Văn học mạng trong xu thế hội nhập:

Nhà văn Trần Nhương - “Mỗi phương thức xuất bản có “đồng minh” của nó”

Thứ Tư, 16/04/2008, 16:45
"Văn học truyền thống và văn học trên mạng, chẳng anh nào đẩy lùi được anh nào. Mỗi anh có lợi thế riêng và chung sống trong hòa bình. Các cụ vẫn bảo: "Hai vợ đều là vợ cả" rất đúng trong trường hợp này. Mỗi phương thức xuất bản có "đồng minh" của nó..." - Nhà văn Trần Nhương cho biết.

- Thưa nhà văn Trần Nhương, ông được xem là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên lập ra website cá nhân và hiện nay trannhuong.com có một lượng truy nhập rất đông đảo. Ông đánh giá thế nào về sự tương tác giữa độc giả và nhà văn qua Internet?

+ Tôi, văn chương thì thường thường bậc trung nhưng lại thích cái mới nên mới liều mạng mở web cho nó theo kịp thế hệ @. Cũng không ngờ mình chỉ giới thiệu văn chương, hội họa của mình mà bạn đọc trên khắp thế giới tìm đọc (tất nhiên là... người Việt mình).

Một trang web "tư nhân" văn xoàng, họa kém mà được yêu mến là niềm hạnh phúc của tôi. Sau hơn một năm hoạt động, hiện đã có hơn 30 vạn lượt người vào thăm. Họ không chỉ đọc mà còn trao đổi, hưởng ứng, đồng thuận hoặc phản bác lại mình. Nhà văn và bạn đọc bình đẳng, thân gần, có thể thẳng thắn trò chuyện.

Điều bạn đọc yêu thích hay ghét bỏ, cứ qua đường truyền mà nhà văn nắm bắt được để điều chỉnh, để nghĩ ngợi và để làm mới mình. Bạn đọc tinh lắm, anh nào cũ, nhạt, không chịu cập nhật là "Chào bác em ngược ngay".

Tác dụng của Internet là rất lớn. Chỉ hơi buồn là văn nhân nước Việt mình nhiều anh ngoảnh mặt đi, không hề đoái hoài đến coi như nó không có mặt trên đời. Tôi không nói đến phải có website, weblog, chỉ cần truy cập để mở cửa ra thế giới đã là một việc bổ sung kiến thức, vốn sống tuyệt vời rồi.

- Rất nhiều nhà văn đã có website riêng, như ông thấy.  Nhưng cho đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam lại chưa có một website chính thức. Ông đánh giá thế nào về sự muộn màng này?

+ Câu hỏi này hơi khó cho tôi. Tôi đang công tác tại cơ quan Hội không nhẽ lại "vạch áo" người nhà? Nhưng đã hỏi lại không trả lời sao được. Hội Nhà văn Việt Nam đang xúc tiến thiết kế, xin phép và mua tên miền để có một website tầm cỡ không thẹn với trong họ ngoài làng.

Đến bây giờ mà Hội Nhà văn mới "sắp có" trang web là một bước đi của... cụ rùa. Có lẽ Ban Chấp hành nghĩ các hội viên của mình chưa mặn mà với Internet mấy, nên lo việc mở trại, đầu tư sáng tác là cần thiết hơn chăng?

Hội cần tiếp cận với đời sống văn học từng ngày, từng giờ, có tiếng nói của mình trong sinh hoạt văn chương, trong ấm lạnh, khen chê tác phẩm, tác giả mà qua đó định hướng cho người đọc và cả người viết.

- Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam thực chất chưa có văn chương mạng mà sự phát triển của nó vẫn còn hết sức manh mún, tự phát. Theo ông, đánh giá như thế nào là khách quan và công bằng đối với văn học mạng của ta hiện nay?

