Nhà thơ-họa sĩ Bàng Sỹ Nguyên: Ẩn sĩ giữa đời thường

Thứ Ba, 03/12/2013, 08:00

Giữa cơn mưa tháng mười sầm sập, ông bảo tôi: "Ông ngồi xích vào tí cho khỏi ướt. Tạnh ngay ấy mà!". Nhưng lúc này thì không thoải mái lắm, vì chiếc ghế tôi ngồi chỉ cách cửa ra vào đúng một hàng gạch hoa rộng 30cm, nước mưa tạt qua phía dưới cánh cửa rỉ sét, thủng lỗ chỗ, hắt vào ướt cả đôi giày. Nhưng nhà thơ "ẩn sĩ" chẳng quan tâm gì tới mưa gió, vẫn thao thao nói về "thuyết cơ bản".

Tôi đã tìm cách né được cơn mưa khó chịu, bằng cách xin ông giới thiệu lại về những tác phẩm được xếp ngăn nắp hay ném bề bộn khắp phòng. Ông vào phòng trong, lịch sự khoác thêm chiếc áo kí giả cũ sờn bạc, đội thêm chiếc mũ phớt, rồi chỉ tay, mời tôi cùng đi.

- Thưa anh! Đây là số tài liệu 60 năm trước tôi giảng về họa và thơ. Còn toàn bộ tài liệu trong tủ này là giảng về thiền học, tôn giáo học, tất cả các đạo giáo, trong đó có đạo Cao Đài "nhà anh" ở Tây Ninh.

Tôi quen ông đã lâu, nhưng hôm nay mới phát hiện, ngoài thi - họa, Bàng Sỹ Nguyên còn biết nghề thuốc. Thảo nào, mấy năm không gặp mà nhìn dáng vóc ông không thay đổi, tính tuổi ta năm nay ông đã 89, vậy mà vẫn tinh tường, cốt cách ung dung tự tại. "Tôi cũng từng dạy về thuốc anh ạ. Tôi tự chữa bệnh cho mình. Như vết thương này này (ông giơ cánh tay trái lên), cũng bị rỉ sắt như ông Huỳnh Văn Tiểng đấy, nhưng ông Tiểng bị uốn ván, chết, còn tôi tự chữa khỏi". Thật là kỳ diệu! Một ông già độc thân suốt 28 năm qua chưa hề đến bệnh viện, không hề tốn đồng tiền thuốc nào.

Chỉ cho tôi một giá sách cao ngất trên tường, ông giới thiệu đó là sách chính trị, triết học. "Nay đã 89 rồi, tôi chẳng giấu gì nữa. Đó là tất cả sách, tài liệu về chính trị, xã hội, triết học của các nước, các thể chế phương Đông, phương Tây, Âu; Mỹ…Tôi phải đọc, nghiên cứu để mà dạy học cho tốt". Đầu chiếc giường bề bộn quần áo, thắt lưng, chăn màn, quạt máy, hộp màu vẽ…có một chồng tài liệu dày. Ông giới thiệu đây là tài liệu bài giảng về ánh sáng hội họa và khả năng chụp ảnh.

"Thế nào là ánh sáng hội họa? Thế nào là ánh sáng nhiếp ảnh? Thế nào là chiều sâu? Tất cả phải có chi tiết cụ thể". Trong mớ tranh hỗn tạp cạnh giường, tôi nhận ra bức tranh cũ ông vẽ về ngôi nhà ở đồn điền cũ của gia đình mình tại Bắc Giang từ năm nảo năm nào. Cũng có thêm mấy bức họa mới, như hình một cô gái ngây thơ ôm cặp sách được ông vẽ ngay trên cánh tủ gỗ. Chỗ ấy, mấy năm trước là hình một cô gái dễ thương đâu cũng ở Tây Ninh hay tới thăm ông. Bây giờ bức họa đã bị xóa, tức là đã có một sự biến lớn lao trong tâm tình của người nghệ sĩ già. Ông tần ngần và cũng lịch sự kể lại những chuyện buồn trong cuộc đời ẩn sĩ, có liên quan đến các người đẹp:

- Thiên hạ lắm người hỏi tôi: "Ông đào hoa quá nhỉ?". "Thế à!". "Ông vẽ tranh giỏi quá!". "Thế à!". "Ông thánh thiện quá nhỉ? Ông vẽ tranh nuy trụy lạc à? Ông đang tu à?". Mình chỉ trả lời: "Thế à!". 

Nhà thơ - họa sĩ Bàng Sỹ Nguyên và tác giả bài viết.

