Nhà thơ Tạ Hữu Yên: Làm thơ không chờ cảm hứng

Thứ Ba, 17/03/2009, 15:00
Mùa xuân này, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã vào tuổi 83 nhưng ông vẫn như con ong cần mẫn làm mật ngọt dâng đời. Đến nay, số đầu sách do ông sáng tác và biên soạn đã lên tới 50 cuốn. Ông cũng là nhà thơ Việt Nam lập kỷ lục có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất tính đến thời điểm hiện nay: hơn 150 bài.

Những bài thơ "xinh xinh" của ông đã có một đời sống khác, và đó có lẽ là gia sản lớn nhất trong cuộc đời người cựu chiến binh mang quân hàm đại tá này.

Nghe tôi ngỏ ý muốn viết về ông, nhà thơ Tạ Hữu Yên có ý từ chối, rằng "Người ta viết mãi rồi!". Tôi phải thuyết phục mãi, vì từ lâu tôi vẫn ấp ủ viết về ông một cách thật… đời thường. Tôi đến nhà ông đúng dịp Hà Nội vừa trải qua một trận lụt lịch sử. Nhà ông ở phường Tương Mai, nước ngập sâu gần 1 mét, làm hư hỏng nhiều đồ đạc. Sách vở ẩm mốc, mục nát khá nhiều. Phòng làm việc của nhà thơ Tạ Hữu Yên là căn phòng nhỏ trên gác hai đầy nắng.

Ông vốn là bộ đội, nên nhìn căn phòng tôi nhận ra ngay một người cẩn thận, chu đáo và… tiết kiệm. Nhiều bài thơ vẫn được ông viết lên những mẩu giấy nhỏ, lên mặt sau của tờ lịch cũ, lên phong bì thư đã nhận… giống như trong thời kỳ còn nhiều gian nan, thiếu thốn. Mắt ông vẫn tinh tường nên chữ viết rất sạch sẽ, ngay hàng thẳng lối, cho dù nó được viết trên bất kỳ "chất liệu" nào.

Trên giá sách có ghi dòng chữ ông tự nhắc nhở  mình làm việc rằng: "Phải ép buộc mình từng giây, từng phút…". Mới hay, nhà thơ Tạ Hữu Yên với những bài thơ nhiều "chất nhạc" không hề làm việc ngẫu hứng.

Ông sáng tác mà như có "quân kỷ" hẳn hoi! Nhà thơ còn trân trọng giữ những món quà nhỏ của những người bạn văn tặng đã mấy chục năm như chiếc ghế nhà thơ Lữ Giang tặng từ năm 1976; tượng Phù Đổng Thiên Vương bằng đất nung và bình gốm con cua của nhà thơ Thanh Tịnh tặng từ năm 1978. Ông cũng là độc giả trung thành của Văn nghệ Công an từ số đầu tiên đến nay. Mỗi số báo ra, ông đều đi mua rất sớm, đọc rất kỹ xong lại xếp gọn gàng để hết năm cất lên gác xép.

Ông cho biết: "Riêng Văn nghệ Công an tôi mua đủ hết các số và có cảm tình lắm. Đọc xong là lưu giữ hết, trừ vài số họ mượn không giả thôi. Sắp tới khánh thành thư viện ở làng do tôi ủng hộ tiền xây dựng, tôi sẽ chuyển hết số báo này cùng với nhiều sách về quê cho các cháu ở làng đọc, góp phần mở mang tri thức cho các cháu".

Nhắc đến thư viện ở quê, nhà thơ già vui vẻ cho biết, năm ngoái tổng số tiền nhuận bút từ xuất bản sách, viết báo, làm thơ và nhuận bút từ thơ phổ nhạc… ông để riêng, tổng cộng được 40 triệu đồng.

Ông dùng toàn bộ số tiền dành dụm cả năm đó ủng hộ để xây một thư viện nhỏ tại quê nhà là làng Đông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Thư viện đã khởi công xây dựng cuối năm Mậu Tý vừa qua, ông không về được nên con gái ông là chị Tạ Thị Mai Hương thay cha về dự lễ động thổ.

Hôm tôi đến vừa lúc chị Mai Hương ở quê ra. Chị thật thà bảo: "Đấy là tâm nguyện từ lâu của ông thôi, chứ thực ra gia đình vẫn còn khó khăn lắm!". Thì ra, nhà thơ già cuối đời vẫn muốn làm được việc gì đó cho quê nhà, cho thế hệ mầm non quê hương. Nhà thơ cười hiền từ: "Tiêu chuẩn của tôi là nằm ở khu A nghĩa trang Văn Điển đấy, nhưng tôi vẫn dặn con, sau này cho tôi về quê, nằm cạnh bà ấy!". Cách đây gần 4 năm, người vợ đau yếu của ông đã qua đời và di nguyện của bà là được về với lòng đất quê hương.

Những lời tâm sự của nhà thơ khiến tôi nhớ lại cách đây ít năm, khi còn là thực tập sinh của một tờ báo, tôi đã đến tìm hiểu, viết bài về ông với tư cách nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc nhất Việt Nam (khi ấy là 122 bài).

Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã nhiều năm sống ở tập thể Trương Định, căn phòng hơi tối, đồ đạc đơn sơ. Lúc đó, người bạn đời của ông đang bị trọng bệnh sau cơn tai biến mạch máu não. Bà ngồi trên giường, đầu óc bấn loạn nên chốc chốc lại xé chăn xé chiếu.

Câu chuyện của tôi như vô tình gợi lại trong lòng ông nỗi đau mất mát chia lìa với người vợ đã nên nghĩa vợ chồng với ông suốt 60 năm. Họ là người cùng làng, biết nhau từ tấm bé. Vừa lấy nhau xong thì ông đi bộ đội.

