Nhà thơ Phạm Tiến Duật đi làm quảng cáo

Thứ Tư, 24/08/2011, 08:07
Tôi quen Phạm Tiến Duật từ ngày anh làm biên tập ở Báo Văn nghệ. Hồi ấy, mỗi lần tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa từ dưới Bộ Tư lệnh Hải quân lên Hà Nội, chúng tôi thường ghé vào Báo Văn nghệ. Đến Báo Văn nghệ mà gặp Phạm Tiến Duật thì bao giờ cuộc hội ngộ cũng diễn ra rất vui, thường để lại một ấn tượng nào đó. Phạm Tiến Duật thông minh, nhiều trải nghiệm, kiến văn rất rộng. Tiếp xúc với anh, dù chỉ là những chuyện nho nhỏ, bao giờ ta cũng thu nhận được một cái gì đó rất đáng ghi nhớ.

Hồi ấy Phạm Tiến Duật giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, thuộc Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cái tên nghe thì oai nhưng tờ tạp chí tồn tại khá vất vả. Còn tôi đang làm việc tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định. Theo cách gọi của Phạm Tiến Duật thì tôi là "viên quan văn nghệ sở tại", là chỗ qua lại, đi về của anh. Phạm Tiến Duật về làm quảng cáo ở Nam Định mấy lần nhưng tôi chỉ xin kể hầu bạn đọc một lần, cái lần đầu tiên, với những kỷ niệm không dễ quên.

Hôm ấy vào tiết đại hàn, rét đậm. Những ngôi nhà thờ Thiên Chúa ở Nam Định đã trang hoàng lộng lẫy đèn nến, cờ hoa chuẩn bị đón lễ Giáng sinh. Phạm Tiến Duật bấm máy điện thoại gọi cho tôi, bảo tôi đừng đi đâu, chờ anh về sẽ có cuộc hàn huyên vui vẻ. Gần hai tiếng sau, chiếc xe bốn chỗ màu trắng khá cổ lỗ của Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ đã rì rì tiến đến trước cổng cơ quan tôi. Phạm Tiến Duật mặc complê màu nâu tươi, thắt cà-vạt đỏ, giày màu gạch cua, tay xách chiếc cặp giả da màu đen từ trong xe ló đầu ra. Có vẻ như cao quá khổ so với chiếc xe nên anh xoay xở chui ra khỏi cửa một cách chật vật, vướng víu. Bắt tay nhau một cái rồi Phạm Tiến Duật bảo tôi lên xe đi luôn kẻo thời gian anh hẹn với người bạn đã quá trễ. Thì ra hôm nay anh đi làm quảng cáo tạo nguồn thu cho tạp chí! Cái nơi mà Phạm Tiến Duật đến làm quảng cáo là Nhà máy bia Nada, hãng bia Nam Định liên kết với Đan Mạch, chất lượng của nó có thể sánh ngang ngửa với bia Hà Nội. Giám đốc của nhà máy là anh Nguyễn Mai Thanh, một người lính Trường Sơn năm xưa, đồng đội cũ của Phạm Tiến Duật.

Khi đã ngồi yên vị trên xe, bên cạnh Phạm Tiến Duật, tôi hỏi anh:

- Tạp chí hẳn phải có bộ phận chuyên đi làm quảng cáo, Tổng biên tập như anh sao phải làm thay?

- Các số thường thì anh em lo cả. Mình chỉ tham gia số tết thôi - Phạm Tiến Duật nói - Đành rằng tạp chí được chút bao cấp, nhưng nếu không có quảng cáo thêm vào là gay go. Nhất là tết đến không có tí tiền thêm nếm cho anh em tiêu pha thì Tổng biên tập ngượng lắm!

Ngừng một lát, Phạm Tiến Duật nói như phân trần:

- Với lại, mình có đi quảng cáo thì cũng chỉ nhằm vào mấy thằng đồng đội cũ. Xộc vào những chỗ không thân tình, biết đâu nó nể, tay nó rút tiền cho, nhưng bụng nó khinh! Như thế thì cầm đồng tiền mà vẫn chẳng vui vẻ gì! Hồi ở Trường Sơn, mình chơi với khá nhiều lính lái xe. Những thằng đã hy sinh thì không nói làm gì. Có thằng trở về, tu luyện chí tiến thủ, thêm một chút may mắn, trở thành ông giám đốc, ông chủ tịch này nọ. Mình cứ nhằm vào cái đám có vai vế ấy mà xin xỏ, quảng cáo, dù ít dù nhiều nó cũng phải cho. Cho một cách vui vẻ. Cho mà trong lòng đầy hãnh hiện về người được cho!

Từ trái sang: Ông Nguyễn Hợi - cựu chiến binh Trường Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông Nguyễn Mai Thanh - Giám đốc Nhà máy bia Nada và nhà văn Lê Hoài Nam.

