Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu: Đãi sĩ như kim

Chủ Nhật, 18/02/2007, 08:30

Dĩ nông vi bản tân Công Trứ
Đãi sĩ như kim tiểu Mạnh Thường

Tôi mượn ý đôi câu đối của nhà văn hóa, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết tặng ông Nguyễn Ngọc Trìu - nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, để viết đôi điều kỷ niệm về ông với anh em văn nghệ.

Đôi câu đối được bác Khiêu mang đến tặng ông vào một dịp tết của những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, nay vẫn treo trên tường phòng khách của vị nguyên Phó thủ tướng (ở khu tập thể A2, Trung Tự, Hà Nội).

Có lẽ khi chắn sóng lấn biển khai khẩn đất đai ở Tiền Hải, Thái Bình hàng trăm năm trước đây, bậc văn tài kinh bang tế thế Nguyễn Công Trứ không ngờ làng Thư Điền (Tiền Hải) có một hậu duệ nối nghiệp mình để lo cái ăn cái mặc cho dân một cách xứng đáng.

Nhìn ông Nguyễn Ngọc Trìu hôm nay, tôi bỗng nhớ tới một giai thoại về nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn vong niên thân thiết của ông.

Chuyện diễn ra vào hồi ông Trìu còn làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình. Khi ấy tôi ở Văn phòng Hội Văn nghệ, có lần sang UBND tỉnh xin gạo, mở Trại Sáng tác văn học thiếu nhi. Trong lúc ngồi chờ chữ ký của bà Nguyễn Thị Định, Phó chủ tịch phụ trách Tài mậu, ở phòng khách, tôi nghe cánh lái xe kháo nhau:
- Hôm qua cụ Nguyễn Tuân về, chủ tịch đi vắng, cụ hỏi anh Thái, thư ký: “Thằng Trìu đi đâu?”. Anh ta tròn vo mắt có vẻ sợ. Lúc ông Trìu về, anh Thái ba chân bốn cẳng chạy lên tâu trình:
- Sao cụ Nguyễn Tuân gọi thủ trưởng là “thằng” - Chữ “thằng” anh nói lí nhí. Ông Trìu cười mà rằng:
- Được một nhà văn lớn như bác Nguyễn Tuân gọi bằng “thằng” thật là hạnh phúc. Bởi ông đã coi mình là một người bạn, quý như đứa em trai.

 Rồi ông xăm xăm đi gặp cụ Nguyễn. Tối hôm ấy ông và cụ Nguyễn uống đến mềm môi. Chân nhà văn gác lên ghế, hai mắt lim dim. Lát sau cụ ngước nhìn bản đồ Thái Bình treo trên tường, hỏi:
- Ông trông bản đồ Thái Bình thế nào?
Ông Trìu đáp:
- Tôi thấy nó như con rùa.
Nhà văn tớp hớp rượu, vỗ đùi “đét” một cái, nói:
- Nó như con rùa, nhưng là con rùa vàng ấp trứng biển Đông. Sự nảy nở cuộc sống Thái Bình là ở con rùa đó.

Mấy hôm sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và làm việc ở Thái Bình. Trên phà Tân Đệ, ông Trìu đã kể lại câu chuyện “con rùa” khi tiếp chuyện cụ Nguyễn cho Đại tướng nghe. Đại tướng cười rất vui: “Ví hình ảnh Thái Bình như con rùa vàng ấp trứng biển Đông, quả không sai”.

Chi tiết trên không dưới một lần ông Trìu kể lại cho tôi và một vài nhà báo, nhà văn khác nữa. Ông Nguyễn Ngọc Trìu coi trọng kẻ sĩ. Câu “Đãi sĩ như kim” bác Khiêu tặng quả không sai. Ông coi các cuộc gặp gỡ với các văn nghệ sĩ như buổi học hỏi, bổ sung kiến thức trong lúc giao tiếp.

Làm quan chức đứng đầu tỉnh, đứng đầu Bộ, trong những năm đánh Mỹ bộn bề bao việc, nhưng thường cứ vài tháng ông cố mời bằng được nhà văn hóa Vũ Khiêu về nói chuyện triết học, văn học, kinh tế, các vấn đề thế giới cho ông nghe. Cách học của ông là vậy.

Nhờ có kiến thức đọc, và “là bạn của giới trí thức” nên lúc nào ông cũng thấy mình là người bình thường và luôn phấn đấu để trở thành... người bình thường. Ông bảo ở đời đạt được sự bình dị trong lối sống, trong sinh hoạt là khó.

Vì thế mà tôi hiểu ông là con người chân thật, con người của nhà nông.

Ông để tâm vào việc học, đọc có hệ thống, ông đọc văn học trong nước, đọc văn học Đông Tây, văn học Mỹ Latinh, nhất là “Tứ đại kỳ thư” của Trung Quốc. Nhờ có kiến thức đọc mà cái hay, cái đẹp trong văn học đã giúp cho sự hoàn thiện nhân cách của vị Phó thủ tướng.

Ông quan hệ với giới nhà văn một cách thân mật và chân tình. Nhiều lần ông mời nhà văn Chu Văn về nhà nghỉ Đồng Châu của tỉnh ủy, ăn ở hàng tháng để hoàn thành tác phẩm. Ông từng nói: “Với Chu Văn, “Bão biển” đâu chỉ là tiểu thuyết, nó còn là bản báo cáo thực tế rất sinh động giúp cho chúng tôi thêm hiểu về một tôn giáo”.

