Nhà văn trước dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân

Thứ Năm, 30/08/2007, 10:30
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để có thể hoàn thiện và đưa vào thực hiện từ năm 2009. Với giới văn nghệ sĩ - lực lượng lao động có tính đặc thù thì đây là một vấn đề hết sức phức tạp.

Các nhà xuất bản (NXB) đều "kêu" rằng, ngày càng ít người viết và in tiểu thuyết. Sự thực là truyện ngắn trước khi in thành sách còn có thể đăng ở báo và có nhuận bút.

Còn tiểu thuyết, chỉ có thể in sách. Sách bán đã chậm, tái bản lại càng là chuyện hiếm. Nếu phải tặng nhiều, có khi còn "lõm" vào tiền nhuận bút. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nhuận bút chỉ còn mang tính chất tượng trưng.

Nhưng lâu nay, mỗi khi nhận tiền nhuận bút từ in sách hay kịch bản phim... không ít văn nghệ sĩ phàn nàn vì phải trích lại 10% theo Pháp lệnh thuế thu nhập cao. Liệu đây có phải là sự đối xử chưa thật công bằng với văn nghệ sĩ? VNCA xin đăng ý kiến của một số văn nghệ sĩ xung quanh vấn đề này.

Nhà văn Lê Minh

Tôi cho rằng trước khi đưa ra mức thuế, cơ quan thuế cần phải tìm hiểu xem các nhà văn phải trải qua bao nhiêu công đoạn mới viết được một cuốn sách. Tức là không thể coi nhuận bút là thu nhập của năm ấy. Vì thế mới bắt NXB phải thay cơ quan thuế "vặt" ngay từ gốc.

Cách làm đó là sai về nhiều mặt và tỏ ra chẳng hiểu gì về quá trình lao động sáng tạo của nhà văn. Cùng là sáng tác, nhưng viết ký, phóng sự, thơ, truyện ngắn cũng như tiểu thuyết có những đặc điểm riêng về công sức lao động, về sức tưởng tượng, về xây dựng nhân vật…

Công việc của nhà văn là công việc gian khổ và thầm lặng, ít người biết tới. Lao động ấy không thể đếm bằng giờ, nó là sự công phu, ám ảnh.

Bản thân tôi, khi viết những tác phẩm như "Chị Tư già", "Người thợ máy Tôn Đức Thắng", "Người chị"... còn phải mất rất nhiều thời gian tìm đọc những tư liệu lịch sử từ thời mà tôi chưa ra đời, tìm gặp những người trong cuộc... công phu lắm.

Khi viết tiểu thuyết "Tiếng gió", "Hòn đảo một mình", "Hồi"… về lao động của những người làm nghề luyện kim, mình phải hiểu cái nghề ấy thì có thể hiểu nhân vật của mình được. Đó là chưa kể thời chiến tranh phá hoại, khu lò cao gang thép là mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ rất ác liệt.

Người viết văn không sống cùng anh em trong những giây phút khốc liệt ấy thì hiểu làm sao được họ để viết tiểu thuyết. Cái giá ấy, "ông" Thuế không thể tính ra thành tiền! Nhiều quyển sách của tôi in ra, tiền nhuận bút còn không đủ tiền thuê đánh máy, mua sách tặng bạn bè.

Thực ra, nhà văn ở nước ta, người viết như cha tôi cũng không sống được bằng tác phẩm. Ai cũng đều phải làm việc ở một cơ quan nào đó để có đồng lương hàng tháng. Đó là chưa kể những cuốn sách hay bị in nối bản, in với số lượng không như ghi ở cuối sách, chẳng thấy cơ quan nào để tâm giải quyết. Thế mà lại còn chỉ lo đánh thuế người ta?

Vậy mà "ông" thuế còn cửa quyền quy định rằng, nếu anh mang đầy đủ giấy tờ chứng minh một năm thu nhập của anh không quá 60 triệu thì anh có thể xin lại số tiền thu trước đó.

Tiền của tôi, sao phải đi xin? Công đi lại, lo giấy tờ, chầu trực… chẳng bõ số tiền phải thuê xe ôm. Thế nên, muốn một chính sách nào đó đưa ra phù hợp với nhân dân, những người có chức năng phải biết hỏi, biết lắng nghe. Và luật TTNCN không là một ngoại lệ!

Nhà văn Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn

Thực tế, hiện nay Bộ Tài chính đã có Pháp lệnh quy định tất cả mọi phiếu chi dịch vụ nếu trên 500.000 đồng thì nộp 10% thuế thu nhập cao.

Như vậy Pháp lệnh đã ban ra rồi, NXB khi trả nhuận bút phải lấy lại 10% để nộp cho cơ quan thuế. Nếu không lấy lại, NXB phải bỏ tiền túi bù ra. Lâu nay, chúng tôi vẫn phải thực hiện quy định ấy nhưng tôi cho rằng 10% là một tỉ lệ rất cao.

Theo tôi, đánh thuế thu nhập là đúng, là vấn đề toàn cầu. Đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi công dân để xây dựng đất nước. Có những người kiếm được nhiều tiền như ca sĩ, họa sĩ (nếu bán được tranh cho nước ngoài)... họ giàu sụ thì đương nhiên họ phải đóng thuế. Điều đó không ai phàn nàn nhưng với các nhà văn, phải xét lại.

