Nhà văn Hoàng Công Khanh U90 vẫn làm thơ tình

Thứ Sáu, 28/11/2008, 08:30
Nhà văn Hoàng Công Khanh đã ở tuổi mắt mờ, chân chậm. Ông tự giễu mình rằng, trên người ông bây giờ toàn là "của rởm": tai rởm, mắt rởm, răng rởm. Nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác như một "căn bệnh" thâm căn cố đế, tiếp tục bổ sung vào gia tài sáng tác gồm 60 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: thơ, kịch nói, kịch thơ, ca kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn... của mình. Và thật thú vị, lão nhà văn ở tuổi 86 này vẫn làm... thơ tình, nhất là khi tết đến xuân về!

Theo chỉ dẫn "vo" (không có địa chỉ cụ thể) của nhà văn Trần Nhương, tôi đến tìm nhà của nhà văn Hoàng Công Khanh ở Khu tập thể Phương Mai. Hỏi thăm nhiều người nhưng không ai biết kịch tác gia nổi tiếng Hoàng Công Khanh là ai.

Hỏi một phụ nữ trung niên, bà ta nói liến thoắng: "Hoàng Công Khanh được phân nhà ở E3 chứ gì? Chết lâu rồi! Bây giờ còn hỏi!". Tôi ngỡ ngàng, lẽ nào lại có sự trùng tên... vô lý đến thế. Người tôi cần tìm là người vẫn sống khỏe mạnh, vẫn làm việc hằng ngày cơ mà.

Cuối cùng, sau một hồi loanh quanh vất vả, tôi đã tìm thấy căn phòng ở tầng một khá... âm u của ông. Nó như hoàn toàn cách biệt với sự ồn ã của chợ búa, quán hàng cách đó chỉ mươi bước chân.

Nhà văn cho biết, ông và gia đình chuyển về đây ở từ năm 1991, sau khi bán căn nhà trên phố Hàng Giày. Vừa qua, ông phải nằm viện thay thủy tinh thể nên phải kiêng tiếp xúc với ánh sáng. Căn phòng nhỏ với ánh sáng nhờ nhờ gợi cho tôi nỗi buồn khôn tả về tuổi già, về nỗi cô đơn.

Trong căn phòng ấy, đồ đạc có xu hướng nhỏ bé, đơn sơ và gia sản chủ yếu vẫn là sách vở. Có chiếc giường nhỏ, cái bàn nhỏ đặt bộ máy tính để ông làm việc, có bàn uống nước với cốc chén lủng củng mỗi thứ mỗi loại. Và ngay đối diện giường ngủ của ông là bàn thờ với di ảnh của người vợ đã mất cách đây dăm năm - bà Phạm Thị Nguyên - người mới đây ông làm thơ tặng với dòng ghi chú chân thành "Nhớ Phạm Thị Nguyên, người yêu dấu nhất đời!".

Giờ đây, nhà văn Hoàng Công Khanh sống chủ yếu một mình. Ông cho biết, có đứa cháu ngoại ở cùng nhưng cháu đi suốt ngày. Buổi sáng dậy, nấu ăn sáng cho ông, pha cho ông cốc cà phê rồi đi làm, có khi đến tối khuya mới về. Thành ra, ông cũng là khách hàng thân thiết của quán cơm bụi nơi đầu ngõ.

Ông thủng thẳng: "Mất mười lăm đến hai mươi ngàn là xong một bữa cơm, không phải cách rách thổi nấu, lại đỡ phiền con cháu!". Và "người bạn thân thiết" của ông là chú mèo khoang, hễ có khách đến là nhảy ra đùa nghịch không ngừng. Ông bảo: "Ở nhà có mỗi tôi với nó nên nó buồn hay sao ấy. Cứ có khách là nó quấy lắm!".

Tôi hỏi ông: "Thế còn ông, có buồn không?". Ông trả lời: "Buồn chứ! Nhưng lâu rồi cũng thành... quen! Năm ngoái tôi vừa ra tập thơ mang tên "Ba Bảy Chín" như một cuốn tự thuật về cuộc đời "ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh" của tôi đấy!". Nói rồi ông lật đật đi tìm tập thơ này để tặng tôi.

Về nhà đọc thơ, thấy ông kể chuyện ngày bị Pháp giam cầm cùng phòng với bác Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La, những ngày hòa vào dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc, cho đến những ngày đi làm bác phó mộc kiếm tiền, cho đến những năm tháng tuổi già làm thơ nhớ người xưa vào những chiều cuối năm mưa giăng khắp phố... Không khi nào ông từ bỏ sách bút.

