Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến: Chúng tôi đang đi đúng hướng

Thứ Năm, 20/08/2009, 16:30
Vừa qua, đại diện công ty Google đã gửi thông báo đến Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (viết tắt là VLCC) và một số nhà văn trong nước đề nghị thỏa thuận về việc cho phép Google sử dụng các tác phẩm văn học hư cấu và phi hư cấu trong việc xây dựng trang thư viện trực tuyến khổng lồ của mình với tham vọng khoảng 15 triệu đầu sách.

Mức phí mà Google đề cập tới trong văn bản pháp lý kể trên là 60 USD/tác phẩm cho một lần số hóa và 63% doanh thu cho mỗi lần sử dụng. Theo thống kê sơ bộ, số đầu sách của các tác giả Việt Nam bị Google số hóa đã lên tới trên 4.400.

Câu chuyện này đã thực sự "đánh động" nhiều tác giả Việt Nam về ý thức bảo vệ đứa con tinh thần của mình cũng như các quyền lợi mà họ xứng đáng nhận được khi tham gia vào "thế giới phẳng". Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này, VNCA đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam.

-Thưa nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, trước khi Google gửi thư đến, VLCC có biết rằng các tác giả Việt Nam (trong đó có nhiều tác giả đã ủy quyền cho trung tâm) có tác phẩm được Google  số hóa khi chưa có bất kỳ sự cho phép nào?

+ Từ tháng 3/2009, VLCC đã trở thành thành viên của Hiệp hội quốc tế các tổ chức quản lý quyền sao chép (viết tắt là IFRRO). Đến tháng 4/2009, trung tâm nhận được thông báo từ IFRRO về việc các tác giả Việt Nam có nhiều tác phẩm được số hóa mà chưa có thỏa thuận về bản quyền cùng với hơn 100 quốc gia khác. Ngay sau đó, VLCC đã gửi hàng ngàn lá thư cho các thành viên của mình và các tác giả chưa phải là thành viên để thông báo về việc này. Hiệu ứng là, trong một thời gian ngắn, đã có thêm khoảng 100 hợp đồng ủy thác cho VLCC về việc khai thác bản quyền. Điều đó cho thấy hiện nay, nhiều nhà văn, tác giả đã thực sự quan tâm đến các quyền lợi sát sườn của mình.

- Tham gia thỏa thuận này, các tác giả Việt Nam sẽ được hưởng lợi như thế nào?

+ Đến 4/9 tới là thời hạn chót để Việt Nam trả lời chính thức cho Google về việc có tham gia thỏa thuận hay tiến hành khởi kiện. Theo tôi, nếu tham gia thỏa thuận, các tác giả Việt Nam rất có lợi, cả về quyền nhân thân lẫn quyền tài sản. Hiện nay, các trang web trong nước chủ yếu vẫn "sài chùa". VLCC chưa thu được đồng phí tác quyền nào từ khoảng 100 trang web tiếng Việt có sử dụng các tác phẩm văn học, mặc dù đã nhiều lần đàm phán với mức giá VLCC đưa ra thấp hơn nhiều mức giá mà Google đưa ra. Tôi cho rằng, việc các nhà văn, tác giả Việt Nam đạt được thỏa thuận với Google sẽ tạo một tiền lệ tốt, một bước ngoặt lớn trong việc tạo thói quen thanh toán tác quyền khi sử dụng tác phẩm.

- Song song với quyền lợi tất nhiên phải là nghĩa vụ. Khi các nhà văn Việt Nam tham gia ký kết hợp đồng với Google là phải chịu những ràng buộc nhất định. Theo bà, những ràng buộc ấy có bất lợi cho những lần tái bản tiếp theo hay không?

+ Đây không phải là những hợp đồng khai thác độc quyền mà chỉ là thỏa thuận về quyền hưởng thù lao khi có tác phẩm được khai thác. Vì thế sẽ không có ảnh hưởng gì đến việc tái bản tác phẩm trong nước. Vả chăng, trong số các tác phẩm được số hóa sẽ có những tác phẩm được chuyển ngữ. Điều này có thể làm thay đổi ý thức sáng tạo của nhiều người.

- Với khoảng 4.400 đầu sách đã được số hóa hiện nay, lộ trình tiến tới thực hiện thỏa thuận giữa VLCC với Google như thế nào để có thể "đòi" được tiền về cho các tác giả?

+ Trước mắt chúng tôi xác định có một khối lượng công việc khổng lồ như: Liên hệ, đàm phán với luật sư của Google về việc sử dụng các tác phẩm bao gồm các tác phẩm đã được số hóa và chuẩn bị số hóa; tập hợp, phân loại và hình thành cơ sở dữ liệu về các cuốn sách đã được Google số hóa. Sau đó mới đến việc đòi tiền bồi thường từ phía công ty và phân phối số tiền này đến với các chủ sở hữu Việt Nam. Chỉ tính riêng khoản tiền thu được từ các tác phẩm đã được số hóa, con số đã lên tới 4-5 tỉ đồng, gấp mấy lần số tiền trung tâm thu được trong suốt gần 5 năm hoạt động từ khi thành lập (tháng 12/2004) đến nay. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng.

- Trong số các nhà văn, tác giả có tác phẩm đang bị xâm hại, có nhiều người chưa ủy quyền cho Trung tâm đại diện cho mình. VLCC sẽ ứng xử với những trường hợp này như thế nào?

