Nhà văn Nguyễn Thành Long, người trầm lặng

Thứ Hai, 16/04/2007, 14:00

"Sau này, ra Hà Nội, cứ mỗi lần có dịp đi qua phố  Dã Tượng, tôi lại đứng trước ngõ nhà cũ của ông, nhìn lên gác. Kìa, tôi như vẫn thấy ông đứng chống tay lên lan can, miệng lẩm nhẩm đọc, mắt nhìn xa xa, mênh mang buồn...".

Cách đây khoảng mười năm, tôi có ghé thăm làng Kim Bồng, một làng ngoại ô thị xã Hội An. Kim Bồng có cái gì đó hết sức Việt Nam với những ngôi nhà nằm giữa những vườn cây, những vườn hoa và những con đường nhỏ xinh xắn rợp bóng mát đổ ra phía bờ sông êm đềm.

Tôi có cảm giác như tôi đi giữa Vĩ Dạ của Huế hay một làng nhỏ nào đó ven bờ sông Cái ngoại ô Nha Trang – những làng nhỏ nhắn dễ thương nằm khuất nẻo sau những phố xá ồn ào. Việt Nam ta có hàng trăm làng nhỏ như thế, nó hầu như ít ai biết tới.

Nhưng Kim Bồng lại may, vì đây là nơi nổi tiếng về nghề mộc, những người thợ ở đây đã từng góp phần xây dựng kinh đô Huế. Đây còn là quê hương của hai nhà văn mở đường cho phong trào văn học lãng mạn Việt Nam những năm 1930 - 1945: Nhất Linh và Thạch Lam. Đây cũng là quê hương của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Tôi có cảm giác giữa Thạch Lam và Nguyễn Thành Long – hai nhà văn cùng quê - có điểm giống nhau: tác phẩm của họ đều như những bài thơ, êm đềm man mát buồn như xứ sở của họ.

Nguyễn Thành Long là một người trầm lặng. Lần đầu tôi gặp ông vào tháng 7/1975, khi ông vào công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, đóng tại 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng) Đà Nẵng.

Ông dẫn theo một cháu nhỏ, con ông. Ngày đó vừa sau giải phóng, còn khó khăn, chúng tôi chưa có giường, phải trải chiếu nằm trên sàn nhà. Ông và các nhà văn trong đoàn cũng trải chiếu nằm trên sàn. Ngay đêm đầu tiên, khi dỗ cho con ngủ xong, ông se sẽ đến bên tôi đang ngồi chơi bài với các bạn, vỗ nhẹ vào vai hỏi:

- Cậu là Quế.

- Dạ.

- Cậu với mình ra hè ngồi chơi đi.

Tôi đi theo ông. Ngồi bên nhau, ông im lặng một lúc lâu rồi mới nói, giọng âm thầm:

- Mình có đọc truyện “Những đứa con Gò Nổi” của Quế.

- Dạ, anh thấy sao?

Ông cười nho nhỏ:

- Mình nói thực nhé: Trước khi in, ông Xuân Diệu, thư ký tòa soạn tạp chí Tác phẩm mới nói truyện này được nhưng dùng từ địa phương nhiều, nhờ mình đọc lại tước bớt đi. Cậu đọc lại, có bực không?

- Em cảm ơn anh.

- Mình thấy nếu dùng tiếng địa phương thì dùng trong đối thoại, mà cũng dùng những chữ đắt thôi, ở đây trong câu văn của cậu cũng dùng thì nơi khác họ ít hiểu, hạn chế tác dụng bài văn.

- Dạ...

- Những chữ mô tê, răng rứa, nợ... dùng nhiều không hay. Mà mình nghĩ thế thôi, còn tùy cậu nhé - Ông im lặng một lúc rồi vỗ vai tôi – Thôi ta đi nghỉ Quế nhé.

Sau đó 4 năm, tôi được điều ra làm biên tập viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi hay đến thăm ông. Nguyễn Thành Long ở trong một căn hộ nhỏ, tầng 2, đường Dã Tượng – một con đường ngang nhỏ nối đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Theo tôi nghĩ, một căn hộ như thế là quá chật với 4 người ở: ông, vợ ông và hai con. Nguyễn Thành Long thường làm việc khi cả nhà đi vắng, và ông viết hối hả như sợ có vợ con về bất chợt hay có ai đó đến gõ cửa.

Một lần, tôi đang đi trên đường Lý Thường Kiệt thì thấy Nguyễn Thành Long đi bộ hết sức chậm rãi trên hè phố, miệng lầm thầm đọc. Ông đi một đoạn thì quay lại vòng đi mới...

