Nguyễn Bính và thơ ứng tác đêm mồng 2 tết

Thứ Bảy, 26/01/2008, 08:30
Năm 1957, Nguyễn Bính gặp "tai nạn" trong việc làm báo. Không thể ở lại thủ đô khi mà lương bổng không còn gì, ông trở về Nam Định.

Ít ra thì ở quê (thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản) ông còn có một nếp  nhà "tư hàng xà" bằng gỗ xoan, mái lợp rạ, là chốn nương thân. Hơn nữa, ở thành phố Nam Định, ông cũng có một số người vừa là bạn bè viết lách, vừa là bạn đọc hâm mộ ông.

Nhóm này gồm: Hiếu Lang, phóng viên báo Đời Mới; Nguyệt Hồ, họa sĩ; Võng Xuyên và Việt Quyên là hai cây bút thơ tầm tầm tỉnh nhỏ.

Nguyệt Hồ từng cầm bút lông chu du "ăn mòn bát thiên hạ". Nguyệt Hồ còn hay được báo Tiểu thuyết thứ năm mời vẽ minh họa. Khi Nguyễn Bính mới bắt đầu cầm bút, Nguyệt Hồ đã giới thiệu để thi sĩ trẻ làm quen với ông chủ bút - nhà thơ Lê Tràng Kiều. Tác phẩm đầu tay "Cô hái mơ" của Nguyễn Bính được Lê Tràng Kiều đón nhận, cho ra mắt ở báo này.

Phóng viên Hiếu Lang thì là cháu nội của nhà chí sĩ - thi sĩ Tam Nguyên Trần Bích San. Cụ Tam Nguyên Trần Bích San có một ngôi biệt thự  ở phố Bến Ngự đẹp nổi tiếng, gọi là Cổ Mai Trang. Sau biệt thự có một khu vườn trồng nhiều loài cây, loài hoa quý. Có cả loài hoa mai tỏa hương thơm.

Ông Hiếu Lang cũng có tâm hồn thi sĩ, biết thừa kế lối chơi tao nhã của ông nội. Ông ở ngôi nhà 259 Hàng Cót, lại có một tư dinh với khu vườn trang nhã ở 294 Hàng Nâu, đặt tên là Tây Viên, cách nhà cụ Tú Xương vài chục bước chân.

Tại Tây Viên, ông Hiếu Lang cũng sưu tầm được nhiều thứ cây, loài hoa quý. Có thứ chiết ghép từ Cổ Mai Trang của ông nội. Có thứ ông phải mua từ nơi xa đem về. Cứ ở đâu đánh tiếng có cây, có hoa gì vừa lạ vừa đẹp là ông Hiếu Lang tìm đến "mục sở thị".

Mặc dù Nguyễn Bính từ Hà Nội trở về Nam Định trong tư thế của một kẻ thất sủng, không ít người tìm cách tránh mặt ông, nhưng với Hiếu Lang, trước sau Nguyễn Bính vẫn là bạn. Ngôi nhà của Hiếu Lang lúc nào cũng mở rộng cửa đón Nguyễn Bính và bạn bè viết lách.

Tối mồng 2 tết Kỷ Hợi (1959), nhóm 4 người: Hiếu Lang, Nguyệt Hồ, Việt Quyên, Võng Xuyên, cộng với Nguyễn Bính là 5, ngồi trong ngôi nhà 259 Hàng Cót bên mâm cỗ tết. Họ ngồi nhâm nhi tới đêm khuya.

Ngoài trời hãy còn rét ngọt, mưa phùn giăng mắc, xiên chéo mù mịt. Đúng lúc họ đang say sưa thì đột nhiên Hiếu Lang thông báo, ở đằng Tây Viên có cây bạch đào đã nở hoa! Hiếu Lang vừa dứt lời thì cả 5 người đều buông bát đũa, đứng dậy. Phải đi thưởng hoa quý cái đã!

Ngày ấy các thi nhân thưởng hoa kỹ lắm, chứ không mang tính hình thức, qua quýt như  một số thi sĩ bây giờ. Chả thế mà đêm hôm rét mướt, 5 người cứ đội mưa đội gió mà đi bộ từ 259 Hàng Cót sang 294 Hàng Nâu. Hiếu Lang mở cổng Tây Viên, đưa các bạn đến một khoảng vườn.

