Nhà thơ Khương Hữu Dụng: Kỹ tính chứ không bảo thủ

Thứ Tư, 02/12/2009, 11:00
Tôi được đọc bài "Sự nhầm lẫn đáng khen" của nhà thơ Vân Long đăng trên tờ Văn nghệ Công an số 112 ra ngày 21/9/2009. Trong bài báo, nhà thơ Vân Long nhắc đến việc dùng chữ của ba tôi - nhà thơ Khương Hữu Dụng trong bài "Côn Sơn". Tôi xin đính chính: Đầu đề bài thơ là "Côn Sơn" (chứ không phải "Lên Côn Sơn" như nhà thơ Vân Long và một đôi người nhớ).  

Theo như tôi biết, sinh thời, ba tôi cũng hơi tiếc về sự nhầm lẫn này. Cụ bảo: Cụ muốn nói đến "Vấn đề Côn Sơn" (với ý nghĩa rộng và sâu hơn), nghĩa là nói về cuộc đời éo le của Nguyễn Trãi mà hậu thế mãi còn cảm thấy đau xót, chứ không phải "Lên Côn Sơn" có thể chỉ để du ngoạn, thưởng cảnh!

Tôi cảm thấy nhà thơ Vân Long hơi cường điệu khi nhắc đến chữ "nổi" hay "nỗi" của già Khương: "Các ông in ấn thế này thì thơ nó chết ông ạ. Mà đối với tôi, thơ nó chết thì người còn sống làm gì!".

Có lẽ, ba tôi không nói vậy, cách nói của ba tôi khác cơ! Rồi chuyện, ngay đến nhà thơ Trinh Đường cũng nhầm chữ "nỗi" là "nổi", nhà thơ Vân Long bình luận: "Vậy là lần này không phải cánh nhà in không hiểu thơ đã "giết" tác giả mà chính một nhà thơ uyên bác đã "mưu sát" Già Khương!". Một số người thường hay đùa vui về sự kỹ tính của Già Khương trong chữ nghĩa! Đúng là cụ rất "kỹ tính".

Khi cụ Phan Bội Châu - nhà yêu nước vĩ đại mà công chưa thành, ước chưa toại - mất năm 1940, ba tôi có viết một đôi câu đối viếng cụ Phan:

"Chim từng phen khao khát tự do, to cánh cuốn trời xa, muôn ngàn dặm lên tiếng gọi đàn, bất giác nhớ rừng xanh, lơ lửng cành Nam thèm gió sớm;

Thuyền gặp buổi éo le hoàn cảnh, ngược buồm về bến cũ, mười lăm năm xuôi theo dòng nước, vô tình tuôn sóng bạc, bơ vơ bờ Ngự khóc trăng khuya".

Câu đối tuy phần nào nói được cuộc đời cụ Phan, song khi đọc lại nhiều lần, ba tôi cảm thấy đoạn "Bất giác nhớ rừng xanh, lơ lửng cành Nam thèm gió sớm" yếu đuối quá, thụ động quá, không nói được cái dứt khoát, cái sắt đá, cái quyết liệt của cụ Phan. Với nỗi băn khoăn đó, sau nhiều lần sửa chữa, mãi đến năm 1978, vế này ông sửa lại như sau:

"Chim từng phen khao khát tự do, to cánh cuốn trời xa, muôn ngàn dặm lên tiếng gọi đàn, ngậm đá lấp biển xanh, đau đáu cành Nam thèm gió sớm".

Câu đối được viết ra năm 1940 và được sửa lại năm 1978, đủ thấy nhà thơ Khương Hữu Dụng đã lao động nghiêm túc đến thế nào khi đặt bút viết hoặc sửa một câu thơ.

Trở lại chữ nổi (dấu hỏi, là sự bùng lên) hay nỗi (dấu ngã, là nói nỗi niềm) trong bài "Côn Sơn". Tôi xin ghi lại toàn văn (ban đầu) bài thơ tứ tuyệt của ba tôi:

Côn Sơn
Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
Trên đầu xanh ngắt một bầu không
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nỗi bão dông

Sau này tác giả đã thay chữ "thấy" trong câu 4 thành chữ "dấy": "Bàn cờ thế sự quân không động/ Mà dấy quanh mình nỗi bão dông". Có lẽ chữ "dấy" của cụ đã bao hàm sự "nổi lên" của dông bão rồi. Ba tôi nói rằng: "thấy" mới là sự cảm nhận của tác giả. Ở đây ba tôi muốn nói: Tại Côn Sơn này, nơi xảy ra vụ án oan trái Nguyễn Trãi, mọi người và cả cảnh vật: mỗi bậc đá, hòn sỏi, cành  cây ngọn cỏ… đều mang một "nỗi niềm dông bão", không chỉ là dông bão nổi lên quanh ta mà dông bão trong tâm trạng con người và cảnh vật được nhân cách hóa.

Tất nhiên là mỗi người đọc đều có thể có những cảm nhận và sự đánh giá của riêng mình về một chữ, một câu thơ, một bài thơ nào đó. Và tất nhiên là tác giả cũng vậy. Tôi biết ba tôi có một chút buồn lòng và tôi từng nghe ba tôi phàn nàn về sự nhầm lẫn của nhà thơ Trinh Đường: "Là một người đã hiểu mình (tức Khương Hữu Dụng) để viết được những câu thơ: Dồn hết đời vào thơ/ Dồn hết mây lên tóc/ Bạc đầu vì một từ/ Còn e chưa hết sức/ Học thuật và tâm thuật/ Nỗi đời và nỗi lòng/ Lạc vào bao mê cung/ Tự thắp mình làm đuốc/ Đi qua trăm bão dông/ Vòm trời không để mất/ Nhìn bàn cờ Côn Sơn/ Nghĩ bàn cờ thế cuộc…"(trích bài "Khương Hữu Dụng" của Trinh Đường in dịp mừng nhà thơ Khương Hữu Dụng 85 tuổi - KBK), vậy mà lại không hiểu được mình viết là "nỗi bão dông" chứ không phải là "nổi bão dông"! Nhưng cũng trong bài thơ mừng thọ này, khi ba tôi dùng nó thay cho lời tựa ở tập "Thơ Khương Hữu Dụng" (NXB Đà Nẵng, 1993) NXB có in nhầm một chữ mà ba tôi cho là hay hơn chữ trong nguyên bản.

Hai câu cuối, nhà thơ Trinh Đường viết: "Mừng anh mùa thượng thọ/ Viết mấy dòng thương nhau" được in thành "Mừng xanh mùa thượng thọ…", già Khương khen chữ "xanh" hay hơn chữ "anh". Sau này có dịp in lại bài thơ trong tập "Khương Hữu Dụng - Một đời thơ", theo ý của ba tôi, chúng tôi vẫn lấy lại chữ bị in nhầm ấy.

Như vậy thì đâu phải là già Khương "yêu chữ nghĩa của mình" đến mức bảo thủ, cực đoan, mà không "để ngỏ một hướng để tiếp nhận ý kiến của mọi người"…

Khương Băng Kính
.
.