Nhà văn có biệt danh thợ lặn bậc 7

Chủ Nhật, 14/02/2010, 16:30
"Là con người, ai chả thích đàn đúm, xôm tụ bạn bè để chuyện trò những lúc trà dư tửu hậu. Dù không muốn thì nhiều khi tôi vẫn phải trốn tất cả sự om xòm của phố xá để lang thang về một xó xỉnh nào, ở một vùng đất nào đó để đi tìm, để lắng nghe chuyện đời, chuyện người, như là một cách đi tìm vốn sống, rồi trở về nhà tôi lại nhốt mình vào bàn viết và sáng tạo.", nhà văn Khuất Quang Thụy chia sẻ.

Nhà văn Khuất Quang Thụy tuổi Canh Dần. Anh sinh năm 1950 tại Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội). Khuất Quang Thụy từng giữ cương vị Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và ghi dấu ấn của mình trong nền văn học Việt Nam đương đại bằng hàng chục tác phẩm như: "Trong cơn gió lốc", "Trước ngưỡng cửa bình minh", "Người ở bến Phù Vân", "Thềm nắng", "Không phải trò đùa", "Giữa ba ngôi chúa", "Góc tăm tối cuối cùng", "Người đẹp xứ Đoài"... Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1984, giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1984 - 1989 và 1999 - 2004). Bộ 3 tiểu thuyết "Trong cơn gió lốc", "Không phải trò đùa" và "Góc tăm tối cuối cùng " đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2007. Hiện Khuất Quang Thụy làm việc tại Ban Sáng tác, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Thưa nhà văn Khuất Quang Thụy, thật tình cờ vì năm con hổ tôi lại được hân hạnh "xông đất" chuyện trò văn chương với anh, người tuổi Dần. Xin dông dài một chút, anh cảm nhận về người tuổi Canh Dần thế nào?

-  Tôi không phải là người biết nhiều về tướng số, chỉ nghe nhiều người nói rằng, ở một khía cạnh nào đó, với tuổi dần thì đàn ông sẽ êm ả hơn. Vì hổ thì thường được ví với nam nhiều hơn là nữ, có lẽ thế nên nó "thuận" hơn chăng? Từ nhỏ, cha tôi đã lập lá số tử vi cho tôi, ông nói rằng, số tôi kề miệng tử nhưng để chết là không dễ... (cười!) Cho đến nay, đã 60 tuổi (thậm chí là 61, theo quan niệm của các cụ. Tuổi này, ở quê tôi, đã là tuổi lên lão, phải làm lễ hẳn hoi), trải qua nhiều chiến trận đạn bom nhưng tôi vẫn lành lặn trở về, không một vết thương trên cơ thể, như thế là suôn sẻ, là may mắn, là "lãi" rồi. Tuổi của tôi, giàu có thì chẳng đến tay, nhưng không thiếu ăn, lại được làm những gì mình thích, như thế, tôi nghĩ là sướng lắm rồi, không cầu mong gì hơn.

- Người ta thường nói "canh biến vi cô", vận vào mình, anh thấy có đúng không?

- Đúng. Thì rõ ràng khi tôi đã đi theo nghề viết là chạm vào cõi cô đơn, cô lẻ rồi. Viết văn, ở một khía cạnh nào đó, nó là nghề đòi hỏi tính riêng tư rất nhiều, khi đã chìm vào trang viết là muốn trốn cả thế giới ồn ào để sống riêng mình với cây bút. Đặc biệt, với những người viết văn xuôi, viết tiểu thuyết thì điều này càng rõ rệt.

Chính vì lẽ đó mà anh, theo như nhận xét của nhiều người, là một người sống khá lặng lẽ, không thích giao du, thậm chí, ít khi gặp được anh ngoài Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội?

