Nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái: Công việc cứu rỗi tôi

Thứ Năm, 13/11/2008, 10:00
Đời chị, từng có hai cuộc tình nổi tiếng với hai người nổi tiếng: một dịch giả và một nhà khoa học, một cuộc hôn nhân không tình yêu, cả tình yêu lẫn hôn nhân đều để lại những vết hằn. Lúc nào cũng cật lực, làm để có tiền nuôi con, làm để được là mình, riết thành quen. Buồn - làm, đau - làm. Vui - làm là tất nhiên. Chị nói, chính công việc đã cứu rỗi linh hồn chị!

1. Lúc nào cũng bận. Bận dạy. Dạy nghề báo ở khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi chị là chủ nhiệm bộ môn Văn hóa truyền thông. Dạy kịch ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, dạy văn hóa văn chương nghệ thuật ở Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội… Bận viết. Ai cũng biết chị là nhà báo cộng tác với cả chục tờ báo trong Nam ngoài Bắc.

Bận công việc của các hội đồng: Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Hà Nội, ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam; bận các hội nghị, hội thảo, bận hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh…

Hôm nay gọi còn ở Hà Nội, mai đã Sài Gòn. Thấy mất liên lạc là đang ở nước ngoài. Hẹn mãi, vậy mà đến lúc ngồi trong nhà chị ở khu phố Vọng Hà Nội, chốc lại nghe chuông điện thoại: sinh viên trao đổi đề tài, báo chí gọi phỏng vấn, thậm chí một bệnh viện gọi nhờ tư vấn về PR…

Nói hay. Chỗ nào có Minh Thái chốn đấy mọi lý lẽ trở nên khúc chiết rõ ràng. Chị chinh phục các diễn đàn, các hội đồng bằng chất giọng có lửa thừa hưởng từ người bố là nghệ sĩ hát Văn Hanh và người bác ruột là nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền - hai người cả đời gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, ngay từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

Tính cách một người cầm bút ở chị thật rõ ràng sòng phẳng. Sẵn sàng bênh vực những cái chị cho là mới, là hay và bênh bằng được, như đã bênh "Gửi VB" của Phan Thị Vàng Anh sau khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng thơ 2007. Sinh viên khoa Báo khoái chị hướng dẫn khóa luận, luận văn, bỏ không được, nhận rồi thì nai lưng hướng dẫn, đọc, nhận xét, ngồi hội đồng bảo vệ…

Viết truyện, làm thơ. Tự tin vào hàng những người sáng tác có "số má". Lúc nào cũng tận tụy hết lòng. Cật lực như thể không có ngày mai. Đi khỏe, làm khỏe, nhưng ai ngờ bệnh cũng vào hàng "số má". Đã từng thập tử nhất sinh, đã chuẩn bị di chúc.

Tình cờ hôm rồi gọi, lại nghe "Tao vừa ở bệnh viện về", nói tỉnh bơ. Thì ra chị vừa qua một đợt điều trị vì lượng đường cao. Trong túi xách kè kè một ống tiêm. Có hôm đang ngồi rổn rảng cùng bạn bè ở quán cà phê, đến cữ, tự chích. Chủ quán mật xanh mắt vàng suýt gọi công an, vỡ nhẽ chị đến giờ tiêm thuốc trị tiểu đường (mỗi ngày hai cữ tiêm đều đặn), cả chủ lẫn khách được một trận cả cười.

Bây giờ, vừa mới thành bà ngoại, có nhà cửa, tiền bạc, sao không nghỉ ngơi? Cật lực làm việc, kiếm tiền, rồi lại dùng tiền chữa bệnh ư? Chị cười vui, ừ nhỉ, thành đèn cù vòng quanh! Nhưng nói vậy, không làm việc thì làm gì hở em?

Đời chị, từng có hai cuộc tình nổi tiếng với hai người nổi tiếng: một dịch giả và một nhà khoa học, một cuộc hôn nhân không tình yêu, cả tình yêu lẫn hôn nhân đều để lại những vết hằn. Lúc nào cũng cật lực, làm để có tiền nuôi con, làm để được là mình, riết thành quen. Buồn - làm, đau - làm. Vui - làm là tất nhiên. Chị nói, chính công việc đã cứu rỗi linh hồn chị! Bị ngã đau, không tựa vào công việc, làm sao đứng lên! Tôi hiểu, chị là người phụ nữ dám sống, dám từ bỏ, dám dấn thân. Để sớm mai, tôi sẽ lại/ lên đường/ từ số không và mảnh vỡ, như thơ chị viết.

