Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Ngẫu nhiên rồi đam mê

Thứ Ba, 06/12/2011, 08:00

Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải về nguyên nhân dẫn chị đến với đề tài An ninh Tổ quốc, nhà văn hồn hậu nói: "Ngẫu nhiên, không lựa chọn". Tôi hiểu ý này của chị. Với đề tài này, chị không cố ý chủ tâm trước mà qua báo chí trong và ngoài nước rồi lời kể, lời giới thiệu của bạn bè, nhiệt tình của người tổ chức đã là cầu nối giúp chị tiếp cận rồi tự tâm quyến luyến mà tìm đến trong trang viết...

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh năm 1944, có quê gốc cùng với tôi. Cha chị người Tích Giang, Tùng Thiện, Sơn Tây nên vẫn có thể gọi chị là con gái xứ Đoài, cho dù đấy chỉ là đất cội nguồn. Chị sinh ra, lớn lên và sống nhiều năm ở Hải Dương, Hải Phòng rồi làm việc ở Hà Nội. Bây giờ chị đang là công dân của Tp HCM. Chị từng là phóng viên, Tổng thư kí tòa soạn, Ủy viên biên tập Báo Phụ Nữ Việt Nam, Chuyên viên báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Tp HCM. Tuy tuổi đã cao nhưng với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghề, chị được mời làm Giảng viên Khoa PR và Truyền thông ở Đại học Văn Lang, thỉnh giảng ở các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hiến. Nhiều lớp tập huấn báo chí của Hội Nhà báo Tp HCM có chị tham gia thỉnh giảng.

Ngồi trò chuyện với Nguyễn Thị Ngọc Hải hôm nay, tôi lại nhớ tới Giải văn chương năm 1997 của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo chị nhớ lại, năm ấy không có giải A và cuốn ký sự mang tên "Tôi chết bắt đầu một thế giới sống" của chị đoạt giải B. Cuốn ký sự này viết về thế giới của những linh hồn nằm trong lòng đất qua chuyện một bác sĩ thuộc tiểu đoàn Cát Bi - Hải Phòng có những ngày tháng gian khổ vượt Trường Sơn đánh giặc cứu nước. Tại những vùng đất lửa ác liệt này nhiều đồng đội của bác sĩ đã hy sinh. Nhiệm vụ - tình cảm lớn nhất của người bác sĩ chiến binh là đi tìm hài cốt đồng đội, những người trước đây anh đã tham gia chôn cất. Tiểu đoàn của người bác sĩ trong cuốn sách của chị đã là một trong những nguyên mẫu cho đạo diễn Mỹ Oliver Stone làm phim "Trung đội". Báo Phụ nữ Tp HCM đã chọn in một chương của cuốn ký sự. Nhân vật có thật ấy đã được bạn đọc bình chọn là người đàn ông của năm. Phải chăng sự thành công bước đầu này trong cách viết chân dung nhân vật đã song hành cùng tác giả đi tiếp những bước sau này trong thể loại văn học tư liệu. Chị đã gặt hái những thành công trong nhiều "điệp vụ chữ nghĩa" của mình về một số nhân vật có thật trong Ngành Tình báo Việt Nam. Nổi bật trong những thành công đó là cuốn "Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời" - cuốn sách đã đoạt được giải thưởng cao nhất trong cuộc thi văn chương được phối hợp giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an.

Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải về nguyên nhân dẫn chị đến với đề tài An ninh Tổ quốc, nhà văn hồn hậu nói: "Ngẫu nhiên, không lựa chọn". Tôi hiểu ý này của chị. Với đề tài này, chị không cố ý chủ tâm trước mà qua báo chí trong và ngoài nước rồi lời kể, lời giới thiệu của bạn bè, nhiệt tình của người tổ chức đã là cầu nối giúp chị tiếp cận rồi tự tâm quyến luyến mà tìm đến trong trang viết.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, qua tìm hiểu, Nguyễn Thị Ngọc Hải đã phát hiện ra cái đẹp, cái chất nhân văn của một con người cụ thể, ẩn tàng trong một công việc cơ mật đầy cấn cá hiểm nguy. Sự điềm tĩnh, sáng suốt cùng những tri thức được học đã giúp Phạm Xuân Ẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Sức mạnh của ông không xuất phát từ súng đạn mà xuất phát từ tiềm lực trí tuệ giữa cuộc đối đầu sinh tử nhưng lại rất ngọt ngào trong vai diễn. Chính người Mỹ, đối thủ của ông đã tạo cơ hội cho ông học và trở thành một nhà báo có nhiều uy tín đối với một số tờ báo Mỹ, trong đó có tờ TIME. Ông là phóng viên chiến trường của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, cũng là phóng viên đã có bài viết về sự từ trần của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gương hy sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi. 

Bìa một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Nhà sử học Mỹ Larry Berman - tác giả cuốn "Điệp viên hoàn hảo" viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn - trong cuốn sách đề tặng Nguyễn Thị Ngọc Hải đã ghi thế này: "Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn thì bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn ở ông ấy hơn ai hết".

Đọc những dòng này, tôi biết nhà sử học người Mỹ đã xem và ngẫm nhiều về những trang sách Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn. Trong câu chuyện với tôi, khi nhắc về người chiến sĩ tình báo tài ba nay đã khuất núi, rất nhiều lần nữ nhà văn thốt lên "hay lắm, đẹp lắm".

