Nhà thơ Bùi Kim Anh: Lãng đãng sương mai vơi nỗi niềm

Thứ Hai, 31/12/2012, 08:00

Tôi gặp nhà thơ Bùi Kim Anh trong căn nhà của chị, nơi ngõ nhỏ yên tĩnh, đường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Vợ chồng chị sống cùng hai cô con gái và bốn đứa cháu ngoại, đều là cháu trai, trong đó có bé Thiện Nhân, quê ở Núi Thành - Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay khi mới lọt lòng, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục mà Trần Mai Anh, con gái chị đã nhận làm con nuôi.

Hàng ngày, Bùi Kim Anh vừa lo việc nhà, vừa lo giúp con gái trông nom các cháu, trông Thiện Nhân sau những ca mổ tái tạo đường sinh dục. Một chiếc máy tính màu đỏ sẫm trông rất "nữ tính" luôn bên cạnh để chị viết, cập nhật tin tức, biên tập bài cho chính blog của mình. Chị nói với tôi, đó là niềm vui, niềm say mê, là nơi chị "còng lưng lấy câu thơ làm gậy" (thơ Bùi Kim Anh).

Quê gốc Thái Bình, cho dù chẳng ngày nào sống ở cố hương nhưng chị rất hay nhớ về làng Trình Phố, nơi chào đời của mẫu thân chị. Mẹ của nhà thơ là một nữ hộ sinh Đông Dương xưa, rất giỏi văn chương. Tuổi thơ của Bùi Kim Anh trôi đi trong êm ả, đủ đầy, nhưng lại luôn khắc khoải một nỗi buồn trống vắng vì sự xa cách của cha mẹ như chị đã viết "suốt cuộc đời con đâu hiểu tình yêu người bố". Hẳn vì thế mà những bài thơ viết về tuổi thơ của Bùi Kim Anh thường trực một nỗi u hoài, ám ảnh cô đơn.

Có năng khiếu văn chương và yêu thích ca hát, nhưng Bùi Kim Anh đã chọn ngành sư phạm. Gắn bó trọn vẹn những năm công tác của chị là nghề dạy văn tại một số trường PTTH ở Hà Nội - từ trường cấp 3 Cổ Loa, đến trường cấp 3 Bạch Mai và cuối cùng là Trường PTTH Hoàn Kiếm - Trần Phú. Bùi Kim Anh tâm sự với tôi, chị yêu công việc của mình, gắn bó với các thế hệ học sinh. Họ chính là niềm động viên, là nguồn sống tinh thần rất lớn trong cuộc sống của chị. Bùi Kim Anh cũng có khi phải dạy thêm như bao giáo viên khác để có thêm thu nhập. Dạy ở trường chính, dạy luyện thi, dạy cả ở ngôi trường Đinh Tiên Hoàng, nơi có nhiều học sinh cá biệt những năm mới lập trường này; dạy văn ở lớp chuyên Hóa Trường Đại học Tổng hợp. Dạy văn cho học trò chưa ngoan, cho học sinh thi khối C, D; cho học sinh thi khối A, B. Dạy ở trường nào, với Bùi Kim Anh không phải là điều quan trọng, thậm chí chị còn muốn thử sức mình với mọi đối tượng học trò. Tình yêu văn chương, yêu nghề đã giúp chị vượt qua nhiều thử thách. Sự thành đạt của học sinh chính là cội nguồn đem lại cho chị những niềm vui lớn lao. Về hưu đã hơn 10 năm, nhưng học trò vẫn về thăm cô. Bùi Kim Anh đưa lên blog của mình khá nhiều hình ảnh gặp gỡ giữa cô và trò, những lần hội họp với các thế hệ học sinh. Cô giáo Bùi Kim Anh tâm sự tiếp: Rất may chị đã về hưu đúng lúc xảy ra hoạn nạn lớn với chồng chị, nhà báo Trần Mai Hạnh. Những ngày sóng gió ấy, nếu còn tại vị, chị sẽ rất khó đứng vững trên bục giảng mà truyền thụ kiến văn cho học trò. Về hưu, chị dành được trọn thời gian cho chồng con, chèo chống trong cơn bão tố.

Kể về cái thuở ban đầu đến với tình yêu, chị xúc động rưng rưng lệ. Cô giáo dạy văn Bùi Kim Anh được một cô bạn làm mối cho nhà báo trẻ Trần Mai Hạnh. Anh tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp trước đó mấy năm, về công tác ở Việt Nam Thông tấn xã, rồi đi chiến trường trong cương vị phóng viên mặt trận. Năm 1972, trong những ngày tháng oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, anh từ chiến trường ra. Họ đã kết hôn bằng một đám cưới đơn giản. Bánh kẹo, trà, thuốc lá đều mua theo bìa. Nhưng ấn tượng ở chỗ có rất nhiều bạn của Bùi Kim Anh đến đàn hát vui vẻ. 

Nhà thơ Bùi Kim Anh cùng các cháu ngoại (bé Thiện Nhân ngồi giữa).

Con gái đầu lòng Trần Mai Anh mới được 2 tuổi thì người cha lại khoác ba lô theo bước các đoàn quân trở lại chiến trường. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trần Mai Hạnh là một trong những nhà báo đầu tiên trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lịch sử. Anh là nhà báo có bài viết đầu tiên về những giây phút lịch sử thiêng liêng ấy.

Bùi Kim Anh nói: "Mọi người biết khá nhiều về thành công cũng như hoạn nạn của chúng tôi. Nổi tiếng hay tai tiếng cũng tùy nhãn quan từng người". Anh Trần Mai Hạnh chồng chị, hai nhiệm kỳ liên tiếp được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi anh dính vòng lao lý trong vụ trọng án năm 2002. Điều này ai cũng biết.

