Nhà văn Từ Sơn: Cha tôi đã sống và viết hoàn toàn trung thực

Thứ Năm, 18/06/2009, 15:00
Người làm văn học phải luôn yêu ĐỜI, yêu CON NGƯỜI, làm việc một cách cần cù và nghiêm túc, chỉ làm những việc có ích, không tách rời cuộc đời với văn chương. Đặc biệt, sống và viết phải hoàn toàn trung thực. Trước hết phải thành thực với chính mình, cả lúc đúng lẫn lúc sai.

Thưa nhà văn Từ Sơn, chỉ còn hơn tháng nữa là tròn 100 năm ngày sinh của cha ông, nhà văn Hoài Thanh (15/7/1909-15/7/2009). Xin ông cho biết, những hoạt động đặc biệt nào sẽ diễn ra để tưởng nhớ tác giả "Thi nhân Việt Nam"?

+ Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 7 tới. Hội Nhà Văn Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện Văn học, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ sẽ đồng chủ trì buổi lễ này.

Sở dĩ có nhiều cơ quan văn hóa, văn nghệ cùng phối hợp tổ chức và chủ trì buổi lễ này là vì nhà văn Hoài Thanh từ sau Cách mạng Tháng Tám đã lần lượt được Đảng, Nhà nước và các tổ chức văn học nghệ thuật phân công hoặc cử vào giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan vừa kể trên.

Đầu tháng 2 vừa rồi, Hội Nhà văn đã gửi công văn đề nghị Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhà văn Hoài Thanh, đồng thời cũng có văn bản đề nghị Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chọn một con đường thuộc nội thành Hà Nội mang tên Hoài Thanh như TP HCM và Huế đã làm từ nhiều năm trước. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hoài Thanh, Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ phát sóng một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

- Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành hai cuốn sách: "Hoài Thanh trên báo Tràng An" do ông sưu tầm, khảo luận và cuốn "Tìm hiểu Hoài Thanh" tập hợp những bài viết và nghiên cứu của ông về Hoài Thanh. Ông đã hoàn thành 2 cuốn sách này trong bao lâu, và đâu là những tư liệu mới, kiến thức mới ông muốn gửi gắm tới độc giả, những người yêu mến và muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Hoài Thanh?

+ Khi cha tôi còn sống, tôi đã được ông chia sẻ rất nhiều chuyện buồn vui, chuyện văn chương và chuyện đời riêng chung. Đó là một cơ sở quan trọng cho tôi khi tự đặt lên vai mình trách nhiệm nghiên cứu về Hoài Thanh. Tất nhiên trong nghiên cứu khoa học, không có chỗ cho sự vị nể nào, dù cho đối tượng nghiên cứu là người thân, người ruột thịt của mình.

Tôi đã cố gắng nhìn nhận khoa học, khách quan khi nghiên cứu, cũng như hoàn toàn trung thực và có đầy đủ cứ liệu khi đưa ra những nhận định, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Hoài Thanh.

Về hai cuốn sách vừa xuất bản, cuốn "Tìm hiểu Hoài Thanh" là kết quả của nhiều ngày đêm trong vòng hơn 20 năm qua - từ sau khi cha tôi từ giã cõi đời (1982). Tôi đã miệt mài đọc đi đọc lại mấy ngàn trang sách của cha tôi và hàng vạn trang viết của ông từ trong các sổ tay ghi chép.

Ngoài ra là thư từ, bản thảo viết nháp, bài viết của các tác giả, nhà nghiên cứu trong mấy chục năm qua... Tôi hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc một chân dung Hoài Thanh tương đối chân xác qua cuộc đời và sự nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của ông.

Cuốn "Hoài Thanh trên báo Tràng An..." là tư liệu hoàn toàn mới về Hoài Thanh. Nó mới ở chỗ là các bài báo của Hoài Thanh mới sưu tầm được hầu hết chưa được ai biết tới từ sau 1945. Tôi nghĩ chỉ chậm một vài năm nữa chắc là không ai có thể sưu tầm được số bài báo này vì tình trạng báo lưu giữ đã quá cũ nát.

Qua bộ sưu tập này, chúng ta sẽ có được một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn về Hoài Thanh, một Hoài Thanh rất gắn bó với đời sống, gắn bó với người lao động, với số phận của dân tộc, với đời sống của con người nói chung... Nó là bằng chứng chứng minh một cách thuyết phục rằng Hoài Thanh rất "vị nhân sinh"...

- Là người con trưởng trong gia đình, lại nối nghiệp cha, suốt đời dạy học và làm công tác phê bình văn học. Ông cũng dành không ít thời gian để tìm hiểu về cuộc đời của chính người cha, người đồng nghiệp của mình. Nhân 100 năm ngày sinh của cụ, nhìn lại một cách thẳng thắn và sòng phẳng, ông thấy có điều gì căn bản mà lúc sinh thời Hoài Thanh chưa được hiểu đúng, và cụ đã mong muốn được người đời hiểu đúng về mình?

+Trong bài "Lời cuối sách" viết nhân dịp tái bản cuốn "Thi nhân Việt Nam" năm 1988 - hồi cả nước đang đặt những bước chân đầu tiên lên con đường Đổi mới - tôi đã có thuật lại lời cha tôi tâm sự với tôi trong những ngày ông nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện trước lúc đi xa: "Cha viết văn đã 50 năm nhưng công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ, bình thơ hay, vô luận là của ai. Cha biết văn chương cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn. Một đời làm văn cha chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình...Vậy mà cha đã vấp phải khối chuyện phiền: kẻ yêu, người ghét. Thậm chí cha còn bị vu cáo, bị nói oan. Cha biết vậy nhưng không thể sống khác, viết khác cái tạng của mình. Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực. Đó là cái quý nhất mà cha muốn để lại cho các con”.

