Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể chuyện chiến tranh qua đồ vật phế liệu

Thứ Năm, 27/12/2012, 08:00
Chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng dường như nó chưa bao giờ là câu chuyện cũ đối với mỗi người Việt Nam hôm nay. Trên dải đất hình chữ S thân yêu, nơi nào cũng có thể nhìn thấy tàn tích của chiến tranh, trong đất đai, cây cối, và trong cả những thương đau vẫn còn âm ỉ ở mỗi gia đình có người thân không trở về...

Với những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, ký ức chiến tranh mà họ có được chính là từ cha mẹ, ông bà của họ, từ những câu chuyện họ được nghe, xem và thấy trong bảo tàng. Nhưng có một người lại "kể chuyện về chiến tranh" cho chúng ta nghe từ những đồ vật rất quen thuộc như chiếc điếu cày, chiếc gạt tàn, chiếc đèn chiếu sáng, chiếc lọ hoa, chiếc cốc uống nước... Chỉ có điều, những đồ vật này được làm từ phế liệu chiến tranh. Người kể chuyện ấy là nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, phóng viên báo Hà Nội Mới.

"Tôi kể chuyện này"- triển lãm thu hút sự quan tâm của công chúng, được Nguyễn Ngọc Tiến tổ chức nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Có thể cảm nhận, phần lớn các triển lãm được tổ chức thường ngày tại các địa chỉ văn hóa trên địa bàn Thủ đô được người xem quên đi rất nhanh trong đời sống đầy ắp thông tin và bộn bề cơm áo, riêng "Tôi kể chuyện này" là triển lãm "mắc" vào đầu chúng ta rất nhiều suy ngẫm, ám ảnh. Không phải bởi sự hoành tráng hay to tát của nó, mà có lẽ bởi sự giản dị bất ngờ và sâu sắc trong chính những câu chuyện mà mỗi đồ vật được trưng bày ở đây lên tiếng. Một chiếc võng được tết bằng dây dù hàng của quân đội Mỹ thả tiếp tế lương thực cho binh lính tại Quảng Trị năm 1972, chiếc hòm đựng đồ được làm từ vỏ máy bay, chiếc lọ hoa được làm từ vỏ súng cối 60mm, chiếc mũ sắt của lính Mỹ được làm thành chiếc chậu đựng nước để người thợ sửa xe đạp thử săm trong thập niên 70 của thế kỷ XX; chiếc xe đạp với phần vành của bánh sau được làm từ vỏ bom bi; chiếc đèn dầu được làm từ vỏ đạn hạt na, chiếc gạt tàn thuốc lá làm từ vỏ chiếc B52 bị bắn hạ tại Nghệ An, bộ cốc uống nước cũng được làm từ xác máy bay B52... và rất nhiều đồ vật khác nữa.

52 món đồ là 52 câu chuyện khác nhau được kể với cùng một chủ đề: chiến tranh. Nó cũng có thể là 52 lời nguyện ước về hòa bình, về tình yêu cuộc sống, và là lời nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ lãng quên quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc. Những người già đã từng sống một hay nhiều phần đời của mình qua chiến tranh đến xem triển lãm trong tâm trạng bồi hồi, xúc động. Những em học sinh hồn nhiên ngây thơ đến xem triển lãm trong sự ngạc nhiên, tò mò xen với lòng tự hào, kính trọng. Một điều gì đó được đánh thức trong tình cảm của người xem, rất khó gọi thành tên. Bởi vì những món đồ được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến trưng bày ở đây không chỉ là kỷ vật của một thời. Nó đã trở thành những thực thể, những nhân vật đến từ quá khứ, trò chuyện với người xem về quá khứ, hiện thực và cả tương lai nữa. Ngay cả sự hiện diện của chủ nhân cuộc triển lãm cũng không chỉ đơn thuần là nhà sưu tập. Nguyễn Ngọc Tiến không thể diễn đạt một cách rõ ràng về vai trò của mình. Anh dành nhiều năm tháng để tìm kiếm, thu thập những món đồ được làm bằng phế liệu chiến tranh không phải chỉ để thỏa mãn một niềm say mê, một thú vui. Mà cao hơn, là một sự hối thúc nào đó, một ý niệm sâu xa nào đó trong trái tim mình.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến và các em học sinh tại triển lãm "Tôi kể chuyện này".

Có một lý do làm cho câu chuyện này dễ hiểu hơn một chút, đó là Nguyễn Ngọc Tiến đã từng làm một người lính. 6 năm phục vụ trong quân đội anh có tới 4 năm làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Từng nếm mùi chiến tranh, chết chóc nên Nguyễn Ngọc Tiến hiểu sâu sắc hơn cái giá của hòa bình. Về lại Thủ đô, đi học và trở thành một người cầm bút, Nguyễn Ngọc Tiến bắt đầu có ý thức về việc sưu tập các đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh. Anh kể: "Thời chiến, gia đình tôi có một ông cậu làm lái xe cho đoàn B59. Mỗi lần ở Trường Sơn ra, cậu tôi thường mang theo lỉnh kỉnh những đồ vật mà ông biết chắc là sẽ rất có ích với mọi người. Chẳng hạn chiếc phi đựng xăng dầu phục vụ chiến trường được mẹ tôi rửa sạch đi để đựng nước uống. Đặc biệt là những chiếc dù pháo sáng. Chúng được "chế biến" thành tấm ri-đô che cửa buồng, thành chiếc chăn để đắp. Vào mùa đông, không có chiếc khăn nào quàng lên cổ ấm bằng chiếc khăn dù. Từ câu chuyện gia đình mình, tôi nhìn ra xung quanh và thấy rằng, bằng những phế liệu chiến tranh, người Việt Nam mình đã "sáng tạo" ra rất nhiều đồ vật đẹp và hữu dụng cho cuộc sống hàng ngày".

