Nhà văn Nguyễn Trí: Nỗi đau cuộc đời sức nặng của văn chương

Thứ Hai, 20/01/2014, 08:00

Hội Nhà văn Việt Nam vừa công bố 4 giải thưởng văn học chính thức của năm 2013. Ở hạng mục văn xuôi, bên cạnh "lão làng" Ma Văn Kháng với tập tiểu luận, bút ký về nghề văn "Phút giây huyền diệu", nhiều độc giả ngạc nhiên bởi một tên tuổi "mới toanh" trình làng: Nguyễn Trí (Đồng Nai) với tập truyện ngắn đầu tay "Bãi vàng, đá quý, trầm hương".

Người đàn ông tôi gặp sáng hôm đó ở Tp HCM sinh năm 1956. Còn hai năm nữa anh mới tròn 60 tuổi. Ở thời này, đó chưa phải là cái mốc ghê gớm lắm của đời người. Nhưng trông diện mạo, anh khắc khổ hơn nhiều.

Tôi biết tới cái tên Nguyễn Trí lần đầu qua một truyện ngắn có tên "Trại viên cũ quay lại đông lắm". Cách đặt tên truyện giản dị, tự nhiên như lời nói, nghe vừa mộc mạc, vừa tưng tửng, rất hồn nhiên nhưng cũng rất chuyên nghiệp đã khiến tôi phải chú ý. Rồi khi đọc truyện, thấy mình bị cuốn vào số phận của những con người bình thường, những cảnh sống chịu sự đưa đẩy kỳ lạ, không lường trước của số phận, những vùng vẫy, những buông xuôi… Lời văn không đẽo gọt nhưng gọn ghẽ. Tự nhiên, tôi cảm thấy đó dứt khoát phải là văn của một người rất từng trải.

Thế rồi tình cờ, vào Facebook của Võ Diệu Thanh, một người bạn viết văn ở An Giang, thấy comment của Nguyễn Trí. Chợt nghĩ, liệu có phải chính là tác giả Nguyễn Trí mình đã đọc không. Thư qua thư lại, tôi xác định được hai người là một. Vậy là có dịp gặp nhau trong một quán trà nhỏ tại Tp HCM.

Cảm nhận từ trang sách hóa ra không xa lắm với con người ngoài đời thực. Nguyễn Trí mộc mạc, giản dị và thẳng thắn, hào sảng, đúng với chất Bình Định và cả chất ngang tàng của một người từng kinh qua quá nhiều trần ai khổ ải. Câu chuyện của chúng tôi miên man từ cuộc đời sang văn chương và từ văn chương lại "lội ngược" vào cuộc đời. Sự thực, với Nguyễn Trí, cuộc đời của chính anh là chất liệu phong phú cho sáng tác. Bản thân cuộc đời anh đã có thể viết thành nhiều cuốn tiểu thuyết mà không mất nhiều công hư cấu, sáng tạo thêm gì nữa.

Thoạt tiên tôi đã bất ngờ khi biết anh mới bắt đầu cầm bút viết văn từ khoảng vài năm trở lại đây. Trước đó, anh từng viết, nhưng rất ít. Anh cũng từng có đôi tác phẩm được đăng trên báo chí Sài Gòn thời… trước giải phóng. Nhưng gần như chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ viết văn. Tuy nhiên, anh lại đọc rất nhiều.

Cớ sự để Nguyễn Trí ham đọc sách không phải vì anh quá mê say văn chương chữ nghĩa. Thú vui này thoạt đầu là cách để anh giết thời gian trong những ngày ở rừng làm lồ ô. Những năm 90 của thế kỷ trước, anh từng theo những đoàn người vào rừng Một Lẻ Bảy của Đồng Nai (khu rừng nguyên sinh nằm ở km số 107 trên đoạn đường từ Tp HCM tới Lâm Đồng) để khai thác lồ ô. Lồ ô của khu vực này nổi tiếng vì chất lượng phù hợp nhất để sản xuất chân hương (chân nhang), không chỉ cho thị trường trong nước mà còn để xuất khẩu.