Từ cơ quan tôi đến Nhà máy bia Nada chỉ cần đi lên phía chợ Rồng, rẽ qua Hàng Tiện, sang phố Hàn Thuyên, khoảng hơn cây số là tới. Nhưng Phạm Tiến Duật lại bảo lái xe đi vòng qua phố Hàng Song, đến phố Hàng Nâu (nay gọi là phố Minh Khai) để anh ngó xem các phố này còn dấu tích gì của thời cụ Tú Xương không. "Ở phố Hàng Song thật lắm quan/ Thành thì đen kịt, Đốc thì lang…" - Phạm Tiến Duật đọc hai câu thơ ấy, rồi bảo:

- Cụ Tú ghê thật! Viết về đám quan chức quyền thế nghiêng ngửa đang sống sờ sờ cùng thời và cùng thành phố với mình như thế, phải là người có cái gan, cái dũng của một kẻ sĩ thực sự!

Rồi, anh quay sang hỏi tôi:

- Nam thích nhất câu thơ nào của Tú Xương?

Tôi nói:

- Em thích hai câu: "Miếng ăn đến miệng là thưa kiện/ Lúa rủ chân đê chửa được vò". Nó hay ở chỗ khái quát về người Nam Định một thời…

- Đúng là hay, rất Tú Xương - Phạm Tiến Duật xác nhận - Nhưng hay trọn vẹn cả tác phẩm thì mình lại thích bài "Thương vợ": "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo xèo mặt nước buổi đò đông…". Theo mình, thơ nói về tình yêu thì có nhiều bài hay, nhưng thơ ca ngợi vợ mà hay, thì bài "Thương vợ" của Tú Xương xứng đáng xếp đầu bảng!

Tôi quen Phạm Tiến Duật từ ngày anh làm biên tập ở Báo Văn nghệ. Hồi ấy, mỗi lần tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa từ dưới Bộ Tư lệnh Hải quân lên Hà Nội, chúng tôi thường ghé vào Báo Văn nghệ. Đến Báo Văn nghệ mà gặp Phạm Tiến Duật thì bao giờ cuộc hội ngộ cũng diễn ra rất vui, thường để lại một ấn tượng nào đó. Phạm Tiến Duật thông minh, nhiều trải nghiệm, kiến văn rất rộng. Tiếp xúc với anh, dù chỉ là những chuyện nho nhỏ, bao giờ ta cũng thu nhận được một cái gì đó rất đáng ghi nhớ. Nhưng ít khi thấy anh lên mặt ta đây, dị hợm, áp đặt điều này điều khác muốn người nghe phải nghe theo. Chẳng hiểu với người khác thế nào, còn với những truyện ngắn và bút ký của tôi, thơ của Trần Đăng Khoa đăng Báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật thường đọc kỹ, có nhận xét rất khách quan và thiện chí. Có lẽ đó là điều khiến tôi giữ được mối liên hệ thường xuyên, lâu dài với anh, để rồi lần nào về Nam Định anh cũng báo cho tôi biết, rong ruổi đi chơi đây đó với nhau.

Xe đi đến chỗ mà trước kia có ngôi nhà của Tú Xương, Phạm Tiến Duật bảo lái xe dừng lại để anh chiêm ngưỡng căn gác gỗ, lợp ngói lam mà ngày xưa cụ Tú thường ngồi viết trên đó. Căn nhà gỗ của Tú Xương đã biến mất, chỉ còn lại một gian gác này. Chủ ngôi nhà ống, mái bê tông bây giờ là một thầy giáo, vốn rất yêu thơ Tú Xương, nên khi xây ngôi nhà này ông vẫn giữ lại căn gác của cụ Tú để làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng ông giáo lại leo lên đó thắp hương tưởng nhớ cụ Tú.

Phạm Tiến Duật ngắm căn gác rêu phong, lạnh lẽo một lát rồi nói với tôi:

- Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay, người đời có câu: "Về Nam Định ăn chuối ngự, đọc thơ Xương". Như vậy, cụ Tú được nhân dân coi như một thứ đặc sản của Nam Định, đâu có sai! Cứ ngẫm mà coi, thành phố Nam Định sẽ trở nên hoang lạnh đến nhường nào nếu không có cái bóng Tú Xương chùm tỏa xuống!

Chúng tôi lại lên xe đi về phía đài truyền hình, qua sân vận động Chùa Cuối, bây giờ gọi là sân Thiên Trường, quành ra phía sau sân vận động là tới Nhà máy bia Nada. Người bảo vệ dẫn chúng tôi vào phòng Giám đốc Thanh. Anh Thanh đón Phạm Tiến Duật không vồ vập, ồn ào, nhưng cứ nhìn vào cử chỉ và ánh mắt hai người đủ thấy họ hiểu nhau và có sự cảm thông sâu sắc lắm. Anh Thanh cứ ngắm bộ complê màu nâu tươi và chiếc cà-vạt đỏ loè của Phạm Tiến Duật, miệng cười cười nhiều ý tứ, rồi bảo:

- Hồi này trông nhà thơ vẫn vượng khí lắm. Nhưng có vẻ hơi làm dáng đấy. Chắc lại có một bóng hồng nào đó áp sát phải không?