+ Tôi không nghĩ thế. Văn chương xuất hiện trên màn hình máy tính với tất cả những thuộc tính của nó thì sao lại nói chưa có văn chương mạng? Đó là hàng ngàn website, weblog của các cơ quan văn học, báo chí, của các nhà văn, của người viết văn... và hàng ngày có hàng triệu người đọc.

Văn chương in trên giấy hay chạy trên màn hình thì chẳng qua chỉ là sự khác biệt về phương tiện truyền tải mà thôi.

- Gần đây, đã có hàng chục cuốn sách có nguồn gốc từ Internet ra đời. Điều này có tác động gì đến thói quen sáng tác của thế hệ nhà văn U60 các ông không?

+ Tôi chưa đọc cuốn nào nhưng tôi nghĩ chả có vấn đề gì. Văn chương từ mạng mà mang ra in trên giấy thì vẫn là văn chương. Có khi từ "ảo" ra "giấy trắng mực đen" nó lại có thêm một cuộc đời song hành cho tác phẩm.

Rồi đến lúc người người lập web, nhà nhà lập web, các cây viết có thể sẽ công bố tác phẩm trên mạng trước, quảng bá nó rồi in thành sách sau. Như người ta nói là làm "ngược" quy trình xuất bản đấy. Và như thế nhà văn không thể mãi sáng tác theo kiểu trang giấy cây bút nữa.

Thói quen mới sẽ tác động đến người sáng tác và họ cũng không thể cứ ngồi nhâm nhi ù lì như cũ.

- Phải chăng, xuất bản văn học truyền thống đang có xu hướng bị đẩy lùi trước xuất bản văn học trên mạng? Ông có nhận xét gì về sự khác nhau giữa độc giả văn học truyền thống và độc giả văn học qua mạng Internet?

+ Thực ra, chẳng anh nào đẩy lùi được anh nào. Mỗi anh có lợi thế riêng và chung sống trong hòa bình. Các cụ vẫn bảo: "Hai vợ đều là vợ cả" rất đúng trong trường hợp này. Mỗi phương thức xuất bản có "đồng minh" của nó.

Các cụ tuổi cao không thể vào mạng, máy tính không thể mang đi đây đó thì cuốn sách để trong túi ngồi đâu xem đấy là dễ dàng nhất. Lớp trẻ thì không nhiều thời gian, họ lại thạo máy móc nên khoái khẩu món văn chương mạng.

Nhưng thú thật, công chúng bây giờ không nồng thắm với văn chương đâu, một nước có 80 triệu dân mà mỗi đầu sách in được có 1.000 bản thì buồn lắm chứ!

- Hiện nay, có những nhà văn cứ thấy tác phẩm của mình được đăng tải (mà không hề xin phép cũng không trả nhuận bút) là thấy vui, thấy khoái. Theo ông, với một nhà văn chân chính, hoạt động chuyên nghiệp thì phải được hưởng lợi gì từ Internet?

+ Câu hỏi này chạm đúng cái bức xúc của nhiều nhà văn chúng tôi. Đã hết cái thời được đăng một cái tên trên mục "Thư bạn đọc" đã sướng rơn. Nhà văn vắt óc ra từng con chữ không thể để người khác chiếm dụng một cách ngang nhiên như hiện nay được.

Phải tôn trọng luật bản quyền chứ. Đã đăng tải tác phẩm của người ta thì phải trả tiền, hoặc ít nhất là xin phép, không thể tùy tiện.

Có lần nhà thơ Trần Đăng Khoa nói với tôi: "Nếu như ở nước ngoài thì bác kiếm khối tiền đấy, trang của bác bao nhiêu người đọc mà chả được cắc nào, anh bưu điện bỏ vào túi hết".

Nhân đây, tôi cũng xin kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước có một hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi cho các nhà văn. Cần có "luật chơi" hẳn hoi, tránh tình trạng anh còng lưng làm còn anh duỗi lưng hưởng.

- Xin cảm ơn nhà văn Trần Nhương!

Việt Hà (thực hiện)
.
.