Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: Mẹ gom phần chót cuộc đời ru con

Thứ Năm, 25/08/2011, 08:10

Nói đến nhà thơ Đỗ Bạch Mai, người ta thường thấy bóng dáng của người chồng đã có ảnh hưởng rất lớn đến con đường thơ văn của bà - nhà thơ Bế Kiến Quốc - dù ông ra đi đã gần mười năm. Cũng bởi sự mất mát này, nhà thơ Đỗ Bạch Mai thường lặng lẽ ở một góc của đời sống ồn ã. Bà lặng lẽ làm việc, lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ với thơ ca...

- Thưa nhà thơ Đỗ Bạch Mai, đã lâu rồi, kể từ ngày bà nghỉ hưu tại Báo Văn nghệ, một tờ báo đã gắn bó với bà khá nhiều năm, hình như bà lặng lẽ hơn với cuộc sống, với thơ văn? Liệu có phải bà đang ở quãng dừng để nạp năng lượng chuẩn bị cho một sự bứt phá mới?

+ Quả thật từ khi nghỉ hưu, tôi như người "gác kiếm", gần như lặng lẽ với thơ văn. Tôi như đang ở một trạng thái "cần nạp năng lượng" sau khi trút bỏ sinh lực của mình vào tập thơ "Một mình đi trong mưa". Sau tập thơ ấy, viết cái gì cũng đều thấy nhẹ tay, đọc lại thấy không thích. Hiện tôi đang dồn sức để hoàn thành tập thơ "Gió vẫn còn thổi mãi", nhưng chưa có thể xong được ngay. Còn với cuộc đời, tôi không hề lặng lẽ, tôi sống thực với đời thường. Và tôi còn ngộ ra: Chẳng lẽ đây mới là cuộc đời thực sao? Một cuộc đời mà biết bao con người đang phải đối mặt với miếng cơm manh áo. Về hưu rồi không hề có một đồng nào trong sổ tiết kiệm mà vẫn phải sống, phải lo lắng gánh vác bao nhiêu công việc của bên nội bên ngoại. Tôi lại là người ham hoạt động, không chịu ngồi yên. Thế là nhận làm việc cho một tờ báo do nhà văn Lê Lựu làm Tổng biên tập.

Thành công lớn nhất của việc làm tờ báo này là đã đào tạo cậu con trai đang học Trường Mỹ thuật Yết Kiêu thành họa sĩ trình bày báo. Còn làm kinh tế thì lỗ vốn. Thế là chuyển sang làm sản xuất gia công sau in. Cũng sản xuất ra các sản phẩm văn hóa. Hàng ngày sách nó đến tay mình và mình hoàn thiện nó để nó đến với người đọc. Muốn làm được đàng hoàng phải có tư cách pháp nhân, tôi đứng ra thành lập "Công ty Cổ phần Văn hóa Thương hiệu Việt", vô cùng khó khăn vất vả, nhưng mà say mê. Biết đâu, chính nhờ những năm tháng này lại viết được một cái gì đó về cuộc sống thực mà bấy lâu nay, quẩn quanh với văn chương bên bàn biên tập mình không biết được.

- Có lần bà đã tâm sự rằng, bà yêu thơ từ bé, nhưng cho đến ngày gặp nhà thơ Bế Kiến Quốc thì biết chắc rằng, mình đã tìm được đường đi cho đời mình: thơ ca và báo chí. Câu chuyện này là thế nào, bà có thể chia sẻ?

+ Tôi làm thơ từ bé. Nhưng thực sự phải tới khi gặp Bế Kiến Quốc (năm 1975) thì cuộc đời tôi mới bước sang một bước ngoặt của định mệnh. Bởi vì nếu không gặp Bế Kiến Quốc thì tôi sẽ mãi mãi chỉ là một cô giáo dạy văn. Bế Kiến Quốc là một người yêu mến, tin tưởng tôn trọng tôi và luôn luôn động viên tôi phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, khi chuyển về Báo Văn nghệ, được làm việc trực tiếp với các anh các chị phụ trách báo, là những cây đa cây đề của làng văn như Nguyễn Văn Bổng, Đào Vũ, Nguyên Ngọc, Phạm Hổ...

