Nhà văn thời Computer

Thứ Ba, 13/02/2007, 13:00
Thời @, cái máy tính là “người tình” của các nhà văn thế hệ 7X, 8X. Không chỉ viết lách, mà họ còn “sống” đêm ngày bằng computer. Nhiều người còn có trang web, blog riêng. Một số văn nghệ sĩ già thế hệ 4X, 5X, 6X, thậm chí 3X cũng rất thạo máy tính.

Phòng viết của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân ở Huế có hai máy tính. Một cái để viết bài, lưu bài. Một cái chuyên dùng để e-mail bài, đọc báo mạng. Vì anh sợ nếu dùng một máy thì virút từ bên ngoài sẽ xâm nhập đục khoét dữ liệu.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở Hà Nội có cả máy tính để bàn và máy tính xách tay, toàn loại rất xịn. Nhà thơ sáng tác nhạc, thơ, viết báo, vừa vẽ bìa sách, minh họa thông thạo trên máy.

Ở Huế các nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vỹ, Văn Cầm Hải đã dùng máy tính từ nhiều năm nay. Nhà thơ Văn Công Hùng ở Pleiku vừa e-mail cho tôi địa chỉ cái website riêng của anh: “vanconghung.vnweboge.com”. Mở đọc thấy rôm rả ra phết.

Trong lúc đó, có nhiều nhà văn sử dụng được máy tính, nhưng trình độ còn ăn đong, nên có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt. Xin nói về tôi. Tôi làm thơ, viết báo bằng máy tính hơn chục năm nay, đến nỗi bây giờ viết cái gì bằng bút mực là tay run không viết được. Nhưng vì trình độ máy tính học lỏm, nên tôi rất mù mờ về máy.

Đang viết bài, ngón tay mình bấm nhầm vào một nút nào đó trên bàn phím, thế là màn hình đen ngòm. Phải điện thoại cầu cứu thằng con út. Nếu nó bận việc cơ quan, trưa mới về, thì coi như mất toi buổi sáng.

Tết năm ngoái, tôi hì hục cả chục ngày viết được năm bài báo tết. Tôi định gom chung thành một file để in cho nhanh. Khi copy vào đĩa A, màn hình hiện lên một câu tiếng Anh. Tôi mù tiếng Anh, cả đời chỉ biết có hai từ “No” và “Yes”.

Tôi gí đại con chuột vào chữ “Yes”. Thế mà bay mất toi 5 bài báo. Năm ngoái tôi mới cài đặt Internet tốc độ cao ADSL, trước chỉ dùng VNN 1260. Khi gửi e-mail ảnh cho các báo, tôi bấm một lúc ba bốn ảnh. Chờ cả tiếng đồng hồ máy không chuyển được.

Cho đến khi màn hình hiện lên một câu tiếng Anh. Tôi lại điện thằng cu út về. Nó bảo: “Máy báo bị đầy không chuyển được. Chữ “full” tiếng Anh là đầy, ba không biết à?”. Muốn gửi e-mail, ba phải e-mail từng ảnh một”.

Gần đây tôi có e-mail tặng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bài thơ mới của mình. Anh Điềm e-mail lại, chữ không dấu: “dang do – bai tho moi”. Tôi hiểu rằng anh Điềm gửi cho tôi bài thơ “Đang độ”, một bài thơ mới của anh. Thơ Nguyễn Khoa Điềm có nhiều suy tư gan ruột, tôi rất tâm đắc.

Thế là tôi đi tìm nhưng không thấy máy hiển thị. E-mail hỏi anh Điềm. Thì ra anh e-mail “đang đọc bài thơ mới” của tôi gửi, nhưng chữ “c” sau chữ “đọc” bị thiếu, sau đó lại bị một ô vuông chắn ngang, nên tôi cứ tưởng là bài thơ mới “Đang độ”.