Không chỉ hữu dụng, các đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh còn tỏa ra một vẻ đẹp diệu kỳ khác, giống như là những mầm cây mọc lên từ hố bom. Những xác máy bay, vỏ đạn vốn là vũ khí hủy diệt đã được hồi sinh trong một đời sống khác qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những con người bình thường. Không những thế, nó còn có khả năng khơi gợi, đánh thức và chuyển tải những thông điệp giá trị. Chẳng hạn, thời bao cấp, những người đàn ông hút thuốc lá chưa hẳn đã có thói quen gạt tàn vào dụng cụ gạt tàn. Đôi khi trên bàn có chiếc gạt tàn nhưng người ta có thể vẫn búng tàn thuốc lá ra nền đất. Nhưng một chiếc gạt tàn làm từ xác máy bay B52 có thể lại là khởi đầu của rất nhiều câu chuyện chiến tranh mà những người đàn ông bên bàn trà kể cho nhau nghe. Và khi nói về máy bay B52 có thể một người trong số họ sẽ trỏ vào chiếc gạt tàn để kết luận, rằng lúc nó bay trên trời thì hung dữ thế mà giờ đây nằm trên bàn nó lại hiền lành đến thế.

Nguyễn Ngọc Tiến đã luôn mường tượng những câu chuyện như vậy, khi anh tìm kiếm và sưu tập các đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh. Anh lặn lội vào tận Kỳ Sơn - Nghệ An để thuyết phục người chủ làm ra chiếc gạt tàn độc đáo trao món đồ cho mình. Mỗi đồ vật Nguyễn Ngọc Tiến gặp được và có cơ duyên được sở hữu chúng đều mang cho anh một tâm trạng khác nhau. Chẳng hạn chiếc lọ hoa làm từ xác máy bay với hai câu thơ ngộ nghĩnh được đề phía dưới: "Vui mừng chiến thắng hôm qua/ Có xác Thần Sấm lọ hoa ta làm" (Thần Sấm là tên gọi của chiếc máy bay F105 của quân đội Mỹ).  Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, anh không thể nào gọi thành tên cảm giác của mình khi nhìn những cành đào mùa xuân được cắm trên chiếc bình hoa làm từ vũ khí này. Chiếc bình hoa dường như đã quên mất đi khởi nguồn của nó, hay chính bàn tay khéo léo của người làm ra nó, thậm chí là tình yêu của người làm ra nó đã hóa giải một sự "mâu thuẫn chết người" giữa hoa và vũ khí để có được một vẻ đẹp hợp lý và hoàn hảo đến không ngờ. Một vẻ đẹp buộc mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ.

Với những chủ nhân của những đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh, ý nghĩa của món đồ không chỉ là sử dụng đơn thuần. Nó thậm chí là ký ức nặng nề, đau thương, mất mát. Nó mang theo những số phận, những hồi tưởng, những chiêm nghiệm về đời sống. Nguyễn Ngọc Tiến sở hữu được những món đồ, vì những chủ nhân kia nhìn thấy ở anh một người kể chuyện. Chiến tranh là câu chuyện mà tất cả những người đã đi qua nó hay bị ảnh hưởng bởi nó đều muốn kể cho các thế hệ mai sau. Kể, để tin rằng nó sẽ chỉ là ký ức và mãi là ký ức. Và mong sao những đồ vật cũng sẽ mãi chỉ là đồ vật, chứ không phải là vũ khí. Đây cũng là lý do vì sao buổi đầu Nguyễn Ngọc Tiến đã định đặt tên cho triển lãm của mình là "Hóa kiếp chiến tranh".

Đây là triển lãm đầu tiên ở Việt Nam về những đồ vật được làm từ phế liệu chiến tranh.

Khép lại triển lãm ý nghĩa này, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, anh sẽ không mang những đồ vật về cất vào kho, mà sẽ tìm một nơi có thể trưng bày lâu dài, để chúng tiếp tục kể chuyện với người xem về lòng tự hào dân tộc, về tình yêu hòa bình cũng như đôi bàn tay khéo léo của người Việt.

Không chỉ sưu tập các đồ vật từ phế liệu chiến tranh, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến còn được biết đến như một người cầm bút nặng lòng với Hà Nội. Anh đã xuất bản 3 cuốn sách về chủ đề Hà Nội, và vừa vinh dự nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2012" cho 2 cuốn sách "Đi dọc Hà Nội" và "Đi ngang Hà Nội"

Bình Nguyên Trang
.
.