách viết ra để biếu tặng bạn bè. Có lẽ việc viết lách ở họ không hàm ý để trở thành nhà văn mà đơn giản muốn góp cho đời những những tiếng nói phong phú, đa dạng của mình.

Họa sĩ Đỗ Phấn: "Với tôi, viết là phần bổ sung không thể thiếu được cho hội họa"

+ Được biết anh là một họa sĩ có tài, từng vẽ tranh minh họa cho tuần báo Văn nghệ từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Gần đây, sau truyện ngắn "Nửa đường" đăng trên Văn nghệ, nhiều người đã gọi anh là "nhà văn". Anh nghĩ sao về cái danh hiệu mới này?

-Tôi đã viết được hơn 15 năm, phần nhiều là tản văn, một ít truyện ngắn và cả phê bình mỹ thuật nữa. Một số truyện tôi có đưa cho bạn bè xem và góp ý, một số tôi đã cho đăng báo, nhưng vẫn còn nhiều cái tôi giữ cho riêng mình.

Gần đây tôi mới cho xuất bản tập tản văn "Chuyện vãn trước gương" và tập truyện ngắn "Thác hoa" với số lượng rất ít, chỉ để dành tặng bạn bè mà thôi. Với tôi văn chương chỉ là cách để ghi lại cảm xúc, để khi vẽ mình dựa trên những cảm xúc đó tạo nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên. Tôi có thể vẽ quanh năm ngày tháng mà không hết đề tài là nhờ vào những ghi chép đó.

+ Anh vẽ sắc sảo và đầy nhịp điệu. Những truyện rất ngắn của anh cũng là những bức phác họa sắc bén, vẽ lên những bức tranh rất thực về thân phận con người ngày nay. Liệu đây có phải là cách để anh nuôi dưỡng những tác phẩm lớn trong hội họa?

- Đã làm hội họa là phải có tư tưởng, hay ít nhất là có ý tưởng thì mới có được các tác phẩm thực sự. Viết là phần bổ sung không thể thiếu được cho hội họa giống như ký họa hay chụp ảnh. Nó là một phương tiện ghi lại những thứ không thể dùng hình mô tả, có khi chỉ là những khoảnh khắc vớ vẩn nhất nhưng lại là một kho tư liệu để vẽ ra hàng vạn bức tranh.

Với những tác phẩm dài hơi, đòi hỏi mình phải cân nhắc giữa các yếu tố thì những gì mình viết sẽ giúp lựa chọn ra những cảm xúc chân thực nhất.

Nhà văn Đoàn Lê: "Tôi vẽ để thỏa mãn mình"

Tôi học vẽ từ rất lâu rồi, từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tôi may mắn được họa sĩ danh tiếng Bùi Xuân Phái dạy cho những đường bút đầu tiên. Tôi còn nhớ ông cho tôi những tấm toan cũ, mấy cái bút cũ và những tuýp sơn dầu chỉ đủ pha dầu hỏa để đi đường nét.

Chao ôi, thế cũng đủ cho tôi vui sướng và vô cùng biết ơn thầy. Thời ấy họa phẩm mới quý hiếm làm sao! Đến nỗi bây giờ khi tôi mạnh tay vung sơn hơi thoải mái lên mặt toan là đã thấy mình bốc đồng rồi.

Mấy bức tranh đầu tiên tôi vẽ chỉ có đường nét với loáng thoáng màu rất mỏng. Đó là hình ảnh hai con gái tôi mới chừng bốn tuổi. Chúng là những rung động sâu đậm đầu tiên với hội họa mà tôi không thể quên. Từ đó đến nay tôi vẽ cũng không nhiều, nhưng không thể nhớ đã có bao nhiêu tranh.

Mỗi dịp triển lãm, những bức mình thích không giữ lại được, phải bán đi mất. Cũng không phải là bắt buộc, nhưng đây là một cuộc chơi, một cuộc chơi có thưởng. Có bức tôi đã từng bán được với giá hơn một ngàn đôla.

Hiện nay sách rẻ như bèo. In một tập sách chỉ được dăm mười triệu. Nhuận bút của mỗi tập sách luôn là ẩn số đáng nản. Tôi không bao giờ dám trông đợi sống khỏe bằng nhuận bút văn chương.

Tôi phải sống bằng nhiều nghề và bằng đồng lương hiện có. Còn đã gọi cái nghiệp văn chương thì đố ai bỏ được. Nhưng tôi có dự định từ nay sẽ chăm vẽ hơn viết. Viết văn và vẽ tranh đều là cách giãi bày mình cả. Tuy thế khi cầm cây cọ hình như tôi tự nhiên hơn. Cái "tôi" trong tranh được sống thoải mái, sống thật hơn. Người ta có thể thích tranh tôi hay không, điều ấy ít quan trọng, tôi vẽ để thỏa mãn mình.

Tường Hương
.
.