Thật khổ! Anh Điềm gửi e-mail: “Riêng bài thơ của Minh chữ nghĩa lộn xèo cả. Trình độ tin học của tôi chưa đủ để xử lý chuyện này”. Thế là tôi đành in bài thơ ra gửi cho anh qua đường bưu điện.

Ngoài các nhà văn trình độ máy tính “trời ơi đất hỡi” như tôi, còn có nhiều nhà văn thời @ mà vẫn “mù” máy tính một cách hồn nhiên. Nhà văn Hồng Nhu bảo: “Mình như là người cổ sống dậy. Nhìn cái máy tính, cái điện thoại di động như cục bùn. Không thể rờ vô được”.

Hồng Nhu 75 tuổi rồi mà vẫn cặm cụi chấm mực viết từng trang truyện ngắn, tiểu thuyết. Tôi hỏi nhà văn Hà Khánh Linh: “Chị có viết bằng computer không?”. Chị Linh cười sang sảng: “Mình tiền đâu mua máy. Nhưng nếu có thì phiền lắm. Phải mất thời gian đi học sử dụng. Thôi thì viết tay là thượng sách!”.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong nhà con gái có máy, nhưng anh không quan tâm đến máy tính. Khi mấy trăm trang bản thảo viết tay xong, lại ngồi đọc cho con gái chép vào máy tính, sửa lỗi chính tả xong rồi mới in ra để gửi nhà xuất bản. Tôi hỏi: “Sao anh không viết trực tiếp cho nó nhanh”.

Anh cười: “Mình sợ nếu “không may”, tác phẩm mình được giải thưởng Nobel thì không có bản thảo viết tay gốc để bán cho Bảo tàng Nhà văn Việt Nam. Nên gì thì gì phải giữ cái bút tích!”. Tôi nghĩ có lẽ các Nhà sáng tác của Bộ Văn hóa ở Tam Đảo, Đại Lải, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu... không trang bị máy tính trong các phòng ở, vì họ chỉ đón những nhà văn viết bằng bút mực, chứ không tính đến chuyện đón các nhà văn làm việc bằng máy tính chăng?--PageBreak--

Dịp tết Ất Dậu, ông Đinh La Thăng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (lúc đó) đến tận nhà, tặng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường một giàn máy tính xịn, gọi là “quà tết của Tỉnh ủy”. Tôi ghé chơi, thấy giàn máy mà thèm. Nhưng ba năm rồi vợ chồng Tường – Dạ vẫn không sử dụng được giàn máy tính ấy.

Ông Tường thì nằm một chỗ không nói, còn nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ hết nhờ đứa con trai út của tôi, đến nhờ nhà văn Trần Thùy Mai hướng dẫn cách sử dụng, đến nay chỉ gửi và đọc được e-mail, không làm thơ viết văn bằng máy máy tính được. Nối mạng rồi mà không đọc báo, không đọc được văn chương trên mạng, thật “phí” của tỉnh ủy... Báo nào điện xin in thơ, Mỹ Dạ lại chép mấy bài thơ bằng tay rồi nhờ tôi làm máy tính.

Đến giờ Mỹ Dạ vẫn cặm cụi viết lách bằng bút bi. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đọc cho người giúp việc chép, rồi mang ra phố “làm máy tính”, lại đem về đọc dò, sau đó mới mang ra “máy tính phố” sửa. Trong lúc đó giàn máy tính vẫn phủ tấm khăn voan che mặt mấy năm trời!

Có lần tôi ra Đồng Hới, ghé vào thăm nhà văn “Hồi ức binh nhì” Nguyễn Thế Tường. Tôi thấy Tường đang cởi trần trùng trục, cúi cổ trên bàn làm việc viết cái gì đó bằng bút bi. Tôi ngạc nhiên: “Sao đến giờ mà cậu vẫn viết bằng bút mực, máy tính đâu?”. Thế Tường bẽn lẽn gãi đầu gãi tai: “Vợ em nó bỏ gần chục triệu bạc, mua một giàn máy để em viết nhiều, “kiếm tiền” nhanh hơn cho “nó”. Nhưng em thấy rắc rối quá, học mấy lần mà vẫn chưa “mở máy” và “thoát tắt” được. Cái giống computer rắc rối này hình như nó không hợp với em!”.