Những hoạn nạn xảy ra với gia đình Bùi Kim Anh theo chu kỳ cứ 10 năm một lần. Hoạn nạn sau thường nặng hơn hoạn nạn trước. Mười năm sau khi lấy chồng, một vụ hỏa hoạn lớn ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam khiến nhà anh chị cháy sạch. Mười năm tiếp theo, một vụ tai nạn giao thông khiến anh bị thương nặng tưởng không qua khỏi. Và rồi tiếp đến tai nạn kinh hoàng năm 2002 khiến anh không tránh khỏi vòng lao lý ấy. Cho dù lên thác hay xuống ghềnh, chị đã luôn bên anh, cùng anh chịu đựng, chống đỡ để vượt qua chuỗi nạn kiếp người. "Giá chúng ta có thể bỏ nhau lúc trẻ để nạn kiếp xé đôi/ nhưng số phận bắt cùng gánh chịu" (thơ Bùi Kim Anh).

Ba đứa con lần lượt ra đời trong khó khăn chung của thời bao cấp và chiến tranh. Một Trần Mai Anh, biết viết báo theo nghề cha, biết làm thơ do ảnh hưởng từ mẹ. Một Trần Mai Linh - con trai út là nhà báo theo nghề bố. Một Trần Hiền Anh - kiến trúc sư không chỉ biết vẽ đồ án thiết kế mà còn vẽ cả tranh nghệ thuật. Trong nhà anh chị treo toàn tranh con gái vẽ. Với chị, con cái là niềm tự hào, niềm an ủi lớn vì sau bao hoạn nạn, ba đứa con của chị vẫn vững vàng, ngoan ngoãn, được tín nhiệm trong công việc, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý. Cho dù ba đứa con là ba số phận khác nhau. Không phải con nào cũng may mắn, cũng khỏe mạnh và hạnh phúc. Bùi Kim Anh dành hết tình thương yêu cho chúng. Trần Mai Anh nuôi bé Thiện Nhân; vợ chồng chị đón con gái và các cháu ngoại về để tiện chăm sóc, đỡ đần. 

Thơ Bùi Kim Anh nhìn chung là buồn, ai đọc thơ chị cũng có cảm giác ấy. Bài nào cũng nặng trĩu nỗi niềm. Một tuổi thơ buồn. Một người đàn bà làm vợ với liên tiếp những hoạn nạn lớn. Viết thơ vui thật khó. Đọc thơ chị, tôi đếm được khá nhiều bài nói tới cái chết, "giá như tôi có thể đi ngay/ lúc này đây "… Tập đầu tiên của chị là "Viết cho mình". Chừng như cái tên tập thơ mang ý nghĩa "vạn sự khởi đầu nan" ấy nó ám vào con đường thi ca của Kim Anh. Số lượng những bài thơ chị viết cho mình khá nhiều. Những tập sau này, Bùi Kim Anh có thêm nhiều bài thơ thế sự, có bề rộng xã hội. Cũng phải thôi, người đàn bà làm thơ này truân chuyên quá, nhiều tâm tư quá.

Cứ rảnh rỗi lúc nào là Bùi Kim Anh viết. Chị gõ máy tính thay cho cầm bút. Càng lớn tuổi, càng khổ đau, chị càng ham viết. Báo nào mời viết bài chị cũng nhận lời. Bạn bè nào nhờ viết điểm sách chị cũng không chối từ. Thơ, tùy bút, tản văn, bình thơ… đủ cả. Viết với Bùi Kim Anh lúc này như là một sự "cứu rỗi linh hồn", một giải pháp chống lão hóa. Chị lo quỹ thời gian cuộc đời còn hạn hẹp, lo một ngày tật bệnh bất ngờ ập đến, vì vậy chị làm việc dường như không biết mệt mỏi.

Nhưng tai họa thì dường như Bùi Kim Anh không còn biết sợ nữa. Chị đã "lì đòn" của nó, quá quen với nó.

Buồn vui xếp cũng đã đầy
Có thêm cũng chỉ thêm dày vần thơ

Đúng vậy! Số phận đã thử thách người đàn bà mảnh mai này bằng những ngón đòn nghiệt ngã của nó. Nhưng chính sự nghiệt ngã ấy lại hối thúc chị viết ra những câu thơ có sức nặng:

Một mình gom cả ba gian
Một mình gom hết dở dang vào mình
Phơ phất bạc cũng chữ tình
Qua cơn u uất một mình mình thương

Ta vụng dại nhặt cánh hoa vụng dại
Xếp thành lời trên gác nhỏ lặng im

"Lãng đãng sương mai vợi nỗi niềm" được chọn làm tên bài viết là câu thơ của Bùi Kim Anh. Xem ra, nó ứng nghiệm với con người chị lúc này.

Gần đây, Bùi Kim Anh lập một blog cá nhân để giới thiệu các sáng tác của mình và của bạn bè. Có khá nhiều người đọc. Nhưng cũng có đồng nghiệp nói rằng "Già rồi cũng chơi blog". Mặc ai nói gì thì nói, Bùi Kim Anh lên mạng đều đều. Một người phụ nữ nhiều tuổi thạo máy tính, viết báo, làm thơ và chơi blog. Chị coi blog là một thú chơi trí tuệ. Ngoài đăng bài, nó dẫn dắt chị cập nhật thông tin, giao lưu, làm quen với những người bạn mới. Tất cả những việc đó đã giúp Bùi Kim Anh có thêm sinh lực để sống và viết trong những năm tháng quý giá còn lại của một kiếp người.

Hà Nội, tháng 12/2012

Lê Hoài Nam
.
.