Đỗ tú tài toàn phần Pháp văn, tú tài toàn phần Triết học nhưng ông lại đến với kịch nghệ một cách tình cờ bằng cách tự học khi còn bị giam cầm ở nhà tù Sơn La. Để rồi những vở kịch của ông lần lượt ra đời như: "Vằng vặc sao Khuê", "Bến nước Ngũ Bồ", "Cung phi Điểm Bích"...

Cảnh trong vở “Cung phi Điểm Bích”.

Tôi hỏi ông: "Già cả thế này, lại không có lương hưu, ông sống bằng "nguồn" nào?". Ông cười buồn: "Trước là vợ nuôi, giờ là con nuôi. Tôi không có con trai. Bốn "cách cách" cả, nhưng đứa nào cũng thương bố, đến chăm sóc luôn. Với lại mình già rồi, giờ ăn uống cũng chẳng bao nhiêu. Thi thoảng có đoàn dựng vở thì lại có thêm tiền trang trải bệnh tật, gọi là "phí tuổi già!".

Thời gian gần đây, cái tên Hoàng Công Khanh được nhắc đến nhiều. Nhất là khi vở kịch thơ "Cung phi Điểm Bích" của ông được nữ đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Trung ương) chuyển thể thành kịch bản cải lương để  tham gia cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc và đoạt giải Nhất. Mấy chục tờ báo đưa tin, viết bài. Ông vui lắm. Vì đây là 1 trong 6 vở kịch thơ ông tâm huyết suốt đời.

Vở "Cung phi Điểm Bích" ông viết cách đây 20 năm rồi nhưng mới được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng thu thanh một lần duy nhất, sau đó lưu kho vì đây là một loại hình rất khó của sân khấu, lại kén khán giả. "Bị" chuyển thành cải lương, ông cũng không thật hài lòng, nhưng rồi cũng ưng thuận. Không ngờ, vở diễn cũng "ẵm" luôn giải A của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2007. Vừa rồi, vở diễn lại được Quỹ Bùi Xuân Phái trao cho giải thưởng "Vì tình yêu Hà Nội" như thêm một niềm vui nhỏ. --PageBreak--

Năm nay, nhiều vị lãnh đạo các nhà hát trên địa bàn Hà Nội gõ cửa nhà ông xin dựng kịch của ông. Vở kịch thơ "Bến nước Ngũ Bồ" mấy đoàn xin dựng, nhưng cuối cùng nể quá ông nhận lời Nhà hát Cải lương Trung ương. Nhuận bút được 30 triệu, nhà hát chưa thanh toán, nhưng vừa rồi ông phải đi mổ mắt thay thủy tinh thể mất 12 triệu đồng nên nhà hát đã cho người mang "tạm ứng" đến để ông trả viện phí. Ông bảo: "May mà đi mổ sớm đấy! Chứ chậm chút nữa lại "mù" như ông Tế Hanh thì khổ. Chán nhất là khi không còn viết được nữa, không nhìn thấy sớm tối gì nữa!".

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng lão nhà văn Hoàng Công Khanh vẫn làm việc hàng ngày. Mà ông sáng tác trên máy tính hẳn hoi, chứ không phải viết tay như các nhà văn cùng thế hệ, thậm chí các nhà văn trẻ hơn ông vài chục tuổi. Nhưng mắt vừa mổ xong, bác sĩ bảo phải kiêng nên nhà văn bứt dứt chân tay lắm.

Bởi vì "lão" đang viết dở màn 4 của vở chèo "Ba bức tình thư" (về mối tình đầy chất thơ của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được Nhà hát Chèo Hà Nội đặt hàng). "Lão" say sưa nói về mối tình đẹp đẽ nên thơ này, kèm theo một trích đoạn thơ đã viết thay lời thi sĩ Nguyễn Trãi: "Một tay viết Cáo bình Ngô/ Một tay ta viết tình thơ tặng nàng/... Vừa ra khỏi cửa đã thành tương tư...".