Khi Hiếu Lang giơ đèn soi thì cả 4 người cùng reo lên khi họ nhìn thấy những bông hoa đào vừa đẹp vừa lạ mà trong đời họ chưa từng nhìn thấy bao giờ: hoa đào trắng! Những bông hoa mập mạp, bông thì e ấp, bông đã nở xòe, trắng như tuyết, lấp lánh dưới màn mưa phùn, y như hoa trong chốn thiên thai. Các nghệ sĩ lặng đi hồi lâu vì xúc động.

Khi họ trở vào ngôi nhà nằm trong khuôn viên Tây Viên, đã thấy một mâm cỗ ai đó dọn ra, y như có phép mầu nhiệm. Nhưng Hiếu Lang ra điều kiện: Trong 5 người phải có người sáng tác xong một bài thơ về bạch đào thì cả nhóm mới được nâng cốc.

Nguyễn Bính liền cầm nậm rượu rót ra một cái chén "mắt trâu" cổ, nhấp một ngụm cho "ngọt giọng", rồi ông đứng giữa nhà, mắt sáng rực lên. Đầu ông sáng tác đến đâu, miệng ông đọc ra đến đấy:

Bạch đào

Tình cờ không hẹn bỗng mà nên
Một buổi đầu năm tết Kỷ Hợi
Có năm người bạn bến sông Hoàng
Gặp nhau uống rượu mừng năm mới
Chuyện thơ chuyện phú, chuyện non sông
Chuyện trước chuyện sau thật sôi nổi
Bỗng nhiên Hiếu Lang vỗ đùi khoe:
Đệ có cây đào hoa mới bói
Giống đào thật quý nhất xưa nay
Cánh trắng, bông to, sương tuyết gội...
Chợt nghe hoa quý nở vườn xuân
Bỏ ngay câu chuyện, lòng phơi phới
Nửa đêm đội mưa ra đi ngay
Quản chi nhà xa đường ướt lội
Như có người yêu hé cửa chờ
Như có bạn cũ đốt trầm đợi
Nhớ lại thời xưa Bất Thượng Thuyền
Lý Bạch nằm say không trở gối
Vì hoa nên phải đánh đường tìm
Đây phải chín tầng đem chiếu gọi

Đến nơi mở cửa, đốt đèn lên
Kẻ trước người sau bước vồi vội
Ra mé Tây Viên, tới gốc đào
Lặng ngắm hoa cười, im chẳng nói
Tất cả cùng chung nhớ một câu:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Khách nhân cao hứng đề thơ này.

(Đề tại Tây Viên, phố Vị. Đêm mồng hai tết, năm Kỷ Hợi)

Cái câu thứ hai từ dưới lên, Nguyễn Bính mượn ý bài thơ Lưu Nguyễn nhập thiên thai của Tào Đường, có hai câu:

Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi

Nghĩa là:

Hoa nương cửa động hoa thơm mãi
Nước xuống cõi trần nước chảy xuôi

Cả Nguyệt Hồ, Hiếu Lang, Võng Xuyên, Việt Quyên đều đã từng biết tài ứng khẩu thành thơ của Nguyễn Bính, nhưng lần này họ vẫn rất đỗi ngạc nhiên, bởi chưa khi nào Nguyễn Bính lại "xuất khẩu"với một bài thơ dài mà ý tứ, ngôn từ không đến nỗi gò bó, áp đặt như  "Bạch đào".

Lúc ấy họ mới ngồi vào mâm, rót rượu đầy chén, nâng cao chúc mừng nhà thơ. Đêm ấy họ có cớ để thưởng xuân sang tới canh ba.

Còn tôi, kẻ hậu sinh viết bài này, chỉ lấy làm tiếc rằng, hôm nay không còn nhìn thấy cái giống đào hoa trắng, cái giống hoa mai có hương thơm - những giống hoa quý phái thượng đẳng của tiết xuân xứ Bắc nói chung, Thành Nam nói riêng, dù năm nào đi chợ tết tôi cũng để tâm kiếm tìm

Lê Hoài Nam
.
.