Có phải vậy mà có nhà văn ngờ rằng Nguyễn Thành Long không biết đi xe đạp. Tôi khẳng định điều đó không đúng. Tôi đã nhiều lần đạp xe cùng ông đi lòng vòng và ông bảo tôi:

- Quế hãy giữ xe đạp, ngoài này mất xe như mất đôi chân.

Ông chỉ đi bộ khi sáng tác mà thôi. Biết tâm trạng ông lúc này, tôi dừng xe ngồi dưới bóng cây theo dõi ông như bác sĩ theo dõi một bệnh nhân. Ông cứ đi đi lại lại như thế, chợt ông ngửng đầu lên cười rồi bước nhanh về phía nhà mình.

Tôi hiểu ra rồi: Nguyễn Thành Long vừa suy nghĩ hình thành xong một chủ đề, một cốt truyện hay giải quyết xong một tình huống vừa bí. Bây giờ ông về nhà mà ngồi vào bàn viết như có ai đọc cho.

Tốt nhất lúc này là xa lánh ông để ông làm việc. Nguyễn Thành Long ưa làm việc trong cô đơn và âm thầm. Như thế chỉ vài ngày sau ông lại cho xem truyện ngắn mới cho coi...

Quả vậy!

Cách mấy hôm sau, nhân ngày chủ nhật, tôi gõ cửa phòng, trong nhà chỉ có một mình ông. Ông đang âm thầm đọc bản thảo. Thấy tôi ông có vẻ vui:

- Quế ạ, mình vừa viết xong... Quế đọc thử.

Đó là truyện ngắn “Miền quê chân núi”, một truyện ngắn hay và rất Nguyễn Thành Long.

Hầu hết truyện của ông có cái gì đó man mác buồn, nó cứ lan tỏa như ý thơ không thể tóm gọn được. Những nhân vật của ông cũng là những người sống cô độc giữa những hoàn cảnh khác nhau. Đọc truyện ông, ta không có cảm giác ồ ạt, phấn chấn, vì thế mà có nhiều lần ông bị hiểu lầm, bị phê phán đến lao đao.

Nguyễn Thành Long có lối làm việc riêng của mình. Ông viết bằng bút, sau đó sửa chữa và đánh máy rồi lại sửa chữa trên bản đánh máy. Tôi có cảm giác ông thuộc lòng những trang viết của mình.

Khi đã trở về sống tại Đà Nẵng, một lần, nhân có công việc ra Hà Nội, tôi đến thăm ông. Nguyễn Thành Long đang bị ốm. Ông nằm một mình, vợ đi công tác, con đi học. Nghe tiếng gõ cửa, ông nói nhỏ:

- Cứ vào, cửa không đóng.

Ông lòm còm ngồi dậy có vẻ vui mừng khi nhận ra tôi:

- Quế... mới ra hả...

- Dạ...

- Ngồi đây.

Tôi ngồi xuống bên giường, cầm tay ông. Tay ông nóng vì sốt cao:

- Anh có thuốc thang gì chưa?

- Có rồi.

- Sao anh không đi viện...

- Chỉ cảm thôi. Tuổi già hay đau mà...

Ông im lặng một lúc rồi hỏi:

- Có đi được nhiều, viết được nhiều không?

- Dạ độ này em bị đẩy làm quản lý Hội Văn nghệ địa phương nên đi và viết có ít hơn trước anh à...

Ông bóp bóp tay tôi:

- Quế viết được đấy. Mỗi truyện ngắn như có một vấn đề gì đó. Quế cố viết nữa. muốn thế phải đi nhiều. Mỗi chuyến đi cho ta những hiểu biết mới, những ấn tượng mới, làm bật lên những ý tưởng sáng tạo mới. Cố tranh thủ đi. Tới tuổi như mình sức yếu sẽ khó đi...

Nguyễn Thành Long mất âm thầm như khi ông sống: vợ đi công tác nước ngoài, một con đi học nước ngoài, một con nhỏ đi học... Ngày ông mất, tôi ở xa không đi viếng ông được.

Sau này, ra Hà Nội, cứ mỗi lần có dịp đi qua phố  Dã Tượng, tôi lại đứng trước ngõ nhà cũ của ông, nhìn lên gác. Kìa, tôi như vẫn thấy ông đứng chống tay lên lan can, miệng lẩm nhẩm đọc, mắt nhìn xa xa, mênh mang buồn...

Thanh Quế
.
.