Nguyễn Thanh Tùng với "Tiếng vọng miền quên lãng"

Thứ Tư, 16/09/2015, 08:00
Một ngày đầu tháng 8, thành phố Hưng Yên trời mưa tầm tã. Nhóm chúng tôi, gồm đủ mọi lứa tuổi, 70, 80, có cả những cô gái, chàng trai 19, 20 đội mưa từ Hà Nội, Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang… rủ nhau về Khu đô thị Sơn Nam trên đường Phạm Ngũ Lão. Chúng tôi không chỉ được nếm những trái nhãn lồng đầu mùa hái vội còn thơm hương vườn Bảo Châu, Hiến Nam, mà chủ yếu để xem mặt, để nghe thơ Nguyễn Thanh Tùng qua tập thơ "Tiếng vọng miền quên lãng"…

Cách đây hơn 100 năm, nghe nói cũng tại Phố Hiến này, các quan nhà Nguyễn đã mời nhà thơ Nguyễn Khuyến làm chủ khảo dựng một vọng Đài bằng tre trên mặt nước hồ Bán Nguyệt tổ chức cuộc thi Vinh Kiều mà nhà thơ - Quan án sát Chu Mạnh Trinh đã giành giải nhất. Kì lạ và thật đáng bái phục truyền thống văn hóa của những người con Phố Hiến xưa và TP Hưng Yên hôm nay.

Tới Sơn Nam, mọi người được nhận một tập thơ mỏng 107 trang 27 bài do tác giả ký tặng và trao tận tay. Trên sân khấu là tiếng trống chầu của cậu bé 5 tuổi và tiếng hát ả đào nao lòng người đã từng xuất hiện trên truyền hình Việt Nam. Khi nhà văn Ngô Tự Lập và nhạc sỹ Nguyễn Tuấn lên hát tặng Thanh Tùng thì bỗng đâu có đôi chim bồ câu trắng bay sà xuống sân khấu, con đực xù lông gù con cái trong ánh đèn chớp của các nhiếp ảnh gia.

Tác giả Nguyễn Thanh Tùng.

Mọi chuyện như có cơ duyên, như được sắp đặt, đặc biệt với tập thơ và tác giả. Họa sỹ Lê Thế Minh vẽ bìa bằng một gam trầm có vẻ như để phù hợp với cuộc đời và tính cách tác giả thơ Nguyễn Thanh Tùng. Từng trang, từng trang như in rõ dấu chân của anh đã đi 50 năm qua. Dấu chân có vệt phù sa của ngã ba sông Phố Hiến một thời, có cát sa mạc, có băng tuyết mãi tận trời Nga. Thanh Tùng đã tốt nghiệp Đại học khoa Máy tính bên Nga rồi về dạy toán tại Đại học TP Hồ Chí Minh, nay là Phó Giám đốc công ty điều hành Khu đô thị sinh thái Sơn Nam - nơi có đền thờ bà Chúa Vực rất nổi tiếng ở TP Hưng Yên. Thơ Thanh Tùng in đậm tư duy triết học và khoa học tự nhiên. Anh có đến 4 bài viết về những con số mà không đơn giản, không khô khan, như bài "0 giờ":

Căn phòng đây lúc 0 giờ
Chênh vênh đỉnh đồng hồ
0 giờ ba chiều kim ôm nhau dừng lại
Ngược xuôi chạy đủ số vòng tròn
Trong xà lim thời gian 0 giờ vuông nát đầy vạch và con số song song
con thạch thùng 0 giờ tặc lưỡi
quên phận mình bám ngược
run run tim nhè nhẹ hạt đương mầm
chìm đắm 0 giờ thời gian sương gió
nuốt dần tường lên trần
nâng thạch thùng lên đỉnh vòm đêm
làm chùm sao cá sấu

Người đọc thấy hiện lên vằng vặc thân phận con người trong đó, trong những vần thơ về con số tưởng chừng vô hồn nhìn đếm thời gian trôi qua. Thực ra theo văn hóa cổ đại Tây phương, dãy số thập phân là một bí ẩn có linh hồn.

Nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn, người trực tiếp biên tập tập thơ này cho rằng: Cùng với tập thơ "Vỏ sò trên cát" (đã xuất bản tại TP Hồ Chí Minh), có thể xếp Nguyễn Thanh Tùng vào nhóm các tác giả mang phong cách hậu hiện đại. Thơ anh luôn mới lạ, từ nội dung đến hình thức, đọc không thấy nhiều tính từ như những người làm thơ khác. Có thể lúc đầu khó hiểu, tứ thơ không rõ rệt nhưng nếu chịu động não, cùng đồng hành với dòng chảy tư duy của anh thì sẽ thấy thú vị. Nguyễn Thanh Tùng viết về cảm nhận không gian và thời gian trong bài thơ có cái tít đơn giản "Vụn và lặp" với phần kết làm ta giật mình:

Thẩn thơ mấy dòng mất đoạn
Xa xưa lấp lo áng màn sương
Lạ thay mảnh thuyền trăng ấy
Bơi hoài chưa qua sông đêm!

