Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn: "Không ai có sẵn kinh nghiệm làm lãnh đạo"

Thứ Năm, 22/03/2012, 08:00

Làm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn - một tạp chí chuyên về văn chương, lại là phụ nữ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách để có thể làm tròn nhiệm vụ của mình trong thời gian qua. Nhân ngày 8-3, hãy cùng chia sẻ câu chuyện "làm lãnh đạo" với người phụ nữ đã lăn lộn cuộc đời qua rất nhiều công việc khác nhau như chị.

- Thưa nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn trong thời buổi văn chương rớt giá, các báo và tạp chí về văn nghệ rất khó khăn trong việc tìm kiếm độc giả, chị phải đối mặt với những áp lực gì?

+ Bạn biết đấy, các báo văn nghệ hiện nay đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Tôi nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn với rất nhiều nỗi lo về nội dung và tài chính. Muốn làm một tờ tạp chí hay thì phải có tiềm lực về tài chính. Vì có tiền mới thu hút được người giỏi, người tài về làm việc với mình. Hiện Tạp chí Nhà văn đang tồn tại bằng sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Việt Nam (mỗi số được Hội mua gần 1.000 cuốn cho hội viên), sự giúp đỡ của anh em bạn bè nhà văn và độc giả yêu văn chương. Họ cộng tác, viết bài, gửi tác phẩm không phải vì nhuận bút, mà vì tình cảm. Một số người yêu văn chương thì mua để tặng... Nhưng về mặt lâu dài, với vai trò là Tổng biên tập, tôi phải cố gắng để nâng cao hơn chất lượng của tạp chí và cải thiện đời sống của anh chị em cán bộ trong tòa soạn, cũng như mức nhuận bút trả cho các nhà văn.

- Theo chị, làm Tổng biên tập một tờ tạp chí văn nghệ ngày nay cần có những phẩm chất gì đặc biệt hơn so với những thời kỳ trước?

+ Tôi nghĩ thời nào cũng có cái khó. Tổng biên tập thời nào cũng cần phải có những phẩm chất nhất định. Nhưng nếu trước đây người làm quản lý một tờ báo văn nghệ được tập trung chủ yếu lo cho nội dung, thì yêu cầu của ngày hôm nay cần nhiều hơn thế. Nhất là cần sự năng động với thị trường. Làm sao để lượng bạn đọc phát triển từ nhiều tầng lớp lao động, trí thức... lại không làm mất đi tính hàn lâm văn chương của tờ tạp chí. Đây là một yêu cầu khó với một nhà văn như tôi...

- Chị là nữ nhà văn đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, như dạy học, làm báo, làm xuất bản, làm công tác phong trào của Hội Nhà văn như Ban sáng tác, Ban Nhà văn Trẻ. Không những thế, chị còn làm công việc kinh doanh nữa. Vậy, những kinh nghiệm ấy giúp gì cho công việc hiện nay của chị?

+ Vì đã từng làm báo chí (Vì trẻ thơ, Thiếu niên tiền phong, Điện ảnh Kịch trường), làm xuất bản (NXB Văn học) và làm công ty xuất bản trong nhiều năm, nên tôi không bị bỡ ngỡ với công việc mới của mình. Nghề dạy học cho tôi tác phong và lề lối mô phạm. Tôi từng là giáo viên dạy toán nên tư duy khoa học, chính xác giúp tôi cùng lúc giải quyết mọi việc của một nhà quản lý. Còn kinh nghiệm làm kinh doanh thì giúp tôi nhạy bén hơn trong công việc, đối mặt với bài toán kinh tế, và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc. Tuy nhiên tôi nghĩ, không ai có sẵn kinh nghiệm làm lãnh đạo, chỉ là do mỗi ngày phải học hỏi và khiêm tốn học hỏi, đồng thời đặt tình yêu và trách nhiệm với đồng nghiệp và với công việc lên hàng đầu.

