Nhà văn Trần Thùy Mai: Viết về tình yêu không phải để “câu khách”

Thứ Hai, 17/03/2008, 10:00
22 tuổi, truyện ngắn đầu tiên của Trần Thùy Mai đăng trên báo Văn nghệ. Nghiệp văn của chị cũng bắt đầu từ đấy. Dẫu biết là đa đoan, Mai vẫn chìm đắm trong hạnh phúc được sống, yêu và viết.

Chính chị cũng đã từng thổ lộ: "Trong đời, đôi khi cái mất là cơn cớ dẫn đến cái được và ngược lại. Nên được và mất, bất hạnh hay vinh hạnh cũng chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn tình người và kỷ niệm là đẹp nhất, là đáng nhớ, đáng nghĩ nhất trong đời".

Căn nhà nhỏ và yên tĩnh nằm khuất sau một con hẻm của đường Điện Biên Phủ. Chiếc cổng xinh xinh với vòm dây leo lãng mạn và những khóm hoa dịu dàng dễ làm cho người ta liên tưởng đến một bà chủ nhẹ nhàng, "cổ kính" và sống khá lặng lẽ. Gặp Mai, nói chuyện với chị, lại cảm nhận thêm một điều khác nữa: đằng sau cô gái Huế nhỏ bé, nhẹ nhàng và trầm tĩnh ấy dường như ẩn chứa một trái tim khao khát yêu thương, khao khát sẻ chia.

Đang là giảng viên bộ môn văn của Trường đại học Sư phạm Huế, Trần Thùy Mai chuyển sang làm biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ ấy, chị đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình. Thấm thoắt cũng đã hơn 30 năm cầm bút. Nếu như những ngày còn trẻ, với chị, viết chỉ là đam mê rất cảm tính, để thể hiện những tình cảm, suy nghĩ của một cô bé mới lớn, đầy ước vọng, mơ mộng về tình yêu và hạnh phúc; thì sau này, khi đã trở thành vợ, thành mẹ và phải đối mặt với bao đổ vỡ trong cuộc sống, chị mới nhận ra, viết cũng là một cách cứu rỗi. Những trang viết của chị vì thế ngày càng trở nên tinh tế, sâu lắng mà cũng dữ dội và quyết liệt hơn.

Chị tâm sự: "Hồi còn trẻ, mình cũng thích văn chương, thích viết. Nhưng có lẽ, sau 40 tuổi, mình mới biết, viết văn phải trả giá bằng sự từng trải, trả giá cả cuộc đời. Hình như, khi người ta đổ vỡ càng lớn thì càng khát khao đến với nghệ thuật, giống như đi tìm một nơi nương tựa". Và điểm tựa văn chương ấy là nơi chị tìm thấy chính mình với tình yêu trong trẻo, nguyên vẹn. Năm 2000, giữa bao nhiêu ước vọng tan biến, bao nhiêu giằng xé, Mai đã ngồi lì trong nhà, không gặp ai và viết "một lèo" 4 truyện ngắn trong vòng một tháng.

Viết, với chị lúc ấy không chỉ là để giãi bày mà còn là niềm an ủi, sự bù đắp. Chìm đắm vào thế giới tưởng chừng như không có thật ấy là Mai đang sưởi ấm trái tim mình trước định mệnh nghiệt ngã của cuộc sống. Tình yêu, như chị đã từng nói: yêu, sống chết, không dễ dàng và thường không được gì sau đó. Thế nhưng, khi con người hài hòa giữa cho và nhận, giai đoạn có tình yêu vẫn là giai đoạn phát sáng nhất, viết có hồn nhất.

Vì thế, như là qui luật bù trừ, càng nhiều đau đớn, chị lại càng thể hiện rõ bản sắc của mình với văn chương. Vẫn biết rằng, chẳng ai dại gì để đánh đổi hay lựa chọn giữa một trong 2 điều hệ trọng nhất của cuộc đời: tình yêu - sự nghiệp. Thế nhưng, giữa cuộc sống chông chênh và khó cân bằng này, dẫu sao sự bù đắp vẫn rất cần thiết và đôi khi nó như một phép màu huyền nhiệm dắt ta bước qua những chông gai, thử thách.

Một điều dễ dàng nhận thấy, Mai dành tình cảm ưu ái rất riêng cho các nhân vật nữ của mình. Cuộc sống vốn đa chiều và phức tạp. Tình yêu cũng không nằm ngoài quyluật khắc nghiệt ấy. Thế nhưng, tình yêu dẫu mất mát, phụ bạc và đớn đau đến nhường nào thì con người cũng chỉ thật sự tìm thấy hạnh phúc khi có nó. Là phụ nữ, chị thấm thía nỗi đau, sự tổn thương và mất mát trong tình yêu. Chính vì thế, tình yêu trong truyện ngắn Trần Thùy Mai không đơn thuần là một câu chuyện lãng mạn, thấm đẫm nước mắt để "câu khách" mà đó là cái cớ để chị nói về cuộc sống với những con người đang ngày ngày sống, yêu và ruồng bỏ tình yêu của chính mình. Mỗi câu chuyện đau đáu một nỗi niềm.

Mỗi nhân vật một hoàn cảnh, một vết thương lòng khác nhau nhưng tất cả đều mang một khát vọng của Trần Thùy Mai, khát vọng về một tình yêu mãnh liệt và bất tử. Đó không phải là điều dễ dàng nhưng cũng không hẳn là điều quá viển vông hay siêu tưởng.

