Nhà văn Lê Lựu và cội nguồn của văn chương

Thứ Hai, 09/05/2011, 09:10
Lê Lựu thuộc lớp nhà văn chống Mỹ. Nhưng suốt cuộc chống Mỹ cứu nước, anh còn khiêm tốn đứng trong đội ngũ với nhiều nhà văn cùng lứa. Nói cách khác, hai mươi năm đầu cầm bút của anh chỉ đủ để mọi người biết đến có một nhà văn Lê Lựu.

Truyện của Lê Lựu xuất hiện đều đều như nhiều người khác, và bạn đọc cũng lúc nhớ lúc quên anh giống như với nhiều nhà văn khác. Nếu chỉ có thế thì với thời gian trôi đi, Lê Lựu sẽ không để lại gì. Nhưng anh khác nhiều người: ngoài cái trình làng, cái bày bán chứa đựng chín phần tài sản của mình bao giờ anh cũng giữ lại một phần không phải là phần tinh chất, nhưng lại là phần mà anh đem hòa ghép với những phần anh giữ lại khác, theo thời gian thì trở thành một thứ hàng khác hẳn, có giá cao, vẫn là của anh nhưng lại không phải là anh trước đó nữa, hay chính mới thực là anh? Từ thời đổi mới, Lê Lựu đã trở thành một nhà văn khác. Nói theo cách nói của quân đội thì hai mươi năm đầu cầm bút, Lê Lựu chỉ là một người lính, dù người lính ấy có lúc được biểu dương, được mọi người biết đến, được khen thưởng, nhưng vẫn là người lính thường; những năm tiếp sau anh là một sĩ quan chững chạc, lúc được khen lúc bị chê, nhiều khi bình lặng âm thầm, lại có khi bị khiển trách trước hàng quân, nhưng anh vẫn là một sĩ quan già dặn, hễ nhắc đến là mọi người đều nể, vào các cuộc hội họp làng văn anh đã có một chỗ ngồi riêng.

Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 tại một làng ngoài đê sông Hồng, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình nông dân bình thường như mọi gia đình nông dân Việt Nam vùng đồng bằng Bắc bộ khác. Xã Tân Châu là một vùng quê nghèo. Không chỉ xã Tân Châu, mà cả huyện Khoái Châu trước đây đều nghèo. Những vụ lúa thường không đủ nuôi người, người dân phải trồng thêm củ đao củ đót chống đói tháng ba. Câu ngạn ngữ xưa "Oai oái như phủ Khoái xin tương" đủ để hình dung về cái nghèo của cả vùng quê ấy. Thêm nữa, cái làng của Lê Lựu lại ở ngoài đê, trước đây dòng sông Hồng chưa được trị thủy, về mùa nước lên, năm nào nước cũng dâng to gây ngập lụt. Những năm Cách mạng chưa thành công, đê Châu Giang vỡ 18 năm liền... Nói thế để chúng ta hình dung làng quê của Lê Lựu tuy có nét riêng nhưng khá điển hình cho làng quê tỉnh Hưng Yên.

Lê Lựu lớn lên giữa lúc "Dân có ruộng dập dìu hợp tác". Tất cả những niềm vui và nỗi buồn của làng quê thời kỳ ấy anh đều chứng kiến. Bản chất là một nông dân mặc áo lính, anh luôn luôn nghĩ về quê hương, chú ý đến những gì liên quan đến người nông dân và nông thôn. Nông thôn và người nông dân là cội nguồn, là quê hương văn chương của anh từ tác phẩm đầu tiên đến tác phẩm anh viết gần đây nhất, dẫu cả đời anh lại gắn bó với quân đội, ăn lương của quân đội và làm việc cho quân đội.

