Nhà thơ Phan Duy Nhân: Trí tuệ chính khách, trái tim thiền sư!

Thứ Ba, 25/07/2017, 08:38
Vào tối 8-7-2017, tôi đang "lang thang" trên internet thì bắt gặp tin nhà thơ Phan Duy Nhân vừa từ giã cõi đời trở về cõi Phật vào lúc 19 giờ 11 phút. Sự ra đi của một con người đáng kính, một nhà thơ tài hoa yêu nước, một cư sĩ Phật giáo nhập thế luôn dấn thân vì nghĩa lớn, một nhà nghiên cứu và bảo vệ di sản văn hoá nhiệt huyết, lòng tôi cứ mãi bồi hồi. Tìm trên giá sách cuốn "Phan Duy Nhân - Thơ và đời", tác phẩm duy nhất của ông do bạn bè thực hiện, tôi đọc lại gần như trắng đêm.

Trong bài viết "Nhớ cái quán ngày xưa" in trong sách "Phan Duy Nhân - Thơ và đời", ông Lê Công Cơ nhắc lại kỷ niệm tình bạn, tình đồng đội hơn nửa thế kỷ mà việc làm có ý nghĩa đầu tiên là cùng nhau lập ra Quán Bạn nằm trên đường Phan Châu Trinh, bên bờ sông An Cựu xứ Huế cho giới thanh niên, trí thức trẻ đến uống cà phê để bí mật tập hợp, xây dựng lực lượng. Chính nơi đây đã qui tụ những tấm lòng yêu nước cháy bỏng mà về sau đã trở thành những nhân vật tên tuổi như Trần Quang Long, Ngô Kha, Lê Thanh Xuân, Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Thái, Lê Tử Thành, Võ Như Lanh, Tần Hoài Dạ Vũ…

Ông Lê Công Cơ cho biết: "Cái tên Quán Bạn ấy, cái thời trẻ trung ấy mãi đến nhiều năm về sau, mỗi khi nhớ lại tôi càng thêm thấm thía đến mãi tận bây giờ! Tình bạn là một trong ít ỏi những gì quí giá nhất của đời người. Bởi vì đối với thế hệ chúng tôi ngày đó, tình bạn không chỉ là những giao tiếp bình thường mà cao hơn và sâu hơn, nó gắn bó với cả đời sống vật chất - tinh thần của một lớp người trẻ tuổi thuở ấy".

Nhà thơ Phan Duy Nhân tên thật Phan Chánh Dinh, khi làm cách mạng lấy tên Nguyễn Chính, sinh ngày 6-10-1941 ở Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị. Cha làm công nhân hoả xa ở Đà Nẵng, là một cơ sở cách mạng bí mật, nên từ nhỏ ông theo vào đây học tập. Sau khi đỗ Tú tài II, ông vừa đi dạy học kiếm sống vừa theo học ở Đại học Văn khoa và Đại học Luật khoa ở Huế.

Nhà thơ Phan Duy Nhân ký tặng sách.

Dấn thân vào con đường cách mạng, ông trở thành một thủ lĩnh của phong trào Phật giáo và Học sinh sinh viên (HSSV) xuống đường tranh đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Ông tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên - Học sinh Giải phóng và là Hội viên Hội Văn nghệ Giải phóng Trung - Trung Bộ.

Sau sự kiện 76 ngày đêm của phong trào yêu nước nổi dậy làm chủ Đà Nẵng năm 1966 mà Phan Duy Nhân là lãnh đạo công khai và chủ chốt, ông bị lộ phải thoát ly lên chiến khu tiếp tục hoạt động. Đầu năm 1968, ông được giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng, tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân, dẫn đầu cuộc biểu tình xuất phát từ Tỉnh hội Phật giáo nhằm chiếm trụ sở chính quyền cũ. Bị địch bắn gãy chân và bị bắt giam ở nội đô Đà Nẵng, một thời gian sau, ông bị đày ra Côn Đảo. Đến đầu năm 1974, ông mới được trao trả tại Lộc Ninh theo Hiệp định Paris, trở về Khu uỷ V công tác mặt trận.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông lần lượt giữ nhiều trọng trách về công tác dân vận, tôn giáo ở Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi ra Hà Nội nhiều năm làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ trước khi về hưu sống tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, chu du nghiên cứu thiền học.

Phan Duy Nhân là một tài năng thơ, sớm có thơ đăng báo ở Sài Gòn từ năm mới 15 tuổi. Bước vào con đường tranh đấu, ông dùng thơ làm vũ khí thực thi lý tưởng của mình, trong đó bài "Thư gửi các bạn sinh viên" sáng tác năm 1964 được xem là mở đầu cho dòng thơ yêu nước xuống đường của tuổi trẻ đô thị miền Nam. Ngoài bút danh quen thuộc Phan Duy Nhân, ông còn có các bút danh Dương Phù Sao, Thiết Sử. Thơ ông đăng nhiều trên các tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn Học, Sinh Viên Huế, sớm hình thành bản thảo tập "Ngậm ngải tìm trầm" nhưng không có cơ hội xuất bản.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa trong bài "Phan Duy Nhân - một hành giả cô đơn" đã viết: "Trước và cùng thời với ông, những trí thức của thập niên 60 như Trần Văn Toàn, Lữ Phương, Nguyễn Văn Trung, Lê Văn Hảo, Trần Quang Long, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Văn,… đều có lựa chọn con đường hoặc đầy gian lao, gai góc, chấp nhận mọi nguy hiểm hoặc đấu tranh bằng ngòi bút, tìm kiếm cuộc cách mạng xã hội bằng con đường không bạo lực". Và cũng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa trong số những bạn thơ cùng thời ở miền Trung "ít ai có giọng thơ cay uất như ông".