Chỉ lên phòng tranh trên gác, ông bảo tôi: "Anh có quyền chụp ảnh, tìm hiểu. Đó là xưởng tranh của tôi, nơi đẻ ra những bức tranh nguyên tác". Đó cũng là nơi một thời cánh học trò dùng làm nơi đấu trí với nhau để lấy tranh của thầy. Nó lấy hàng trăm bức tranh của ông. Những bộ tranh quý như tranh Kiều, bộ tranh Giảng Võ. Nó mạo danh là nhà sưu tập tác phẩm hội họa nguyên tác, rồi lấy đi, rồi làm tan tác hết. Nó dại thì nó thiệt, còn ông vẫn phải dự trữ tác phẩm của mình chứ. Ông cũng than phiền, mấy tác phẩm thơ viết tay chưa kịp đánh máy, cũng bị "người ta" đem đi mất, như tập "Quê hương và Thời đại"; tập "Tang khấp", mỗi lần giỗ em trai Bàng Sỹ Tân là ông "khóc" một bài hàng trăm trang. Tập "Lý ơi!" viết về người con gái nuôi sớm yểu mệnh…

"Con bé này nó gắn bó với tôi, học hội họa với tôi. Nó quý tôi lắm, nhưng nó không chịu học triết. Nếu nó không đi nước ngoài, nó sẽ không chết. Tôi đã nói rõ tất cả với nó trong tập thơ "Khúc nhạc trầm" và quả nhiên cuộc đời nó thật gian nan".

Lướt qua về tranh nguyên tác, ông bồi hồi nhớ lại năm 1973, sau khi đi Đông Âu về, ông đã mở phòng triển lãm tranh nguyên tác tại Giảng Võ, Hà Nội. "Tôi chơi tranh sơn dầu anh ạ! Mà sơn dầu hồi đó khó vô cùng. Đồ Trung Quốc nó không nhập, còn nguyên liệu nội thì đố ai tìm ra. Hồi đó, "thằng bạn" người Do Thái (nhà triết học, họa sĩ Riftrus - PPQ) bên Nga mới rỉ tai tôi, bảo muốn có sơn dầu thì lấy từ mực in ấy. Thế là tôi cho ra đời hàng loạt tranh sơn dầu. Kết quả ngoài sức tưởng tượng. Ông Trần Độ "chạy xuống", kêu lên: Đẹp quá! Ông Nguyễn Cơ Thạch bên Bộ Ngoại giao "chạy xuống". Bộ Giáo dục "nhảy vào"… ầm cả lên. Nhưng hồi đó tôi phải giấu nghề, vì còn phải nuôi con, nên mới loanh quanh nói này, nói kia. Có người còn chê tôi, là Bàng Sỹ Nguyên dạy triết mà "triết lý mù mờ, tư tưởng vu vơ".

Vào Sài Gòn từ năm 1984, sau có ra Bắc làm nhà, nhưng khi ông Mai Chí Thọ nói: "Thôi để chú Nguyên ở lại thành phố" thì ông quyết định làm "ẩn sĩ" một lần nữa giữa Sài thành. Ông nói ở lại Hà Nội, nhiều "vết thương lòng" làm ông đau. Nhiều điều ông không muốn nói ra, chỉ muốn quên đi như "quên một cái gì đó".

Căn nhà nhỏ xíu do nhà nước cấp cho ông, lúc đầu cũng dột nát, hư hỏng nhiều. Sau này, ông Trần Trọng Tân, nguyên Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo đập nhà cũ, xây nhà mới, nhưng theo thiết kế riêng của họa sĩ. Nhà đã hẹp, chỉ rộng 4m chiều ngang, mà ông cho xây chắn bức tường chia đôi căn nhà. Bởi vậy phòng khách hẹp, nếu kê ghế ngồi thì được ba, bốn người là hết lối đi. Khách ngồi sát tường ngoài, gặp trời mưa chắc chắn bị ướt như tôi đã kể. Tôi không tưởng tượng nổi, buổi tối ông sẽ dẹp trăm thứ bà rằn trên chiếc giường nhỏ đi đâu, để có một chỗ nằm ngủ đêm. Ông nói chắc nịch: "Cái giường này tôi bố trí hiện đại lắm, anh đừng lo".

Trên gác xép cũng có một chiếc giát giường bằng nhựa, rộng 80cm kê trên những cuốn sách dày cộp, dùng làm chỗ nằm. Trên đầu nằm để sẵn đèn pin, phòng khi khách muốn dậy đi vệ sinh đêm. Chỗ nằm này, ông bảo dành cho "con Thơ" (thi sĩ Bàng Ái Thơ, con gái ông) nằm mỗi khi vào Sài Gòn thăm bố, hoặc có khách thân thiết nghỉ lại. "Tôi tu nhiều năm nay rồi anh ạ. Tu theo kiểu của tôi, tu biển đức. Tôi tha thứ tất cả những lỗi lầm, tội ác của người đời đối với tôi". Nhưng tu mà vẫn chưa dứt bỏ được chuyện trần gian. Ông nói vẫn tiếc tập bản thảo lý luận phê bình về Hàn Mặc Tử: "Bên Công giáo họ đặt tôi viết, vậy mà bị mất trộm".