Lê Lựu rời ghế nhà trường bước vào quân đội từ đầu những năm sáu mươi, lúc đó phong trào "Ba nhất" đang hừng hực khí thế. Tuổi trẻ háo hức, từ một cậu bé được hòa vào không khí thi đua của công-nông-binh toàn miền Bắc, Lê Lựu lao vào công việc, sống và tìm hiểu cuộc sống quân đội. Cảm hứng về sự thay đổi của miền Bắc và của cá nhân anh đã thôi thúc anh cầm bút ghi lại những điều mình thích, nói lên những điều mình muốn nói với mọi người, với cuộc đời. Năm 1964, anh trình làng cái truyện ngắn đầu tiên: "Tết làng Mụa". Tiếp theo là các truyện "Trong làng nhỏ", "Người cầm súng"... Lúc  đầu anh làm báo ở quân khu III. Sau đó, là phóng viên báo, công tác tại mặt trận đường dây 559 Trường Sơn thời kỳ chiến tranh. Do vậy, Lê Lựu được đi nhiều, biết nhiều, vừa mở rộng tầm mắt, vừa tăng thêm vốn sống thực tế. Anh có thêm mảng đề tài mới là cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ quân đội. Với bản chất chân thật và giản dị, Lê Lựu dễ hòa vào đời sống người chiến sĩ, tìm hiểu tâm tư và sinh hoạt của họ, một cách tự nhiên, không bị che chắn bởi một hàng rào ngăn cách nào... Anh là một người lính nông dân mà chín phần mười những anh bộ đội là từ nông dân mà ra. Họ cũng chính là anh, mà anh cũng chính là họ. Nên trong những trang viết của anh, mọi người vẫn thường bảo anh là nhân vật chính. Nói thế cũng có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Bởi anh là một mảng của bức tranh có cùng chất liệu, dù mỗi mảng một khác. Đây là điều kiện quan trọng để tác giả viết tác phẩm thành công. Đó là viết về những gì mình từng sống. Chỉ nói những điều mình biết, mình hiểu sâu sắc, khi cầm bút là nhân vật và sự kiện hiện lên trước mặt; khác với những nhà văn đi thực tế, họ chỉ nhìn thấy, nghe thấy, kể cả sờ thấy chứ không thật hiểu, nếu có hiểu thì nhiều nhất cũng chỉ được chín phần, còn một phần không hiểu. Chính cái một phần không hiểu kia dễ biến tác phẩm của họ thành giả cả.

Sau chiến tranh một thời gian, Lê Lựu về làm ở tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm. Lúc làm biên tập, khi đi sáng tác, với quân hàm đại tá, là một sĩ quan của làng văn, nhưng anh vẫn là một người lính binh nhì trong đời thường: xuề xòa, chân thật, hồn nhiên và cởi mở... Có lẽ đó là nguồn lực giúp anh không khô khan trong sáng tác chăng? Cuộc sống riêng tư của Lê Lựu cũng không bình lặng như mọi người mà phần nhiều là do hoàn cảnh. Anh lấy vợ lần đầu ở làng quê, hai người có con chung, sau nhiều năm mới ly dị được. Người vợ thứ hai ở thành phố, nhưng cuộc sống cũng không bình lặng hơn. Khó có thể nói anh gặp may hay không gặp may trong đời riêng. Chỉ biết rằng, chính cái cuộc sống riêng của anh đã cho anh những trang viết có giá trị. Chính nó cũng là một trong những nội lực để chúng ta có nhà văn Lê Lựu.

Gần nửa thế kỷ cầm bút, với hai chục tập sách, số lượng tác phẩm của Lê Lựu thuộc dạng trung bình. Anh viết không khoẻ, có lẽ vì thận trọng, chứ cái vốn sống của anh có thể cho anh viết được nhiều hơn nữa. Lê Lựu khi vui đùa vẫn thường nhận mình là nhà văn ít học. Đến nay trình độ văn hóa và học vấn của anh cao, chủ yếu là tự học. Nói cho cùng cũng đúng, trong nghề viết văn có ai dạy cho anh, có ai dạy được anh. Anh có năng khiếu bẩm sinh, cuộc sống làng quê và người chiến sĩ đã giúp năng khiếu văn chương của anh phát triển. Văn anh có giọng riêng, có duyên riêng. Văn anh không rành rẽ, không mạch lạc, nhưng có một chất nhựa gì đấy ở bên trong. Nhiều khi cả đoạn cả trang cứ thùng thình mà người đọc vẫn thấy thích, không ai chê, vì người ta biết đấy là văn tự nhiên của riêng anh, chứ không phải là anh làm văn mà chê anh về văn phạm. Về điểm này, Trần Đăng Khoa đã có nhận xét đúng: "Văn Lê Lựu cuốn hút, đọc không nhạt. Ngay cả những truyện vào loại xoàng xoàng, người đọc vẫn thu lượm được một cái gì đấy, có khi là một chi tiết, một đoạn tả cảnh, hoặc một nét phác họa tính cách nhân vật"... Có lẽ đây là điểm đầu tiên để bạn đọc đến với Lê Lựu từ những truyện ngắn đầu tiên, chưa có nghệ thuật gì lắm về kết cấu, xây dựng nhân vật và vấn đề được nêu ra. Nghĩ cho cùng, ở mỗi nhà văn cũng vậy, mỗi người phải có một chất văn riêng, rồi từ đó mới trồng cây đâm hoa và đậu quả. Không có cái chất văn như nhựa tươi nồng ấy thì dẫu cây to mấy cũng thành củi khô. Mà cái chất văn riêng ấy thì không thể học được. Lê Lựu không học mà thành nhà văn là vì vậy.

