Nhà tiên tri thời hiện đại

Thứ Hai, 17/03/2008, 09:30
Trong khi ở nhiều nước, truyện khoa học viễn tưởng chưa vượt qua thử thách của cuộc thể nghiệm để trở thành thể loại văn học nghiêm chỉnh (Ủy ban Giải thưởng Nobel chưa xem xét đến những tác giả làm việc trong lĩnh vực này) thì Arthur Clarke đã trở thành nhà văn khoa học viễn tưởng duy nhất trên thế giới được xưng tụng là Sir.

Nhà văn Anh Arthur Charles Clarke vốn là một nhà sáng chế khoa học kỹ thuật rất nổi tiếng trong ngành tương lai học, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của thể loại truyện khoa học viễn tưởng từ giữa thế kỷ XX. Không một nhà tiên tri nào sinh thời được trọng vọng như Arthur Clarke: Được tặng giải thưởng Kalinga của UNESCO về thành tựu phổ biến khoa học (1962), Huân chương Đế chế Anh (1989) và đúng 10 năm sau - được Nữ hoàng Anh Elyzabeth II phong tước hiệu Hiệp sĩ.

Trong khi ở nhiều nước, truyện khoa học viễn tưởng chưa vượt qua thử thách của cuộc thể nghiệm để trở thành thể loại văn học nghiêm chỉnh (Ủy ban Giải thưởng Nobel chưa xem xét đến những tác giả làm việc trong lĩnh vực này) thì Arthur Clarke đã trở thành nhà văn khoa học viễn tưởng duy nhất trên thế giới được xưng tụng là Sir.

Arthur Charles Clarke sinh ngày 16/12/1917 tại Minehead, Somerset, chuyển về sinh sống tại thủ đô London từ năm 1936. Trong Thế chiến thứ hai, Arthur Clarke phục vụ trong không lực Anh từ 1941 đến 1946. Nhờ hiểu biết các hệ thống kỹ thuật và khả năng phát triển của nó mà chàng sĩ quan không quân trẻ tuổi đã tiên đoán sự xuất hiện của sóng radar phát hiện tên lửa và máy bay, thậm chí còn chỉ rõ những biên độ, tần số đáng tin cậy.

Arthur Clarke là người được tham gia thiết kế chế tạo giàn radar đầu tiên giúp phi công định hướng trong thời tiết xấu và đích thân tham gia thử nghiệm hệ thống tự động hạ cánh (sự kiện này về sau được phản ánh trong tiểu thuyết nửa tư liệu, nửa hư cấu "Đường lượn - Glide Path", 1963).

Chiến tranh kết thúc, Arthur Clarke theo học Trường Hoàng gia và nhận bằng cử nhân Toán-Lý, tham gia Hội Xuyên hành tinh của Anh (British Interplanetary Society, BIS) với mục đích cổ vũ cho các chuyến bay vào vũ trụ và hai lần (vào năm 1940 và năm 1950) được bầu làm Chủ tịch của Hội này. Ông là người sáng lập Hội Những người yêu thích truyện khoa học viễn tưởng Anh (Fandom), nhưng từ tháng 12/1954 đã chuyển sang sống ở Sri Lanka rồi nhập quốc tịch tại đây.

Ngày 15/7/1953, ông cưới cô gái Mỹ Marilyn Mayfield, nhưng hôn nhân chỉ tồn tại trong vòng một năm rưỡi. Về sự cố này, nhà văn bình luận: "Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã thấy dấu hiệu tan vỡ ngay từ đầu. Đây chỉ là minh chứng cho một điều: tôi là người hoàn toàn không phù hợp với chuyện vợ chồng, mặc dầu vẫn biết rằng mỗi con người chí ít cũng phải một lần trong đời làm việc ấy".  

Từ cuối thập niên 30 của thế kỷ vừa rồi, Arthur Clarke đã nuôi ước mơ trở thành nhà văn, nhưng việc dạo bút mới chỉ thực hiện trong khuôn khổ những bản tin của Hội Xuyên hành tinh. Phải mươi năm sau ông mới công bố được tác phẩm đầu tay như một truyện khoa học viễn tưởng nghiêm chỉnh "Đội cứu hộ", 5/1946).

Ngay từ năm 1964, Arthur Clarke đã bắt đầu làm việc cho sự phát triển của loại hình phim khoa học viễn tưởng và có đóng góp đáng kể, là một trong những tác giả kịch bản phim "Lãng du trong vũ trụ 2001" (do Stanley Kubrick đạo diễn năm 1968), sau đó trực tiếp phát triển thành bộ tiểu thuyết bốn tập: "2001: A Space Odyssey" (1968), "2010: Odyssey Two" (1982), "2061: Odyssey Three" (1985) và "3001: The Final Odyssey" (1996). Trong số gần 90 tác phẩm của Arthur Clarke có những tiểu thuyết nổi tiếng như: "Kết thúc thời thơ ấu" (1953), "Thành phố và những vì sao" (1956), "Gặp gỡ Rama" (1972), "Những đài phun nước trên thiên đường" (1979)… Tác phẩm mới nhất "Bão mặt trời" được ông viết chung với Stephen Baxter xuất bản năm 2005.

