Nhà văn Lê Bầu: Trong cái rủi có cái may

Thứ Ba, 20/05/2008, 15:30
Nhà văn Lê Bầu kể với tôi rằng, trong việc chuyển đổi, mua bán nhà, hiếm có nhà văn Việt Nam nào lại gặp những chuyện lạ lùng như trường hợp của ông. Và điều quan trọng là, rốt cục, bao giờ những việc thoạt đầu ngỡ là… dở ấy cũng lại được biến chuyển thành… điều hay. Ông gọi đây là cái sự "may hơn khôn" của đời ông.

Hồi mới về công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội, Lê Bầu được bố trí ở tạm tại một nhà hầm nằm ngay trong trụ sở cơ quan (số 47 phố Hàng Dầu). Vì tầng hầm chật chội, trong khi ở ngoài đền Ngọc Sơn (khu vực do Sở văn hóa Hà Nội quản lý) rất vắng người, chỉ có một ông từ trông nom, thế là ông và các ông Huyền Tâm, Huỳnh Tâm Chí - đều là cán bộ cùng cơ quan - theo nhau dọn ra đó ở.

Hồ Gươm vốn dĩ được xem như "trung tâm của cả nước", nên việc để cán bộ ăn ở, sinh hoạt lâu ngày tại "trung tâm của trung tâm" như thế, xem ra... không ổn. Một thời gian sau, đích thân Chánh Văn phòng Sở Văn hóa phải có giấy "thúc giục" các cán bộ trên chuyển về ở tại ngôi nhà 105 Phùng Hưng.

Mặc dù chật nhưng như vậy là Lê Bầu đã có chỗ ở riêng. Lại nằm ở khu trung tâm buôn bán sầm uất, cho nên có thời gian - như đợt chợ Đồng Xuân bị hoả hoạn thiêu rụi- ông đã "ăn nên làm ra" nhờ việc cho một đại lý vải thuê cửa nhà để bán hàng. Việc kéo dài được ít lâu thì Sở Văn hóa cho người xuống đặt vấn đề "giải phóng mặt bằng" vì vốn dĩ, ngôi nhà này là trụ sở báo Tin tức thời kỳ tiền khởi nghĩa, một di tích lịch sử đã được xếp hạng.

Khi bàn thảo về việc chuyển đổi chỗ ở và diện tích đền bù, anh cán bộ trẻ của Sở Văn hóa đã hết sức ngạc nhiên khi nghe ông nhà văn già đặt yêu cầu:

 - Các anh cho tôi một căn hộ khép kín 20m2, theo đúng tiêu chuẩn cán bộ loại chuyên viên như tôi.

(Chẳng là, về việc nhà đất, Lê Bầu vẫn giữ tư duy của cán bộ... thời bao cấp).

Anh cán bộ nọ nghe vậy trợn mắt:

 - Cháu sẽ kiếm cho chú một căn hộ… 50 mét.

Nói là làm, chỉ ít tháng sau, Lê Bầu được chuyển đổi cho một căn hộ rộng 49,5m2, ở tầng 3 một khu tập thể nằm trên đường Nguyễn Tam Trinh.

Đang từ một chỗ diện tích tất tật chỉ 10m2, bạn bè đến phải bắc ghế ngồi ngoài hè, nay bỗng dưng được tung hoành trên một mặt bằng rộng gấp 5 lần như thế, ông nhà văn mừng rỡ không để đâu cho hết, cứ như sáo xổ lồng. Ông gọi điện thông báo với bạn bè. Tức thì có người phản ứng:

- Tại sao ông lại dại như thế. Đường đường đang ở trung tâm, giá trị hàng chục cây vàng 1m2, không dưng đâm đầu xuống đây. Rồi xem, có trụ được lâu không!

Quả là Lê Bầu không "ở lâu" được thật. Nói chính xác thì ông chỉ mới đến ngó nghiêng một đôi lần. Chỉ một đôi lần mà ông phát hiện ra bao nhiêu "khuyết tật" của một ngôi nhà xây ẩu. Vậy là ông đâm chán. Ông đánh tiếng… bán.

Ông bán căn hộ được 370 triệu. Số tiền khó bì với giá trị căn phòng ở 105 Phùng Hưng đã đành, mà ngay để tìm mua một căn hộ tử tế ở khu vực gần trung tâm một chút cũng không phải là một việc dễ dàng. Rất may là vận rủi rồi cũng qua nhanh. Biết tin Lê Bầu bán nhà, một người đàn em của ông, vốn dĩ rất quý trọng văn nghiệp và tính cách của "ông anh", hồn hậu bảo:

 - Thôi, có bao nhiêu anh cứ đưa đây cho em. Rồi thì anh chuyển về căn hộ tầng 2, số nhà 257 Thanh Nhàn của em mà ở! Anh em mình đi đâu mà thiệt.

Nhà văn Lê Bầu rất cảm động trước nghĩa cử này. Căn hộ quả rất vừa ý ông. Nó tương đối gần trung tâm, lại rộng tới 60m2 và không quá khó khăn cho việc "trèo lên, trèo xuống"- là điều mà những người ở tuổi "thất thập" như ông không thể không tính đến.

Hiện tại, theo Lê Bầu cho biết, giá thành của căn nhà đã cao gấp nhiều lần so với thời điểm ông chuyển về đó ở. Ngay khi ông chuyển tiền cho ông em có tấm lòng vàng nói trên, thì giá trị thực của nó cũng đã cao hơn thế nhiều rồi.

Ngẫm cho cùng, cuộc đời  nhiều khi vẫn lặp lại chuyện "tái ông mất ngựa". Không phải cái gì cũng tính trước được. May hơn khôn mà

Phạm Nhật Linh
.
.