Nhà thơ già cho hay, ông vẫn làm thơ tình, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về mang đến cho ông nguồn cảm hứng mới. Hầu như tết năm nào ông cũng có thơ đăng báo.  Dịp Xuân Bính Tuất, trên báo Người Hà Nội và Báo Giáo dục và Thời đại cùng in bài thơ "Ý hoa" của ông:

"Em ở Ngọc Hà hay Nhật Tân
Bán hoa hay bán mùa xuân ảo huyền
Là Giáng Kiều nhớ Túy Uyên
Trong tranh hay ở cung tiên hiện hình?
Anh trai phiêu lãng đô thành
Lấm lem bụi phố tròng trành khói ga
Gót giày mòn vẹt chợ hoa
Em đi anh bám, bóng ma theo hình
Mưa sa gió táp cùng mình
Vô tình mà rất đa tình em ơi...".

Nhà thơ tiết lộ "cơn cớ" của bài thơ này như sau: "Vào dịp tháng Chạp cách đây chừng 15 năm, tôi đi mua hoa thì bị một cô bán hoa... hút hồn. Thế là tôi cứ đi theo cô ấy mãi. Mặc mưa, mặc gió, đến khi cô ấy mất hút trong dòng người đông đúc mới thôi. Đến gần đây, cảm xúc ấy lại sống lại và tôi làm bài thơ ấy gửi báo. Vì cứ tết đến là các báo lại gọi điện hỏi có bài thơ nào mới không?".

Mới hay, nhà văn quê gốc Hải Phòng này hãy còn lãng mạn lắm! Thuở trai trẻ chắc hẳn ông là người rất... phong tình, cho nên chuyện tình yêu đôi lứa vẫn luôn ám ảnh mỗi trang viết của ông.

Gợi đến chuyện "tình duyên", lão nhà văn tâm sự một cách hết sức chân thật rằng: "Tôi có một mối tình đầu khá nhiều lưu luyến nhưng không thành, đến sau kháng chiến lấy bà nhà tôi. Ngoài ra, cũng có một vài mối "tình vặt", "tình lẻ" nhưng không đáng kể". Nhà văn cho hay, 1/3 chuyện tình ngoài đời thực của ông đã được ông đưa vào tiểu thuyết "Đôi mắt màu tím".

Năm 2007 vừa qua, sau khi đi xem công diễn lần đầu tiên vở cải lương "Cung phi Điểm Bích" về, nghĩ lại những năm tháng tuổi trẻ đời mình, ông làm bài thơ "Sân khấu đời" về mối tình của mình với người yêu đầu tiên, nay đã bặt tin nhau từ nửa thế kỷ trước, giờ không biết còn sống hay là đã mất.

Ông say sưa đọc cho tôi nghe: "Gặp nhau dưới ánh đèn sân khấu/ Gái hồn nhiên trai đậm phong sương/ Tình ước lệ hóa tình chân thật/ Yêu đơn phương mà hóa song phương... Gửi hồn đến phương trời xa lạ/ Nhắn vu vơ theo cánh mây trôi/ Một mình độc diễn sao nên kịch/ Em có khi nào nhớ đóng đôi?".

Ông tâm sự rằng: "Khi viết, tôi lấy cái tình làm chính. Tình là tình yêu lứa đôi, tình người. Mọi tiểu thuyết không có tình yêu là vứt. Tôi là người yêu hết mình. Viết cũng như yêu đều hết mình, hết mình đến cực đoan. Kịch mà không đến chỗ cực đoan, chỉ nhàn nhạt, nhè nhẹ thì bay hết. Bởi vậy, trường phái của tôi là trường phái cực đoan. Và chính điều đó tạo nên văn phong của tôi".

Tôi đùa nhà văn già: "Vẫn làm nhiều thơ tình thế này, chắc ông còn muốn... lấy vợ nữa?". Ông cười ngất ngư, hóm hỉnh: "Nhiều người cũng trêu tôi thế, nhưng tiêu chuẩn của tôi cao lắm nhé! Bà nào đủ những tiêu chuẩn này tôi mới lấy: Thứ nhất là phải rụng hết răng, kẻo nhỡ bà ấy ăn tham, lại ăn hết của tôi. Thứ hai là lưng phải... còng, để nhỡ tôi đánh rơi tiền xu bà ấy còn nhặt cho tôi!". Chắc hẳn đã nói tếu táo về chuyện này nhiều lần, nhưng lần đùa vui này vẫn khiến lão nhà văn cười nghiêng ngả, khoe hàm răng lung lay chỉ còn thơ thơ vài chiếc!...

Việt Hà
.
.