Nhà thi sĩ nhiều lần khóc trong mơ

Thứ Ba, 14/12/2010, 11:40
Có thể khẳng định một điều: Mở bất kỳ cuốn sổ tay văn học nào của các cô các cậu học trò, chúng ta đều dễ dàng tìm thấy một đôi bài thơ tình của Heinrich Heine (1797-1856). Cũng như vậy, mở bất kỳ một cuốn thơ tình thế giới nào được xuất bản ở Việt Nam, chúng ta cũng dễ dàng tìm thấy một đôi bài thơ tình của ông...

Cùng với Pushkin, Esenin, Heirich Heine là một trong số ít những nhà thơ không bao giờ bị rơi vào tình trạng "quên lãng". Hơn thế, ông luôn nằm trong số những nhà thơ có bài được chọn in nhiều nhất.

Vậy Heine là ai? Và thơ tình của ông có nét đặc sắc gì mà có sức truyền lan, chinh phục lớp trẻ chúng ta đến vậy?

Trước hết, đó là một thi sĩ có tài, rất có tài của nước Đức nửa đầu thế kỷ XIX. Con người từng ngồi lặng hàng giờ bên tượng Thần Vệ nữ thành Milo (đặt tại Viện Bảo tàng Louvre) mà khóc ấy đã suốt đời thể hiện nỗi khát khao cháy bỏng muốn vươn tới cái tròn đầy viên mãn, cái toàn thiện toàn mỹ. Heine có nhiều bài thơ viết về tình yêu. Đó là những vần thơ duyên dáng, trẻ trung (nhiều bài được viết trong những năm đầu tuổi thanh xuân của ông) thường đề cập tới những mảnh tình yêu ban đầu với nhiều hương vị ngọt ngào pha lẫn chút đắng cay. Nó vẫy gọi, kích thích các bạn trẻ đến với tình yêu, an ủi họ khi họ bị... trúng thương, và rồi tạo cho họ một sự thích thú say mê trong việc nhấm nháp vẻ lãng mạn của sự thất bại.

Tất cả những điều ấy đã tạo cho thơ Heirich Heine một sức mê hoặc, quyến rũ đáng kinh ngạc. Ở đây, xin giới thiệu với bạn đọc một bài thơ của Heine qua bản dịch của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông (bài "Trong mơ anh đã khóc”):

Trong mơ anh đã khóc
Thấy em trong áo quan
Đến khi anh tỉnh giấc
Nước mắt cứ tuôn tràn 

Trong mơ anh đã khóc
Thấy em không trung thành
Tỉnh dậy, anh - đôi mắt
Lệ đắng còn chảy quanh 

Trong mơ anh đã khóc
Thấy em vẫn dịu hiền
Thế rồi anh tỉnh giấc
Nước mắt vẫn triền miên

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, Heine đã tỏ ra có chỗ sa đà, như muốn lấy vẻ đau khổ làm đồ trang sức (như một nhận xét của nhà văn Áo Stefan Zweig). Đó chính là lý do khiến thơ tình Heine dễ chinh phục được những trái tim non trẻ, nhưng không hẳn lúc nào cũng tìm thấy sự đồng cảm ở những người từng trải. Tuy nhiên, nói đến tình yêu là nói đến tuổi trẻ, đối tượng chính của tình yêu là các bạn trẻ, bởi vậy mà chúng ta càng nhận rõ vị trí khó thay thế của ông và càng cần phải đặc biệt tôn vinh ông

Tùng Lâm
.
.