Nhà quay phim Hoàng Tích Thiện: Nhiều lần... chết hụt vì sáng kiến "oái oăm"

Thứ Năm, 04/08/2011, 08:10
Vốn là con nhà nòi, được cha mình - nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ -  hướng cho đi theo nghề biên kịch, song con đường mà Hoàng Tích Thiện đã chọn lại là quay phim. Đó là cách anh muốn trải nghiệm bằng những chuyến đi rong ruổi tới các vùng miền của đất nước, khám phá một con đường mới, địa chỉ mới, góc quay mới.

Tính cho đến nay, anh là nhà quay phim chính cho hơn 500 bộ phim dài tập, ngắn tập, nhiều bộ phim đã đoạt những giải thưởng cao trong các Liên hoan phim Việt Nam và để lại trong lòng khán giả những ấn tượng đẹp như: "Chuyện phố phường", "Gió qua miền tối sáng", "Ranh giới", "Dấu chân thầm lặng", "Ngàn năm mây trắng", “Lập trình trái tim”... hiện nay anh đang làm việc tại trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài TH Việt Nam.

- Thưa nhà quay phim Hoàng Tích Thiện, được biết, anh là một trong những nhà quay phim trẻ có nhiều thành tựu và được nhiều bậc đàn anh trong nghề trân trọng, yêu quý Với biệt danh Thiện "mốc". Anh có thể cho biết, biệt danh Thiện "mốc" có dính dáng gì đến việc làm nghề của anh?

+ (Cười) Đúng là có đấy. Tôi là một người hay hoài cổ, vì thế, nếu quay một bộ phim về một đề tài cổ thì tôi thường có những giây phút thăng hoa và có những cảnh quay… rất riêng. Điều này tôi cũng không giải thích được mà đôi khi làm việc theo cảm nhận của riêng mình. Nhưng trong quá trình đi quay với nhiều đạo diễn, họ nhận ra được cái chất hoài cổ của tôi, vì thế mà biệt danh Thiện "mốc" ra đời.

- Thông thường thì sự "cha truyền con nối" dễ rút ngắn được cho thế hệ sau một khoảng thời gian khá dài để đến với nghề, Anh thực sự may mắn vì sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Cha anh, nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ có chỉ bảo nhiều điều cho anh trong quá trình làm nghề?

+ Tôi học được ở cha tôi tính kiên trì và yêu công việc. Dù ông đi công tác suốt và có khi một năm ông chỉ ở nhà chừng vài tháng vào dịp hè và tết nhưng cũng thường nhốt mình trong phòng văn viết lách miệt mài. Tôi vẫn còn nhớ như in, hồi tôi còn bé, đến mùa thả diều cùng chúng bạn, tôi muốn gấp một con diều thật đẹp, bay thật cao và chỉ có một cách là lấy giấy pơluya, chuyên dùng để viết bản thảo hoặc đánh máy chữ của bố tôi mới có thể gấp được diều như ý. Đêm bố tôi thức rất khuya, vì thế tôi "thi gan" cùng ông nhiều lần để vào trộm giấy. Tôi cố chong mắt đến 2h sáng rồi mà nhìn sang phòng bên vẫn thấy ông đang thức. Chờ mãi chờ mãi đến lúc tôi ngủ trước ông lúc nào không biết. Sáng tỉnh dậy đã lại thấy ông ngồi trước bàn làm việc từ lúc nào rồi.

Đấy, có lẽ, ấn tượng về công việc của ông ban đầu đến với tâm thức tôi là sự mải mê công việc đến độ quên ăn quên ngủ ấy. Có lẽ bởi thế sau này, khi làm nghề, tôi cũng thường không dừng lại trước bất kỳ thử thách nào. Tôi nhớ, phim đầu tiên mà tôi được làm quay phim chính đã thành công ngay là phim "Sinh ngày mồng 2-9" (đạo diễn Khải Hưng). Vì là phim đầu tay nên mỗi lần quay tôi đều chui vào chăn (chăn dùng để che mô-ni-tơ) để xem ánh sáng, bố cục đã ổn chưa, nếu đã hợp lý, đúng ý mình rồi là khoái chí cười khúc khích trong khi trời nắng nóng, mồ hôi chảy ròng ròng. Đạo diễn Khải Hưng còn mắng: "Được rồi, mày không phải xem lại đâu, nắng nóng nó khổ ra, tao nhìn là biết ổn rồi!". Vậy mà khi về đến nhà, tôi vẫn nghĩ về các góc quay của mình đến nỗi trằn trọc không ngủ được. Thế mới biết, nghề gì mình đã trót yêu cũng sẽ "mê" nó như điếu đổ. Giờ thì tôi hiểu vì sao cha tôi có thể ngồi hàng giờ, hàng buổi trước những kịch bản.