Có một điều rất đáng kinh ngạc là phần lớn những tiên báo (đều được nêu khá rành mạch) của nhà văn viễn tưởng Arthur Clarke đã trở thành hiện thực theo đúng ước hẹn: thư viện toàn cầu có tên là Internet, sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử và ngành tự động hóa, bước tiến bộ của thuốc kháng sinh và máy tính IBM, những công trình về trí tuệ nhân tạo, máy phiên dịch, việc đưa con người lên mặt trăng (chỉ sai ít nhiều về thời điểm), và thậm chí cả việc nhân bản con người (các thí nghiệm của Tiến sĩ Antinori).

Năm 1945, Arthur Clarke đã lập sơ đồ tổ chức hệ thống liên lạc toàn cầu thông qua vệ tinh viễn thông. 9 năm sau (1954) nhà văn viết cho Tiến sĩ Harry Wexler, lãnh đạo Phòng nghiên cứu của Cục Khí tượng thủy văn Mỹ (Scientific Services Division, U.S. Weather Bureau), đề nghị sử dụng vệ tinh nhân tạo vào việc dự đoán thời tiết dài hạn - đề nghị đó thúc đẩy việc xuất hiện xu hướng mới trong ngành khí tượng học - khí tượng vũ trụ, mà Wexler là nhân tố tích cực trong việc sử dụng tên lửa và vệ tinh nhân tạo thám sát không gian.

Đến nay, việc phóng vệ tinh phục vụ dự báo thời tiết và vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo đã trở thành hiện thực. Để ghi ơn nhà tiên tri, người ta lấy tên Clarke đặt cho quỹ đạo của những vệ tinh như thế. Sau này, được hỏi sao không đăng ký tác quyền sáng chế phát minh - điều mà Arthur Clarke đã có đầy đủ điều kiện, nhà văn trả lời rằng ông tin một hệ thống như thế sẽ trở thành hiện thực ngay khi mình còn sống, và ý tưởng của ông cần phải mang lại lợi ích cho toàn thể loài người.

Trong tác phẩm viết về Sri Lanka "Những vỉa đá ngầm của Taprobane" (1957), nhà văn đã từng mô tả "một cơn sóng thần đang tràn vào cảng Galle". 47 năm sau, quả nhiên thành phố Galle (lớn thứ hai ở quốc đảo Sri Lanka với 19 triệu dân) đã bị điêu đứng bởi thảm họa sóng thần hôm 26/12/2004.

Đến thời điểm hiện nay, tiên báo của Arthur Clarke về sự kiện con người lên sao Hỏa cũng trùng hợp với kế hoạch của Tổng thống Bush. Còn một tiên đoán độc đáo nữa của nhà văn -  đến năm 2016 tất cả các thứ ngoại tệ trên thế giới sẽ bị lấn át bởi một thứ tiền tệ đa năng ở dạng kw-h.

Trong cuốn "Những lược sử của tương lai" Arthur Clarke đã phác họa một tương lai như sau: "Chúng ta sẽ phải đón một điều buồn tẻ đến chết đi được, vấn đề chủ chốt của tương lai sẽ là chẳng biết chọn kênh truyền hình nào để xem… Đến giữa thế kỷ XXI, mức thất nghiệp sẽ đạt tới 50%, và đến lúc con số đó đạt tới 25%, ở Mỹ sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng vĩ đại. Lần này khủng hoảng sẽ không phải là kinh tế - bởi vì các robot thợ sẽ vẫn làm việc bình thường - mà là khủng hoảng tâm lý.

Theo như các nhà kinh điển, thì chính nhờ lao động mà khỉ biến thành người. Song, trong tương lai không xa, lao động đã không còn vị trí trong cuộc sống, đơn giản là vì nó đã không còn cần thiết nữa, nên con người có thể lại đi bằng bốn chân, lại quên mất tiếng nói và rơi trở lại thời thơ ấu của mình. Ngay cả thể thao cũng khó tồn tại - hiện nay đã có những giải vô địch bóng đá dành cho robot và có dự kiến đến năm 2050 sẽ tổ chức được giải bóng đá giữa robot với con người. Còn trong môn đánh cờ thì từ lâu computer trở thành kỳ thủ đáng gờm".

Sống ở thủ đô Colombo, Arthur Clarke tham gia xây dựng chương trình truyền hình về những huyền thoại của thời hiện đại. 13 tập phim truyền hình "Thế giới bí ẩn của Arthur Clarke" (1981) và "Thế giới siêu nhiên của Arthure C. Clarke" (1984) được phát sóng ở rất nhiều nước. Nhà văn cũng đã chuẩn bị xong một số chương trình về vũ trụ trong bộ phim "Vũ trụ của Walter Cronkite" (1981).

Arthur Clarke chính là người đích thân cùng với bình luận viên Walter Cronkite và nhà thiên văn học Walter Schirra tham gia thực hiện phóng sự truyền hình trực tiếp về những chuyến phóng Apollo-11, Apollo-12, Apollo-15 lên mặt trăng. Hiện nay, tuy không thể tự mình di chuyển, nhưng Arthur Clarke vẫn tiếp tục vừa sáng tác những tác phẩm mới, vừa viết thư trao đổi với các đồng nghiệp trên toàn thế giới.

Nhà văn cũng thổ lộ một nguyện vọng riêng là sẽ đón ngày sinh thứ 100 của mình trong một khách sạn đặt trên vũ trụ. Quả nhiên, Trạm Quốc tế và ngành du lịch vũ trụ đang tiến những bước vững chắc đến thời điểm đó

Đăng Bẩy
.
.