Họa sĩ - nhà thơ đi ở ẩn. Nhiều năm nay, có rất ít người trong giới văn nghệ biết được cái "nơi ở ẩn" của ông tại số nhà 216/44 ở Hòa Hưng, quận 10, nơi muốn đến phải đi qua nhiều hẻm, nhiều lối nhỏ ngóc ngách. Đây là số nhà cũ ông vẫn giữ, còn số nhà mới thì không quan tâm. "Họ thay đổi số nhà mấy lần, lung tung xòe cả lên. Tôi cứ dùng số cũ". Vả lại, cũ hay mới với họa sĩ không quan trọng, vì ông ở ẩn, có cho ai địa chỉ nhà bao giờ đâu. Nhưng cuộc sống chưa muốn quên ông.

Một ông Pite nào đó là nhà sưu tập hội họa nguyên tác, từ bên Mỹ tìm đến thăm họa sĩ Bàng Sỹ Nguyên đã ba lần. "Ông này hơi mê tôi thì phải, nên tìm hiểu rất kỹ, quay phim mọi nơi, đã phát hiện ra bí mật gác xép của tôi, là những bức tranh giấu ở các xó xỉnh. Ông ấy lại sắp sang lần nữa đấy". Ông nói rằng, tranh nguyên tác chính là "quốc thể". "Tây nó sang Việt Nam, chỉ hỏi một câu: Báo chí đăng tam kiệt, tứ kiệt về những người giữ tranh nguyên tác. Có 4 - 5 bức đăng đi đăng lại mãi. Khi người ta hỏi: Tranh đâu, thì không đưa ra được. Như vậy là làm nhục quốc thể đấy".

- Năm nay bác có vẽ được gì không ạ?

Nghe câu hỏi vô duyên của tôi, ông già chạm tự ái:

- Lại hỏi thế nữa? Ông đã nghiên cứu, đã nhìn thấy hết rồi mà hỏi như thế. Mới hay cũ, nó khó lắm. Chơi tranh không đơn giản, nó như đọc thơ ấy. Anh thấy mới, người khác lại thấy cũ, và ngược lại.

Giữa cõi lặng cuộc đời, với những "lạc quan buồn" như bạn bè nhận xét, người nghệ sĩ xấp xỉ tuổi chín mươi vẫn đam mê sáng tác. Ông sống ẩn dật, ít tiếp xúc với người ngoài, nhưng lại hồ hởi, thân tình với những người "tri âm, tri kỷ". Có ba chiếc tivi cũ, ông đã gọi người mua ve chai tới cho không từ lâu. Không đọc báo, không nghe đài, còn internet với ông càng xa lạ. Chỉ có chiếc điện thoại bàn (số 0838630169) là sợi dây liên lạc với người thân, bạn hữu. Ẩn sĩ rất muốn nghe tiếng người và nói chuyện, một nhu cầu tiếp xúc của con người bình thường, để bù cho những lúc ông lặng lẽ, đơn côi, chỉ có hai chú mèo trắng và mèo mướp làm bạn.

Cơn mưa dứt lúc nào không hay. Đã có mấy bà hàng phố cảnh giác bưng chén cơm đi qua, đi lại trước nhà họa sĩ. Có lẽ họ sợ những kẻ xấu đến lừa đảo ông già. Ông từng gom góp được mấy nghìn USD tiền bán tranh và bị kẻ trộm rinh mất. Vậy những người hàng phố cảnh giác giữ gìn cho ông là đúng lẽ.

Tôi xin phép về, ông kéo trong gầm bàn ra một túi xách, quả vải đóng hộp; bánh khảo Hà Nội; sữa; một cây thuốc Basto xanh, gói thuốc Thăng Long màu vàng… Ông nhồi vào chiếc cặp nhỏ của tôi: "Ông đem về làm quà giúp tôi. Của ít lòng nhiều". Tôi nói không biết hút thuốc lá, ông bảo cứ mang về, gặp ai hút được thì nói họa sĩ Bàng Sỹ Nguyên biếu. Như vậy là không thể chối từ tấm lòng thơm thảo của người họa sĩ già. Lần trước, ông cũng tặng tôi một bức tranh và mấy lon bia Hà Nội.

Tôi chợt nghĩ, trong hồn ông vẫn sâu nặng những kỉ niệm về Hà thành, nơi ông từng sống và thành danh

Phùng Phương Quý
.
.