Nhà thơ Anh Ngọc: Những câu thơ vẫn hành quân không nghỉ

Thứ Sáu, 06/06/2008, 15:00

Nhà thơ Anh Ngọc sinh vào mùa thu năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông giảng dạy ở Trường Thương nghiệp rồi trở thành lính thông tin liên lạc và gắn bó với quân đội đến tận bây giờ. Anh Ngọc từng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, biên tập viên của tạp chí Văn nghệ quân đội.

Ông nổi tiếng  từ chùm thơ được giải nhì cuộc thi Báo Văn nghệ 1972-1973 trong đó có bài thơ "Cây xấu hổ" sáng tác vào ngày 31-5-1972 tại mặt trận Quảng Trị. VNCA có cuộc trò chuyện với nhà thơ Anh Ngọc nhân "Cây xấu hổ" của ông tròn 36 năm...

-Thưa nhà thơ Anh Ngọc, có thể nói rằng đã hơn một phần ba thế kỷ đi qua, tên tuổi của ông luôn gắn liền với "tên tuổi" của "Cây xấu hổ". Bài thơ "Cây xấu hổ" đã được trao giải nhì trong cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1972-1973. Nhưng vượt ra khỏi giải, "Cây xấu hổ" đã có sức lan tỏa nhanh trong công chúng yêu thơ, nhất là thế hệ thanh niên sinh viên nhập ngũ vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đã có lần nghe ông tâm sự, bài thơ là niềm riêng trong chiến tranh. Xin ông trò chuyện đôi điều với độc giả hôm nay về "niềm riêng" ngày ấy.

+ Bài thơ "Cây xấu hổ" tôi viết trong khoảnh khắc ngắn ngủi của một chiều hè đỏ lửa năm 1972. Nhưng trước khi có khoảnh khắc ấy là chuỗi ngày không thể nào quên từ khi tôi trở thành người lính.

Ngày 6 tháng 9 năm 1971, tôi có lệnh nhập ngũ. Đại đội tân binh của chúng tôi hầu hết đã tốt nghiệp đại học và sinh viên. Những người lính trí thức ấy sau này khá nhiều người  đã thành danh trong văn học nghệ thuật như Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trung Thu… Huấn luyện xong, anh em chúng tôi được lệnh  vào chiến trường Quảng Trị. Tôi được điều về một đơn vị thông tin hữu tuyến và nhiệm vụ hàng ngày là rải dây hoặc bảo vệ tuyến thông tin liên lạc dọc đường số 9, một vùng chiến địa ác liệt, trên trời máy bay địch thường xuyên quần đảo, dưới đất bọn thám báo địch ẩn hiện khôn lường.

Còn nhớ, một buổi trưa, tôi một mình, một cây súng đi nối đường dây vừa bị đứt. Hai bên đường còn ngổn ngang dấu tích của những trận giao tranh tàn khốc... Đến một đoạn đường vắng, trên đầu bỗng xuất hiện một chiếc OV10. Phát hiện ra bóng người dưới đất, chiếc OV10 quay đầu lại "ngó nghiêng". Thực lòng, những lúc như thế, tôi không nghĩ tới điều gì to tát mà chỉ thường trực một phản xạ không điều kiện là nhảy bổ vào những bụi cây lúp xúp ven đường tránh bọn giặc trời. Và lần ấy, tôi đã lao ngay vào một lùm xấu hổ và bị loài cây nhỏ đầy gai này cào cho tứa máu.

Với tôi lúc ấy gai cào chỉ là chuyện nhỏ. Trong tôi chợt nảy ra một sự liên tưởng: Loài cây yếu ớt này trụ được giữa một nơi "lửa cháy bom rơi" và những chiếc lá biết khép mở hữu tình như mắt người kia, gợi cho ta về thế giới tâm hồn kín đáo, thẳm sâu và giàu sức sống của những chàng trai cô gái Việt Nam đi đánh giặc... Chiều ấy về đơn vị tôi đã viết về loài cây này.

