Nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Tự trách mình nhưng phải tin vào sức mình”

Thứ Sáu, 25/02/2005, 07:10

“Chỉ riêng Hoàng Lê nhất thống chí cũng dư sức làm cả chục phim truyện nhựa, hoặc cả trăm tập phim video hấp dẫn. Sao chẳng thấy một nhà biên kịch, một đạo diễn nào ngó tới, ngoại trừ đã có người “bôi bác” thử được một vài buổi chiếu trên sóng truyền hình. Lẽ ra phải tự trách mình hụt hẫng cái tâm, lùn thấp cái tài thì lại đi oán trách lịch sử, oán trách tổ tiên”, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói.

- Có nhà biên kịch nói rằng: “Không làm phim lịch sử là chúng ta có tội với lịch sử, nhưng ngược lại, lịch sử cũng có tội với chúng ta, vì đã để lại những tư liệu quá ít ỏi...”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi không biết đó là lời than trách của nhà biên kịch đáng kính nào. Nếu thông tin trên là sự thật, tôi tin chắc người nói câu đó phải là một “cậu ấm” lười nhác, chỉ quen ăn sẵn. Và số đó ít lắm! Phải nên biết vì sao các tư liệu của chúng ta còn lại quá ít. Lẽ ra không được oán trách tổ tiên, mà phải lên án tội ác quân xâm lược nhà Minh thế kỷ XV đã tàn sát nhân dân ta và tiêu hủy nền văn hóa của chúng ta; như nhà sử học Ngô Sỹ Liên đã viết trong biểu dâng bộ Đại Việt sử ký toàn thư lên vua Lê Thánh Tông, trong đó có đoạn: “Dáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cường bạo; sách vở cả nước đều trở thành một đống tro tàn. Muốn tìm sự tích sót lại trong than, trong tro, khó tránh thị phi về lầm chữ Hợi chữ Thỉ...” (hai chữ này tự dạng gần giống nhau, tác giả muốn nói tư liệu không chính xác khó tránh khỏi nhầm lẫn).

Vả lại, nếu có tâm và có tài, hãy cứ biến những cái hiện có thành kịch bản, thành phim nhựa xem sao. Chỉ qua một đêm hội, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết được một vở Đêm hội Long Trì với một trường đoạn khá gay cấn của thời Lê - Trịnh suy tàn. Và cũng chỉ một tứ lóe lên trong lịch sử thời Lê Mạt, Nguyễn Huy Tưởng đã viết nên một vở kịch lịch sử lớn Vũ Như Tô. Lại nữa, một bộ Hoàng Lê nhất thống chí ngồn ngộn những sự kiện lịch sử như mời gọi các nhà điện ảnh.

- Thưa ông, hiện nay trên báo chí có nói đến việc Điện ảnh Việt Nam sẽ cử một đoàn cán bộ sang học tập kinh nghiệm làm phim lịch sử của Trung Quốc. Việc này, theo ý kiến của ông nên như thế nào?

- Mục đích của việc làm phim lịch sử về đề tài ngàn năm Thăng Long là việc nghiêm túc. Và quyết tâm của Nhà nước là rất cao. Đặc biệt, Hà Nội là đơn vị thường trực của Ban tổ chức lễ hội 1000 năm Thăng Long, đã được ông Phùng Hữu Phú - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định trong cuộc họp giao ban với các ngành ngày 12/8/2003 rằng: “Tới năm 2010 Hà Nội phải có phim lịch sử xứng đáng”. Vậy thì, việc đi học kinh nghiệm về làm phim lịch sử là biểu thị của sự nghiêm túc đó. Mặc dầu vậy, tôi vẫn thấy có một điều hiển nhiên nhưng rất khó nói, bởi lẽ, trong lịch sử dựng nước của dân tộc ta vào khoảng hơn 2.000 năm trở lại đây, thì đã có tới hơn 1.000 năm nước ta bị chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc. Và từ thế kỷ thứ X trở lại đây, không một thế kỷ nào lại không có một đến vài ba cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang áp đặt cho nhân dân ta.

Đặt vấn đề sang Trung Hoa học kinh nghiệm là ta đã có chủ ý khép lại quá khứ, cùng nhau hướng về tương lai xây dựng lòng tin với 8 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Nhưng không hiểu các đồng chí trong ngành Điện ảnh Trung Quốc có vui lòng truyền bá các “ngón nghề” làm phim lịch sử cho ta không? Nói cho cùng, nếu có tâm huyết, có hiểu biết về nền văn hóa và lịch sử dân tộc mình, lại có quyết tâm làm cho bằng được một điều gì đó cho nền văn hóa, điện ảnh nước nhà trên tinh thần tự trọng và tự tôn dân tộc, thì sự thành công đã tới bảy, tám phần rồi!

- Nói đến bối cảnh để quay một phim lịch sử, các nhà đạo diễn Việt Nam thường rất lo ngại vì các cơ sở vật chất còn lại gần như đã ở dạng phế tích. Theo ông, hiện nay chúng ta có nên xây dựng một trường quay hay không? Ông có nghe nói đến một trường quay ở Cổ Loa do Bộ VHTT chủ trương xây dựng cách đây vài chục năm không?

- Đúng là khoảng ba, bốn chục năm trước, Bộ Văn hóa đã xây dựng một trường quay ở Cổ Loa. Việc chọn Cổ Loa để xây dựng trường quay quả là sáng suốt. Và ngày ấy, người ta đã nói nhiều về một “thủ đô điện ảnh” của Việt Nam với bao nhiêu là hào hứng. Trường đại học Điện ảnh đào tạo từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật... ngay sát tại trường quay thì thật lý tưởng. Thế nhưng trường quay Cổ Loa bây giờ gần như, hoặc như một phế tích rồi!

Không thể nói một ngành điện ảnh phát triển lại không có một trường quay. Nếu có trường quay, giá thành sản xuất một bộ phim giảm đi khá nhiều, mà hiệu quả nghệ thuật cũng cao hơn. Khi làm phim Hồng Lâu Mộng, người Trung Quốc đã làm một trường quay ngay trong Di Hòa viên. Nhiều phim lịch sử Trung Quốc đã được khởi quay tại trường quay này. Và khi không làm phim, người ta mở cửa bán vé cho khách vào xem. Nghe nói, chỉ vài năm sau, số tiền thu được qua bán vé đã vượt quá số vốn bỏ ra xây dựng. Mong muốn có một trường quay đáp ứng yêu cầu làm phim kể cả phim lịch sử là mong muốn chính đáng của các nhà điện ảnh nước ta. Đó vẫn là một “ước mơ xanh” của giới đạo diễn điện ảnh Việt Nam.

- Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải!

Việt Hà
.
.