Nhà thơ Chế Lan Viên những ngày ở Viên Tĩnh Viên

Thứ Bảy, 13/06/2009, 14:30
Trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, mấy anh em chúng tôi thường theo đội nuôi ong đến các miền hoa đồng bằng Nam Bộ. Lần ấy, chúng tôi về Lái Thiêu. Theo lệnh của Trinh đoàn trưởng (chúng tôi thường gọi đùa nhà thơ Trinh Đường là Trinh đoàn trưởng), chúng tôi đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên ở tổ 14 quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Để hâm nóng tình cảm, trước khi đi, Trinh Đường đọc lại cho mọi người nghe bài thơ "Tân Bình đã thành quê" của Chế Lan Viên viết năm 1982:

Tôi về sống Tân Bình
Khí trời thanh như lọc
Ruộng vườn dân vây quanh
Tình nhân dân đùm bọc

Trinh Đường, Trần Nguyên Vấn, Vũ Đình Minh và tôi tìm loanh quanh khắp các ngõ xóm. Một cháu gái chừng mười lăm tuổi vồn vã hỏi: "Các bác tìm nhà thơ Chế Lan Viên phải không ?". Cháu dẫn chúng tôi vào tận cổng và gọi to: "Bác Chế Lan Viên có khách". Đợi cho người nhà ra, cháu gái "bàn giao khách", rồi mới chia tay chúng tôi. Cử chỉ nhỏ ấy đủ làm chúng tôi ấm lòng khi đặt chân đến mảnh đất xa lạ này.

Chế Lan Viên đang ngồi viết. Tay phải anh bị gãy, đang bó bột. Anh  tập viết bằng tay trái. Chữ anh vốn đã ngoằn ngoèo, càng ngoằn ngoèo. Hàng chục tờ giấy lộn xộn, ngoằn ngoèo chữ như giun bò...

"Tránh hỏa gặp thủy, các cậu ạ.." - Anh cười khịt khịt, rồi giải thích xuất xứ câu thành ngữ do anh sáng tác "Tránh hỏa gặp thủy" :

Vào Sài Gòn, vợ chồng anh được Hội Nhà văn ứng trước một năm lương, cộng với tiền bán xe đạp và các thứ lặt vặt khác được 6.000 đồng. Mua một ngôi nhà ở ga Hòa Hưng, còn lại một ít tiền thì mua sách. Dạo đó, người ta bán sách đầy ở các vỉa hè. Người di tản, người đi khu kinh tế mới, người về quê, người chuyển nhà.... đem sách ra bán.

Sách dịch. Sách sáng tác. Sách nghiên cứu.... Sách nhiều vô kể. Ngày nào anh cũng đi lục tìm mua sách ở vỉa hè. Sách đem về chất đầy nhà.

Anh chợt phát hiện ra: Trước nhà mình và quanh nhà mình, người bán xăng lậu rất nhiều. Nhỡ không may xăng cháy, cái kho sách nhà mình dễ bắt lửa, nhà cháy mà người cũng cháy.

Anh nhờ người manh mối, mua được ngôi nhà ở Tân Bình, có ao, có vườn, yên tĩnh. Cả một đời lao động, bây giờ mới có một căn nhà tử tế. Tưởng là đã ổn, ai ngờ mùa mưa, nhà dột, vườn bị ngập. Anh đánh trần đào mương tiêu thủy, ai dè bị ngã, gãy tay phải . Vậy là "tránh hỏa gặp thủy".

*

Hồi còn ở Hà Nội, Chế Lan Viên được phân một căn phòng nhỏ tại 51 Trần Hưng Đạo. Ngày nào cũng đông khách. Khách bàn công việc. Khách văn chương. Khách tán chuyện gẫu... Phải tiếp khách mất nhiều thì giờ quá, vạn bất đắc dĩ, anh đặt trên bàn mảnh giấy có viết mấy chữ: "Xin lỗi, chỉ tiếp khách 15 phút". Vào Tân Bình, khách thưa. Anh nói - vẫn là cách nói hóm hỉnh của Chế Lan Viên: "Chỉ có ba hạng người đến đây. Một là người thân. Hai là người có việc. Ba là kẻ muốn giết mình".

"Mơ được mảnh vườn của Tự lực văn đoàn, lại vớ phải mảnh vườn của Chí Phèo - Thị Nở. Ghét của nào trời trao của ấy" - Anh cười bảo.