Phạm Xuân Ẩn được bồi dưỡng bởi ba nền giáo dục, đó là Nho giáo Việt Nam, Chủ nghĩa Nhân văn Pháp và Chủ nghĩa thực tế Mỹ. Ông sinh năm 1927 ở Biên Hòa, tuổi nhỏ thấm nhuần nho học từ gia đình, lớn lên học trường Pháp rồi lớn lên nữa đi học tiếp ở bên Mỹ. Ông là người ưa trào lộng, tính tình phóng khoáng đậm chất Nam Bộ. Một khối giá trị văn hóa lớn đã ngấm vào ông, tạo cho ông phẩm chất của nhà văn hóa trước khi trở thành nhà báo và nhà tình báo. Phải chăng chính từ những chi tiết này mà nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải gọi Phạm Xuân Ẩn là nhà tình báo giàu chất nhân văn. Chị cũng cho biết, trong những năm tháng sống trong lòng địch, Phạm Xuân Ẩn luôn coi người Mỹ xâm lược là kẻ thù; coi phóng viên nhà báo và những người Mỹ tử tế là bạn, là đồng nghiệp. Ông quen ăn tết Tây, nếp sinh hoạt Tây. Là nhà tình báo, ông sống rất thật lòng với vỏ bọc để tạo niềm tin với đối phương nhằm mục đích chui sâu leo cao. Ông cũng có nỗi sợ khi một lần viết thư cho đồng đội vào ban đêm bị đứa con gái sáu tuổi phát hiện khiến ông toát mồ hôi, phải tìm cách khắc phục ngay bằng một biện pháp nghiệp vụ khác trước sự hồn nhiên của con trẻ. Ông là người đã làm thủ tục cho tướng Nguyễn Văn Thiệu đến Hoa Kỳ trong chuyến đầu tiên sang học làm chỉ huy và tham mưu tại Leavenworth. Ông cũng từng cứu một số nhà báo Mỹ khỏi nạn diệt chủng của Khơme đỏ…

Qua một bài báo của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tôi muốn được trích đôi dòng để bạn đọc hiểu thêm con người Phạm Xuân Ẩn khi đang hoạt động qua một lời kể của người đồng đội cấp trên của ông: "Ẩn là nhà báo của báo Mỹ, ra chiến khu nhận nhiệm vụ mới. Anh tự lái xe lên gửi ở đồn Phú Hòa Đông, với danh nghĩa người của bác sĩ Trần Kim Tuyến (Trùm mật vụ miền Nam) đi làm nhiệm vụ. Cô giao liên Tám Thảo giao Ẩn cho người liên lạc. Người liên lạc dẫn Ẩn tới chỗ chúng tôi. Ẩn rõ ra là một nhà báo Tây: Áo sơ mi đỏ, quần ka ki Mỹ, giày đẹp, hút thuốc bằng chiếc Píp lớn, chính hiệu dân Sài Gòn. Tôi, Mười Nho này, chỉ giới thiệu thế là anh em ôm nhau thân thiết. Anh Sáu Dân, anh Cao Đăng Chiếm mừng lắm. Chúng tôi liên tục làm việc cả buổi trưa. Ẩn báo cáo lại toàn bộ quá trình lúc làm việc với anh Mai Chí Thọ, anh Mười Hương, qua Mỹ học ra sao, kể cả lúc đơn độc xứ người nhận tin anh Mười Hương bị bắt, quá trình trở về đầy bất trắc, chuẩn bị cả tình huống xuống sân bay có thể tra tay vào còng…".

Gian nan vậy, mong manh vậy, hiểm nguy nữa nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày xong việc nước ông trở về sống bình thản lặng lẽ. Có thể ai đó không biết ông là ai. Cũng có thể những chiến công của ông chưa được kể hết, biết hết. Cũng là những chuyện bình thường, nhất là ông lại từng hoạt động trong môi trường đặc biệt. Với đất nước ông mãi là người yêu nước chân thành và nhiều công trạng. Tôi nói điều này bởi rất xúc động khi nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải thông tin cho biết, trong bức ảnh chụp đầu những năm 50 của thế kỷ trước, trong phong trào yêu nước của sinh viên học sinh Sài Gòn có hình của chàng trai Phạm Xuân Ẩn đang cầm một biểu ngữ đi biểu tình. May mà suốt cuộc đời hoạt động của ông, Mỹ không phát hiện ra tấm hình này. Phẩm hạnh công dân đấu tranh cho độc lập dân tộc của ông đã có từ lúc đó trước khi ông trở thành một nhà tình báo chiến lược. Ông chính là nguồn nguyên liệu quý hiếm giúp làm nên những trang văn  tư liệu của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Có lẽ từ sự đam mê đầu tiên mang tính ngẫu nhiên này đã giúp cho nhà văn có thêm cảm xúc về nhiều nhân vật khác để đi tiếp mạch văn tư liệu của mình. Đến nay nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã cho ra đời các tác phẩm "Đại tướng Mai Chí Thọ", "Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo", "Trở lại xứ Ka đô", và hiện giờ là "Chuyện đời Đại sứ "...

(Trại Sáng tác Nha Trang, mùa Thu 2011)

P.Q.
.
.