2. Mấy năm trước, tôi cùng người bạn chuẩn bị cho một phim nhựa, có ý định mời Đan Trường vào vai chính. Khi đó Đan Trường đang là sao số một trên sân khấu ca nhạc. Không biết làm cách nào, ai giới thiệu để chàng ca sĩ này nhận lời, đành nhờ chị. Chị sốt sắng gọi cô Bống Hồng Nhung. Cuộc gặp với Đan Trường thế là thu xếp ổn. Sau này, cần gặp gỡ hay phỏng vấn ai trong giới nghệ sĩ, giới nhà báo, cho đến các giáo sư…, mà chưa quen, tôi đều nhờ qua Minh Thái.

Một đời làm báo, viết phê bình, dạy học, chị quen thân với nhiều giới, dù ở Sài Gòn hay Hà Nội, chị cũng như là trung tâm của các quan hệ. Chị biết nhiều chuyện. Với ai chị cũng có câu chuyện để san sẻ, để đối thoại. Sẵn sàng mở lòng, sẵn sàng chia sẻ, viết về ai thì bằng sự trân trọng nhân ái, không từ chối giúp ai, nên chị được mọi người tin, quý.

Cho nên có chuyện vui, nếu cần "cổ vũ viên" thì gọi Minh Thái. Trong các sinh hoạt văn chương, thể nghiệm sân khấu…, chị thường dẫn sinh viên đến tham gia: sinh viên của chị giàu lòng yêu văn chương, nghệ thuật, là những công chúng "sáng giá" cổ vũ tinh thần cho các nghệ sĩ.

Nhớ lại hồi đi làm sách về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, ông có nói, muốn làm tình báo giỏi phải có quan hệ, muốn có quan hệ thì nên làm ba nghề: nghề dạy học dạy con em người ta, nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người, và nghề báo. Chị không làm tình báo, nhưng làm nhà báo và dạy học.

Những nghề cho quan hệ. Lúc cần, quan hệ cũng giúp được người khác. Còn tôi, được chị giúp đỡ, chia sẻ cả về sự đời lẫn sự viết, tôi chỉ nghĩ theo cách dân gian, chị  "ở hiền thì gặp lành", dù  thời bây giờ, không ít giá trị bị đảo lộn, ở hiền mà chẳng biết có gặp lành không?

3. Trong những gì chị viết, phần viết hay nhất là về sân khấu và những nhân vật của sân khấu. Có phải vì chị đã yêu mến nghề "kí giả kịch trường" 10 năm (từ 1977 đến 1986) ở Tạp chí Sân khấu? Vì từ đây chị trưởng thành trong nghề báo?

Trưởng thành một cây bút phê bình nghệ thuật? Số phận đã để chị may mắn trôi dạt về tạp chí Sân khấu, cùng với Lưu Quang Vũ khi đó ký là V. dưới các bài viết, gặp gỡ và làm việc với Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi - những người đặt nền móng và xây dựng sân khấu Việt Nam hiện đại.

Từ năm đó, nghĩa là cách đây hơn 30 năm, Cha con Thế Lữ-Nguyễn Đình Nghi và sân khấu đã tiên liệu cho chị một số phận sân khấu. Hãy khởi đi từ góc nhìn văn học, chắc chắn về sau sẽ có được góc nhìn sân khấu. Thế Lữ dạy chị, không phải vì ông là nhà thơ, mà bởi kinh nghiệm một đời làm sân khấu của ông.

Còn Nguyễn Đình Nghi: "Cô đi Liên Xô về chỉ làm dùm tôi mỗi một việc là "phá hoang" chữ cho diễn viên, trước khi tôi dàn dựng trên sàn tập". Phải trở thành người có sức "biện biệt" về văn học, phải thấu suốt nghĩa chữ, bóng chữ, đáy chữ của kịch bản sân khấu mới có thể giúp đạo diễn dựng vở và diễn viên sắm vai trên sân khấu.