Một lần khác, giữa mùa khô, Trinh đoàn trưởng lại dẫn chúng tôi đến thăm Chế Lan Viên. Chị Vũ Thị Thường đang chăm đàn gà. Anh Chế Lan Viên đang viết. Tay phải không phải bó bột nữa. Các động tác của anh thoải mái hơn, tự nhiên hơn. Anh dẫn chúng tôi ra dạo vườn. Nước ao cạn kiệt. Lá rụng phủ dày đáy ao. Cây trơ cành.... Như thế đấy, mảnh vườn của nhà thơ... Nhưng, theo anh, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng của nó. Cảm xúc mình thay đổi theo mùa. Thương cành cây trụi lá thì lại càng hân hoan khi cành cây mướt lộc...

Mảnh vườn đã đem đến cho anh nhiều niềm vui. Vào khoảng giữa buổi sáng, giữa buổi chiều, anh ngừng viết hoặc ngừng đọc sách, ra chăm vườn. Không quy hoạch từ đầu, cứ mang được cây nào về là anh trồng vào khoảng đất trống. Trên mô đất kia là cây dừa, ở góc này là cây mận. Phía bờ ao nọ là cây cam... Khóm hương nhu trồng trên bờ ao cho cả nhà hái gội đầu. Lại có một cây ổi dành riêng cho cô con gái út Phan Thị Vàng Anh....

Theo chị Thường cho biết, nhiều lúc anh mặc quần đùi, đánh trần, cuốc vườn, y hệt một người nông dân, và cũng cố làm ra vẻ một người nông dân.

Ngày nào anh cũng dành một ít thì giờ ngắm nghía thành quả lao động của mình. Anh mê mải ngắm dò phong lan, sờ nhẹ vào quả xoài, nâng cành cam... y hệt một đứa trẻ có đồ chơi lạ.

Bạn thân vào thăm, anh cũng khoe thành quả lao động ấy. Trong nhóm chúng tôi, chỉ có nhà thơ Trinh Đường là cùng lứa tuổi với anh Chế Lan Viên. Trần Nguyên Vấn, Vũ Đình Minh và tôi thuộc lớp đàn em. Trinh Đường chu đáo, bảo chúng tôi góp tiền để mua hoa quả mang vào làm quà. Anh cười: "Các cậu mua quà cho trẻ con thì để đây cho Vàng Anh. Còn bây giờ ta ra vườn...". Chúng tôi đi theo anh. Anh vừa hái quả vừa nói: "Cậu nào thích ăn quả gì thì hái quả ấy. Tự mình hái quả để ăn sẽ thấy ngon hơn người khác hái...".

Anh tự đặt tên cho nơi ở của mình và mảnh vườn của mình là "Viên Tĩnh Viên":

Hoa trái nghèo, xuân sắc bỏ quên
Mảnh vườn bé bỏng vốn không tên
Xanh um chỉ có màu xanh cỏ
Anh đặt cho lòng: Viên Tĩnh Viên.

Chúng tôi vào thăm anh ở Viên Tĩnh Viên lúc anh đã ngoài sáu mươi tuổi. "Qua hơn bốn mươi năm làm thơ - Anh nói -  Bây giờ mình mới tổng kết được một mô hình về phương pháp làm thơ thì đã già rồi. Nhưng mình cố gắng thực hiện theo cái mô hình ấy trong những năm cuối đời".

Trinh Đường xen vào: "Thi bất kinh nhân tử bất hưu" (Chưa viết được câu thơ động lòng người thì đến chết cũng không nghỉ). Chế Lan Viên cười khịt khịt, ghép lẫn lộn Hán Nôm để chơi chữ: "Mình không dám nói kinh nhân mà là kinh tôi".

Trong những năm cuối đời, Chế Lan Viên lao động với một tốc độ khẩn trương. Thời gian hối thúc:

Anh như ông vua Thục
Bị đuổi khỏi thời gian
Trước mặt là bể lớn
Sau lưng, đất chẳng còn

(Đề từ)

Anh sắp xếp lại thư viện gia đình. Bổ sung thêm sách. Tự kiểm tra mình còn thiếu mảng kiến thức nào thì ra phố lục tìm ở các hàng đồng nát. Dạy cho cô con gái út Vàng Anh học: Dạy thơ Đường để ôn lại tiếng Hán và thơ Đường, dạy thơ Pháp để ôn lại tiếng Pháp và thơ Pháp. Trong khi làm thầy giáo, đồng thời làm học trò. Trước khi dạy cho con bài thơ nào, anh xem lại cặn kẽ nghĩa từng câu từng chữ và học thuộc lòng. Ngồi đối diện với con để giảng bài, anh không cần nhìn vào sách. Như thế, lời giảng sẽ lưu loát hơn, học trò dễ tiếp thu và thầy giáo cũng hưng phấn để tiếp nhận thêm cái hay của bài thơ.