-  Nói thế là còn ít đấy, có ông bạn còn đặt cho tôi cái biệt danh là "thợ lặn bậc 7". Bởi vì, thỉnh thoảng lại thấy tôi "lặn một hơi" mất tăm mất tích. Là con người, ai chả thích đàn đúm, xôm tụ bạn bè để chuyện trò những lúc trà dư tửu hậu. Dù không muốn thì nhiều khi tôi vẫn phải trốn tất cả sự om xòm của phố xá để lang thang về một xó xỉnh nào, ở một vùng đất nào đó để đi tìm, để lắng nghe chuyện đời, chuyện người, như là một cách đi tìm vốn sống, rồi trở về nhà tôi lại nhốt mình vào bàn viết và sáng tạo. Khi tôi đã ngồi vào bàn viết rồi thì khó ai có thể kéo tôi ra khỏi cái mạch viết ấy để mà bù khú được. Tôi nghĩ, điều quan trọng của một nhà văn là những sáng tác của anh nói lên được điều gì, chứ không phải là trong những lúc trà dư tửu hậu anh đã nói điều gì. Nên để cho tác phẩm của mình nói hộ con người mình thì tốt hơn là mình cứ hét toáng lên, trong khi ngoảnh đi ngoảnh lại thì mình chẳng viết được cái gì ra hồn cả.

Những người cầm bút thường hay lưu giữ ấn tượng về những đồng nhuận bút đầu tiên mình kiếm được. Với anh thì sao?

- Tôi viết khá sớm nhưng biết về cái gọi là nhuận bút khá muộn.  Nhuận bút đầu tiên của tôi là những giọt nước mắt ròng rã của mẹ. Khi truyện của tôi được in vào một tập sách, các cán bộ của NXB Quân đội nhân dân hồi bấy giờ biết địa chỉ của tôi ở quê đã tìm về tận nơi để trả nhuận bút. Gặp mẹ tôi, các anh đã đưa tiền cho bà. Tôi được nghe kể lại là, ngay lúc đó, bà khóc như mưa như gió, hỏi: "Có phải thằng Thụy con tôi nó hy sinh rồi không?". Mẹ tôi làm sao hiểu được thế nào là tiền nhuận bút, ngay cả đến sau này, bà còn không biết viết văn là nghề gì. Trong làng hồi đó, khi có các anh mặc quân phục mang tiền đến cho thì có nghĩa là con mình đã hy sinh. Bà tưởng đó là tiền tử tuất của tôi. Sau này về gặp mẹ tôi, bà có kể lại là số tiền đó, bà mua được mấy cái mâm đồng.

Trong đội ngũ các nhà văn quân đội, Khuất Quang Thụy vẫn là một nhà văn để lại dấu ấn riêng không hề trộn lẫn. Khi viết văn, anh có ý thức xây dựng phong cách riêng ấy ngay từ ban đầu?

- Tôi viết văn hồi chưa có một khái niệm gì về phương pháp, thể loại, chỉ viết về những gì diễn ra xung quanh mình với một bản năng có sẵn nhưng tôi có một niềm tin rằng khi viết về chiến tranh, tôi sẽ có một lăng kính khác với một số nhà văn khác, đơn giản trước khi là nhà văn, tôi là một người lính. Tôi nhìn cuộc chiến tranh này bằng mắt thường, qua đầu ruồi của họng súng, chứ không phải bằng những cuộc đi thực tế "cưỡi ngựa xem hoa". Để có vốn về chiến tranh, tôi đã nếm trải hàng chục lần "chết hụt", những lần sốt rét rụng hết tóc, những lần khóc cạn nước mắt vì nhiều người bạn chiến đấu đã hy sinh ngay trên tay mình… Có lẽ vì điều đó mà những cuốn sách của tôi có được những dấu ấn riêng chăng?

Tất nhiên, trong "cái được" thì "người trong cuộc" cũng có những hạn chế là tầm nhìn bao quát hẹp, như người ta vẫn nói là ở trong đám cháy thì chỉ biết có đám cháy, mà không biết toàn bộ cục diện của nó. Điều này phải nhờ đến các tài liệu tham khảo cũng như cần có một độ lùi của thời gian. Có lẽ điều đó giải thích vì sao những tác phẩm càng về sau này tôi  càng có được sự lắng đọng, có sức khái quát cao hơn. Tuy nhiên, nói như các cụ, văn là người, nên nếu ai đọc một mạch bấy nhiêu tác phẩm của tôi có thể hình dung ra con đường ra trận, cũng là "con đường nhập thế" của riêng tôi. Và phần nào bạn đọc cũng hình dung được một phần diện mạo của cuộc chiến tranh này. Tôi vừa hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết mà tôi dành rất nhiều tâm sức cho nó. Đó là cuốn tiểu thuyết "Đối chiến". Tôi tin rằng, cuốn sách này xuất bản sẽ có những nét mới cả về hình thức lẫn nội dung để bạn đọc quan tâm.