Nhà viết kịch Tào Mạt, người “ốm”, dáng lòng khòng thường hay đột ngột xuất hiện ở phòng ông, rồi lại đột ngột đi. Tào Mạt đến với ông nhiều hơn vào lúc “Bài ca giữ nước” đang gặp khó khăn. Vị Phó thủ tướng biết nhà viết kịch dồn bao tâm huyết để thực hiện. Có lần nhà văn Tào Mạt đã dẹp hết bàn ghế phòng làm việc của Phó thủ tướng, mặc áo mưa, đi giày “săng đá” lộp cộp múa hát. Ông đóng vai “hề hoạn” thật khéo. Ông Trìu bảo: “Nhà viết kịch Tào Mạt đã nói được mặt trái của xã hội mà nhiều ngòi bút còn tránh né. “Bài ca giữ nước” là tác phẩm sân khấu có giá trị cần được lưu giữ, cần được ủng hộ”.--PageBreak--

Lúc sắp mất, Tào Mạt nắm tay ông nói: “Anh cần bảo vệ anh em văn nghệ”. Nói đến thế để biết quan hệ giữa hai ông khăng khít đến chừng nào. Bộ chữ nhà văn Tào Mạt tặng ông Nguyễn Ngọc Trìu treo ở phòng khách hôm nay đủ minh chứng điều đó.

Hôm tôi cùng vào thắp hương các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn nhân dịp 27/7/2005, khi nhắc tới ông Trìu, ông Đặng Khiêu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình nói:
Thời ông Trìu làm Chủ tịch tỉnh, nông nghiệp được mùa mà văn nghệ cũng được mùa. Hầu hết các tác phẩm âm nhạc viết về Thái Bình đều có từ thời ấy như: “Nón trắng trên đồng”, “Đường cày đảm đang”, “Hát lên cô gái Thái Bình”, “Hẹn mùa mười tấn năm sau”. “Bài ca năm tấn” nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết ở Hưng Yên. Khi về Thái Bình ông tỏ lòng cảm ơn nhạc sĩ đã có những đóng góp xuất sắc động viên cho phong trào nông nghiệp cả nước. Ông cùng nhạc sĩ đi xuống các hợp tác xã, lá cờ đầu của ngành nông nghiệp. Và không quên nhắc một cán bộ dưới quyền xuống Nam Cao - Kiến Xương kiếm tấm đũi tặng nhạc sĩ may quần áo.

Các nhà văn khi tiếp xúc với ông Trìu đều thừa nhận ông là con người giản dị, dễ gần. Cách nói của ông thường ngắn gọn, khúc chiết, đầy hình tượng, khiến những khái niệm trừu tượng cũng hóa thành dễ hiểu.

Anh em văn nghệ Thái Bình với ông có một kỷ niệm sâu sắc. Hồi cơ quan mới được thành lập (5/1971) còn ở chung với Ty Văn hóa, ông Đào Ngọc Chế thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch danh dự. Mọi công việc đều do nhà văn Bút Ngữ điều hành. Các đồng chí lãnh đạo Hội cho tôi đi xin đất, với điều kiện phải ở chung với Ty Văn hóa, nghĩa là một nhà, hai biển. Văn hóa là “anh” còn văn nghệ là “đứa em” ngồi bên cạnh.

Hôm gặp ông Trìu ở Hợp Tiến, sau khi nghe tôi trình bày dự định của lãnh đạo Hội, ông gạt đi bảo:
Hội Văn nghệ là nơi tập hợp các văn nghệ sĩ để sáng tác. Phải tạo mọi điều kiện cho họ mới có tác phẩm hay. Anh em nhà văn trong tỉnh có mấy người đó là của “hiếm”, đã “hiếm” thì phải yêu quý nên mọi chính sách về ăn ở, làm việc, trụ sở của Hội phải ngang với cơ quan ty, ngành. Tại sao lại đòi ở chung?  Mỗi nhà văn là nhà tư tưởng, họ có bạn đọc, có “con chiên” của họ. Họ đủ tư cách đứng vững một mình để hóa sơn, hóa thạch.

Anh em nhà văn cả nước, nếu ai đã có dịp gặp ông dù một lần đều mến ông. Đâu phải ông là lãnh đạo mà họ đã tìm thấy tình cảm của ông đối với họ như bè bạn thân thiết vậy. Có người kém ông tới vài ba chục tuổi nhưng vẫn cứ gọi ông bằng anh một cách tin cậy.

Hôm nay tôi cùng ông lững thững đi trên bãi biển Đồng Châu quê hương, nơi có kỷ niệm ông cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bơi giữa sóng, khi hợp tác xã Vũ Thắng đạt 7 tấn. Ông lại nói chuyện biển, chuyện dừa. Ông chỉ cho tôi khi hai tàu lá dừa gió thổi vừa quyện vào nhau. Ông bảo: “Cá chấm đuôi, dừa chấm lá”. Ông giải thích mật độ nuôi cá dưới ao vừa đủ giao đuôi; dừa trồng cách xa nhau vừa đủ chạm lá, như thế mới mau lớn. Cây gì, con gì, ông cũng tổng kết thành những câu ngắn dễ nhớ, dễ thuộc để nông dân còn biết nuôi, biết trồng.

Bước ông đi chầm chậm, như nhà văn Nguyễn Tuân hôm nào lững thững cùng ông xuống bếp ăn tập thể. Ở cái tuổi ngoài tám mươi ông vẫn say sưa đi về nông thôn, say sưa nói về “phở” của Nguyễn Tuân.

Ông nhẩn nha đọc, nhẩn nha ăn, nhẩn nha uống và đôi mắt ông đôi lúc trầm ngâm nghĩ ngợi trước mọi chuyện đang diễn ra thời đổi mới. Ông bảo ông có những người bạn rất trung thành - đó là sách. Ông ví đấy là cuộc tình duyên tràn đầy hạnh phúc của mỗi con người mà dễ mấy ai có được

Võ Bá Cường
.
.