Những ngày ở rừng, ngoài giờ làm việc, anh ngốn sách. Trong chiếc balô cá nhân của Nguyễn Trí ngày đó bao giờ cũng có khoảng chục cuốn sách, toàn là tác phẩm văn học lớn của các nhà văn nổi tiếng thế giới, đủ hết đông tây kim cổ. Để có sách đọc thường xuyên, anh đã trở thành "mối quen" của một hiệu cho thuê sách ngoài thị trấn. Mỗi lần xe chở lồ ô từ rừng ra, anh đều gửi trả những cuốn đã đọc để đổi về cuốn mới. Việc thanh toán tiền thuê đều dồn lại đợi mỗi đợt anh ở rừng ra.

Cứ như thế ròng rã trong nhiều năm, anh đọc và say sưa cảm thụ vẻ đẹp văn chương tuyệt vời của các bậc thầy thế giới. Và những ngày tháng ấy đã trôi qua không vô ích chút nào.

Không hề lãng mạn như trang sách, cuộc đời Nguyễn Trí bầm dập trên đủ mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cha anh là một thiếu tá chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cả gia đình anh phải thường xuyên di chuyển tứ tán, khi ở Quy Nhơn, lúc tới Kon Tum, khi về Sài Gòn, cũng chỉ vì phải đi theo người cha mỗi lúc nhận lệnh chuyển công tác sang đơn vị mới, đến một vùng đất mới nào đó.

Thuộc cấp, binh sĩ dưới quyền cha Trí có khoảng năm trăm người. Ngay cả người anh trai Nguyễn Trí cũng từng là đại úy trong chế độ cũ. Chính Nguyễn Trí từng thừa nhận, với cách mạng, gia đình anh đã thành người của "phía bên kia". Bản thân anh, anh luôn dằn vặt vì những khủng hoảng của thời cuộc và của chính gia đình mình, trước những sự biến hàng ngày diễn ra trong quá khứ.

Nguyễn Trí từng tha thiết yêu một người con gái đồng hương. Song vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ cô gái phản đối quyết liệt. Đôi trẻ bất chấp cấm đoán, vẫn về ở với nhau, nhưng được vài ba tháng, không hiểu vì lý do gì, cô gái kiên quyết đòi vào Sài Gòn để chờ được ba cô bảo lãnh sang Mỹ.

Tự ái, Nguyễn Trí chấp nhận chia tay. Anh ở lại Quy Nhơn rồi sau này, trong một dịp vào Đà Lạt, đã gặp và cưới một người con gái khác làm vợ. Mọi chuyện tưởng đã an bài, chẳng ngờ một lần, anh bất chợt gặp lại người tình cũ tại Đồng Nai. Anh những tưởng nàng đã yên phận ở Mỹ, nào ngờ vì trục trặc chuyện xuất ngoại, nàng vẫn ở Bình Dương bấy lâu. Và dường như, cô gái ấy vẫn chưa nguôi duyên nợ cùng anh…

Chuyện trò qua lại, hai người chia tay nhau. Nàng lên một chiếc taxi về nhà. Nguyễn Trí lặng lẽ lên một chiếc taxi khác, bám theo từ Đồng Nai qua Bình Dương. Lân la dò hỏi anh mới hay, nàng không có chồng, nhưng lại đang sống với một đứa con.

Quyết tìm hiểu, rốt cuộc, anh thảng thốt biết rằng, giọt máu rơi của mình năm nào sau quãng thời gian chung sống ngắn ngủi đã thành một bé trai. Cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi.  Nhưng chẳng ngờ, đứa con trai đó sau này trong một lần đi tìm mua tặng cho ba cây đàn ghita đã bị tai nạn và qua đời.

Phải tự tay chôn cất đứa con của mình tưởng đã là cùng cực nỗi đau. Vậy nhưng Nguyễn Trí đã phải hai lần nếm trải nỗi xé lòng đó. Cách đây chừng dăm năm, cô con gái út của anh trong một lần đi làm về, vì tò mò ghé xem người ta đánh nhau, đã vô tình hứng trọn một nhát dao của người dưng vào tim và tử vong tại chỗ.

Sau cái chết của con gái, Nguyễn Trí ngập trong men rượu. Cuộc đời anh tưởng như không còn chỗ bấu víu khi mọi điều bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống. Và bỗng dưng lúc ấy, anh có một khát khao tha thiết, được cầm bút viết ra những đau khổ, những day dứt của lòng mình. Anh viết thử một truyện và cất đi, tới mấy ngày sau lôi ra đọc lại và tự thấy mình viết được. Vậy là anh thử gửi cho báo và được in.

