Nhà văn Eric Nonn với độc giả Việt Nam

Thứ Hai, 30/07/2007, 17:14
Eric Nonn, diễn viên, đạo diễn, nhà soạn kịch và nhà văn Pháp đến Việt Nam lần đầu tiên với ý định tìm hiểu và viết một cuốn sách về Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ độc giả ngày 10/7/2007 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, ông có đề cập đến một vấn đề mà ông tự đặt ra từ nhiều năm nay, đó là "Nhà văn của một châu Âu già cỗi có thể viết được điều gì?".

Ông cho rằng: châu Âu đã trải qua một thời kỳ văn hóa phát triển hưng thịnh, đạt đến đỉnh cao, và hiện nay người châu Âu đang muốn tạo nên một châu lục mới bằng sự năng động và nhạy bén của mình.

"Tôi không chỉ viết riêng cho người Pháp, mà muốn viết cho tất cả mọi người". Đặc biệt tôi muốn hiểu hơn về những người ngoài Pháp và được viết về họ" - Eric Nonn tâm sự.

Các câu chuyện của Eric Nonn thường lấy bối cảnh từ những xứ sở xa xôi ở châu Phi hay châu Á, nhân vật có khi là một người Madagasca, Nhật Bản, Ấn Độ, hay một người Phi... và sắp tới đây sẽ là một người Việt Nam, một người Lào...

Eric Nonn cũng chia sẻ những khó khăn của các nhà văn Pháp: Đời sống của các nhà văn Pháp hiện không được tốt lắm. Nếu tính về số lượng đầu sách thì tăng lên, nhưng đối với từng tác giả thì bị giảm đi.

Các nhà xuất bản cũng in ít đi và thời gian lưu các đầu sách trên giá cũng ngắn lại. Các sách có nội dung văn học lẫn với nhiều thể loại khác, đặc biệt là sách thương mại. Ngay cả các giải thưởng văn học Pháp cũng mang tính thương mại".

Sinh năm 1948, Eric Nonn tham gia nhiều hoạt động sáng tác. Trong lĩnh vực nhạc kịch và sân khấu, ông là diễn viên, đạo diễn và nhà soạn kịch.

Ông cộng tác với nhiều đạo diễn nổi tiếng và từng đạo diễn nhiều bộ phim chiếu ở rạp và phim truyền hình.

Ông là tác giả của các tác phẩm: "Vấn đề chỉ còn tính bằng ngày" (1984), "N'Gomo" (1999), "Mười lăm bài luận về cái trần trụi" và "Museum" (2005), "Butterfly II" (2006).

Eric Nonn tự ví mình như một con khủng long già, cho đến bây giờ ông vẫn tự viết tay các tác phẩm của mình. Ông cho rằng khi còn viết tay thì mới ra bản thảo, còn một bản đánh máy sạch sẽ nghiêm ngắn thì đã có thể coi là sách được rồi.

Ông có đọc một số tác phẩm văn học Việt Nam trước khi đến đây và thấy có nhiều tác phẩm rất thú vị. Ông cũng đánh giá cao về sự bình đẳng giới trong sáng tác văn học ở nước ta. ông cho rằng ngôn ngữ Pháp, Việt Nam, Ấn Độ rất giàu thanh điệu và phong phú, điều này giúp cho các nhà văn được lựa chọn chính xác những gì mình định diễn tả.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông nói: "Viết là một nghề rất khó khăn, đặc biệt là khi ta muốn nói đến cùng sự việc. Xung quanh chúng ta có nhiều điều để có thể viết. Nhưng phải biết lựa chọn xem đề tài ấy có được nhiều người quan tâm không?

Hiện nay người ta ít chú ý đến việc đọc. Nhiều tác giả đang gặp khó khăn khi muốn truyền tải thông điệp của mình và chính người đọc cũng khó nhọc để hiểu thông điệp đó. Với tư cách là một nhà văn, chúng ta cần có trách nhiệm truyền tải ký ức, đồng thời xác định tương lai cho cả một thế hệ sau và phải có trách nhiệm với độc giả khi chia sẻ những suy nghĩ, kinh nghiệm của mình.

Tôi viết không vì lý do giải trí mà là muốn được chia sẻ niềm vui hiểu biết của mình với mọi người"

Thẩm Hương
.
.