Nhà thơ: Kevin Bowen - Không thể nói hết tình yêu của tôi với Việt Nam

Thứ Sáu, 08/04/2011, 09:07
Kevin Bowen từ lâu đã là một cái tên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là với các nhà văn. Ông là người Mỹ đầu tiên mang văn học Việt Nam đến với độc giả Mỹ.

Cùng với các cộng sự trong Trung tâm William Joiner, một tổ chức chuyên nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh thông qua các hoạt động văn học nghệ thuật, Kevin đã làm tất cả để giới thiệu nền văn hóa của một dân tộc mà ông yêu mến, góp phần không nhỏ vào việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Những ngày này, đến Việt Nam, ông chia sẻ hai niềm vui lớn, là nhận giải thưởng về văn hóa - dịch thuật Phan Chu Trinh, và ra mắt tập thơ tiếng Việt đầu tiên của ông với tên gọi "Khúc hát thành Cổ Loa".

Kevin là một cựu binh Mỹ. Ông từng tham chiến ở Việt Nam và đóng quân ở Núi Bà Đen (Tây Ninh). Nhưng rồi ông nhanh chóng nhận ra bộ mặt thật của chiến tranh, sự phi lý của những người lính cầm súng như mình. "Nhớ mẹ mà buộc phải xả súng vào những người mẹ ư? Nhớ nhà mà buộc phải thiêu trụi những ngôi nhà ư?"- không thể làm những điều nghịch lý ấy, Kevin trở thành một người lính phản chiến. Trở về Mỹ, Kevin vào trường đại học và không thôi ám ảnh về cuộc chiến, về một đất nước ở bên kia bán cầu mà ông đã đến như một sự sắp đặt của số phận. Ông bắt đầu làm thơ về Việt Nam, như một cách "trả nợ" cho những ký ức đau buồn mà mình từng nếm trải. Có một bài thơ rất nổi tiếng, sau này trở thành tên một tập thơ nổi tiếng của ông, là "Chơi bóng rổ với Việt Cộng". Ở đó, ông viết về cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong chính ngôi nhà của mình, và ông đã chơi bóng rổ với tác giả "Chiếc lược ngà" ngay trong sân nhà ông. Bài thơ là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, tình bạn, làm xúc động trái tim người đọc. Kevin làm rất nhiều thơ về đất nước và con người Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là một chủ đề lớn trong sự nghiệp thi ca của ông.

Trong tập thơ vừa phát hành bằng tiếng Việt của ông, "Khúc hát thành Cổ Loa", chúng ta có thể nhìn thấy Kevin Bowen đã "thấm đẫm" nền văn hóa Việt đến mức nào. Có vô vàn địa danh Việt Nam trong thơ ông như: Thành Cổ Loa, đầm Nhất Dạ Trạch, phố Hai Bà Trưng, hồ Thiền Quang, Lăng Tự Đức, làng Yên Sở, Núi Bà Đen. Và cũng vô vàn trong thơ ông là những ký hiệu của văn hóa tâm linh, như những ngôi chùa, những đền thờ, những gương mặt, những vui buồn Việt Nam mà ông từng trải nghiệm. Đó là hình ảnh một nhà sư đẹp như trong một bức tranh thiền cổ: "Một nhà sư đơn độc/ Bước dọc theo con đường mòn/ Chân của thầy và đường mòn cùng biến mất/ Trong làn nước lúa xanh vô tận vô cùng", hay hình ảnh những người quét rác trên phố Hai Bà Trưng: "Trên con đường ven hồ/ Những người đàn bà lặng lẽ quét rác/ Và gió làm tung lên từng lớp/ Sương mù sau lưng họ…".

Bởi đến từ một nền văn hóa khác, Kevin cho ta những cái nhìn vô cùng ngạc nhiên, thú vị về những điều rất bình thường của đời sống chúng ta. Ông làm chúng ta không thôi bất ngờ khi viết về hình ảnh những cụ già ngồi ở Đền Hùng: "Họ nghĩ gì về chúng tôi/ Những cụ bà nhìn chúng tôi qua khoảng trống/ Xuyên thấu thân xác những đứa con đã mất/ Trong cuộc chiến ngày xưa?", hay hình ảnh "Một ca sĩ hát hay đến nỗi/ Vầng trăng có thể chết/ Trên vai cô"… Kevin Bowen đã thực sự đắm mình vào vẻ đẹp và chiều sâu của văn hóa Việt Nam, từ đó tạo ra một chiếc chìa khóa của riêng mình để tự do đi trong nền văn hóa ấy. Thơ ông đã khắc đậm những dấu ấn Việt Nam, không chỉ đơn thuần là kỷ niệm hay hoài niệm, mà là những giá trị Việt Nam, theo cách ông tạo ra. Đọc thơ ông, chúng ta dường như quên mất quốc tịch của người đàn ông cao lớn, mái tóc bạch kim và khuôn mặt hiền hậu, lúc nào cũng như đang mỉm cười. Ông thực sự là người Việt, khi ông viết về trà sen, về đêm rằm trung thu, về những cô gái công nhân làm đường, về một gia đình có con nhiễm chất độc da cam…

Nhà thơ Kevin Bowen và nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai tại đêm thơ giới thiệu tập "Khúc hát Thành Cổ Loa" (Nhà Văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội, 22/3/2011).