Thế là anh viết liên tục, viết rất nhanh. Tháng đầu tiên cầm bút, anh đã có tới 4 truyện ngắn in trên các báo. Như men rượu được ủ lâu ngày mới có dịp bung tỏa, anh say sưa viết trong hơn hai năm qua. Thành quả đầu tiên là tập truyện ngắn "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" (NXB Trẻ ấn hành năm 2013).

Cầm bút mới hơn hai năm, "gia tài" tích lũy được của Nguyễn Trí đã là hơn 200 truyện ngắn và 2 bản thảo tiểu thuyết đang chờ duyệt tại các nhà xuất bản.

Anh chia sẻ, anh chỉ viết lại những điều cuộc đời mình đã trải qua, không hư cấu, không tô vẽ quá nhiều. Viết bằng chính những trải nghiệm trung thực nhất của cảm xúc trong lòng mình. Tôi tin điều đó. Làm người viết không khó, cái khó nhất chính là ở chỗ, anh có câu chuyện gì để kể cho người đọc không. Mà với Nguyễn Trí, những câu chuyện lại chứa quá nhiều, quá phong phú cả trải nghiệm lẫn ý nghĩa nhân sinh. Nó nảy ra từ chính những trang đời thấm đẫm mồ hôi, máu và cả những tổn thương, mất mát lớn lao của đời anh.

Các cụ ta có câu "có khổ mới nên người". Còn các văn hào lớn trên thế giới đều khẳng định, nếu không trải qua gian lao, khổ ải, người ta khó lòng viết văn hay được. Còn với Nguyễn Trí, anh thấm thía một điều với riêng mình, con người ta, càng trải qua nhiều đau khổ, nhọc nhằn thì cái "tôi", cái "ích kỷ" càng bớt dần đi. Trong mỗi người, sự ích kỷ và sự tự ái, lòng yêu cái "tôi" vô cùng sâu sắc, dường như người ta không thể quên mình, dù chỉ là một phút giây hiếm hoi ngắn ngủi. Nhưng người ta sẽ bớt đi được điều đó, nếu thực sự đã nếm trải những điều cùng cực nhất của cuộc đời.

Với Nguyễn Trí, đã là cùng cực chưa khi anh đã mất hai đứa con trong số năm người con với hai người phụ nữ? Đã đủ cùng cực chưa khi một đứa con trai của anh vướng phải ma túy, vào trại rồi lại ra trại mấy lần? Đã đủ cùng cực chưa khi anh và người vợ đang phải thay con nuôi dưỡng hai đứa cháu nội khi mẹ nó bỏ đi lấy chồng sau khi con trai anh nghiện ngập? Đã đủ cùng cực chưa khi cuộc đời của một người từng phải ở rừng một mình trong suốt 20 ngày Tết không được nói tiếng người, thèm gặp mặt người tới cháy lòng cháy ruột?....

Khổ ải của kiếp người là cái lực đẩy kéo người ta tới văn chương, nhưng hẳn nhiên không phải là tất cả. Sự chân thực của cảm xúc và những nỗi đau giằng xé tận trái tim và cần phải được chia sẻ, giãi bày sẽ làm nên sự thuyết phục của văn chương.

Tôi không cổ súy cho những kỹ xảo trong cách dùng câu chữ và nghệ thuật kể chuyện, mặc dù đó là những điều quan trọng. Tất cả những cái đó đều có thể học được, và đến một mức nào đó, mọi kỹ thuật đều có giới hạn và buộc phải dừng lại. Nhưng trong sự mới mẻ của cảm xúc, trong sự chân thực của tâm hồn và rung động của người viết, trong những khát khao mãnh liệt được chia sẻ của lòng người, văn chương chẳng bao giờ có điểm giới hạn.

Có thể, nếu Nguyễn Trí sẽ vẫn cứ tiếp tục kể chuyện đời anh, tới một ngày, những câu chuyện rồi cũng cạn. Dĩ nhiên là thế. Nhưng có hề gì. Mỗi con người là một phần của cuộc sống này, của thế giới. Có thể góp vào một phần, một khúc, một chặng nào đó vào diện mạo của cuộc đời thì cũng đã đáng quý rồi

Trần Đắc Luân
.
.