Yêu thơ và yêu quý những nhà thơ, trí thức một thời xuống đường tranh đấu vì hoà bình, thống nhất đất nước trước năm 1975 ở miền Nam, tôi đã từng tìm đọc một số bài thơ của nhà thơ Phan Duy Nhân cũng như những nhà thơ cùng lý tưởng với ông, chủ yếu tập hợp trong bộ sách "Tiếng hát những người đi tới". Đến năm 2015, khi được anh Lê Hoàng, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, một trong những gương mặt của phong trào HSSV đô thị Sài Gòn - Gia Định trước năm 1975 mời cà phê cùng bạn bè và tặng cuốn sách "Phan Duy Nhân - Thơ và Đời", tôi ngạc nhiên xúc động trước tác phẩm đồ sộ và muộn màng của một nhân vật lừng lẫy một thời.

Thơ Phan Duy Nhân chính là nét son quá khứ khách quan và chân thành của một người dấn thân! Có thể có người không thích điều gì đó về ông, nhưng tôi tin khó ai phủ nhận sự "nhập thế quyết liệt" của người và thơ ông một thời, với tình yêu nước nồng nàn và sẵn sàng xả thân vì lý tưởng như trong "Thư gửi các bạn sinh viên" ông viết:

Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ
Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào
Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau
Ta bừng giận sóng xô trời biển dậy
Ta đã khát trăm năm rồi cổ cháy
Vì kêu la trên nỗi chết không rời
Những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam ơi

Giữa hoàn cảnh bi thương "cầm tay nỗi chết", thơ không thể đứng ngoài cuộc, thơ thành tiếng kêu, tiếng kèn xuống đường xung trận. Hờn căm, nhập cuộc tranh đấu để hy vọng về một tương lai tươi đẹp cho dân, cho nước, và bằng niềm tin mãnh liệt ông đã sớm dự cảm trong bài "Phác họa" viết từ giữa năm 1963:

Thêm những tấm lòng rộng bằng đô thị
Thêm trẻ sơ sinh hớn hở chào đời
Thêm những sân ga chật người đứng đợi
Sợ lỡ con tàu chạy tới tương lai…

Về sau, nhà thơ Phan Duy Nhân sáng tác nhiều thơ về tình yêu hoặc tâm sự mang đậm chất thiền, nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp thi ca của ông vẫn là những bài thơ hừng hực khí thế của một thời dấn thân tranh đấu từ đường phố đến lao tù.

Từ khi còn là học sinh, tôi rất thích nhân vật thi sĩ yêu nước Phan Trịnh trong tiểu thuyết "Học phí trả bằng máu" của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Về sau tôi mới biết Phan Trịnh có nguyên mẫu ngoài đời thực là nhà thơ Phan Duy Nhân, tác giả của những câu thơ quen thuộc "Khi áo rách xem ra chiều thủ lợi/ Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ".

Ngoài tình yêu gia đình, quê hương, tinh thần yêu nước, dấn thân, can trường thời chiến tranh thì điều nhà thơ Phan Duy Nhân gây ấn tượng mạnh trong tôi là sự cao thượng, hào hiệp của người chiến thắng. Phải chăng đó là sự hoà quyện giữa ý chí sắt đá của một chính uỷ trên mặt trận và ngục tù Côn Đảo, lòng vị tha của một thiền sư và sự lãng mạn của một thi sĩ tạo nên phẩm hạnh đáng quý Phan Duy Nhân như trong bài "Vĩ thanh" ông viết trong những mùa sen ở Hà Nội năm 1990:

Mới gió Lào khô đã heo may Hà Nội
Chon von đỉnh núi giong buồm
Thuở trước thiền sư làm chính uỷ
Câu thơ tới giờ còn mang gươm!
Thơm dấu hài thêu khuya chuyện cũ
Giữa Hàng Đào cô Tấm có là em?

Trong các cuộc trò chuyện về thơ ca, bao giờ nhà giáo Lê Công Cơ cũng nhắc tới nhà thơ Phan Duy Nhân. Hai ông từng là thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào sinh viên - học sinh xuống đường đấu tranh trước năm 1975. Và cũng trong bài viết "Nhớ cái quán ngày xưa" cách đây gần tròn 2 năm, trong đoạn kết Lê Công Cơ có tâm sự cùng Phan Duy Nhân: "Mai mốt rồi chúng ta sẽ ra đi, như tất cả mọi người, như những đồng đội của chúng ta đã nằm xuống trong chiến tranh và cả trong những năm tháng về sau này. Tôi tin rằng anh và tôi đều có chung cái ý nghĩ là, dù ai có nói Đúng nói Sai, dù có nói gì đi nữa thì tất cả anh em chúng ta cũng đều có thể đồng ý với nhau một điều. Đó là chúng ta đã có một thời Sống Đẹp. Và chúng ta cố gắng gìn giữ điều đó cho đến lúc chia tay cuộc đời này".

Đúng như lời của Lê Công Cơ, hai ông không chỉ giữ gìn hào quang quá khứ mà còn tiếp tục Sống Đẹp trong phần đời còn lại với tinh thần dấn thân vẫn mạnh mẽ như xưa. Khi đến tuổi hưu, nếu như Lê Công Cơ dồn tâm sức còn lại cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng thành công Trường Đại học Duy Tân uy tín hàng đầu Đà Nẵng và miền Trung, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, thì Phan Duy Nhân vừa tu tập với tư cách cư sĩ Phật giáo lại vừa xuôi ngược vận động từ thiện giúp người bất hạnh, trùng tu di tích, bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hoá cổ truyền, đặc biệt là vùng non nước danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Tường Minh
.
.