- Trong số hàng trăm bộ phim đã quay, bộ phim nào để lại trong anh những ấn tượng đặc biệt khó quên?

+ Kỳ thực thì mỗi một bộ phim tôi đều cố gắng để có một góc máy đẹp. Tuy nhiên, trong điều kiện làm phim của nước ta vẫn chưa có những dụng cụ hiện đại để người quay phim có thể phát huy tối đa khả năng của mình thì những người quay phim như chúng tôi phải nghĩ ra được những phương án tối ưu để có thể quay được những cảnh đẹp nhất có thể. Tôi  được đùa là người hay nghĩ ra nhiều "trò chết hụt" vì muốn cảnh quay của mình thật hoành tráng. Chẳng hạn, trong bộ phim "Ranh giới" nói về nạn đua xe và cái chết oan uổng của một bé gái, là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn, cảnh quay khó nhất là cảnh đua xe ôtô. Thời đó công nghệ chưa đủ hiện đại để làm kỹ xảo, lại càng không có tiền thuê nhiều xe để làm nên cuộc "bão đêm" trên đường. Vì thế, tôi và đạo diễn Vũ Hồng Sơn quyết định thuê một cậu trong hội đua xe thể thao của Hà Nội lái ôtô Matit, còn đạo diễn thì đi xe máy chở tôi ngồi ngược chiều để quay. Lúc đó đạo diễn còn đùa: "Em sẽ biểu diễn kỹ thuật quay phim, còn anh sẽ biểu diễn kỹ thuật… lái xe".

Trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc mà đạo diễn chở tôi chạy 80km/ giờ, đạo diễn cứ giữa đường mà lao đi, còn tôi thì cứ tay ôm máy quay lia tứ phía phó thác số phận của mình cho đạo diễn. Khi quay xong, xuống xe, cậu kỹ thuật viên đi dẹp đường phía trước bảo: "Nói thật nhé, hai anh suýt đâm vào đầu ôtô… 3 lần!". Cảnh phim này sau đó rất thành công và bộ phim thì được giải vàng, nhưng đạo diễn thì bảo: "Tao cũng chỉ làm một lần duy nhất thế này thôi, sợ lắm rồi!".

Tôi thì khác, dường như tính cách của tôi cũng thích mạo hiểm nên sau này, có một bộ phim khác của đạo diễn Lê Tuấn Anh "Dấu chân thầm lặng" làm về các chiến sĩ Công an săn bắt cướp, đạo diễn Lê Tuấn Anh cũng chở tôi trên xe máy nhưng có thêm một người ngồi ôm chân tôi vì tôi đứng để lấy góc máy cao. Có kinh nghiệm hơn rồi nên tôi quay còn "phiêu" hơn!

- Người ta vẫn nói rằng, những nhà quay phim thường làm công việc thầm lặng phía sau ống kính, nhưng trên thực tế, để bộ phim thành công, sự đóng góp của nhà quay phim là rất lớn mà không phải ai cũng hiểu điều đó. Có lẽ vì thế nên những nhà quay phim thường "an phận" chứ không nỗ lực hết mình. Anh có bao giờ gặp phải những cảm xúc đó?