Hình như, anh không chỉ có may mắn trong đời văn, mà cả trong đời thường. Tôi có được nghe kể về sự đào hoa của anh…

- Đào hoa là bạn muốn ám chỉ về tình yêu chứ gì? Chẳng giấu giếm gì, tôi có một mối tình với một cô gái Quảng Bình. Đó là những năm "ăn cơm Bắc đánh giặc Nam". Tình yêu của anh lính xứ Bắc đẹp và lãng mạn lắm, không có chút gì giống với cách các bạn trẻ hiểu về tình yêu như hiện nay. Vì thế nghĩ lại thì đẹp nhưng viết ra thì nhạt, vì chỉ có nhớ nhung và "phải lòng mặt" thôi mà. Nhưng rồi do hoàn cảnh gia đình, do chiến tranh, lại hiềm một nỗi khoảng cách địa lý xa xôi nên chúng tôi không thể đến được với nhau. Nhưng vì nó là "tình yêu của lính" nên có thể là điều "khắc cốt ghi tâm" và cũng là một trang lãng mạn của tuổi trẻ. Rất tiếc từ bấy đến nay tôi không có cơ hội gặp lại người con gái vùng đất lửa ấy nữa. Nhưng tình yêu là vậy mà. Gặp gỡ rồi chia ly cũng là lẽ thường tình.

Chuyện đó thì rõ ràng rồi, thiên hạ còn đồn là, số anh "tẩm ngẩm tầm ngầm" nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng đến với anh mà không cần có sự  ràng buộc nào? Điều đặc biệt  là vợ anh sẵn sàng bỏ qua cho những chuyện lùm xùm ấy ?

-  Nhà văn thì có nhiều câu chuyện trở thành giai thoại lắm. Tôi cũng không là ngoại lệ. Trong những câu chuyện xì xèo ấy, cũng có ít nhiều sự thật. Tôi cũng chẳng  quan tâm quá nhiều đến việc người ta nói gì về mình. Với đời tư cũng vậy mà với văn chương cũng vậy. Thậm chí cả những bài viết, bài tranh luận về tác phẩm của mình tôi cũng không quá bận tâm. Tôi quan niệm, nhà văn thì cứ viết văn và làm việc hết sức có thể, còn người ta viết gì, nói gì về mình thì cũng chỉ nên tham khảo mà thôi. Tôi may mắn lấy được người vợ không coi nghề văn là một nghề thần bí, không quan trọng hóa gì cả. Viết văn, với bà ấy (ngay cả với tôi), cũng chỉ là một cái nghề như bao nhiêu nghề khác. Lạy Phật, bà ấy không coi chồng là một thiên tài, mặc dù rất trọng nghề của chồng. Nhận xét có giá nhất của vợ tôi: "Viết văn là một nghề lương thiện. Người viết văn chắc chắn cũng phải là người lương thiện". Với tôi, đó là điều hạnh phúc nhất.

-  Nhân ngày tết, anh có thể cho biết, có khoảnh khắc giao thừa nào đáng nhớ trong cuộc đời mà anh đã trải qua?

-  Đó là cái tết đầu tiên trong đời lính của tôi - tết Mậu Thân 1968. Cái tết máu và lửa trên chiến trường Đường 9. Năm trước tôi có dịp trở lại chiến trường, tới thắp hương trước ngôi một tập thể 105 chiến sĩ của sư đoàn mình hy sinh ở Cam Lộ trong dịp tết Mậu Thân. Họ đã mãi mãi được bên nhau, không có cái gì là của riêng mình ngay cả chút xương cốt. Ngay cả lá cỏ trên mồ, khói hương và nước mắt của người thân, đồng đội. Họ đã trải qua mấy chục cái tết bên nhau rồi. Từ đó đến nay không có khoẳnh khắc giao thừa nào là chúng tôi không nhớ đến họ.

- Xin cảm ơn nhà văn Khuất Quang Thụy!

Song Kim (VNCA Xuân 2010)
.
.