- Tạp chí Nhà văn, trước đây là Tạp chí Tác phẩm mới, đã có truyền thống hơn 40 năm ra đời và phát triển. Nhưng rõ ràng những năm gần đây, Tạp chí chưa đáp ứng được xứng đáng mong đợi của giới cầm bút. Là người kế thừa những thành tựu ấy, nhưng đồng thời cũng phải đối diện với rất nhiều thử thách trước mắt, chị sẽ mang đến cho độc giả những điều gì mới?

+ Tạp chí Nhà văn vẫn là nơi để giới thiệu các sáng tác mới và các tác phẩm hay của các nhà văn. Năm vừa rồi chúng tôi đã làm được một số việc mà tôi cho là thành công, đó là ổn định được đội ngũ nhân sự, đời sống anh chị em được nâng cao hơn, tạp chí đã phần nào định hình được hình ảnh mới, và lần đầu tiên trao giải Tác phẩm hay Tạp chí Nhà văn năm 2011 một cách trang trọng và ý nghĩa. Mặc dù số tiền giải thưởng chỉ là tượng trưng, nhưng các nhà văn được giải đều rất vui, và họ cho rằng những hoạt động như vậy đã động viên, kích thích họ sáng tác và cộng tác với tạp chí nhiều hơn trong tương lai.

- Nghe nói từ khi chị về nhận chức Tổng biên tập đến nay, lương cán bộ nhân viên trong tòa soạn đã tăng lên gấp rưỡi. Giải pháp của chị là gì vậy?

+ Phải nói thật rằng, ban đầu tôi cũng có chút "khí thế" khi được tín nhiệm. Nhưng khi về rồi, gặp nhiều sự cố "không ngờ tới", tôi không mặn mà với chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn nữa đâu, rất muốn trả lại cho Ban chấp hành tìm người khác, để tôi chuyên tâm lo công tác Trưởng ban Nhà văn Trẻ. Thực tế là tôi hưởng lương nhà nước với chức vụ Trưởng ban. Mọi sinh hoạt vẫn ở bên Văn phòng Hội. Mà công tác Nhà văn Trẻ thì tôi đã được tín nhiệm mấy năm qua, lại cũng rất được cánh trẻ ủng hộ trong các hoạt động... Nhưng tổ chức đã phân công, mình đã hăng hái nhận, thì không còn đường lui. Mà đã nhận làm rồi thì phải dũng cảm mà bước, phải đương đầu với thực tế và tìm cách làm cho mọi việc tốt đẹp hơn lên.

Làm một tờ tạp chí mà tài chính gần như không có gì đúng là một thách đố. Khi tôi về, lương anh em cán bộ rất thấp, nghĩ mà thương mọi người quá. Phải yêu công việc đến mức nào họ mới ở lại gắn bó với tòa soạn như vậy. Làm một người quản lý, là phải làm cho đời sống của anh em tốt lên, công việc cơ quan vận hành hiệu quả hơn. Tôi phải dựa vào các mối quan hệ của mình để xin quảng cáo cho tạp chí, dành hết về cơ quan, không nhận phần trăm hoa hồng. Có quảng cáo nghĩa là có thêm chút tiền trả lương cho anh em. Rồi cứ có cơ hội nào là tôi đều tìm cách quảng bá, mở rộng độc giả cho tạp chí. Tôi thường xuyên phải bỏ tiền túi mua và gửi tạp chí cho bạn bè ở các địa phương, các trường đại học, một vài điểm bán sách báo. Họ đọc, thấy nội dung tạp chí hấp dẫn thì họ có thể quảng bá giúp mình. Ở cơ quan, tôi thống nhất với anh chị em và bộ phận lãnh đạo, phân công mỗi người đều phải kiêm nhiệm thêm các đầu việc, không nề hà, đỡ phải thêm người. Chẳng hạn tôi kiêm nhiệm luôn thư ký tòa soạn, tổ chức trị sự, phụ trách biên tập văn xuôi, văn học thế giới... Phó Tổng biên tập thì kiêm luôn phụ trách trang web. Trưởng Ban biên tập kiêm thủ quỹ... Nhờ vậy, bộ máy nhân sự cũng tương đối gọn nhẹ. Thu nhập tăng lên.

