Chuyện làng văn nghệ

Nhà văn và chủ nợ

Thứ Năm, 19/07/2012, 08:00

Thời trẻ, từng có lúc văn hào Pháp Balzac lâm vào tình trạng nợ như Chúa Chổm.
Một hôm, khi ông đang tiếp bạn thì bất thần một chủ nợ xuất hiện...

- Thưa ngài, mong ngài chậm nhất là đến ngày mai thu xếp trả nợ cho tôi. Bởi hiện tôi cũng đang phải lo trả gấp một món nợ cho người khác - Chủ nợ nằn nì.

Balzac làm bộ khó chịu:

- Lạ nhỉ? Ông nợ người ta, sao lại bắt tôi lo thay cho ông?

Nghe nhà văn nói vậy, chủ nợ thoắt thay đổi thái độ. Ông ta hầm hầm bỏ về. Người bạn của Balzac đành chỉ biết quay sang vỗ về, an ủi bạn:

- Có lẽ mấy tay chủ nợ đang khiến anh bực mình thì phải?

Balzac đáp tỉnh queo:

- Không! Chính họ mới bực mình vì tôi.

Cũng như Balzac, từng có lúc văn hào Pháp Alexandre Dumas (cha) - tác giả "Ba người lính ngự lâm" rơi vào cảnh túng bấn, phải vay nặng lãi. Bởi vậy, ông cũng rất ác cảm trước sự xuất hiện của các chủ nợ. Một hôm, có ông hàng xóm đến gặp Dumas, vận động ông góp tiền mua vòng hoa phúng viếng một chủ nợ mới chết. Dumas nghe vậy, hỏi: "Mỗi người phải đóng bao nhiêu?". Khi nghe ông hàng xóm trả lời: "20 franc thôi", Dumas nói ngay: "Tôi sẵn sàng chuyển cho anh 40 franc, để anh viếng luôn hai thằng cho tôi".

Với chủ nợ, văn hào Nga Dostoyevsky lại thể hiện thái độ vừa ơn vừa oán, bởi nếu không bị họ đẩy vào tình thế thúc bách, chưa chắc ông đã viết xong cuốn tiểu thuyết "Con bạc" sớm như vậy. Chẳng là hồi ấy, Dostoyevsky đang tập trung hoàn thành nốt những chương cuối cùng của tiểu thuyết "Tội ác và trừng phạt" mà ông đang cho đăng tải nhiều kỳ trên báo. Còn 3 tháng dư dật để Dostoyevsky dành cho việc này. Thế rồi nhà văn sực nhớ tới bản hợp đồng "tai ác" mà ông đã ký với một chủ xuất bản. Theo đó, nhà văn được nhận khoản tiền ứng trước là 3.000 rúp với điều kiện: nhượng quyền cho lão ta xuất bản những tác phẩm của ông (gồm 3 tập) và phải giao trước ngày 1-11-1866. Hợp đồng còn ghi rõ: Ngoài khoản tiền bồi thường, chủ xuất bản có quyền in không trả tiền tất cả những gì Dostoyevsky viết trong 9 năm tiếp đó nếu như Dostoyevsky không thực hiện đúng cam kết. Thời hạn đặt ra là bất di bất dịch, bởi vậy, Dostoyevsky không thể nghĩ ra cách nào để trì hoãn.

Mặc dù Dostoyevsky có tốc độ viết "nhanh khủng khiếp" (ông từng có lần than thở với các đồng nghiệp rằng, vì nợ nần mà ông buộc phải làm hỏng tác phẩm của mình) nhưng với quãng thời gian vỏn vẹn một tháng, làm sao ông có thể hoàn thành một cuốn sách có độ dày như thế. Dostoyevsky rất đỗi lo lắng.

Biết chuyện, một người bạn đã tìm cách vẽ đường cho ông. Anh ta khuyên Dostoyevsky nên tìm một người ghi tốc ký. Nghĩ tới đâu, ông đọc cho anh ta ghi lại. Dostoyevsky nghe theo, nhưng chỉ nghe theo một nửa. Ông tìm cho mình một người ghi tốc ký, nhưng không phải là nam mà là nữ. Với quyết định này, ông đã không chỉ được việc mà còn được… vợ, bởi người ghi tốc ký ấy sau này đã trở thành người nâng khăn sửa túi cho ông.

Nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway trong đời cũng từng phải "cảm ơn" chủ nợ vì nhờ họ mà ông đã cầm bút trở lại. Ông kể, sau khi cho xuất bản cuốn "Bóng râm bên kia sông" không được các nhà phê bình văn học tán thưởng, ông định thôi cầm bút. Vậy nhưng sau đó mấy năm, khi không còn một xu dính túi, ông buộc phải viết văn trở lại để thanh toán nợ nần. Sự trở lại này đã giúp ông viết nên một số cuốn sách hay. Và Hemingway đặt câu hỏi: "Phải chăng nghèo túng là nguồn cảm hứng tốt nhất đối với sự sáng tạo của nhà văn?".

Sinh thời, nhà văn Mỹ danh tiếng Jack London từng bị chủ bút một tờ báo ở New York hối thúc bởi đã nhận tiền ứng trước cho một truyện ngắn mà không nộp tác phẩm đúng hạn định. Ông chủ bút này đã tới tận khách sạn Jack London ở. Không gặp nhà văn, ông ta để lại một lá thư: "Bạn Jack thân mến. Nếu trong vòng 24 tiếng nữa mà tôi không nhận được truyện của bạn, tôi sẽ đến tận phòng của bạn và đá bạn lộn nhào xuống chân cầu thang. Bạn nên hiểu cho là tôi luôn giữ đúng lời hứa đấy". 

Xem xong lá thư, Jack London viết thư đáp trả: "Bạn Dick thân mến! Để giữ đúng lời hứa với bạn, tôi sẵn sàng sáng tác cả bằng… đôi chân nữa"

Kỳ Lâm
.
.