- Trên phương diện nghề nghiệp, những bài học nào là sâu sắc nhất ông học được từ cuộc đời cầm bút của cha mình?

+ Bài học sâu sắc nhất tôi nhận được từ cha mình, là không ngừng học hỏi về mọi phương diện, không ngừng đọc và thấm sâu, khám phá và cảm nhận  tâm hồn đẹp của các tác giả sáng tạo văn chương đích thực, dù tác giả đó đã nổi tiếng hoặc chưa nổi tiếng, dù họ ở địa vị xã hội nào, thông qua các tác phẩm cụ thể.

Người làm văn học phải luôn yêu ĐỜI, yêu CON NGƯỜI, làm việc một cách cần cù và nghiêm túc, chỉ làm những việc có ích, không tách rời cuộc đời với văn chương. Đặc biệt, sống và viết phải hoàn toàn trung thực. Trước hết phải thành thực với chính mình, cả lúc đúng lẫn lúc sai.

- Vượt ra khỏi cái bóng lớn của người cha không phải là chuyện dễ dàng. Không thể nói ông không chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuộc đời và sự nghiệp của cha, nhưng về mặt quan điểm làm phê bình văn học, ông tự thấy mình có điều gì khác với cha?

+ Tôi luôn tự đặt cho mình một cách sống: Không làm một cái bóng của bất kỳ ai - dù là làm cái bóng của cha mình. Hoàn cảnh lịch sử - cụ thể thế hệ của tôi có nhiều điểm khác biệt với thế hệ cha tôi. Trong phê bình, nghiên cứu văn học, tôi biết chắc rằng tôi chưa và không thể đạt tới đỉnh cao như cha tôi, song không vì thế mà tôi "dập khuôn" theo khuôn mẫu của cụ.

Bạn thấy đấy, tôi đánh giá "Thi nhân Việt Nam" khác với cha tôi tự đánh giá tác phẩm ấy của mình. Khi làm "Hoài Thanh toàn tập" tôi đã mạn phép vong hồn cụ không đưa vào toàn tập một số bài đánh giá một số hiện tượng văn học mà, theo tôi, cha tôi còn nhìn nhận phiến diện, phê phán nặng nề do áp lực của "thời tiết chính trị" đương thời.

Tôi nghĩ, điều này cũng bình thường thôi. Chân lý chỉ có một nhưng cách tiếp cận chân lý nếu anh chọn một chỗ đứng nào đó, ở vào một thời điểm nào đó có thể anh sẽ không nhìn nhận đúng bản chất của chân lý.

 - Thời của Hoài Thanh, rất nhiều người thờ văn chương như một thứ Đạo. Nhưng Hoài Thanh là người làm văn chương rất Đời. Ông không tách Văn và Đời trong con người và trong tâm hồn mình. Đó chính là những nhận định của ông khi viết về cha mình, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Các tác phẩm của Hoài Thanh đã thể hiện rất rõ điều bạn vừa nhắc tới. Tôi chỉ nói thêm một ý nhỏ: Các bài viết của Hoài Thanh trên báo Tràng An tôi mới sưu tầm được là một dẫn chứng đầy thuyết phục về sự gắn bó giữa Đời và Văn của Hoài Thanh.

- Để có một "Thi nhân Việt Nam" làm say lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, Hoài Thanh đã yêu và say mê Thơ Mới như một "thú vui duy nhất", và trong lúc tìm hiểu các giá trị của Thơ Mới thì luôn "lấy hồn tôi để hiểu hồn người". Niềm đam mê nồng cháy và vô tư ấy dường như những người làm phê bình hôm nay không có được. Phải chăng vì vậy mà chúng ta ít có được những tác phẩm phê bình văn học gây ấn tượng lâu dài với bạn đọc, thưa ông?

+ Sáng tạo văn chương là một loại sáng tạo cực kỳ thú vị nhưng cũng hết sức nghiệt ngã. Phê bình văn chương đạt đến độ như Hoài Thanh, "làm say đắm lòng người" đúng như bạn nói, cần phải có niềm đam mê nồng cháy và vô tư. "Lấy hồn tôi để hiểu hồn người" ... theo tôi, mới chỉ là điều kiện Cần.

Điều kiện Đủ lại chính là tài năng. Mà tài năng lại là thứ quý hiếm, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ xuất hiện đồng loạt như sản phẩm bậc cao được chế tạo qua một quy trình công nghệ đã được lập trình sẵn, chính xác.

Chúng ta chớ vội trách sự thiếu, đúng hơn, sự chưa xuất hiện những tài năng mới có tầm cỡ trong lĩnh vực phê bình văn học hiện nay. Hãy tin một sớm mai nào đó chúng ta sẽ thấy xuất hiện một số tài năng phê bình văn học của thế hệ mới. Khi ấy ta phải giải thích làm sao đây cho sự xuất hiện ấy ngoài hai chữ: tài năng. Tài năng - một hiện tượng như vô hình mà lại luôn có thực từ thế hệ này qua thế hệ khác, khi liên tục, khi đứt đoạn, chỉ có...Trời mới biết được!

- Xin cảm ơn nhà văn Từ Sơn

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.