- Vâng, mở đầu bài thơ có những câu rất thật: "Bờ đường 9 có lùm câu xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười/ Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Tất cả lộ nguyên hình trần trụi/". Nhưng những câu tiếp theo thì "Cây xấu hổ" như đã mang tâm hồn và trở nên gần gũi với người lính: "Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình/ Và chuyện này chỉ cây biết với anh". Những câu thơ như thể thực sự đã đồng cảm được với một thế hệ thanh niên ra trận...

+ Sinh thời nhà thơ Xuân Diệu và nhà phê bình văn học Hoài Thanh rất yêu bài thơ này. Xuân Diệu gọi những câu thơ trên là "sức lục hóa tâm hồn", còn Hoài Thanh thì gọi tôi bằng anh chàng "Cây xấu hổ"..

- "Cây xấu hổ" là một bài thơ hay. Điều ấy đã được bạn đọc khẳng định. Nhưng tôi còn được bạn bè trong giới văn chương nói rằng: Bài "Cây xấu hổ" đến được với cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm ấy là nhờ công lao của nhà thơ Nguyễn Duy?

+ Chuyện là thế này.  Giữa những ngày hè năm 1972, Thành cổ Quảng Trị diễn ra những trận chiến ác liệt thì tôi được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ đột xuất: vác súng đi bảo vệ đồng chí Nguyễn Duy, nhà báo của binh chủng Thông tin vào công tác. Chuyến đi của nhà báo thành công và nhiệm vụ bảo vệ của tôi cũng hoàn thành.

Về đến Hà Nội, vì nhớ Quảng Trị và cả nhớ người đã bảo vệ mình, thỉnh thoảng Nguyễn Duy lại nhờ binh trạm gọi điện vào cho binh nhì Nguyễn Đức Ngọc (tên thật của nhà thơ Anh Ngọc). Cần phải nói thêm rằng ngày ấy ở miền Bắc việc gọi điện từ tỉnh này sang tỉnh kia vô cùng khó khăn huống hồ là gọi từ Bắc vào Nam, mà lại gọi vào vùng chiến địa. Nhưng nói như các cụ "làm nghề nào ăn nghề đấy", tôi làm lính thông tin ở binh trạm tiền phương, còn Nguyễn Duy là nhà báo "người nhà" nên các anh em ở binh trạm Hà Nội cũng nể mà cho gọi nhờ.

Một lần đàm thoại, Nguyễn Duy bảo: "Ông viết được gì thì gửi ra". Nguyễn Duy còn mách nước: “Từ 12 giờ đêm máy sẽ đỡ bận, ông đọc mình chép". Nửa đêm hôm ấy ngồi trong khe núi phía bắc đường 9, tôi đã đọc cho Nguyễn Duy một chùm ba bài: "Cây xấu hổ", "Mưa trên mái tôn" và "Thơ vui tặng con". Hôm sau Nguyễn Duy mang chùm thơ đến báo Văn nghệ. Vừa may Văn nghệ đang mở cuộc thi thơ.

- Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã nhận xét: "Anh Ngọc nổi tiếng từ chùm thơ được giải nhì cuộc thi Báo Văn nghệ năm 1972-1973. Nhưng theo tôi mặt mạnh của Anh Ngọc  thể hiện rõ nhất ở các trường ca. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: "Làm một bài thơ trung bình trở lên đâu có dễ huống hồ đây là cả một trường ca hàng ngàn câu, như một trận đánh lớn, phải điều binh khiển tướng thế nào, không thông minh và trường vốn thì dễ bị hụt hơi lắm".Vậy mà Anh Ngọc đã có tới 4 trường ca, từ "Sóng Côn Đảo", "Sông núi trên vai", "Sông Mê Công bốn mặt" và "Điệp khúc vô danh"... Trong số đó "Sóng Côn Đảo" đã được trao giải A trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1975. Phải chăng ngoài tài thơ, ông thật có duyên với các cuộc thi?

+ Nói cho thật chính xác thì tôi chưa hề có ý thức tham gia một cuộc thi thơ nào. Năm 1972, tôi còn đang ở chiến trường nên không biết có cuộc thi thơ của báo Văn nghệ và cũng không dám gửi thơ của mình đến dự thi. May sao, nhà thơ Nguyễn Duy đã quá ưu ái từ việc chép giúp và gửi dự thi giúp. Trường ca "Sóng Côn Đảo" cũng vậy, tôi chỉ gửi in trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã gửi sang phần thơ dự thi và được Hội đồng giám khảo trao giải cao.