Còn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật có đứa con giám đốc tư nhân giàu có bên Nga biếu cái máy tính xách tay giá 30 triệu bạc. Ông khệ nệ xách từ Sài Gòn ra cách đây ba năm. Thế mà bây giờ vẫn để nguyên trên bàn, không động đến.

Tôi hỏi: “Sao anh không viết bằng máy tính cho tiện, anh không nối mạng mà đọc thiên hạ?”. Anh Thuật thản nhiên: “Nghe nói virút nhiều lắm, thư rác nó về hàng ngàn cái một ngày, mở ra để nó làm hư máy à!”. Thế là anh vẫn làm thơ bằng bút mực, rồi ra phố in. Anh có địa chỉ e-mail, nhưng phải ra phố mở!

Ở Quảng Bình các nhà văn Hoàng Thái Sơn, Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Văn Dinh, Hải Kỳ... đều viết bằng bút. Nhà văn Hữu Phương, Chủ tịch Hội có máy tính trong phòng làm việc ở cơ quan, nhưng hình như chỉ để trang trí, anh vẫn viết truyện ngắn bằng bút mực. Đi trại viết Cửa Lò, tôi thấy nhà văn Bá Dũng, Quốc Anh của Nghệ An không băn khoăn gì về việc có máy hay không có máy cả, các anh cứ cặm cụi viết từng trang bằng bút bi.

Ở tỉnh lẻ chuyện nhà văn “mù” máy tính còn có thể “thông cảm được”. Còn ở Hà Nội thời @ mà cũng có nhiều nhà văn “mù” máy tính thật lạ lùng. Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng, bạn thân của anh, nhà văn Nguyễn Thụy Kha không những không biết đi xe máy, mà còn không cần biết máy tính là gì.

Anh viết hàng mấy chục cuốn sách bằng bút mực. Có lần, Nguyễn Trọng Tạo quên mất là bạn mình “mù” máy tính, sáng sớm hứng lên e-mail cho Nguyễn Thụy Kha qua địa chỉ con gái bạn. Đến trưa gặp nhau trong cuộc uống, Tạo hỏi: “Mày đã nhận được thư của tao chưa?”. Kha ngạc nhiên: “Thư nào?”. “E-mail chứ thư nào”. Thì ra là con gái Nguyễn Thụy Kha đi làm sớm, không biết có e-mail của “bác” Tạo. Đến tối, cháu đi làm về, mở Internet, mới in thư ra đưa cho bố, lúc đó bố đã biết bác Tạo nói cái gì từ trưa rồi!

Bây giờ các tòa soạn báo họ không thích nhận bài viết tay mà họ luôn đòi hỏi phải gửi bài qua e-mail. Nhà xuất bản, nhà in cũng thích nhận bản thảo thơ, tiểu thuyết bằng đĩa của tác giả để dễ xử lý, không phải mất công đánh máy, chấm morát.

Nhà văn mà thạo máy tính thì tiện lợi biết bao nhiêu. Cái máy tính là người bạn gần gũi hàng ngày. Viết cũng đó, đọc cũng đó, tìm hiểu thị trường hàng hóa, giao lưu thư từ bạn bè, tham khảo tư liệu cũng cũng đó. Tất nhiên máy tính chỉ là phương tiện, không giúp cho nhà văn thêm tài năng. Nhưng làm việc bằng máy tiện lợi cho nhà văn biết bao nhiêu. Có cách chi để “xóa mù” máy tính cho các nhà văn kính mến của chúng ta?

Ngô Minh
.
.