Đối với anh, thời gian là vàng ngọc, nhất là chặng đường cuối đời này. Nhưng anh lại dành nhiều thời gian để viết thư cho bạn bè. Viết thư cho bạn cũng là phương pháp nuôi dưỡng tình cảm và bồi bổ kiến thức... ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi gặp anh Tế Hanh. Lần gặp nào anh cũng nói: "Mình vừa nhận được thư của Chế Lan Viên".

Tôi thuộc lớp nhà thơ đàn em và là học trò của anh. Nhưng cứ một vài tháng tôi lại nhận được thư của anh từ Viên Tĩnh Viên gửi ra. Nội dung thư thường là những câu thơ Pháp hay mà anh mới đọc được trong một cuốn sách hoặc một tờ báo nào đó. Anh lại còn phân tích cái hay của những câu thơ ấy.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi dưới tán cây, anh khen mấy truyện ngắn, mấy bài bút ký mà anh vừa đọc trên các báo. Anh đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe những câu thơ anh thích của Tôn Quang Phiệt in trong tập thơ "Thơ ca cách mạng", của Đoàn Vị Thượng in trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Chứng tỏ bài của bất kỳ tác giả nào, già hay trẻ, nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, anh đều đọc với thái độ trân trọng để thu lượm những điều bổ ích.

Mở rộng vấn đề, anh tâm sự: "Tạo hóa tạo ra con tôm, Tề Bạch Thạch vẽ ra hàng trăm con tôm khác nhau. Tạo hóa tạo ra con ngựa, Từ Bi Hồng vẽ ra hàng trăm con ngựa khác nhau. Ở Việt nam từ một hình tượng Thánh Gióng, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ ra nhiều Thánh Gióng khác nhau...".

Với nhận thức đó, anh đã tạo cho mình một phương pháp lao động thi ca. Một ý thơ anh diễn đạt ra nhiều câu ở nhiều dạng khác nhau: lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn.... Cuối cùng, chọn câu nào ưng ý nhất và anh sửa đi sửa lại câu đó rồi chép sạch sẽ. Trong sổ tay của anh có mấy trăm câu thơ hoàn chỉnh, anh học thuộc lòng, và câu thơ sẽ nhảy vào một vị trí thích hợp trong một bài thơ nào đó.

Một tứ thơ anh diễn đạt ra nhiều bản nháp khác nhau với nhiều kiểu thơ khác nhau. Cuối cùng chọn bản nào ưng ý nhất và sửa đi sửa lại bản nháp đó.

Nhiều người nghĩ rằng: Nhà văn cần nhiều thời gian hơn nhà thơ, nhà văn dùng bút giấy nhiều hơn nhà thơ. Với nhà thơ Chế Lan Viên, thời gian lao động và bút giấy sử dụng cũng "tốn" như nhà văn, thậm chí còn tốn hơn.

Anh đặt quyết tâm trong những năm tới, phải làm cho được một nghìn bài thơ để chọn lấy một trăm bài. Anh như một lực điền cày cuốc trên cánh đồng thi ca trước khi trời sập tối để tạo ra những mùa thu hoạch mới. Người xưa nói "lão lai tài tận". Với Chế Lan Viên, "lão lai tài phát".

Sau khi anh qua đời, chị Vũ Thị Thường phải dành nhiều thời gian để thu lượm và sắp xếp lại bản thảo của chồng bỏ rải rác trên bàn, trong ngăn kéo, trên giá sách... Bản thảo được nháp trên nhiều loại giấy: trong sổ tay, trong vở học trò, trên phong bì lộn trái, mặt trắng của một tờ giấy đã dùng, khoảng trống của một tờ báo.... Chữ của anh lại rất khó đọc. Nét chữ đuổi nhau, chồng lên nhau, dường như anh phải mở hết tốc độ ngòi bút đuổi theo ý nghĩ....

Theo chị Thường, tổng số di cảo của anh có khoảng 700 bài. Chị đã chọn in 566 bài vào ba tập "Di cảo tho Chế Lan Viên" (NXB Thuận Hóa, 1992, 1993, 1996). Đây là mùa thu hoạch thịnh vượng cuối cùng của thi sĩ tại Viên Tĩnh Viên

Võ Văn Trực
.
.