- Trong tổng tập "Nghề báo - nợ đời - tình yêu" có bài viết của đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có đoạn: "Đối với Báo Quân đội nhân dân, tôi có một kỷ niệm khó quên. Đó là ngày 10-5-1975 tôi đã gặp đồng chí Anh Ngọc là phóng viên báo có mặt sớm nhất ở Côn Đảo. Tôi đã dẫn đồng chí Anh Ngọc đi nhiều nơi lấy tài liệu và chụp ảnh các địa ngục  trần gian và khí thế tù nhân khi mới giải phóng". Chắc hẳn chuyến đi Côn Đảo đầy kỷ niệm và đầy cảm súc ấy đã giúp ông thành công trường ca "Sóng Côn Đảo".

+ Chuyện dài lắm. Vào một ngày trước tết năm 1975, báo Quân đội nhân dân cử 9 phóng viên đi chiến trường. Tổ tam tam gồm các anh Hà Đình Cẩn, Trần Hữu Tòng và tôi đi bộ 15 ngày thì vào đến cực nam Trung Bộ. Trước khi lên đường chính tôi cũng không biết bao giờ mới trở lại, bao giờ mới giải phóng miền Nam. Nhưng rồi cuộc hành binh thần tốc một ngày bằng hai mươi năm của cả dân tộc đã nhanh chóng đến đích 30-4-1975 lịch sử.

Trưa 30/4, tôi đang ở Phan Thiết thì nghe tin quân ta đã tiến vào Dinh Độc Lập. Tôi vào đến Sài Gòn lại được tin: Tù nhân chính trị ở Côn Đảo đã nổi dậy giải phóng đảo. Sáng mồng một tháng Năm, tôi và anh Mạnh Hùng (cũng là phóng viên QĐND) mượn được chiếc xe máy chiến lợi phẩm  phóng xuống Vũng Tàu "tìm đường" ra Côn Đảo. Vừa may có một chuyến tàu của Hải quân chuẩn bị nhổ neo đi về phương ấy. Đồng chí Trần Trọng Tân lúc ấy là Phó bí thư Đảng uỷ của Côn Đảo đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc lấy tài liệu.

Được chứng kiến nơi từng được mô tả là địa ngục trần gian, được gặp những người chiến sĩ cách mạng đã vượt qua chế độ lao tù phi nhân tính của Mỹ - ngụy, khiến tôi quá xúc động. Ngoài những bài bút ký gửi ra đăng báo vào những ngày tháng 5 lịch sử ấy, tôi đã viết trường ca bằng cảm xúc rất thật.

- Trong tập "Các nhà văn Việt Nam hiện đại" tôi đọc được những dòng tâm sự của ông như sau: "Yêu thật - Đau thật - Viết thật. Còn lại là một ít tài năng cộng với nhiều tâm huyết và lao động" và biết ông là tác giả của 9 tập thơ và trường ca, 2 tác phẩm văn học dịch từ tiếng Nga v.v... Đọc thơ ông đều thấy hiện lên " Tình yêu - nỗi đau" rất thật như tâm sự của ông. Nhưng đó là tình yêu và nỗi đau mang đậm chất lính.

Còn nhớ trong bài "Thơ mùa xuân đọc lại giữa mùa thu" của ông mở đầu bằng những câu: "Mùa xuân/ Có một bận trong đời/ Anh nhìn thấy Trường Sơn thật thấp/ Tuổi hai mươi chân đi không bén đất/ Đám mây trời bay dưới ba lô"...

+ Và tôi đã khép lại bài thơ bằng những câu: "Xin câu thơ hay cũng như người bền bỉ/ Nghe thời gian xao xác gọi về nhau/ Những câu thơ vẫn hành quân không nghỉ/ Lá vàng rơi tóc trắng ở trên đầu".

Xin cám ơn cuộc trò chuyện thật thú vị của nhà thơ!

Nguyễn Xuân Hải (thực hiện)
.
.