Cũng như vậy, trong "Chuyện mái tây bê tông", Thanh Tùng kể về đời sống của những chú mèo. Phần đầu là những câu thơ vừa giàu nhạc điệu và giàu màu sắc:

Con đực con vằn con cái mun khôn lớn thành trai thành gái
Biết cắn cổ nhau rồi cắn cổ tha về năm nhóc mèo con
Đêm trăng ngoài mái tây êm ái tiếng mèo kêu
Cả mùa trăng sau
Ngao ngao ngao ngao…
Rồi đời mèo hòa lẫn đời người tự lúc nào, với một cái kết thật ai oán:
Tôi thiếu phụ có con sống riêng
Chồng đi tìm cỏ hoang chuồng lạ
Tôi luôn dành sữa cho mèo
Sớm đặt đĩa mới sóng sánh tràn đầy
Tôi mãi chờ con miu tha về chú mèo con
Để lớn thật nhanh ngao ngao không ngủ
Gào nát mùa trăng!

Nhưng có lẽ chất hiện đại trong thơ Nguyễn Thanh Tùng còn phải chờ thời gian để đưa ra những khen chê chính xác. Riêng lý do mà "Tiếng vọng miền quên lãng" thu hút khán giả đội mưa đến nghe thơ thì không phải bàn cãi: Những vần thơ yêu thương da diết Phố Hiến của anh đã chạm vào trái tim bạn đọc. Nhà thơ Tố Hữu từng nói: Thơ là tiếng nói của người tri âm và người tri kỷ. Nhà thơ Lê Hồng Thiện - một người Phố Hiến "xịn" quê Xích Đằng đã 50 năm làm thơ về Hưng Yên cũng phải ngả mũ trước những vần thơ viết về Hưng Yên của Nguyễn Thanh Tùng, đặc biệt là bài "Gọi phố". Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội không thể không nhắc tới bài thơ "Con thần gió" mà chính Hội VHNT Hà Nội trong một cuộc thi đã trao giải ba cho anh:

Gió muôn đời không thấy quê hương
Mãi lang thang khắp mọi nẻo đường
Đừng buồn đừng tưởng gió than van

Trong "Tiếng gọi miền quên lãng", Nguyễn Thanh Tùng không còn là ngọn gió tha hương nữa. Thơ anh viết về những ký ức, trải nghiệm trên mọi địa danh "người thật việc thật" của miền quê xứ nhãn đầy ắp di tích lịch sử. Nguyễn Thanh Tùng viết về Chử Đồng Tử: "Một mảnh khố, dẫu khéo co chẳng che kín hai đời" (hai bố con Chử Đồng Tử làm nghề đánh cá nghèo đến nỗi chỉ dùng chung một chiếc khố). Và những câu thơ mê hoặc về đặc sản văn hóa phi vật thể hát Chầu Văn của Hưng Yên.

Tay tiên đâu quá xa vời
Ai hay chén ngọc chìm rơi phương nào
Chòng chành đất rộng trời cao
Giọng em hay chén rượu đào chuốc anh
Bao giờ tỉnh giấc Chầu Văn.

Đã nghe Chầu Văn thì đừng bao giờ nói chuyện tỉnh, nhất lại là mấy anh thi sỹ nghèo chỉ có thơ làm tài sản.

Trở lại bài "Gọi phố" được coi là hay nhất tập thơ. Với thể thơ 4 câu, Nguyễn Thanh Tùng không cần rườm rà, tô vẽ:

Ơi người về Phố Hiến
Hương nhãn ngập triền đê

Bây giờ nhiều nơi trồng nhãn nhưng nhãn mọc triền đê duy nhất chỉ có ở Hưng Yên. Bởi đó là nhãn trồng trên đất phù sa sông Hồng, một cửa biển xưa tạo nên một Phố Hiến sầm uất chỉ thua mỗi Kinh kỳ. Đó cũng là lý giải sao nhãn lồng Hưng Yên có vị ngon không nơi nào trộn lẫn được:

Một nhành hoa văn hiến
Rạng rỡ bến Xích Đằng
Nâng vòm trời châu thổ
Thời gian sao lãng quên
Ai vì đâu ly hương
Chín đời về gặp lại
Dờn dợn sóng Tuần Vường
Vắng thuyền người có đợi

Tại sao có những câu thơ: "Dờn dợn sóng Tuần Vường/ Vắng thuyền người có đợi", cuối cùng là nỗi nghẹn ngào: "Ơi Hoàng Cúc/ Giữa bồi hồi Xuyến Chi"? Hỏi ra mới biết theo gia phả, dòng họ Nguyễn Thanh Tùng 9 đời trước đã ở Phố Hiến. Nếu mỗi đời người là 60 năm thì sau hơn 500 năm, người con lưu lạc Nguyễn Thanh Tùng mới về đất Tổ. Nhưng thân xác về đây mà hồn còn khắc khoải vì Phố Hiến xưa nay còn đâu:

Sóng từ đâu ơi sóng
Nhớ ghé Vạn Lai Triều
Cánh diều ơi nhớ nhé
Nơi đây lạch Bảo Châu
Mãi còn đây Phố Hiến
Giữa mênh mang trời mây
Sông mẹ mùa nước cạn
Gọi phố
Ngoài vòng tay

Còn mà mất. Nên Thanh Tùng mới phải cất lên "Tiếng vọng miền quên lãng".

Người viết bài này muốn nhắn với Nguyễn Thanh Tùng (và bạn đọc thơ anh) rằng: Anh không phải chờ lâu nữa, Phố Hiến sẽ sớm được tái sinh trong vòng tay của Sông Mẹ. Với sự giúp đỡ vốn ODA của Ba Lan, hy vọng Phố Hiến sẽ sớm trở về với những giá trị đích thực của mình.

Nguyễn Gia Bảo
.
.