Đặc biệt, ông dặn dò chị thân ái: "Đạo diễn là người chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về số phận của kịch bản, khi dàn dựng thành vở diễn". Thế kỉ này là của đạo diễn. Nhà đạo diễn đã gửi gắm chị như thế khi chị đã là nghiên cứu sinh tại Viện Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc St. Peterboug.

Gửi gắm thế, nhưng rồi công việc "phá hoang" chữ bị mắc nợ cho đến những năm đầu tiên của thế kỉ XXI. Năm 1992 chị về nước, khăn gói vào Sài Gòn theo người đàn ông của chị. Trớ trêu, số phận đa đoan lần nữa hắt chị ra đường gần như vào hôm đầu tiên hạnh ngộ. Chị đi thuê nhà, đi dạy học, quần quật viết báo nuôi con.

Ở Hà Nội, cuối năm 1999, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi bắt tay dựng vở "Rừng trúc", chị đành tạ lỗi với người bạn lớn mà cũng tạ lỗi với lòng mình. Cơm áo đuổi sau lưng, chị không thể bỏ trường ra Hà Nội suốt một tháng ròng cùng ông dựng vở. Chị nói, chị còn cắn nước mắt đến bây giờ.

Năm chị mang con về Hà Nội, mọi bề công việc, đời sống đều thu xếp ổn thỏa, tưởng có cơ hội cộng tác khi năm 2000 ông được mời tham gia dự án VATE (hợp tác sân khấu Việt - Mỹ) vở "Giấc mộng đêm hè".

Nhưng lần nữa số phận lại trớ trêu với chị: Ông Nghi ốm nặng, qua rằm tháng giêng năm 2001, ông mất. Chị lại chất thêm một lần nợ. Vậy nên năm 2002, Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở "Lôi vũ", đạo diễn Lê Hùng có ý mời chị làm cố vấn về kịch bản văn học, chuyên trị phân tích văn bản kịch (nghĩa là chỉ làm việc về chữ nghĩa) trước khi Lê Hùng đưa lên sàn dựng. Chị đã nhận lời không chút đắn đo, dù lúc đó chị vừa ốm nặng, công việc dạy học và ở các hội đồng chuyên môn đã lấy hết thời gian của chị. Hết "Lôi vũ" là "Macbeth", "Nhà búp bê", "Âm mưu và tình yêu"…

Những vở chính kịch ngôn ngữ đa nghĩa, tâm lý nhân vật phức tạp, đa đoan… Chị thức ngày thức đêm, ngồi dưới sàn tập, sàn diễn, cùng đạo diễn khai phá sức "biện biệt" văn chương theo cách nói, cách làm của Nguyễn Đình Nghi, cùng diễn viên sống và thấu suốt từng lời thoại, từng hành động kịch, từng ý nghĩa thâm trầm của vở diễn, nhất là những kịch bản kinh điển vốn không dễ đi ngay được đến đáy chữ.

Nhà hát Tuổi trẻ sau những năm gỡ khó bằng hài kịch, đã làm sống lại sân khấu chính kịch và sân khấu kịch kinh điển thế giới. Công chúng mỗi đêm cảm ơn đạo diễn và diễn viên đã cho họ no đầy cảm xúc, không ai biết dưới sân khấu có một người thầm lặng chỉ chuyên làm việc với chữ, góp nên phút thăng hoa trên sân khấu của người diễn!

Buổi chiều, ngồi với chị trong căn nhà nhỏ sâu trong khu phố Vọng, ngoài cửa ngôi nhà âm sầm tối, mùa thu đã về đâu đó ngoài kia mà vì căn phòng sâu dưới những bờ tường, những mái nhà san sát của thành phố nên khó bề cảm nhận được, nói đủ chuyện đời, chuyện văn chương, rồi thể nào chị cũng quay qua chuyện sân khấu.

Dù xuất thân là cử nhân văn chương, yêu văn chương mê mỏi, lớn lên trong gia đình làm nghề ca hát nhưng từng đêm ngồi dưới sàn diễn quan sát, lắng nghe, chạm tay những cuộc đời, những số phận sống động gần gũi, chị đã phải lòng sân khấu. Chữ nghĩa và sân khấu. Chỉ nhận một chỗ dưới sân khấu, để trên kia, vinh quang thuộc về người đạo diễn, người diễn viên...

Trần Thanh Hà
.
.