Nhà biên kịch Thuỳ Linh: Thầm lặng sau những thước phim

Thứ Tư, 22/03/2006, 07:30

Cho dù tên mình chỉ lướt qua màn hình khoảng 3 giây, nhưng Thùy Linh luôn hết sức thận trọng, nhiệt tình khiến những đạo diễn cầm kịch bản đã qua tay chị biên tập cũng rất yên tâm.

Từ khi “khai sinh” loạt phim “Cảnh sát hình sự” cách đây gần chục năm, nhà biên kịch Thùy Linh phải gánh một trách nhiệm nặng nề là biên tập để đưa vào sản xuất những tập phim hình sự đầu tiên. Khi đó tất cả êkíp từ người viết kịch bản, người biên tập, đạo diễn, diễn viên… chưa ai có kinh nghiệm, thậm chí chẳng biết gì về nghiệp vụ công an.

Chị tâm sự: “Thuở ban đầu chật vật lắm, mọi người còn đùn đẩy nhau, chẳng ai dám nhận làm, nhưng mình phải làm vì được mọi người tin tưởng bởi lý do từng là chiến sĩ công an, được đào tạo bài bản ở Trường đại học An ninh nên nắm vững nghiệp vụ nhất. Tuy nhiên, vì thời gian không tiếp xúc với nghiệp vụ quá lâu, nên kiến thức cũng rơi rụng nhiều.

Có lần đồng chí Trần Gia Cường - khi đó là Phó Cục trưởng Cục Công tác Chính trị - Tổng cục Xây dựng lực lượng và làm cố vấn cho phim, sau khi đã chữa đỏ lòe vào kịch bản rồi còn mắng: “Trời đất, em quên hết nghiệp vụ rồi à?..”. Nhưng rồi cứ tiếp xúc với kịch bản, những gì chị đã được học trong trường dần được tái hiện lại, phục vụ đắc lực cho công việc của chị.

Phim hình sự là một thể tài hết sức đặc thù, với những trang phục, đạo cụ, súng ống, xe cộ… đều phải của ngành Công an. Vì thế, làm một tập phim hình sự là cả êkíp làm phim phải chạy đôn chạy đáo mượn quân trang, quân dụng rồi mượn cả… người tham gia các vai phụ. 40 tập phim đầu tiên là sự nỗ lực không ngừng của cả một tập thể, sau khá nhiều lần tưởng không thể làm nổi, phải bỏ dở nửa chừng. Cùng với các đạo diễn, biên kịch Thùy Linh cũng tận dụng các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trước đây để chạy vạy, nhờ vả khắp nơi.

Đi mãi cũng thành đường, đến nay gần 200 tập phim “Cảnh sát hình sự” đã được phát sóng, có nhiều ý kiến khen chê, nhưng dường như khán giả vẫn không bỏ sót tập phim nào nếu có điều kiện theo dõi. Vài năm trở lại đây, các phần “Cảnh sát hình sự” được xây dựng gắn với đời sống hiện đại và mang tính thời sự trở nên hấp dẫn với cả người viết kịch bản và các đạo diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả như “Một thế giới không có đàn bà”, “Phi đội chuồn chuồn” của đạo diễn Vũ Minh Trí, “Bí mật của những cuộc đời” của đạo diễn Vũ Hồng Sơn… đều có bàn tay Thùy Linh săn sóc.

Xây dựng dòng phim “Cảnh sát hình sự” vẫn là một nội dung công việc quan trọng mà Ban giám đốc Hãng phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam đề ra hàng năm. Nhưng do đây là một thể tài khó, lực lượng viết còn mỏng cho nên tình trạng thiếu kịch bản vẫn xảy ra. Vì vậy, Thùy Linh phải trực tiếp tham gia vào nhóm biên kịch cùng với các nhà văn như: Nguyễn Như Phong, Phạm Ngọc Tiến, Trần Hoài Văn… lập tức ứng phó nếu xảy ra tình trạng “cháy” kịch bản.

Thầm lặng chỉnh sửa, vá víu những “lỗ hổng” nghiệp vụ của một số tác giả, những sai sót ở chỗ này chỗ khác trong kịch bản, công việc tưởng chừng nhẹ nhàng là thế, vậy mà chị bảo: “Nhiều lúc cũng cứ như đánh vật ấy. Chỉ nhàn nhất là biên tập kịch bản của anh Nguyễn Như Phong thôi, vì anh ấy có nghiệp vụ công an, lại có vốn sống rất dày nên đỡ cho người biên tập rất nhiều!”.