+ Ai làm nghề cũng phải yêu nghề, dù đó là ở vị trí nào đi chăng nữa. Tôi nhận thấy rằng nghề gì cũng có cái hay riêng nếu mình biết đam mê. Nhà quay phim muốn có những thước phim đẹp cũng cần cảm xúc, cảm hứng để nắm được cái "thần" của diễn viên chứ nếu chỉ nghĩ, đó là công việc của cái… ống kính thì thật sự là sai lầm. Nói về cảm xúc, tôi nhớ khi làm phim "Ranh giới", không biết bao nhiêu lần tôi đọc kịch bản và… khóc! Kịch bản quá hay và đặc biệt, cô bé diễn viên nhí, dù là diễn viên nghiệp dư nhưng vào vai rất đạt. Có cảnh khóc tôi đã quay 2 đúp nhưng cô bé không thể khóc được. Cả đoàn đang ngồi vừa chơi, vừa đợi, vừa nói chuyện thì bỗng dưng cô bé òa lên khóc nức nở. Tôi vồ lấy máy quay và chộp lấy được khoảnh khắc xuất thần đó. Cô bé khóc rất lâu, khóc đến nỗi nhiều người trong đoàn cũng rơm rớm nước mắt theo. Đến khi cảnh quay xong rồi mà mọi người vẫn sững sờ lặng đi, cho đến một lúc sau có tiếng vỗ tay của ai đó, thế là cả đoàn vỗ tay theo.

Muốn có những cảnh quay lạ, đẹp mắt, đòi hỏi người quay phim phải sáng tạo, không đi theo lối mòn. Có lần, trong một bộ phim của đạo diễn Lê Tuấn Anh, có hình ảnh một người nhảy sông tự tử. Bình thường chỉ quay một máy ở ba góc khác nhau nhưng như thế sẽ mất nhiều thời gian. Lúc đó, tôi đã setup ba máy quay cùng một lúc để quay đồng bộ, đặc biệt là tôi đã mạnh dạn khoét một lỗ ở bể kính, cho máy quay vào rồi hàn xi và quay dưới nước. Tổ kỹ thuật sợ hỏng máy đã bắt tôi ký vào biên bản xác nhận. Tôi cũng hơi… run vì nếu chẳng may máy quay có vấn đề gì chắc là tôi phải… bán nhà mới đền nổi. Nhưng cuối cùng, cảnh quay thành công, chỉ cần một đúp trước sự khen ngợi của nhiều người.

- Cha anh có bao giờ xem phim, nhận xét về những góc quay đẹp - xấu và đưa ra cho anh một lời khuyên xác đáng?

+ Trước những khó khăn, tôi có hỏi ý kiến của ông, nhưng ông thường bảo: Con hãy làm theo sự mách bảo riêng của linh cảm, hãy giải quyết theo điều con nghĩ là đúng! Với tôi, tôi quan niệm rằng, nhà quay phim như những người cầm một tấm gương phản chiếu, nên phải nỗ lực để ghi lại được hình ảnh đẹp nhất của những diễn viên, nghệ sĩ. Đó cũng là cách mình tôn trọng khán giả. Bản thân tôi cũng luôn phải học hỏi từ những người đi trước và phải tự rút kinh nghiệm thông qua những bộ phim của mình. Chẳng hạn, có lần đi quay bộ phim nói về thần rừng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Chúng tôi đã vào bản Đôn ở Tây Nguyên để thực hiện những thước phim này. Khi đi thực địa, tôi đã hỏi những người ở bản để tìm đến một nơi hoang sơ nhất. Sau khi đã được chỉ chỗ, đúng yêu cầu của phim, chúng tôi thuê thuyền qua suối dưới một cái hang sâu để lên phía bìa rừng bên kia để quay. Điều vui nhất là ở vùng này có những dãy lá khộp rơi xuống đã khô mà vẫn nguyên vẹn hình hài, nếu giẫm vào thì kêu như bánh đa vỡ. Cả đoàn chúng tôi thấy vui vui nên ai cũng tranh nhau giẫm vào lá. Khi quay xong trở ra, những người bản địa mới nói rằng, đó là một khu rừng đầy rắn và rắn lại thường xuyên nằm dưới lá khộp khô ấy! Nghe xong, ai nấy đều mặt tái mét và chửi tôi một trận vì những "sáng kiến oái ăm"!

- Xin cảm ơn anh về cuộc chuyện trò này!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.