Rồi chiến tranh nổ ra, ông đi công tác suốt, bà trở thành công nhân Nông trường Đồng Giao. Vợ chồng ông phải trải qua nhiều năm xa cách, về già nghỉ hưu vợ chồng mới được đoàn tụ. Vốn là người phụ nữ đảm đang tháo vát, nên từ quê lên thành phố mà bà còn sắm một gánh hàng rau ra chợ Trương Định bán mỗi ngày để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đến năm 1999 thì bà ngã bệnh, chồng và con gái hết lòng chăm nom săn sóc song bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Ông tâm sự: "Trong những năm tháng ấy, gia đình tôi sống vốn đạm bạc thì nay lại càng phải chi tiêu dè xẻn, tiết kiệm hơn. Tôi viết ngày, viết đêm, viết bất cứ lúc nào, gửi đến nhiều báo, cả báo Trung ương và địa phương. Tuy vợ chồng đều có lương hưu, nhưng không đủ cho chi phí thuốc thang, sinh hoạt nên chúng tôi phải cố gắng trang trải để không phải mắc nợ ai. Lúc đó nhìn tôi vất vả, bạn bè ai cùng thương!".

Chắc hẳn đến nay vẫn nhiều người còn nhớ hình ảnh một người lính già gầy gò bé nhỏ trong bộ quân phục bạc màu đi chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi mang bản thảo là những bài thơ nhỏ, những mẩu chuyện sưu tầm, câu đối, bài báo… đến các tòa soạn.

Để rồi lại lọc cọc đến lấy những đồng nhuận bút còm cõi, có khi chỉ là 20 ngàn đồng. Nhưng Tạ Hữu Yên không lúc nào nản lòng. Kiến tha lâu đầy tổ. Những đồng tiền từ mồ hôi và trí tuệ ấy khiến ông tự hào vì không còn điều gì phải ân hận với người bạn đời xấu số của mình.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên ngậm ngùi nhớ lại: "Quê tôi đồng chiêm chũng lụt lội nên bà ấy thích ăn các món ăn đặc sản đồng chiêm như canh cua, cá kho, ốc nấu chuối, rau lang chấm mắm cáy… Vì thế tuần nào tôi cũng chuẩn bị cho bà những món ăn mang phong vị quê nhà. Mấy năm đầu thì bà ấy còn tự xúc được, về sau phải bón, nhưng tôi và con gái không lúc nào quên khẩu vị của bà ấy cả".

Dù đã có thời gian chuẩn bị tâm lý cho mất mát này, nhưng khi bà mất đi, ông vẫn thấy mình bị hụt hẫng mất một thời gian dài. Lo tang cho vợ mồ yên mả đẹp, ông lẩn thẩn viết bài thơ "Nỗi đau không lành":

Thế là đứt gánh giữa đường
Thế là đôi ngả âm dương chia lìa
Bấy năm chăn gối còn kia
Bây giờ lạnh lẽo tấm bia mộ bà…

Ngoài tám mươi Tạ Hữu Yên vẫn làm việc miệt mài, dù lương hưu quân hàm Đại tá của ông được hơn 5 triệu/ tháng, thoải mái cho sinh hoạt của một nhà thơ vốn quen nếp sống tùng tiệm. Mấy năm nay, riêng nhuận bút báo tết của ông không năm nào dưới 10 triệu đồng.

Tết Mậu Tý ông lập kỷ lục với tổng số tiền nhuận bút lên tới 18 triệu đồng. Đấy là chưa kể mỗi năm, tiền nhuận bút từ thơ phổ nhạc của ông cũng phải có được chừng 4 triệu đồng. Ông tiết lộ: "Đến nay tiền tiết kiệm tôi cũng có được hơn 100 triệu đồng rồi!".

Nghe nhà thơ Tạ Hữu Yên kể về chuyện nhuận bút, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy cảm động trước đồng tiền có được từ con chữ như vậy. Ông tâm sự rằng, ngay từ thuở thanh niên, chưa bao giờ ông nặng quá 51 kg; đã 3 lần phải vào bệnh viện cấp cứu vì tim đập nhanh, thở khó, gan nhiễm siêu vi rồi phổi…

Có bạn văn đã làm thơ vui tặng nhà thơ Tạ Hữu Yên: Yên hóa bất yên khi cấp cứu/ Tạ mà rất nhẹ lúc cân đo, nhưng hễ cứ hồi phục là ông lại ngồi ngay vào bàn làm việc. Bây giờ chân tay đã run, ông không đi được xe đạp nữa, mà chuyển sang đi… xe ôm khi cần đi đâu đó. Ông đã chụp "ảnh thờ" để sẵn đó cho một ngày nằm xuống. Trong ảnh là một cựu chiến binh có đôi mắt sáng và vẻ mặt hiền từ, đôn hậu. Ở nơi ngực ông lúc lỉu những huân, huy chương. Tôi hỏi ông: Đến nay, có điều gì bác cảm thấy day dứt chưa làm được?" thì được câu trả lời rằng: "Tôi còn 2 món nợ lớn chưa làm được, đó là một hợp xướng về Hà Nội và đang cố gắng in  một tập thơ về quê cha đất tổ…".

Người ta vẫn hát những ca khúc được các nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của nhà thơ mặc áo lính Tạ Hữu Yên, như "Đất nước" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, "Đôi dép Bác Hồ" của nhạc sĩ Văn An, "Cảm xúc tháng mười" của nhạc sĩ Nguyễn Thành, "Nghe giọng hát Bác Hồ" của nhạc sĩ Thanh Phúc… Riêng tôi, mỗi lần nhớ về ông, tôi lại nhớ tới một tấm gương đáng kính về sự nỗ lực trong lao động sáng tạo…

Việt Hà
.
.