Những năm đầu ở Báo Văn nghệ tôi cũng rất lúng túng để xác định được khả năng của mình. Anh Quốc động viên tôi viết các bài bình thơ từ trong ca dao vì anh tin vào khả năng thẩm thơ và bình thơ của tôi. Cho đến khi tôi bắt đầu viết và được in bài thơ đầu tiên trên Báo Văn nghệ, tôi mới như tìm thấy được chính mình. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi sáng tác chùm thơ đầu tiên và đưa cho các anh chị trong cơ quan đọc thì anh Hồng Phi và anh Phạm Tiến Duật có nói: "Thế là ông trời bắt cô làm thơ rồi!". Tôi hiểu đấy là những lời động viên rất lớn đối với mình. Còn Bế Kiến Quốc thì sau khi xem chùm thơ đầu tiên đó, anh nhìn tôi đầy thương mến và nói: "Đấy chính là thơ đấy em ạ!".

Anh Quốc vừa là chồng, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn bè và thực sự là người thầy của tôi. Ban đầu anh rất muốn tôi là một nhà nghiên cứu văn học. Nhưng tôi là một người không quen ngồi lâu một chỗ, thiếu kiên nhẫn, tôi thích làm thơ trên đường đi, ngồi trên xe ô tô, trong những đêm mất ngủ, trong những nỗi buồn... Có lần anh nói tôi làm thơ tài tử hơn anh, bởi vì tôi hay ngẫu hứng. Còn anh thì quen ngồi trước máy chữ, trong sự yên tĩnh, suy nghĩ. Lúc còn sống anh ước vọng là sau này về hưu, nhàn rỗi, hai vợ chồng sẽ ra các tuyển thơ, các tập chân dung nghệ sĩ do cả hai cùng hợp lực làm. Nhưng chưa kịp thực hiện thì anh đã ra đi. Một mình tôi không làm nổi, tôi nghĩ rằng tôi chỉ có lo ra các tập sách mà anh đã viết cũng đã quá nặng rồi.

- Bế Kiến Quốc là một nhà thơ kiệm lời nhưng thơ văn của ông thì có ảnh hưởng tới nhiều người bạn văn cùng thời. Bà còn nhớ kỷ niệm nào giữa bà, nhà thơ Bế Kiến Quốc và những người bạn văn của gia đình?

+ Tôi may mắn kết duyên cùng Bế Kiến Quốc và thế là tôi nghiễm nhiên được tiếp nhận những mối quan hệ của anh, đặc biệt có nhiều kỷ niệm về nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu. Tôi còn nhớ, tháng 11/1985 tôi sinh con trai Thái Văn. Chúng tôi có ý định là khi cháu tròn 1 tháng sẽ mời bác Xuân Diệu đến nhà. Nhưng cháu mới được 3 tuần thì thấy bác đến.

Hôm ấy anh Quốc đi công tác, chỉ mình tôi ôm con ở nhà. Nhà thơ Xuân Diệu nói: "Anh đến xem thằng cu Thái Văn như thế nào!", rồi ông đưa cho tôi một cái lọ penicillin trong đó có đựng một cái nhẫn 1 chỉ vàng. Ông nói: "Thím cầm lấy cất đi để dành cho thằng Thái Văn đi hỏi vợ!". Tôi ngỡ ngàng, không dám nhận nhưng từ chối thì bị nhà thơ Xuân Diệu… mắng! Khi anh Quốc về, tôi kể lại chuyện ấy, anh Quốc đến gặp Xuân Diệu và nói: "Sao anh lại làm thế?".  Anh Xuân Diệu bảo: "Anh già rồi, chẳng biết sống chết thế nào, anh mang đến làm quà cho cháu trước!".