Một lần, được đi cùng ông và nhà văn Đỗ Chu cùng nhiều bạn văn chương khác về "quê nhà" của Đỗ Chu, nơi có những làn điệu quan họ say đắm lòng người, tôi đã thấy Kevin ngồi như hóa đá khi nghe những "liền anh, liền chị" cất tiếng hát. Tưởng như Kevin đang thực sự làm một cuộc viễn du vô tận trong không gian đầy ắp giai điệu dân ca ấy, để khai mở tận cùng những bí ẩn tâm hồn của người Việt Nam mà từ lâu ông bị mê hoặc.  Kevin tâm sự: "Tôi nghĩ nhiều về đời sống của người Việt, muốn đi sâu vào để hiểu tâm hồn người Việt, từ đó mà tôi cũng hiểu con người nhân loại chung trong con người tôi".

Là một cựu chiến binh, dù viết về điều gì ở Việt Nam, thì thơ của Kevin cũng đều được phủ trong một màn sương của ký ức. Ông ít viết về chiến tranh một cách trực diện như người bạn ông, Bruce Weigh - một nhà thơ cựu binh cũng rất quen thuộc với độc giả Việt Nam, nhưng sự ám ảnh của những ký ức dù vụt qua vài ngôn từ cũng đủ làm người đọc nhói đau. "Ba nghĩa trang vây quanh chúng tôi/ Những người chết trong ba cuộc chiến tranh/ Giọng họ là tiếng kêu của bầy dế đêm nay/ Tạo nên một dàn đồng ca kỳ lạ/ Dàn đồng ca ấy quyện vào/ Bài hát của cô gái trẻ/ Quá đẹp và quá buồn". Trong một bài thơ khác, Kevin chiêm nghiệm: "Ở một nơi nào đó một kíp nổ được châm ngòi/ Một bài học trong sợ hãi/ Còn lại một cuộc chiến khác/ Con rắn tự cắn đuôi mình/ Như tự bào chữa cho chính nọc độc của nó". Trong lễ ra mắt tập thơ "Khúc hát thành Cổ Loa", Kevin Bowen chân thành nói: "Tôi đã đánh mất tuổi trẻ của mình ở Việt Nam. Nhưng bằng việc trở lại Việt Nam, tôi đã tìm thấy tuổi thanh xuân của mình".

Từ những năm 1987, Kevin đã quay lại đất nước mà mình từng tham chiến, gặp gỡ các "nhà văn Việt Cộng". Vượt qua những khó khăn, rào cản, Kevin và các đồng sự của ông đã đưa nhiều nhà văn Việt Nam đến Mỹ. Đầu tiên là Lê Lựu, sau đó là các nhà văn: Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Nguyễn Khải, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều…Các nhà văn của hai quốc gia từng ở hai chiến tuyến đã gặp nhau, ân cần chia sẻ tình yêu thương và văn hóa. Ngôi nhà của vợ chồng nhà thơ Kevin đã luôn rộng mở cánh cửa với những người bạn văn chương Việt Nam. Các nhà văn đã tạo nên một cây cầu bền vững của sự hòa giải, của tình hữu nghị và cao hơn cả là tình anh em. Kevin Bowen nói: "Tôi khâm phục các nhà văn Việt Nam cách đây hơn 20 năm đã đến với chúng tôi. Họ là những người chỉ ra cho thế giới sự thật của lòng dũng cảm".

Bằng con đường văn hóa, Kevin Bowen và Trung tâm Joiner của ông đã đóng góp nhiều vào việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu tiên được giới thiệu ở Mỹ là "Thời xa vắng" của Lê Lựu. Nhưng trước đó, Kevin Bowen đã miệt mài dịch thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh sang tiếng Anh để giới thiệu với độc giả Mỹ. Mới đây nhất, một tập thơ bao gồm những bài thơ hay thời chiến tranh chống Mỹ đã được Kevin Bowen và các bạn của ông dịch và xuất bản tại Mỹ. Tuy nhiên, với ông như thế vẫn là chưa đủ. Ông muốn được làm nhiều việc có ích hơn nữa cho văn học Việt Nam.

Trước lễ trao giải Phan Chu Trinh, Kevin tâm sự: "Tôi rất thích thơ của Vàng Anh và Lý Lan. Chúng tôi cũng đã bắt đầu chuyển ngữ một số tác phẩm thơ và truyện ngắn của các tác giả trẻ Việt Nam sang tiếng Anh và giới thiệu tại Mỹ. Trong tương lai gần, công việc này sẽ được đẩy mạnh hơn. Vì nếu chúng ta cứ chỉ nói câu chuyện của chiến tranh thì theo tôi đó không phải là một hình ảnh đầy đủ về Việt Nam. Những cây bút trẻ có tài, có tiếng nói riêng và nói câu chuyện của thời đại chính là một Việt Nam của hôm nay và của tương lai. Đưa họ tới với bạn đọc nước ngoài là một phần công việc mà chúng tôi phải làm. Không thể nào nói hết tình yêu của tôi với Việt Nam".

Giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2011 là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những đóng góp của GS - nhà thơ Kevin Bowen và Trung tâm William Joiner của ông. Tại lễ trao giải, đại diện Quỹ Phan Chu Trinh đã khẳng định: "Đây là sự vinh danh văn hóa, vinh danh một con người và một tổ chức đã đem những giá trị văn hóa đích thực phục vụ cho những mục đích tốt đẹp nhất là hòa bình, hòa giải, tình yêu và hạnh phúc. Kevin Bowen là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Ông cũng đã làm rất nhiều việc khác nhằm góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy giao lưu văn hóa…"

Bình Nguyên Trang
.
.