Cho dù tên mình chỉ lướt qua màn hình khoảng 3 giây, nhưng Thùy Linh luôn hết sức thận trọng, nhiệt tình khiến những đạo diễn cầm kịch bản đã qua tay chị biên tập cũng rất yên tâm.

Từ ngày “đầu quân” về Hãng phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, công việc của một người biên tập kịch bản phim đã cuốn hút chị. Với tâm thế luôn trau chuốt để làm cho những bộ phim hay hơn, hấp dẫn hơn, lời thoại đẹp hơn, giàu tính nhân văn hơn… Ở cơ quan, chị và nhà văn Phạm Ngọc Tiến thường đối thoại với nhau như hai… đại ca, và trong công việc họ phối hợp với nhau rất ăn ý. Nhiều bộ phim dài tập qua bàn tay “đẽo gọt” của chị đã trở thành những phim truyền hình ăn khách, để lại những dấu ấn mạnh mẽ, có khi trở thành sự kiện của phim truyền hình trong năm như “Gió qua miền sáng tối”, “Đất và người”, “Chuyện phố phường”…--PageBreak--

Thùy Linh từng nói một cách đầy tự hào rằng chị là người giữ được “nếp nhà”, rằng “tôi là một người Hà Nội đầy kiêu hãnh!”. Bố Thùy Linh là người Thành Nam, mẹ lại là một người đàn bà Hà Nội gốc được học hành bài bản với những lề lối gia phong và những thói quen sinh hoạt nền nã, thanh lịch của người Hà Nội nên từ nhỏ chị đã được dạy tề gia nội trợ, nữ công gia chánh…

Mẹ chị rất thích học thuyết Lão Tử nhưng lại ảnh hưởng nhiều văn hóa Pháp. Bà luôn giữ thái độ rất bình thản trước tiền tài, danh vọng. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới Thùy Linh. Và cũng chính người mẹ hiền ấy của chị lại muốn chị trở thành một nữ chiến sĩ công an, trong khi bản thân chị lại bị mê hoặc bởi ngành kiến trúc. Nhưng rồi, mọi biến cố trong cuộc đời chị đều bất ngờ…

Hình như có một sức hút vô hình, sức hút đã khiến người nữ sĩ quan an ninh - một phóng viên chuyên tường thuật những vụ án nóng, chuyên vào “vai” trinh sát kể chuyện của Báo Công an nhân dân đã quyết định… “sang ngang” học Khóa 3 Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi được cử đi đào tạo “lò” Gorky - nơi tu nghiệp của một số nhà văn tên tuổi Việt Nam. Cũng chính con đường ấy đã khiến nhiều người không biết tới (hoặc quên mất) một cái tên nhiều gửi gắm mà mẹ chị có lẽ phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được, ấy là Trần Nguyệt Tuệ. Thay vào đó, mọi người đều gọi chị là Thùy Linh - cái tên “từ thuở ban đầu lưu luyến”…

Trước đây, có một thời gian dài, nhiều người  thắc mắc không biết tác giả của truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi” từng gây xôn xao dư luận đi đâu mà không thấy xuất hiện trên văn đàn. Câu chuyện dung dị và nhân ái mà chị kể đã khiến không ít người rơi những giọt buồn trong sáng.  Đặc biệt, sau này khi “Mặt trời bé con của tôi” được giới thiệu trong sách giáo khoa văn học phổ thông, số lượng độc giả yêu mến chị càng thêm đông đảo.

Ngày đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ ấy, chị còn trẻ, xinh đẹp với một trái tim nhạy cảm. Và những gió mưa trong cuộc đời với chị vẫn rất dịu dàng. Buổi chiều hôm đạp xe đi nhận giải thưởng về là một chiều mưa gió ngập đường, chị vừa đi vừa khóc. Khóc như thể chị đã linh cảm thấy những bất trắc trong cuộc đời sau này khi dấn thân vào con đường văn nghiệp.

Hai mươi năm sau, tập truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2004, chị đã là một người phụ nữ dường như đi qua nhiều cung bậc của khổ đau và hạnh phúc, nếm trải hết những ngọt đắng ở đời. Dường như những trải nghiệm trong đời đã khiến chị nhìn cuộc đời chân thực hơn mà cũng bao dung hơn. Chị nâng niu những số phận nhỏ bé, đôi khi bất hạnh nhưng cất giấu những trái tim khát khao yêu thương và dâng hiến. Trong văn chương, chị như sống chậm hơn, suy tưởng nhiều hơn về những được - mất, hận thù, cả sự chờ đợi và quên lãng

Nguyệt Hà
.
.