+ Hiện đây là một vướng mắc lớn đối với VLCC, vì trong số các tác phẩm bị Google số hóa có rất nhiều tác phẩm phi hư cấu như công trình nghiên cứu, tác phẩm báo chí... Trong khi đó, VCLL lại là đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, là tổ chức bảo vệ quyền tác giả đối với những tác phẩm hư cấu. Vì thế, chúng tôi đang rất cần đến một "Giấy phép mở rộng", cho phép chúng tôi đại diện cho các tác giả thuộc cả lĩnh vực phi hư cấu nữa, như thế thì mới "danh chính ngôn thuận" để đi đòi tác quyền. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tập hợp các hợp đồng ủy quyền, thuyết phục các chủ sở hữu để cho chúng tôi làm đại diện, dù như thế chỉ có lợi cho họ. Còn nếu họ không đồng ý thì đành chịu. Trong danh sách gửi đến Google, chúng tôi phải ghi rõ tác phẩm nào do NXB ủy thác, tác phẩm nào do tác giả ủy thác, đồng thời phải kèm theo cả hợp đồng ủy thác thì mới thuyết phục được họ.

- Theo đánh giá chủ quan của bà thì tỉ lệ thành công của " vụ" này sẽ là thế nào?

+ Theo tôi, tỉ lệ thành công là rất cao, có thể lên tới 100%, kết quả chắc hẳn sẽ rất hứa hẹn nếu chúng ta đoàn kết một lòng. Tôi cho rằng, riêng với việc thỏa thuận với các tác phẩm đã bị số hóa, chúng tôi không còn cách bờ bao xa.

- Bà nghĩ sao về trường hợp nhà văn Trần Thị Trường - người từng đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc VCLL - trong một phỏng vấn gần đây lại nói rằng sẽ tự mình đàm phán với Google?

+ Tôi vẫn cho rằng, trong môi trường kỹ thuật số phát triển rầm rộ như hiện nay, một cá nhân sẽ thật khó kiểm soát mà nên ở trong một tập thể. Vả lại, theo tôi, phân công lao động trong xã hội đang ngày càng hợp lý: Nhà văn thì cứ việc viết văn, những khâu khác sẽ có các tổ chức, cá nhân khác giúp. Còn tại sao nhà văn Trần Thị Trường phủ nhận vai trò của quản lý tập thể về quyền tác giả thì tôi xin không bình luận. Tôi chỉ thấy buồn về chuyện này.

- Thực thi bản quyền ở Việt Nam vẫn là câu chuyện rất nan giải. Có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ cuộc như hai đồng sự của mình là nhà thơ Nguyễn Phan Hách và nhà văn Trần Thị Trường?

+ Có chứ. Tôi vẫn nói rằng, làm bản quyền ở Việt Nam khó như "Lắc cỗ máy trờn răng/ Kéo con thuyền ngược nước". Thơ của tôi đấy! Lần họp đầu tiên của trung tâm, tôi đã nói rằng phấn đấu trong năm đầu tiên thu được 100 triệu tiền bản quyền. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách lúc ấy là Giám đốc Trung tâm còn cười tôi là người... không tưởng vì anh ấy bảo: "Thu ở đâu? Thu bằng cách nào?". Mấy năm trước, quả là nguồn thu không đáng kể, nhưng chỉ tính riêng nửa đầu năm 2009 đã thu được 700 triệu, hơn cả mấy năm trước cộng lại. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Giờ đây, đứng trước vụ thương thảo này, chúng tôi xem như người đi đánh cá đang vào đúng luồng lạch, tìm thấy nguồn cá và chỉ còn việc đánh bắt thế nào thôi.

- Nghe nói, mấy năm qua nguồn thu của VLCC thấp nên đời sống của anh chị em trong trung tâm khá... chật vật. Bà đang hy vọng vụ thương thảo với Google sẽ là một... mẻ cá lớn bù đắp những thiếu hụt trong thời gian qua?

+ Mặc dù là một tổ chức còn non trẻ, song VLCC đang được bạn bè quốc tế tuyên dương là tích cực, năng động trong việc thực thi vấn đề bản quyền. Vì thế họ rất muốn giúp đỡ Việt Nam. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi trưởng thành nhanh hơn. Riêng thương vụ với Google, nếu thành công chúng tôi được giữ lại 20% phí bản quyền. Đây là mức thu thấp, vì pháp luật cho phép thu tới 30% và với các vụ xâm phạm có thể lên tới 40%. Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2011 trở đi, doanh thu từ bản quyền đạt 10 tỉ đồng và phấn đấu đạt 1 triệu đôla ở những năm sau. Trước đây, VLCC lấy được ủy thác quyền từ các nhà văn, tác giả rất khó khăn vì các tác giả vẫn còn tâm lý e sợ điều này điều kia, vì thế muốn tự làm. Nhưng đến nay đã có nhiều tác giả tự tìm đến Trung tâm rồi.

- Nếu đạt được thỏa thuận mang tính quốc tế này, bước tiếp theo VLCC sẽ làm những công việc cụ thể nào đối với những trang web trong nước đang có những hoạt động vi phạm bản quyền tác giả văn học?

+ Tôi cho rằng, khi thỏa thuận với Google thành công sẽ làm cho các trang web trong nước giật mình hoặc có ý thức giác ngộ về vấn đề thực thi bản quyền tác giả. Hiện nay, chúng tôi đang tổng điều tra đối với 15 trang web có nhiều hoạt động vi phạm để tiến tới tìm được tiếng nói đồng thuận trong việc thanh toán tác quyền. Nếu các trang web vẫn tiếp tục vi phạm, chúng tôi phải tìm đến cách quy trách nhiệm liên đới. Chúng tôi  hy vọng, sau những nỗ lực này có thể giúp tạo nên một nền nếp thực thi tác quyền văn minh trong môi trường internet.

- Xin cảm ơn nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến!

Việt Hà (thực hiện)
.
.