Sự thực là, nửa thế kỷ nay, chưa có nhà văn nào giàu bằng viết văn cả. Dù anh in một cuốn sách và được trả nhuận bút 5 triệu nhưng có khi anh phải viết mấy năm mới xong chứ không phải một năm. Hơn nữa, việc viết lách giống như việc một con gà đi nhặt nhạnh từng hạt tấm, con sâu... bao nhiêu ngày mới đẻ được một quả trứng.

Nhuận bút ấy cũng là quá nhỏ so với mặt bằng chung và thực tế không nhà văn nào coi nhuận bút là một tài sản. Cũng là người viết, tôi biết, cứ trừ béng 10% là bất nhẫn nhưng nếu không làm, NXB cũng không bù tiền ra được.

Một điều khác biệt giữa các nhà văn phương Tây và các nhà văn Việt Nam là các nhà văn phương Tây có thể thoải mái viết sách giải trí về ma quỷ, tình dục... để thu được nhuận bút cao.

Trong khi đó, nhà văn Việt Nam là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, dùng văn chương để phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và CNXH. Tóm lại, văn học chưa bao giờ là một công cụ kiếm tiền.

Vậy, với đặc thù của ta là nền văn học cách mạng nên nghiên cứu để miễn thuế. Và thực tế là có miễn thuế thu nhập thì họ cũng chẳng lấy gì làm giàu.

Là giám đốc một NXB, hàng năm in khoảng 600 đầu sách, tôi rất ngại chuyện tiền nong, thậm chí còn phải tránh gặp khi các tác giả tới nhận tiền nhuận bút vì cảm thấy bất nhẫn quá.

Tôi cho rằng, nếu có miễn TTNCN cho các nhà văn thì cũng chỉ là động viên, khích lệ mà thôi.

Đại tá, nhà văn Phùng Thiên Tân, Phó giám đốc NXB Công an nhân dân

Tôi nghe nói nhiều NXB trừ 10% tiền thuế thu nhập cao từ nhuận bút mỗi quyển sách. Tôi cho rằng đó là điều bất hợp lý nên trong phạm vi đơn vị của tôi, tôi không làm.

Tại sao các NXB lại đi làm hộ việc của ngành thuế trong khi Nhà nước có hẳn một cơ quan chuyên trách lĩnh vực này! Làm phụ trách xuất bản tôi biết, một cuốn sách dù có ăn khách, tiền nhuận bút cũng không đáng kể. Vì viết được một cuốn sách vất vả vô cùng.

Ở Việt Nam, nhà văn viết vì nghiệp nhiều hơn là vì mục đích kiếm sống. Mà thực sự khó ai sống được bằng nghề cầm bút, gần ngàn hội viên nhà văn chắc chỉ vài ba người sống được bằng nhuận bút thôi. Điều đó kéo theo tình trạng Việt Nam có rất ít những nhà văn chuyên nghiệp.

Nhà văn hiện nay thường phải làm thêm một công việc khác để sống. Và vì phải kiêm nhiệm nhiều việc nên họ cũng khó có thể toàn tâm, toàn ý để viết ra được một cuốn sách hay, bán chạy. Đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Tất nhiên, tôi ý thức rằng, đã là TTNCN thì cũng không thể miễn cho nhà văn được. Khi các ca sĩ, người mẫu, doanh nhân... phải nộp thuế thì không có lý do nào lại ưu ái cho một số người nào đó. Vấn đề là làm sao phải có sự công bằng và khuyến khích lao động nhà văn trong việc thực hiện TTNCN.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc (Hãng Phim truyện Việt Nam)

Ít ai biết rằng, để có một kịch bản phim nhựa, chúng tôi phải mất tới 2 đến 3 năm và nhuận bút thì được khoảng 30 triệu. Số tiền tưởng là nhiều nhưng sự thực là chia ra trong khoảng thời gian ấy cũng chẳng đáng là bao.

Đời sống văn nghệ sĩ còn rất khó khăn nếu không muốn nói là riêng điện ảnh đang chết chìm. Như tôi, lương nhà nước trả được 2 triệu/tháng trong khi phải nuôi gia đình với 1 vợ, 2 con giữa thời buổi này thì sao sống nổi. Chính vì vậy, chúng tôi phải "cày cuốc" thêm.

Tôi cho rằng, người viết thuộc dạng "lực sĩ" thì một năm cũng chỉ viết được 15 tập phim truyền hình. Trung bình được trả từ 4 đến 5 triệu một tập. Như vậy được tổng cộng khoảng 70 triệu cộng với khoảng 20 triệu tiền lương nữa thì mới chỉ dư dả tí chút.

Hiện nay, mức sống của văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung là không cao. Việc đánh TTNCN là việc làm cần thiết nhưng phải có quy định rõ ràng thế nào là người có thu nhập cao? Là người có thu nhập trung bình 5 triệu, 10 triệu hay 20 triệu/tháng? Trong khi văn nghệ sĩ phải bỏ sức lao động rất lớn. Ví dụ như khi tôi viết 10 tập "Đời chè" tôi phải đi thực tế dài ngày, đọc tới gần 1.000 trang tài liệu. Thời gian để tái sản xuất rất lớn...

Vậy thì mong nhà nước khi nhìn sản phẩm của văn nghệ sĩ phải nhìn giá trị tinh thần chứ không phải giá trị vật chất. Vì vậy, trước khi đưa ra mức thuế, các cơ quan chức năng phải xác định rõ đặc thù của văn học, báo chí. Riêng chuyện trừ tiền nhuận bút, tôi cho rằng, đó là một kiểu bắt chẹt không nên có

Thảo Duyên
.
.