Kiếp người nhọc nhằn, vất vả bao nhiêu cũng đi đến kết thúc là cái chết. Nhưng thật ra, trong cuộc sống, con người ta cũng thu nhặt được biết bao điều hạnh phúc. Và những niềm vui nhỏ bé ấy như những bông hoa mọc lên trên cây thập giá của đời người. Mỗi đời người đều có một cây thập tự phải mang. Và cái cứu chuộc sự nhọc nhằn của kiếp người chính là tình yêu.

Có người cho rằng, các nhân vật nữ của Mai dường như không có thật bởi họ thánh thiện quá, mong manh quá. Còn với chị, người mẹ tinh thần của họ, thì những người phụ nữ đều hiện thân cho sự trong sáng và yếu đuối. Cho dù đó có thể là một Vy khùng sẵn sàng đưa ngực cho lũ con trai xem chỉ vì một chầu ốc nóng; một Vân vì yêu một gã trai tầm thường, thô bạo phải chịu cảnh làm vợ hờ hay một Hơ Thuyền chờ đợi một tình yêu không được đền đáp phải chết đi trong mỏi mòn, đau đớn… thì họ đều là những phụ nữ dám sống hết mình cho tình yêu.

Dành cho các nhân vật nữ mà mình yêu quý một kết thúc không có hậu, Trần Thùy Mai muốn cho họ tỏa sáng giữa những điều tầm thường của cuộc sống, dẫu đó là sự toả sáng trong khổ đau. Cái chết của Vân, của Hơ Thuyền không phải là sự trốn chạy mà là sự thanh lọc. Cuộc sống dẫu dành cho họ sự nhọc nhằn, tủi nhục, xót xa đến bao nhiêu thì cuối cùng vẫn phải kính cẩn cúi đầu bởi những điều thấp hèn, nhỏ bé dường như chưa bao giờ chạm tới họ.

Xuất bản tập truyện ngắn đầu tay năm 1983. 22 năm sau, tập truyện ngắn thứ 6 với cái tên "Mưa đời sau" ra đời, người đọc vẫn gặp lại một Thùy Mai như thế, rất Huế, nhẹ nhàng, lặng lẽ mà tinh tế, sâu sắc. Không chạy theo thị hiếu tầm thường, không sex, không ồn ào, không những pha rượt đuổi gay cấn, truyện của Mai đầy ắp những chi tiết giản dị.

Mỗi một câu chuyện như một lời kể nhẹ nhàng, chậm rãi, đầy tình cảm cứ chuyên chở vào hồn người những trăn trở, nghĩ suy và day dứt. Cũng là tình yêu nhưng nó khiến người ta hướng về nơi sâu kín nhất, cái góc khuất không lý giải được nhưng lại vô cùng huyền nhiệm của tình yêu. Tình yêu với chị không phải là triết lý mà là chân lý, một chân lý rất cứu rỗi cuộc sống. 

Có lẽ bởi những lý do đó mà dẫu ở xứ Huế cổ kính, tĩnh lặng, truyện của chị vẫn được đánh giá cao và được các nhà làm phim thành phố Hồ Chí Minh chú ý. Sau thành công của hai tập truyện ngắn "Quỷ trong trăng" và "Thập tự hoa" đoạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2005, khi vỡ diễn "Hãy khóc đi em" được chuyển thể từ truyện ngắn của chị được công diễn cũng là lúc bộ phim "Gió thiên đường", "Chiếc nhẫn ngọc lục bảo", "Thập tự hoa" ra mắt khán giả đúng vào dịp giáng sinh. Năm 2007, bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Vinh Sơn cũng đã chính thức khởi quay tại Huế.

Nói về 3 truyện ngắn được chuyển thể thành phim của mình, chị tâm sự: "Phim được gợi hứng và dựa vào một số ý tưởng trong truyện nhưng chắc chắn sẽ mang rất nhiều dấu ấn phong cách riêng của người đạo diễn nên tôi cũng dự đoán rằng phim sẽ không giống y chang như truyện. Người ta thường khuyên tác giả truyện là khi giao tác phẩm cho đạo diễn thì cũng như là đã "đưa con vô nội". Ở Huế, "đưa con vô nội" tức là tiến vào cung vua, từ đó trở đi mình không có quyền can thiệp vào sinh mệnh của nó nữa.

Nói thì nói vậy chứ đã là con của mình tất nhiên mình không thể nào không "ngoi ngóp" cho dù mọi chuyện dường như đã vượt quá tầm tay. Dù sao tôi cũng kỳ vọng ở tất cả các phim. Tuy nhiên, tôi mong đợi nhiều nhất ở bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" bởi nó lấy bối cảnh quay tại Huế và nhân vật sẽ nói bằng giọng Huế. Việc thực hiện sẽ khó khăn và đòi hỏi nhiều công phu hơn. Phim bấm máy tại Huế nên tôi sẽ không có cảm giác "đưa con vô nội" như người ta đã nói".

Sống một mình trong căn nhà nhỏ, tôi hỏi Mai, có bao giờ chị cảm thấy buồn? Vẫn nụ cười rất hiền và giọng Huế nhỏ nhẹ, chị nói rằng đây là một không gian lý tưởng để viết. Một bật mí nho nhỏ, sắp tới, chị sẽ ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay. "Liệu ở trong ấy, người đọc sẽ hội ngộ với một Thùy Mai mới?" - Tôi hỏi.

Chị lại cười dịu dàng: "Tôi nghĩ rằng một tác phẩm mới là ở cái nhìn khai phóng về những vấn đề trong cuộc sống hiện tại. Nếu tâm hồn ta không khô cứng và già cỗi với những thành kiến thì chẳng việc gì phải quá loay hoay tìm cách khẳng định với người đời: Tôi có mới hay không?"

Lý Hạnh
.
.