Nhà văn Nguyễn Đinh Thi: Tả tình giỏi hơn tả người

Thứ Sáu, 23/11/2007, 09:20
Nhà văn Nguyễn Đình Chính, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tiền phong Cuối tuần, đã "ký họa" chân dung thân phụ mình - nhà văn Nguyễn Đình Thi - bằng một tình tiết mà tôi đặc biệt chú ý. Ấy là, với phong cách được xem "rất Tây", khi đến thăm con cái, bao giờ ông cụ cũng thực hiện đúng nguyên tắc "mời đâu ngồi đấy, chỉ đâu nhìn đấy", chứ không hề tự tiện ngó nghiêng, "tìm hiểu" cái này cái khác.

Liên hệ đến đời và văn của Nguyễn Đình Thi, tôi bất ngờ nhận thấy: Ông quả là thuộc típ người sống nặng về suy tưởng hơn là chú ý quan sát ngoại vật (phải chăng vì thế mà ngay từ khi còn trẻ ông đã lao vào nghiên cứu triết học). Và tất cả những điều này đã để lại dấu ấn rõ nét trên các trang văn của ông.

Nguyễn Đình Thi từng hơn một lần tâm sự rằng, ông không thích lối "tả cảnh rậm rịt của Pháp" mà thích cách tả cảnh của các nhà tiểu thuyết Việt Nam (cụ thể ở đây là văn chương Tự lực văn đoàn) vì "đường nét của nó thanh mà nhiều tình cảm".

Sự thực, Nguyễn Đình Thi rất biết sở trường, sở đoản của mình. Đây đó, ông thường tỏ ra lúng túng khi phải tả kỹ càng, chi tiết các sinh hoạt của con người và cảnh trí thiên nhiên. Ông từng tiết lộ với nhà văn Nguyễn Công Hoan là mặc dù trong thời kỳ chống Pháp, khi còn ở bộ đội ông cũng đã nhiều lần tham gia gặt lúa giúp dân, nhưng vì khi làm ít chịu quan sát nên tất cả những hình ảnh liên quan đến công việc này đã chuội đi trong ký ức của ông.

Đến khi thai nghén tiểu thuyết "Vỡ bờ", ông phải mày mò xem lại các trang sách của Lép Tônxtôi, của Trần Tiêu và những bài viết của tác giả Xuân Thu đăng trên báo Cứu quốc. Tiếp đó, ông đã lặn lội về Thanh Hà (Hải Dương), cùng người nông dân vác liềm hái ra đồng để vừa làm vừa thêm dịp hỏi chuyện bà con…

Không chỉ ít chú trọng đến những nét chi li của ngoại cảnh mà ngay trên nhiều trang viết, phần vóc dáng, gương mặt con người cũng không được nhà văn của chúng ta nhấn nhá nhiều.

Đọc tập "Tiểu luận và bút ký" của ông (NXB Văn học ấn hành năm 2001), ta thấy ông dựng không ít chân dung bạn bè và các bậc đàn anh: Nguyễn Tuân, Nam Cao, Đặng Thai Mai, Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng…

Điều lạ là rất hiếm ai trong số này được ông ghi lấy một dòng gọi là cho biết khuôn mặt, dáng hình, hay một đôi sắc màu của bộ quần áo họ từng mặc. Trần Đăng là nhà văn cùng trang lứa với ông và giữa hai người có nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau, nhưng suốt cả bài viết dài hơn 2.000 chữ này, ông chỉ tập trung ngòi bút nhằm "cụ thể hóa" những ý nghĩ chất chứa trong đầu nhà văn trẻ nói trên.

Đã có lúc Nguyễn Đình Thi "lia ống kính" tới cự ly rất gần: "Cuối năm, đội công tác văn nghệ đường số 4 chúng tôi gặp anh ở bản Châu". Những tưởng ông sẽ cho độc giả biết kỹ hơn, ví như khi ấy Trần Đăng ăn mặc thế nào, cử chỉ, lời nói ra sao thì chỉ thấy ông buông mấy chữ: "Trần Đăng mất hết áo quần, rét run cầm cập, ở với chúng tôi một tuần lễ, huấn luyện cho bộ đội".

Người được Nguyễn Đình Thi "chăm chút" cho khâu ngoại hình nhất trong số các nhà văn nhắc tới trên có lẽ là Trần Huyền Trân. Đó là khi ông phác họa nhanh gương mặt bậc đàn anh bằng độc một câu "nét mặt như của một người nơi đồng ruộng".

Nhà thơ Vũ Quần Phương quả là có lý khi nhận xét rằng, thơ Nguyễn Đình Thi thiên về nghĩ ngợi. Và vì "nghĩ nhiều nên nói ít và do nói ít nên người đọc phải nhìn".

Nhà thơ Phạm Tiến Duật dường như cũng chung nhận định này khi ông đặt bút viết: "Anh không phải là nhà văn hiện thực mà là nhà văn của hiện - thực - đã - được - chưng - cất. Cho nên anh tả cảnh bộ đội đánh đồn trong "Xung kích" không hay bằng cô Phượng trước gương soi trong "Vỡ bờ".

Nhà lý luận, phê bình Phan Cự Đệ - sau khi nghiền ngẫm hầu hết các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi - đã đưa ra một đúc kết: "Khá nhiều nhân vật trong "Vỡ bờ", "Vào lửa", "Mặt trận trên cao"… còn thiếu bề dày và chiều sâu của sự sống, thiếu đường nét tạo hình…" (sách "Nhà văn Việt Nam 1945-1975", tập 1, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1979).

Nhà văn Tô Hoài, sau khi nêu mấy sự "nhầm" của Nguyễn Đình Thi: "Nguyễn Đình Thi tả về sãi trong chùa. Nhưng mà chùa thì chỉ có sư, làm gì có sãi, bởi sãi thì không ở chùa mà chỉ đến phục vụ sư", đã cho rằng Nguyễn Đình Thi có tài làm cho câu chuyện trở nên gợi cảm nhưng vì thiếu vốn sống nên “nhân vật của Nguyễn Đình Thi còn gầy gò".

Bản thân Nguyễn Đình Thi cũng từng bộc bạch trong một lần trả lời phỏng vấn: "Thường về hình dáng nhân vật, tôi viết không nhiều". Tuy nhiên, ông có hẳn một quan điểm về việc này.

Đây là một trích đoạn trong bài tiểu luận "Mấy nhận xét nhỏ về nghệ thuật viết tiểu thuyết" của ông: "Khi miêu tả một quang cảnh của đời sống, nếu nhà văn chỉ đứng ngoài mà ghi lại như một người chụp ảnh, thì dù ngòi bút miêu tả thật giỏi, cảnh ấy vẫn mới là một bức ảnh chết. Trong cảnh phải có tình thì cảnh mới sống lâu, vì vậy nhà văn phải miêu tả những quang cảnh qua tâm trạng của nhân vật trong truyện, hoặc nếu không có nhân vật thì qua tâm trạng của chính người viết".

Phải chăng nhờ quan điểm này mà mặc dù còn điểm hạn chế này khác, song một số tác phẩm của Nguyễn Đình Thi vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình và vẫn còn đủ sức lay động, chinh phục thế hệ bạn đọc ngày hôm nay

Phạm Nhật Linh
.
.