Chẳng biết có phải điềm gở không. Một tuần sau anh qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Nhà thơ Xuân Diệu là người rất quan tâm đến những người anh yêu quý. Hồi ấy anh Diệu có sổ được mua tiêu chuẩn cao cấp ở phố Nhà Thờ, lúc thì anh mua cho chúng tôi cái bàn là, mấy cái bát, lúc thì mấy cái cốc chén, lúc thì cho cái màn. Đi Liên Xô về tặng anh Quốc chiếc đồng hồ Ponzot. Anh Quốc quý lắm, nhưng năm 1980 mẹ tôi ốm nặng, anh Quốc phải bán đi lấy tiền bồi dưỡng cho bà. Lúc gặp không thấy anh Quốc đeo đồng hồ trên tay, Xuân Diệu hỏi: "Đồng hồ đâu rồi Quốc?". Anh Quốc thú thật chuyện bán đồng hồ và xin lỗi Xuân Diệu. Tưởng Xuân Diệu sẽ giận, nào ngờ ông nói: "Em làm thế là phải!", sau đó ông mở tủ lấy một cái đồng hồ mới khác bảo anh Quốc đeo vào. Thơ và cuộc đời của Bế Kiến Quốc có nhiều sự đồng điệu từ những tấm lòng bè bạn. Tôi đang tập hợp lại và dự định sẽ in những bài viết của bạn bè về anh. Cuốn sách có tên là "Dòng sông vẫn chảy" vì anh Quốc từng rất thích hai câu thơ của mình: "Hãy nhìn anh như nhìn một dòng sông/ Luôn luôn chảy luôn luôn đi tới....".

- Trong ấn tượng của tôi, bà là một nhà thơ dịu dàng, đằm thắm. Thơ của bà có âm hưởng buồn, dù đó là một bài thơ viết về tình yêu hoặc hạnh phúc. Đặc biệt là những bài thơ trong tập "Một mình đi trong mưa" viết sau sự ra đi của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Điều gì khiến cho thơ Đỗ Bạch Mai lại không thoát ra được những dấu ấn đó?

+ Trước khi Bế Kiến Quốc mất, anh làm Báo Người Hà Nội, còn tôi làm Báo Văn Nghệ trẻ. Cứ tối thứ tư hàng tuần, khi anh hoàn thành các trang báo, anh thường qua Báo Văn nghệ đón tôi cùng về. Sau cái tuần mà anh mất, tôi đi làm và thấy trống rỗng, cô đơn khủng khiếp. Một hôm, khoảng 9 giờ tối, trời lại mưa to, tôi mặc áo mưa ngồi trên xe máy lầm lũi đi trong mưa và nhớ đến câu ca dao: "Con cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về", vừa buồn vừa tủi tôi nảy ra một ý nghĩ phải viết một bài thơ lấy tên là "Một mình đi trong mưa" và tên của tập thơ cũng được ra đời từ đó. Chuẩn bị cả tập thơ gần như xong nhưng bài thơ "đinh" của tập thì chưa có, dù đã có tứ thơ rồi. Tôi vật vã với bài thơ hết cách viết này đến cách viết khác đều không hài lòng. Bỗng nhiên, trong một đêm, hình ảnh những con cò lại hiện ra và loé lên trong đầu tôi những câu thơ: "Từ nay cò đi/ Thân cò lận đận/ Một mình nuôi con". Tôi vùng dậy. Cả bài thơ cứ thế tuôn trào cùng với dòng nước mắt. Thực ra, tôi không nghĩ rằng số phận tôi không may mắn, vì dẫu sao mình cũng được sống, được khẳng định mình, mình được yêu người và được người yêu, đó là hạnh phúc. Còn anh Bế Kiến Quốc ra đi quá sớm thì đó là số phận. Tôi phải vượt qua tất cả nỗi niềm trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao cho các con tôi không khổ, không vất vả. Các con mất bố sớm, đó là một sự thiệt thòi, vì thế mà mẹ phải cố gắng bù đắp cho các con. Trong câu kết của bài thơ "Lại hát ru con" tôi đã viết: "Mẹ gom phần chót cuộc đời ru con" cũng bao hàm ý đó. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả vì các con để chúng không bao giờ phải hổ thẹn vì bố mẹ.

- Xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Bạch Mai!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.