Nói đến Lê Lựu là người ta nói đến "Thời xa vắng", tác phẩm đưa anh trở thành sĩ quan trong làng văn. Cuốn sách ra đời năm 1986, sau khi kết thúc cuộc chống Mỹ mười một năm. Mười một năm, mọi người còn say sưa với thắng lợi, tiếp tục viết về cuộc chống Mỹ theo quán tính cũ. Lê Lựu cũng viết về chống Mỹ nhưng anh biết lùi lại giấu mình mà ngẫm nghĩ. "Thời xa vắng" cũng trong dòng văn chương viết về chiến tranh cách mạng nhưng là tác phẩm có giá trị hiện thực, sâu sắc. Do hoàn cảnh lịch sử văn chương trở thành một vũ khí trực tiếp chiến đấu, nên các giá trị khác không khỏi có phần non yếu. Phần lớn các tác phẩm văn chương thời kỳ này làm xong nhiệm vụ thì trôi đi, nhưng "Thời xa vắng" thì đọng lại. "Thời xa vắng" viết về hậu phương miền Bắc trong cuộc chống Mỹ cứu nước với cả cái vui và cái buồn, cái nồng nhiệt và sự non nớt, những quầng sáng và những bóng mờ, có cả nụ cười và nước mắt....

Nhân vật chính của tiểu thuyết "Thời xa vắng" là anh nông dân Giang Minh Sài, từ tuổi ấu thơ, qua thời kỳ bộ đội, rồi thành một chuyên viên cấp bộ. Giang Minh Sài nhìn bề ngoài là thành đạt, nhưng thực ra cuộc đời anh là một bi kịch vì anh không sống cuộc sống chính mình mà là sống theo sự điều khiển của người khác. Anh yêu Hương, một tình yêu thật đẹp của tuổi trẻ học trò nhưng không lấy được Hương, để suốt đời ân hận. Anh lấy Tuyết là do người khác sắp đặt để tiến bộ, có con với Tuyết cũng là để tiến bộ, là chấp hành tổ chức để được kết nạp Đảng. Thực ra Giang Minh Sài không có gì sai, tổ chức cũng không có gì sai, mọi người đều nghĩ tốt và làm việc tốt. Nhưng cái "Thời xa vắng" ấy, nhiều việc tốt có tính chất khuôn mẫu cứng nhắc ấy vô tình đã để lại hậu quả xấu, mà nhìn bề ngoài mọi người vẫn tưởng là tốt đẹp.

Sự độc đáo của chủ đề, với những trang viết đầy ắp chất liệu thực, không tô hồng nhưng cũng không nhìn hiện thực bằng con mắt màu xám, mà khách quan sâu sắc, và một giọng văn thùng thình có kết dính, tạo hấp dẫn riêng, "Thời xa vắng" đã đưa Lê Lựu lên trên những nhà văn cùng lứa viết về đề tài chống Mỹ và bước đầu chuyển sang xây dựng thời bình.

Từ truyện ngắn xuất hiện đầu tiên (1964), đến nay Lê Lựu đã viết văn liên tục gần nửa thế kỷ. Nhiều nhà văn chỉ nổi tiếng với một tập sách, thậm chí chỉ một truyện ngắn. Lê Lựu thì đã có tới ba tập có tiếng: "Người về đồng cói", "Thời xa vắng" và "Chuyện Làng Cuội", trong đó "Thời xa vắng" là một đỉnh cao

Đ.Q.T.
.
.