- Ờ thì cũng… văn nghệ mà! - Phạm Tiến Duật ậm à mấy câu rồi nói tiếp với Thanh - Cậu thì có vẻ như ngược với tôi. Vẫn giữ cách ăn mặc thô giản như thằng lính vận tải năm xưa. Lên giám đốc rồi thì cũng phải sơn phết vào sao cho ra dáng chính khách chứ!

Anh Thanh không phản ứng gì. Anh mời chúng tôi lên xe đi về phía bờ sông Đào, ghé vào Lã Vọng Quán, gọi món ba ba chiêu đãi chúng tôi. Chân ba ba thì rang muối. Còn lại thì nấu với quả chuối xanh, tra mẻ, lá lốt, mùi tàu, xương xông. Phạm Tiến Duật cứ xuýt xoa khen ngon. Anh nói, về cái khoản ẩm thực thì Nam Định không thua kém bất cứ một tỉnh thành nào. Câu chuyện lại xoay sang con ba ba, rồi từ con ba ba bàn tiếp đến con nhệch, con cua ra, con ngao, con vạng…là những món mà bãi bồi ven biển Nam Định rất sẵn. Con nào cũng được Phạm Tiến Duật bình đến nơi đến chốn. E rằng Phạm Tiến Duật vì say chuyện mà quên việc chính, tôi ghé vào tai anh giục: "Anh đặt vấn đề quảng cáo đi!". Phạm Tiến Duật liền ghé vào tai tôi đáp: "Mình xuống đây là Thanh hiểu ý, biết mình cần gì rồi. Cánh lính tráng với nhau không cần nhiều lời!".

Đúng như Phạm Tiến Duật nói, họ không cần nhiều lời. Lúc bữa tiệc sắp kết thúc, anh Thanh "tự nguyện" mở cặp lấy ra mấy bức ảnh chụp hình Nhà máy bia Nada đưa cho Phạm Tiến Duật, rồi bảo: "Ảnh đây, cho in cái nào là tùy bác. Mà không in chăng nữa thì hãng bia của em cũng đã khá nổi rồi". Thanh lại mở cặp lấy ra một cái phong bì: "Còn đây là chút ngân khố nho nhỏ. Bác đưa vào tài khoản của tạp chí một nửa. Còn một nửa em mừng sức khỏe bác nhân dịp lễ Giáng sinh". Phạm Tiến Duật nhét cả hai thứ vào cặp, rồi đứng lên ôm chầm lấy anh Thanh, miệng nói: "Cậu là cái thằng bom vùi mấy bận mà không chết. Cái số cậu có sức sống mãnh liệt! Trở về quê lại được bổ nhiệm giám đốc, làm ra nhiều tiền lắm của, để còn cho nhau thế này, thật là ơn Trời, ơn Phật!".

Nghe Phạm Tiến Duật nói đến đó, Giám đốc Thanh bật khóc: "Em thương bác lắm bác Duật ơi. Nhưng mà em cũng phê bình bác một tí. Bác sống khác đời, khác người lắm! Người ta mặc complê màu đen, màu tro, màu ghi, đeo cà-vạt có hoa văn trang trọng thì bác lại chơi bộ complê màu nâu tươi, cà vạt màu đỏ loè đỏ loẹt. Đồng bóng lắm! Giá mà bớt cái máu nghệ sĩ đi một tí thì bác cũng sẽ làm đến chức to đấy. Bác ký một chữ là lòi ra tiền triệu, tiền tỷ, chứ đâu đến nỗi phải mò đi giữa ngày giá rét cắt da cắt thịt, xin từng đồng từng hào thế này!". Phạm Tiến Duật càng ôm Thanh chặt hơn: "Thì như thế tôi mới là Phạm Tiến Duật! Tôi mới còn là bạn, là đồng đội của các cậu!".

Khi biết tin Phạm Tiến Duật mang bệnh hiểm, chúng tôi lên Bệnh viện 108 thăm anh. Lần thứ nhất, anh còn đi lại được, vẫn tin mình qua khỏi nên chỉ nói những chuyện vui vẻ, lạc quan. Lần thứ hai, anh đã nằm xẹp, người gầy đét, lô nhô xương xẩu, tóc rụng hết. Nước mắt anh trào ra, miệng phều phào nói với chúng tôi:

- Gần kề với cái chết mới thấy quý cuộc sống. Lúc này tôi chỉ ước được về Nam Định một lần để ăn thêm một bữa ba ba với các cậu… Nhưng có lẽ không còn cơ hội nữa… Tôi yêu tất cả mọi người!

Hà Nội, tháng mưa ngâu, 2011

Lê Hoài Nam
.
.