- Thế còn các tác giả trẻ, với vai trò là Trưởng ban Nhà văn Trẻ Hội nhà văn Việt Nam, chị dành sự quan tâm thích đáng nào cho các cây bút trẻ trên tờ tạp chí của mình?

+ Tạp chí Nhà văn phải là nơi đăng những tác phẩm hay, không phân biệt các cây bút mới hay cũ, trẻ hay già, là nơi mạnh dạn giới thiệu đến bạn đọc những sáng tác mang tính đột phá, sáng tạo đặc biệt. Một nền văn học phát triển phải có cả thế hệ các nhà văn cây đa cây đề và lớp các nhà văn trẻ kế cận. Một nền văn học phát triển đồng thời phải có những diễn đàn dành cho nhiều sáng tạo khai phá. Tạp chí Nhà văn phải làm nhiệm vụ đó.

- Là phụ nữ làm quản lý, chị thấy có những khó khăn gì mà mình phải vượt qua?

+ Cái khó đầu tiên là phụ nữ không đi đêm về hôm được như cánh nam giới. Không thể giải quyết công việc ở bàn nhậu. Rất nhiều cái "không thể"! Mình phải có cách làm việc khác. Cái khó nữa là ở Việt Nam mình, đôi khi người ta không tin là phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc khó. Tôi từng trải qua và chịu đựng nhiều nỗi gian nan trong cuộc đời nên khi đã nhận trách nhiệm, tôi rất quyết liệt và làm đến nơi đến chốn. Tôi công bằng và rất trọng tình nghĩa, làm mọi việc vì cái chung, vì quyền lợi của cơ quan nên tôi không sợ thất bại.

Thời gian đầu nhận tờ tạp chí này, có lúc tôi cũng bị kẻ nào đó giấu mặt "ném đá" bằng những tin nhắn vu khống. Nhiều máy di động của lãnh đạo Hội và các nhà văn nhà thơ tên tuổi từng nhận những tin nhắn vu khống tôi trắng trợn. Mọi người đều rất cám cảnh và động viên tôi rất nhiều. Tôi đôi lúc cũng cảm thấy buồn bã phiền lòng, không hiểu một vài kẻ kia uất ức gì với việc tôi về ngồi ở cái ghế nóng và vất vả đến vậy? Đối với tôi, không có chức vụ nào quan trọng và lớn hơn hai chữ NHÀ VĂN tôi đã gánh trong cuộc đời này.

- Bận rộn với rất nhiều công việc như vậy, chị dành thời gian cho việc sáng tác vào lúc nào? Sắp tới đây chị có gì mới để trình làng trên danh nghĩa nhà văn?

+ Tôi thường tranh thủ làm công việc của thư ký tòa soạn, duyệt bài đợt đầu, đọc bản thảo và viết vào ban đêm. Ban ngày toàn giải quyết sự vụ hành chính, duyệt maket, tiếp cộng tác viên, làm nhiều việc của Ban Nhà văn Trẻ, của Ban chấp hành, Đảng ủy và Chi ủy... Công việc của Ban Nhà văn Trẻ cũng nhiều lắm. Năm 2011 cùng Ban chấp hành tổ chức Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 8. Trước đó tôi phụ trách Sân thơ Hiện đại, rồi cùng Ban Nhà văn Trẻ tham gia Ngày hội Đọc sách 23-4 do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức. Sau Hội nghị viết văn Trẻ, tổ chức mấy đợt đi thực tế cho các cây bút trẻ ở Hà Giang, Bắc Ninh… Mới rồi, tôi và Ban Nhà văn Trẻ phụ trách Sân thơ Quốc tế - Trăm miền…

Sắp tới đây, tôi sẽ cho ra mắt độc giả tập truyện ngắn mới có tên "Vàng Son Thạch Thủy Khí". Tôi cũng đang phải cố gắng hoàn thành 45 tập kịch bản phim truyền hình, chuyển thể từ tiểu thuyết "Tường thành" của tôi theo hợp đồng đã ký. Viết vẫn là một công việc mang lại cho tôi nhiều hứng khởi nhất.

- Xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.